Chuyện đau lòng sau bức ảnh lịch sử vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki

Bức ảnh người anh trai tiễn đưa em nhỏ qua đời vì bom nguyên tử ở Nagasaki, Nhật Bản năm 1945 đã chạm vào trái tim của hàng triệu người.
Sau khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki năm 1945, Nhật Bản đầu hàng và Chiến tranh thế giới 2 đi đến hồi kết.

Sau sự kiện chấn động thế giới khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell tới Nhật Bản để ghi lại sự tàn phá của 2 quả bom nguyên tử thả xuống 2 thành phố trên. Trong thời gian 4 năm, nhiếp ảnh gia O’Donnell đã chụp được nhiều bức ảnh đắt giá ghi lại những tác động của bom hạt nhân đối với người dân Nhật Bản.

Một trong những bức ảnh kinh điển của nhiếp ảnh gia O’Donnell là khoảnh khắc người anh trai đưa tiễn em nhỏ về nơi an nghỉ cuối cùng tại khu hỏa táng. Cậu bé cõng người em bé nhỏ đã chết trên lưng, cố gắng không bật khóc.

caube

Bức ảnh lịch sử người anh mím chặt môi khi đưa xác em tới nơi hỏa táng của nhiếp ảnh gia O’Donnell.

Chia sẻ về bức ảnh lịch sử nổi tiếng trên, nhiếp ảnh gia O’Donnell nói: “Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi, đi chân đất. Nó cõng em trên lưng. Trong những ngày này ở Nhật Bản, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em được anh chị trông nom. Tuy nhiên, đứa trẻ này không phải như vậy. Tôi thấy cậu bé đi đến khu vực hỏa táng nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử vì lý do gì đó rất nghiêm trọng. Khuôn mặt cậu bé nghiêm nghị trong khi đứa em nghiêng đầu như đang ngủ say. Cậu bé đứng đó chừng 5 hoặc 10 phút.


Những người đàn ông đeo mặt nạ trắng bước về phía đứa trẻ, lặng lẽ cởi sợi dây buộc đứa bé ở phía sau. Đó là lúc tôi nhận ra người em ở trên lưng cậu bé đã chết. Những người đàn ông đưa người em tới nơi hỏa táng. Người anh vẫn đứng tại chỗ, mắt không rời ngọn lửa.

Cậu bé cắn chặt môi dưới đến rướm máu. Cậu bé đứng đó tới khi ngọn lửa tắt dần và mặt trời bắt đầu lặn. Đứa trẻ quay lưng và lặng lẽ bước đi”.

Bức ảnh kinh điển của nhiếp ảnh gia O’Donnell đã cho công chúng thấy sức hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân đã gây ra mất mát, đau thương lớn như thế nào cho nhân loại.
Nguồn: Kienthuc – Tâm Anh (theo MO)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *