Phát hiện biểu đồ ‘kinh lạc’ cơ thể người có tuổi thọ 2.200 năm ở Trung Quốc

Việc giải mã những Hán tự cổ trên một tấm vải lụa có tuổi thọ 2.200 năm đã làm sáng tỏ một trong những công nghệ tiên tiến y học của Trung Quốc cổ đại. Cụ thể hơn, đó chính là thuật châm cứu và sự tồn tại của các đường ‘kinh lạc’ trong cơ thể người.

Một bản thảo tiếng Trung viết trên lụa có niên đại 2.200 năm tuổi chính là biểu đồ kinh lạc cơ thể người lâu đời nhất trên thế giới. (Ảnh: The History Collection, Alamy)

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều cổ vật từ việc khai quật các ngôi mộ cổ trên khắp thế giới. Năm 2017, khi nghiên cứu kiểm tra địa điểm của một ngôi mộ 2.200 năm tuổi ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu không chỉ tìm thấy hài cốt người mà còn khám phá ra một cổ vật có thể là biểu đồ nghiên cứu cổ xưa nhất được biết đến về cơ thể người.




Theo tạp chí Live Science, một bản thảo tiếng Trung được viết trên một dải lụa đã được phát hiện bên trong các lăng mộ tại Mã Vương Đôi, một địa điểm khảo cổ tại miền trung Nam Trung Quốc.

Các ngôi mộ thuộc về Lý Cương và gia đình của ông. Xác của vợ ông, Tân Truy phu nhân, nổi tiếng là một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất trên thế giới.

Được biết đến với tên gọi “Y thư Mã Vương Đôi”, những dải lụa với Hán tự cổ đại viết trên đó được tìm thấy bên trong các ngôi mộ là trọng tâm của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Anatomical Record vào đầu tháng 9 năm 2020. Văn bản trên dải lụa cổ ghi chép về các mô tả giải phẫu cơ thể người. Nhưng việc tìm hiểu nội dung của các dòng chữ cổ trên dải lụa này không phải là một việc dễ dàng.

Bài nghiên cứu viết: “Các kỹ năng cần thiết để giải thích được chúng rất đa dạng, đòi hỏi nhà nghiên cứu trước hết phải đọc hiểu được bản gốc tiếng Trung cổ, và thứ hai là thực hiện các nghiên cứu giải phẫu theo các phương pháp y học Trung Hoa cổ đại và Trung y hiện đại nhằm kiểm nghiệm lại các kiến thức mà các văn bản đề cập đến”.




Văn bản y học được phát hiện bên trong các ngôi mộ tại địa điểm Mã Vương Đôi nổi tiếng ở Trung Quốc. (Ảnh: Shuttercock)

Trong văn bản này, các ý học gia Trung Quốc cổ đại đã sử dụng thuật ngữ “kinh lạc”, một thuật ngữ có mối liên hệ mật thiết đến châm cứu. Châm cứu là một phương pháp điều trị y học cổ truyền trong văn hóa Trung Quốc, trong đó tập trung vào các “huyệt vị” và việc điều hòa lưu lượng máu bên trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu trong dự án này giải thích “kinh lạc” tương tự như một mạch máu lớn trải dài qua các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Ví dụ, một dòng của bản thảo cổ được cho là mô tả một đường kinh lạc bắt đầu từ “trung tâm của lòng bàn tay, đi dọc giữa hai xương ở cẳng tay, dọc theo các gân ở bắp tay, đến nách, và kết nối đến tim” tương tự đường đi của động mạch chủ.




Một phần khác của văn bản mô tả một “đường kinh lạc” ở bàn chân “bắt đầu từ ngón chân cái và chạy dọc theo bắp chân. Kết nối mắt cá chân, đầu gối và đùi. Nó di chuyển dọc theo các ống dẫn của đùi, rồi lan đến và bao phủ vùng bụng”. Mô tả này tương ứng với hệ thống tĩnh mạch chi dưới.

Những phát hiện này đáng chú ý bởi hai lý do. Thứ nhất, dựa trên niên đại của các ngôi mộ có từ thời nhà Hán từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên, các văn bản này chắc chắn là những biểu đồ y học cổ xưa nhất được biết đến trên thế giới mô tả giải phẫu cơ thể người.

Như đã nhắc đến, dòng chữ trên những dải lụa ‘chính là ‘bản đồ’ giải phẫu sinh học sớm nhất còn tồn tại, cung cấp một mô tả khá chi tiết về thân thể con người cho y sinh và y học gia thời Trung Quốc cổ đại”.

Khám phá này đã làm sáng tỏ về các đường ‘kinh lạc’ bí ẩn và thắc mắc trong giới y học hiện đại về nguồn gốc của châm cứu Trung Quốc và các cơ sở khoa học của nó. (Ảnh: Wikipedia)




Trước đây, biểu đồ y học cổ nhất về giải phẫu cơ thể người được cho là có nguồn gốc từ Hy Lạp. Các nhà sử học tin rằng các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại như Herophilus và Erasistratus – cả hai đều sống trước thời nhà Hán – có khả năng là tác giả của các văn bản y học cổ đại như vậy. Nhưng hầu hết các văn bản của họ đã bị thất lạc và chỉ được biết đến từ những gì các tác giả cổ đại khác đã viết về họ.

Thứ hai, bản thảo y học phản ánh các mối liên hệ rõ ràng về thực hành y học cổ truyền và cung cấp bằng chứng cho thấy các y sĩ châm cứu đã thực hành dựa trên những quan sát thực tế về cơ thể con người.

Hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về nguồn gốc của phương thức khám phá ra biểu đồ giải phẫu này. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các lý thuyết giải phẫu có thể đến từ việc mổ xẻ thi thể của tội phạm. Vào thời Trung Quốc cổ đại, hài cốt của con người được coi là thiêng liêng và cần bảo quản giữ gìn thật tốt, nhưng những người đến từ tầng lớp thấp của xã hội thì không thể vinh dự được bảo quản thi hài của họ.





Bài nghiên cứu nhấn mạnh rằng những thông tin khôi phục được từ phát hiện này cũng cho thấy “các quan điểm y học của Châu Âu” trong đó. Mặc dù ở các nền văn hóa bên ngoài phương Tây cũng đã tồn tại lịch sử lâu đời của họ về y học, các nghiên cứu trước đây thường bỏ qua việc nghiên cứu các thực hành y học cổ xưa.

Đặc biệt, Trung Quốc có lịch sử lâu đời về các nghiên cứu y học từ hàng nghìn năm trước như Biểu đồ Giải phẫu nội tạng của Cun Zhen Tu và Minh họa Ngũ tạng của Ou Xifan Wuy Zang Tu từ triều đại nhà Tống năm 960 sau Công nguyên.

Phát hiện mới này cũng đã mang lại niềm hy vọng cho nền y học cổ truyền Trung Quốc. Có lẽ trong tương lai không xa, lịch sử nghiên cứu y học phong phú của đất nước này cuối cùng cũng sẽ có được một vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới.
Nguồn: NTDVN – Theo All That’s Interesting

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *