Di chỉ Sacsayhuamán: Các khối đá ăn khớp một cách hoàn hảo, bố cục theo quy luật thiên văn, đồng nhất với các di chỉ khác cách xa nửa bán cầu, ẩn giấu một hệ thống chữ viết cổ có niên đại 30.000 năm, không chỉ thay đổi lịch sử thời Đồ Đá mà còn cả lịch sử nhân loại.
Một phần của Sacsayhuamán (Ảnh: wikimedia)
Sacsayhuamán, nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Cuzco của đế quốc Inca cổ (nay thuộc Peru), là một trong những pháo đài ấn tượng và huyền bí nhất dãy Andes. Kiến trúc kỳ vĩ này được cấu tạo từ các tảng đá lớn đồ sộ, với mức độ ăn khớp giữa các tảng đá đáng kinh ngạc đến nỗi máy móc và công nghệ hiện đại không thể tái lập. Đến nay, phần lớn Sacsayhuamán vẫn bị bao trùm trong lớp màn bí ẩn. Các khối đá ở Sacsayhuamán được vận chuyển và sắp đặt như thế nào – đây là câu hỏi vẫn chưa tìm được đáp án.
Mức độ ăn khớp giữa các tảng đá đáng kinh ngạc đến nỗi máy móc và công nghệ hiện đại không thể tái lập. (Ảnh: Internet)
Các khối đá được sắp đặt ăn khớp với nhau mà không cần đến vữa, chính xác đến nỗi không để đút lọt một tờ giấy mỏng.
Tác giả, nhà nghiên cứu TS Derek Cunningham, đã đưa ra một giả thuyết thú vị nhưng đầy tranh cãi. Dựa trên kết quả nghiên cứu về công trình quần thể đá Sacsayhuamán, ông cho rằng các góc cạnh kì lạ tạo nên bởi các khối đá này chính là các số liệu thiên văn của mặt trăng, mặt trời và trái đất, cũng như nhật thực và nguyệt thực. Người Inca cổ đại đã biết được những điều này.
Đây không phải điều gì đó quá ngạc nhiên bởi có rất nhiều đền thờ cổ đại được bố cục theo thiên văn. Tuy nhiên giả thuyết khác thường mà TS Cunningham đề xuất chính là tổ tiên chúng ta đã phát triển được ‘chữ viết’ cách đây ít nhất 30 000 năm từ một dạng ký tự hình học dựa trên chuyển động của mặt trăng và mặt trời.
Ảnh chụp từ trên cao: góc cạnh kì lạ của các khối đá tại di chỉ Sacsayhuamán chính là các bố cục thiên văn phức tạp. (Ảnh: Internet)
Ông khẳng định rằng dạng ký tự thiên văn cổ đại như ở Sacsayhuamán, cũng được tìm thấy trong cả hai hang động Lascaux và Chauvet ở Pháp, đốt xương Ishango ở châu Phi, và một viên đá chạm khắc khoảng 30.000 năm tuổi được tìm thấy tại khu di tích thời đồ đá cũ Thủy Động Câu ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Cunningham bắt đầu quan tâm đến Sacsayhuamán khi lần đầu tiên bắt gặp một loạt các mẫu tự kỳ lạ trên mặt đất, gần một số di chỉ ở Scotland, Vương quốc Anh. Phát hiện này đã thúc đẩy ông tìm kiếm các di tích cổ đại khác, với hy vọng tìm thấy những nơi tương tự, và ông đã đạt được mục đích.
Ông nhận thấy các góc tạo bởi các tảng đá Sacsayhuamán tiết lộ điều gì đó phi thường.
Ông Cunningham nói: “Mỗi giá trị thiên văn (có tất cả 9 giá trị tiêu chuẩn) sẽ được các nhà thiên văn học cổ đại chọn ra để hỗ trợ việc dự đoán nhật thực và nguyệt thực. Những số hạng thiên văn này là sự kết hợp của các giá trị được các nhà thiên văn học sử dụng để đo lường thời gian (27.32 ngày – tháng thiên văn) và các giá trị để xác định khi nào mặt trăng, trái đất và mặt trời nằm thẳng hàng. Để làm được việc này cần sử dụng chu kỳ nút (chu kì giao điểm) 18,6 năm của mặt trăng, khoảng thời gian 6,511 tháng giữa hai mùa nhật/nguyệt thực liên tiếp, và độ nghiêng trục quay 5,1 độ. Các giá trị còn lại thông thường là một nửa giá trị của các kỳ âm lịch, hoặc các giá trị có liên hệ với sự chênh lệch 11 ngày giữa năm âm lịch và năm dương lịch”, TS Cunningham cho hay.
Một bức tường tại Sacsayhuamán với các góc đa giác đặc biệt. (Ảnh: Derek Cunningham)
Tiến sĩ Cunningham tin rằng các nhà khoa học nên tập trung vào các ký tự ẩn tàng được phát hiện tại Sacsayhuamán. Ông nói:
“Hiện nay, nhiều bằng chứng thiết thực cho thấy hệ thống chữ viết cổ xưa này đã được sử dụng liên tục cho đến 500 năm trở lại đây,” .
“Gần đây, kết quả phân tích các bức tượng nhỏ Muisca Tunjo từ Columbia (Nam Mỹ) cho thấy chúng được chế tác theo đúng mẫu thiết kế thiên văn của những bức tượng nhỏ thời kì Đồ Đồng được tìm thấy ở Cộng hòa Síp (gần Trung Đông, bên dưới Thổ Nhĩ Kỳ)”.
“Việc một hệ thống văn tự từ thời kì Đồ Đá được sử dụng “khá gần đây” vào thời cận đại – khám phá này khiến tôi có một cái nhìn mới về kiến trúc Inca giai đoạn khoảng thế kỉ 15 đến 16, vốn nổi tiếng với những bức tường đá ăn khớp với nhau một cách phức tạp đến mức khó tin.
Tôi tự hỏi liệu những bức tường đá đa giác, đa góc cạnh khổng lồ ở Sacsayhuamán có được sắp đặt theo đúng các giá trị thiên văn như ở những bức tượng Muisca ở Columbia và hình vẽ người khổng lồ Atacaman ở Chile hay không?
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: CÓ.”
Các bức tường đa giác, đa góc cạnh tại Sacsayhuamán được bố cục theo các giá trị thiên văn chứ không phải tùy tiện. Và chúng ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo. (Ảnh: Derek Cunningham)
“Điều thú vị ở giả thuyết mới này là ở chỗ rất đơn giản và dễ dàng để kiểm chứng,” tiến sĩ Cunningham cho hay.
“Tất nhiên, cần tiến hành thêm các nghiên cứu sâu. Các bức ảnh vệ tinh không thể chụp được trực tiếp khu vực này một cách rõ ràng, và các bức ảnh trên mạng có thể bị chỉnh sửa và bóp méo, tuy nhiên cho đến nay những dữ liệu thu thập được có độ nhất quán cao.”
“Liệu di chỉ này có thể làm sáng tỏ thêm chút ít về rất nhiều di chỉ khác, từ Kim Tự Tháp Ai Cập đến hình người khổng lồ ở sa mạc Atacama, Chile, đây chắc chắn sẽ là một ý tưởng gây tranh cãi, nhưng nó nên như vậy. Tuy nhiên, nếu nó đúng, nó sẽ buộc chúng ta phải viết lại một số điều về không chỉ thời Đồ Đá mà còn cả lịch sử thế giới”.
“Điều hấp dẫn nhất chính là nó có thể mở ra một cái cửa sổ, một lăng kính hoàn toàn mới về lịch sử nhân loại”.
Nguồn: DKN – Theo messagetoeagle