“Chúa tạo ra Adam” và Vương quốc bên trong chúng ta

Trong bài viết “Diễn giải tranh ‘Chúa Tạo Ra Adam’ của Michelangelo theo Giải Phẫu Học Thần Kinh”, tiến sĩ Frank Lynn Meshberger cho rằng bức tranh có hàm ý Chúa chính là ý thức. Ông cho rằng các bài thơ và nghiên cứu giải phẫu của Michelangelo đã nói lên điều đó.
Chúa tạo ra Adam là một phần nhỏ của bức bích họa do Michelangelo vẽ tại Nhà Nguyện Sistine. Nó đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng và thường được nhắc đến trong các tác phẩm điện ảnh và văn học. Loạt phim Westworld của HBO từng sử dụng hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng của ý thức. Nhân vật trong phim, tiến sĩ Robert Ford do Anthony Hopkins thủ vai, dùng Chúa sáng tạo Adam để ám chỉ một trong những người máy giống hệt người do ông chế tạo với thông điệp “ý thức là một món quà đích thực mà Tạo hoá trao cho vạn vật”.

“Chúa tạo ra Adam” (1508-1512) Michelangelo Buonarroti. Nhà nguyện Sistine, Vatican.




Cách diễn dịch này có thỏa đáng hay không? Có phải Michelangelo cho rằng Thiên Chúa không gì hơn là ý thức? Hay ý thức là mối liên kết giữa con người và Thiên Chúa? Hay ông chỉ đơn giản là biểu đạt hiểu biết của mình về một câu chuyện trong Kinh Thánh?

Trong bài viết “Diễn giải tranh ‘Chúa Tạo Ra Adam’ của Michelangelo theo Giải Phẫu Học Thần Kinh”, tiến sĩ Frank Lynn Meshberger cho rằng bức tranh có hàm ý Chúa chính là ý thức. Ông cho rằng các bài thơ và nghiên cứu giải phẫu của Michelangelo đã nói lên điều đó.

Trong thơ của mình, Michelangelo cho rằng sự sáng tạo thành hình trong trí tuệ trước vai trò của đôi tay. Và thông qua kiến ​​thức giải phẫu tử thi, ông đã vẽ hình ảnh một mặt cắt ngang của não để diễn tả người nắm giữ nguồn sáng tạo: Thiên Chúa. Hãy nhìn hình ảnh Chúa, các thiên thần và tấm vải hình elip phía sau, bạn có thể thấy dáng dấp của một bộ não cắt ngang.

Điều này nói lên rằng có tồn tại phi vật chất, đó là tâm trí và tinh thần, chi phối vật chất, chính là cơ thể chúng ta.




Đây có phải là một lý giải thuyết phục cho tác phẩm của Michelangelo? Không ai có thể chắc chắn trừ phi chính tác giả nói ra. Trên thực tế, Tiến sĩ Michael Salcman, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, cho rằng: “Hệ thống thị giác của chúng ta có khả năng tự thêm các chi tiết để sáng tạo ra ý nghĩa cụ thể ngay cả khi không rõ hình dạng hay ý nghĩa thật sự của sự vật”. Con người có thể mường tượng ra một hình ảnh khi nhìn vào một hình dạng trừu tượng, chẳng hạn như các đám mây. Dù sao thì việc suy đoán các khả năng cũng tạo ra các kết quả thú vị.

Trước khi biết đến ý nghĩa này của bức tranh Chúa tạo ra Adam – rằng Chúa là ý thức – tôi chỉ nghĩ rằng Chúa đang tạo ra Adam theo sự hiểu biết của Michelangelo về giáo lý của Công Giáo. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các lý giải khác nhau, tôi như được làm mới chính mình. Michelangelo là một người sùng đạo Công giáo, và Chúa Giêsu đã nói rằng “Vương quốc Chúa ngự ở trong con”. Có lẽ Michelangelo đã hiểu câu nói này theo nghĩa đen trong thời gian ông nghiên cứu giải phẫu tử thi, hoặc có thể ông chỉ đơn giản là sử dụng nghệ thuật của mình để thể hiện yếu tố phi vật chất.




Bất luận chủ định của Michelangelo là gì thì giờ đây, tôi đã trải nghiệm bức bích họa theo một cách khác. Hình ảnh Adam trần trụi như muốn nói rằng, chúng ta đến thế giới này trần trụi và ra đi không mang theo gì. Không gì khác ngoài cơ thể Adam nằm trên mặt đất và bàn tay của Chúa vươn đến. Adam dường như tồn tại giữa thiêng liêng và trần tục. Nhưng điều gì khiến Chúa đến gần để chạm vào bàn tay vươn ra của Adam? Phải chăng là sự trần trụi?

Với tôi, sự trần trụi này đại diện cho thiếu vắng của ích kỷ vị tư. Adam không sở hữu bất cứ thứ gì hay có dục vọng cho bất cứ điều gì. Bàn tay vươn ra ngập ngừng và tư lự, anh đang ngả người một cách thư giãn và thoải mái. Tuy nhiên, nó không nói lên điều gì về cách anh cảm nhận về Chúa, vì khuôn mặt anh nhìn lên chăm chú đầy sùng kính. Thay vào đó, trạng thái vô ngã, tĩnh lặng này là điều khiến Chúa vươn tới những gì Ngài đã tạo ra.

Bản thân bức bích họa có tựa đề là Chúa tạo ra Adam. Thiên Chúa tạo ra Adam theo cách Ngài muốn. Với tôi, trạng thái vô ngã và không còn dục vọng là những gì làm hài lòng Ngài.




Tuy nhiên, người ta có thể tranh luận rằng cánh tay Adam uể oải vì vẫn chưa có năng lượng trước khi Chúa đến trao ban sự sống. Tư thế ngả nghiêng và thiếu nhiệt tình cũng nói lên rằng Adam đang dần có sự sống. Biểu hiện của anh không phải là thành kính mà là khát khao mong muốn Chúa hoàn thành nhiệm vụ của Ngài, ban cho sự sống. Điều này dường như trái ngược với ý kiến ban đầu của tôi.

Ngay cả với cách lý giải này, ngay cả khi Adam có khát vọng sống, mong đợi và khát khao luôn hướng về Chúa và không gì khác. Dù theo cách nào, thì việc sùng kính hay khao khát trong biểu cảm của Adam là điều kiện tiên quyết của việc Chúa mang lại sự sống.

Nhưng có lẽ, Chúa đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đó là Adam đã có sinh khí. Adam chưa thực sự bước vào cuộc sống, mà chỉ đang phản ứng với món quà của sự sống. Anh nghiêng mình, giữ khoảng cách giữa bàn tay mình với bàn tay của Chúa, và vẻ sùng kính trên khuôn mặt Adam diễn tả sự biết ơn của anh trước đặc ân này. Điều đó cho thấy, Michelangelo đã chủ đích vẽ Adam thật sống động nhưng với một tư thế kính cẩn, thư giãn và vô tư trước hiện thân của Chúa, như một biểu tượng của lòng biết ơn với món quà của Ngài.




Tôi không hoàn toàn bị thuyết phục với lý giải hình ảnh Chúa trong mặt cắt ngang của bộ não; Nhưng nếu đúng như vậy, tôi cũng muốn nghĩ rằng Adam đã làm điều đó với cùng một lý do: chỉ khi chúng ta ở trong trạng thái thư giãn và tĩnh lặng thì mới tiếp xúc được Thần. Trạng thái mà tâm trí cho phép chúng ta trải nghiệm những điều thiêng liêng trong thời gian ngắn ngủi sống trên địa cầu này.


Tôi không biết ý định của Michelangelo trong bức bích họa này nhưng tôi trân quý nó, vì đã 500 năm trôi qua, nó vẫn không ngừng gây tò mò cho chúng ta. Có lẽ, quá trình nhìn vào bên trong bản thân mình và những gì tôi thấy được từ bức tranh này là một phần trong hành trình của tôi đến Vương quốc bên trong mình.

Nghệ thuật có một khả năng phi thường là cho ta thấy những gì ta không thể thấy, nên ta có thể thốt lên rằng: “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với tất cả những ai nhìn thấy nó?”, “ Nó ảnh hưởng thế nào đến quá khứ và tương lai?” “Nó nói lên gì về trải nghiệm của con người?” Đây là một số câu hỏi tôi sẽ khám phá trong loạt bài “Hướng vào nội tâm” (Reaching Within): Nghệ thuật truyền thống mang đến gì cho trái tim.

Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện thực hành (practicing representational artist). Ông hiện đang học tiến sĩ tại Viện Nghiên Cứu Tiến Sĩ Về Nghệ Thuật Thị Giác (IDSVA).

Nguồn: NTDVN – Theo Eric Bess

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *