“Đoạn tụ chi phích” và “Nam hậu” duy nhất lịch sử: Những mối tình đồng tính đình đám nhất Trung Hoa

Thời nay, tình đồng tính đã không còn quá xa lạ. Nhưng trong xã hội Trung Quốc cổ đại, ngay cả những vị hoàng đế với quyền lực che lấp cả thiên hạ cũng vướng vào tình yêu gây không ít lời bàn tán này. Và dưới đây chính là 2 mối tình đồng tính nam “đình đám” nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.

1. “Đoạn tụ chi phích” – Mối tình cắt tay áo
Đổng Hiền tự là Thánh Khanh người vùng Vân Dương, cha là Đổng Cung từng làm đến chức Ngự sử. Vào thời đó, Đổng Hiền còn là một người hầu bên cạnh Thái tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều.

Cho đến một hôm, Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì Lưu Hân, khi đó đã là Hoàng đế nhà Hán, hiệu là Hán Ai Đế, nhìn thấy.

Chỉ nhìn một cái, Ai Đế đã phát hiện, dường như mấy năm không gặp vì Đổng Hiền đã trưởng thành, tuấn tú hẳn lên và nếu đem so với những cung nữ phấn sáp trong lục viện thì anh ta còn kiều diễm hơn.




doantu

Ai Đế không cầm được sự vui mừng lệnh cho Đổng Hiền theo sau mình để hầu hạ. Từ đó Ai Đế ngày càng sủng ái Đổng Hiền. Ngồi cùng xe, ngủ cùng giường, làm gì cũng không rời xa Đổng Hiền.

Ông ta còn phong cho Đổng Hiền làm Hoàng Môn Lang, lệnh Đổng Hiền lúc nào cũng phải ở bên cạnh mình.

Cha của Đổng Hiền là Đổng Cung cũng được thăng lên Bá Lăng Lệnh rồi Quang Lộc đại phu, đều là những chức quan to dưới thời nhà Hán.

Theo sử sách còn ghi chép lại, Đổng Hiền không chỉ có khuôn mặt của một mỹ nhân mà từ ngôn ngữ cử chỉ đều giống phụ nữ, “tính tình dịu dàng”, “giỏi quyến rũ”. Cũng vì thế Ai Đế rất cưng chiều Đổng Hiền.

doantu2




Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của Ai Đế mà ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình.

Thế nên người đời sau mới gọi mối tình của Ai Đế và Đổng Hiền là “Đoạn tụ chi phích”, nghĩ là “mối tình cắt tay áo”.

Ân sủng trong hậu cung còn chưa đủ, Ai Đế còn muốn người được mình yêu thương có một địa vị đứng đầu trong triều chính.

Ai Đế muốn phong Đổng Hiền tước hầu nhưng mãi vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp.

Sau đó vừa lúc thừa tướng Vương Gia chết, trong triều giảm đi một thế lực phản đối Đổng Hiền, Ai Đế đã bãi miễn chức Đại tư mã đang do một người họ ngoại đảm nhiệm, phong cho Đổng Hiền chức vị này.

Đây là chức quan cao nhất trong triều đình nhà Hán.

Lúc bấy giờ Đổng Hiền mới bước vào tuổi 22 mà đã là Đại tư mã, một chức vị có quyền lực rất lớn, cơ hồ đã có thể chia đôi thiên hạ cùng với Hoàng đế.




Theo sử sách còn ghi chép lại thời đó có một vua của Hung Nô đến để triều kiến Hoàng đế triều Hán. Ông ta thấy người giữ chức Đại tư mã quyền lực nhất triều lại là một thiếu niên tuấn tú, bất giác cảm thấy kinh hãi vô cùng.

Khi ông ta hỏi dò, Hoàng đế mới đáp rằng:

Tuy Đại tư mã tuổi còn rất trẻ nhưng là người hiền đức nhất nước này. Vì tài năng mới được thăng chức vị cao như vậy.

Kết quả , Thiền Vu của Hung Nô tin đó là sự thật mới kính cẩn hướng về phía Đổng Hiền hành đại lễ còn chúc mừng hoàng đế triều Hán có được một hiền thần tuổi rất trẻ như Đổng Hiền.

doantu3

Sau đó, tình yêu của Ai Đế dành cho Đổng Hiền dường như không còn biết làm thể nào bày tỏ nữa.




Cuối cùng, vào một ngày, Ai Đế mở yến tại điện Kỳ Lân cùng các quan, sau khi uống vài cốc , đột nhiên Ai Đế nhìn Đổng Hiền bằng đôi mắt đầy thâm tình rồi cười nói rằng:

Trẫm muốn theo vua Nghiêu vua Thuấn thực hiện việc nhường ngôi, liệu có được không?

Ý của câu này chính là Ai Đế muốn học theo cách làm của các vua thời trước lấy ngai vàng của mình nhường lại cho Đổng Hiền. Câu nói của Ai Đế khiến cả triều văn võ bá quan ngỡ ngàng, nói cũng không thành lời.

Mãi một lúc sau mới có một người mới tiến lên phía trước nói:

Thiên hạ này là thiên hạ của Cao hoàng đế chứ không phải là thiên hạ của bệ hạ. Bệ hạ chỉ là người kế thừa lại thiên hạ này của tổ tôn. Nếu truyền lại ngôi vị thì chỉ có thể truyền lại cho con cháu đời đời mà thôi.




Bệ hạ là vua một nước, cần phải biết rằng thiên tử không nói đùa, cho nên ngàn vạn lần không nên nói những lời như vậy!

Ai Đế nghe lời nói này, im lặng không nói thêm lời nào nữa nhưng hiển nhiên là không còn hứng thú gì. Sau đó Ai Đế lệnh đuổi người đó ra khỏi bữa tiệc và về sau có mở yến tiệc cũng không cho ông ta tham gia nữa.

Ai Đế khi đó còn rất trẻ nhưng đã sớm nghĩ đến những ngày sau khi mình chết đi sẽ không còn Đổng Hiền nữa, thấy rất thương tâm.

Ai Đế bèn lệnh cho các đại thần xây dựng bên cạnh lăng mộ của mình một phần mộ khác để chuẩn bị sau này nếu Đổng Hiền có chết thì sẽ an táng bên cạnh phần mộ của mình.

Ý muốn của ông ta là sau khi chết cũng muốn được chôn cùng người yêu của mình, “sống thì cùng giường, chết thì cùng huyệt”. Nhưng điều đó là chưa kịp thực hiện thì ngày họ phải chia tay đã sớm đến.




Tháng 6 năm Nguyên Thọ thứ hai, Ai Đế mới chỉ 26 tuổi mắc bạo bệnh mà chết. Thái hoàng thái hậu để cho Vương Mãng làm chủ việc triều chính.

Vương Mãng cực lực phản đối Đổng Hiền, có ý muốn loại bỏ ông ta. Đổng Hiền cũng biết mình gặp đại họa đến nơi rồi, vì thế ông ta đã tự sát tại nhà để tránh hậu hoạ và cũng là để đáp lại mối tình của Ai Đế dành cho mình.

2. Nam Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Trung Hoa
Hàn Tử Cao, dã sử còn gọi là Trần Tử Cao, vốn tên thật là Man Tử. Hàn Tử Cao là người Sơn Âm, Lương Triều, vốn xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn, phải mưu sinh bằng nghề khâu giày.

Nhưng trái ngược với hoàn cảnh sống tăm tối, hèn hạ, tương truyền chàng có diện mạo đẹp đẽ, sáng tươi như ngọc, tóc mượt đen dài, mắt đẹp mày tằm. Hàn Tử Cao còn có dáng hình tuấn tú, cao dong dỏng, đôi tay dài nhìn rất cuốn hút, khiến cả nam giới lẫn nữ giới đều yêu mến, đặc biệt các thiếu nữ thì rất si mê.




Nhan sắc của Hàn Tử Cao được Phùng Mộng Long xếp vào hạng “cực phẩm”. Người ta có thể nghi ngờ tâm địa của họ Hàn nhưng nhan sắc của y thì tuyệt nhiên không thể hoài nghi.

Tuy nhiên, những từ ngữ tuyệt mỹ khó hiểu có lẽ không thể giúp hình dung ra nhan sắc Hàn Tử Cao quyến rũ tới mức nào. Các sử gia không phải không hiểu điều đó. Vì thế, họ đã ghi lại không ít câu chuyện mà người dân vẫn không ngừng truyền tai nhau để minh chứng cho nhan sắc của họ Hàn.

Thời đại mà Hàn Tử Cao sống, bạo loạn nổi lên khắp nơi, giặc dã thường xuyên cướp bóc, chém giết không nương tay. Một lần khi đang ngồi đóng giày, Hàn Tử Cao thấy ầm ầm ngựa phi, tiếng hò hét kêu khóc ngày càng gần. Ngẩng lên thì đã thấy loang loáng ánh đao sắp kề vào cổ.

Thế nhưng lúc Hàn Tử Cao nhìn thấy mặt kẻ định giết mình thì thanh đao cũng dừng lại, tên cướp chăm chăm nhìn mặt Tử Cao. Vẻ đẹp dịu dàng, tươi sáng của chàng thanh niên đã khiến tên cướp quen giết người không ghê tay đó chùn lại. Hàn Tử Cao thoát chết trong gang tấc.




Chuyện còn kể rằng nhiều tên cướp khi nhìn thấy vẻ đẹp của Tử Cao đã vứt bỏ binh khí, chẳng nỡ tổn thương chàng dù là một sợi tóc, thậm chí còn kéo chàng chạy trốn khỏi đám hỗn loạn.

Khi đang chuẩn bị trở về quê hương, Hàn Tử Cao vô tình gặp quan Ti Không Trần Tây, cháu trai của vua Trần Bá Tiên, sau này Trần Tây chính là vua Trần Văn Đế (522-566). Sau khi gặp Hàn Tử Cao, Trần Tây biết rằng mình sẽ cùng người đàn ông này chung sống cả đời.

doantu5

 Ông bèn ngỏ ý mời Hàn Tử Cao đi cùng, hưởng vinh hoa phú quý cả đời. Tử Cao tin người đàn ông trẻ tuổi anh tuấn trước mặt có thể mang đến may mắn cho mình, liền gật đầu đồng ý.

Trần Tây cho rằng tên Man Tử quá tầm thường, nên đổi thành Tử Cao. Trần Tây còn hứa hẹn với Tử Cao rằng:




Nếu sau này ta làm vua, sẽ lập ngươi làm hoàng hậu, giang sơn này là của riêng đôi ta.

Hàn Tử Cao được Trần Tây vô cùng sủng ái. Họ sống chung với nhau, thân thiết hơn vợ chồng. Tính tình Trần Tây vô cùng nóng nảy, thường hay tức giận, nhưng chỉ cần thấy Hàn Tử Cao là nhanh chóng tiêu tan.

Con gái của Trần Bá Tiên, em họ của Trần Tây vốn có vị hôn phu diện mạo tuấn tú là Vương Tăng Biện. Nàng không tin có người nào đẹp trai hơn vị hôn phu của mình, bèn tò mò tới chiêm ngưỡng nhan sắc của Tử Cao, người mà anh trai mình ngày đêm theo đuổi. Sau khi nhìn thấy Hàn Tử Cao, nàng ngày đêm tương tư, đến mức ho ra máu mà chết. Trần Tây vì việc này mà trút giận lên hôn phu của em mình, bắt giết cả gia tộc Vương.

Khi sống cùng Trần Tây, Tử Cao ngày ngày chăm chỉ luyện bắn cung và võ nghệ, dần được xem là kỳ tài. Do lập nhiều công trạng, lại nhiều lần vào sinh ra tử với Trần Tây, Hàn Tử Cao được phong làm tướng quân, trở thành người được Trần Tây tín nhiệm nhất. Tình cảm giữa hai người cũng ngày một thân thiết, bên nhau như hình với bóng.




Lên ngôi hoàng đế, Trần Tây thực hiện lời hứa của mình, sắc phong Hàn Tử Cao làm hoàng hậu. Thông tin này truyền ra ngoài khiến triều đình vô cùng kinh ngạc. Sau nhiều lần tranh cãi, Trần Văn Đế đành không lập nam hoàng hậu. Tuy nhiên, lòng vua vẫn luôn có một hoàng hậu duy nhất là Hàn Tử Cao.

doantu4

Trước khi Trần Văn Đế băng hà vào năm 566, vua không cho ai vào chăm sóc ngoài Hàn Tử Cao. Những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh đều một mình Hàn Tử Cao túc trực hầu thuốc, không rời nửa bước.


Trần Văn Đế, tức Trần Tây là vị vua thứ hai của triều Trần vào thời Nam Bắc triều (420-589), tại vị 7 năm, niên hiệu là Thiên Hạ. Sau khi Trần Văn Đế qua đời, em trai vua là Trần Tu ý đồ soán ngôi, gán tội mưu phản xử chết Hàn Tử Cao.

Gần đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện hai ngôi mộ dành cho nam giới rất lớn nằm cạnh nhau tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Hai ngôi mộ dài 16 mét, rộng khoảng 7 mét, một bên hình bầu dục, một bên hình chữ nhật. Điều đặc biệt là giữa hai mộ có một đường thông nhau.

Trong đó, một ngôi mộ có hình chữ nhật, bên trên là kỳ lân một sừng; ngôi mộ còn lại hình bầu dục, bên trên có tỳ hưu hai sừng. Mặc dù chưa tìm được văn vật cụ thể chứng minh danh tính chủ nhân ngôi mộ, nhưng nhiều nhà khoa học suy đoán đây là mộ của vua Trần Văn Đế và “nam hoàng hậu” Hàn Tử Cao.
Nguồn : Soha

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *