Chuyện kể rằng, trên cổng thành Gia Dục Quan có một viên gạch màu xanh xám đặt lỏng lẻo trên mép tường đã hàng trăm năm, nhưng lại không một ai dám động vào. Viên gạch này được gọi là “Gạch định thành”.
Gia Dục Quan – cửa ải chính nằm ở cực tây của Vạn Lý Trường Thành (ảnh: Wikimedia Commons).
Gia Dục Quan là cửa ải chính nằm ở cực tây của Vạn Lý Trường Thành, gần trung tâm đô thị của thành phố Gia Dục Quan tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Đây cũng là công trình quân sự cổ đại nguyên vẹn nhất còn lại đến ngày nay, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Tương truyền, vào thời Minh Vũ Tông, niên hiệu Chính Đức (năm 1506), triều đình nhà Minh vì để tăng cường phòng ngự phía tây bắc nên đã lệnh cho Lý Đoan Trừng chủ trì công việc xây dựng tường và cổng thành Gia Dục Quan. Người giám sát thi công là Hiệu Úy Hác, vốn bản tính hẹp hòi, xấu xa, thường xuyên đánh mắng thợ nề không kiêng nể.
Trong những thợ xây dựng thành có một người tên là Dịch Khai Chiêm, nổi tiếng là có tay nghề giỏi, được nhiều người tin tưởng. Anh ta có khả năng tính toán rất giỏi, bất kỳ công trình kiến trúc nào anh ta cũng đều tính toán chính xác đến từng chi tiết, không bao giờ để lãng phí nguyên vật liệu, chất lượng công trình cũng rất cao, chắc chắn, hình dáng đẹp.
Người giám sát không tin trình độ của Dịch Khai Chiêm nên cố tình bới móc để tìm cho ra lỗi. Trước ngày thi công, ông ta bắt Dịch Khai Chiêm tính tổng số gạch dùng để xây dựng Gia Dục Quan, ông cố tình hỏi: “Việc xây dựng này chính xác phải cần bao nhiêu viên gạch?”.
Dịch Khai Chiêm sau khi tính toán chi tiết liền nói: “Tôi đã tính hết rồi, tổng cộng cần 99.999 viên gạch”.
Người giám sát nghe xong, nói: “Ta sẽ giao đúng số lượng gạch mà ngươi vừa tính, nếu thừa hoặc thiếu một viên nào thì sẽ cho trảm đầu nhà ngươi và phạt các thợ khác lao dịch 3 năm”.
Dịch Khai Chiêm tính toán chính xác nên không lo lắng, anh cùng những người thợ khác nhanh chóng bắt tay vào xây dựng thành. Cuối cùng, tường thành cũng đã xây xong, số lượng gạch không thừa, không thiếu một viên, cả đội thợ đều thở phào nhẹ nhõm. Đúng lúc đó, có người cầm một viên gạch hộc tốc chạy đến tìm Dịch Khai Chiêm, khiến ai nấy đều chết lặng, niềm vui vừa đến trong chốc lát cũng tan biến. Dịch Khai Chiêm nhấc viên gạch lên, suy nghĩ một lúc, rồi đặt viên gạch vào mép cổng thành Tây Ông.
Viên gạch thừa trong truyền thuyết của Gia Dục Quan, nằm lỏng lẻo trên mép tường thành (ảnh: Emcc83 / Wikimedia Commons).
Người giám sát sau khi nghe thấy liền chạy ngay tới tìm Dịch Khai Chiêm, hét to lên rằng: “Chẳng phải ngươi bảo đã tính toán rất kỹ rồi sao? Giờ thừa ra một viên gạch, ngày mai ngươi hãy đem cái đầu của ngươi tới đây”. Dịch Khai Chiêm chậm rãi nói: “Đó là viên gạch do Thần Tiên đặt vào, là viên gạch cố định thành, nếu dịch chuyển nó, toàn thành sẽ đổ sập”.
Người giám sát vốn muốn lợi dụng cơ hội này để trừ tiền công của Dịch Khai Chiêm và các thợ nề, nhưng khi nghe nói thế thì không dám truy cứu nữa, chỉ từ từ lẻn đi mất. Từ đó, viên gạch này vẫn mãi nằm ở đó, không ai dám động tới, người đời sau gọi nó là “Gạch định thành”.
Nguồn : DKN/Secretchina