Mối thù giữa 2 anh em và gia đình của họ kéo dài tới… 60 năm, thậm chí đã biến thị trấn nơi họ sinh ra trở thành 2 chiến tuyến khốc liệt.
Có những mối thù gia tộc nổi tiếng như mối thù hơn 10 năm giữa 2 anh em tỉ phú người Ấn Độ Muskesh Ambani và Anil Ambani. Mối thù này chủ yếu xuất phát từ sự bất đồng trong việc điều hành tập đoàn Reliance do cha của 2 ông để lại. Nhưng có những mối thù vượt qua khỏi chuyện cạnh tranh trong kinh doanh. Đó là cuộc chiến giữa 2 anh em nhà Dassler, gia đình đã sáng lập nên 2 thương hiệu giày nổi tiếng thế giới Adidas và Puma.
Logo thương hiệu adidas
Mối thù giữa 2 anh em và gia đình của họ kéo dài tới… 60 năm, thậm chí đã biến thị trấn nơi họ sinh ra trở thành 2 chiến tuyến khốc liệt. Mối thù này là lý do Adidas và Pumas đã “vinh dự” giành vị trí thứ 20 trong danh sách 50 cuộc đối đầu trong kinh doanh lớn nhất mọi thời đại do Tạp chí Fortune bình chọn.
Câu chuyện bắt đầu từ thập niên 1920, khi 2 anh em trở thành đối tác làm ăn tại công ty Dassler Brother Sports Shoe Company. Nơi khai sinh ra công ty này là phòng giặt ủi của mẹ 2 người này ở thị trấn nhỏ Herzogenaurach (Đức). Cá tính 2 người hầu như trái ngược nhau. Adolf (Adi) Dassler trầm lặng, ít nói. Anh phụ trách khâu thiết kế và làm ra các đôi giày. Còn người anh Rudolph (Rudi) lại rất nóng nảy, phụ trách kinh doanh. Họ đã chiêu dụ được vận động viên chạy nước rút người Mỹ gốc Phi Jesse Owens mang giày của họ khi hoàn thành chặng đua và giành 4 huy chương vàng tại Thế Vận hội Olympic năm 1936. Chiến thắng của Owens đã mở đường cho thương hiệu giày của 2 anh em ra thế giới. Và doanh số bán của Công ty Dassler từ đó đã tăng vụt.
Logo thương hiệu Puma
Nhưng thành công này đã tạo ra những căng thẳng mới trong quan hệ của 2 anh em, vốn trước đó đã có nhiều xích mích giữa vợ của 2 người.
Mặc dù không ai chắc là điều gì dẫn đến sự thù địch, nhưng nó được cho là do hiểu nhầm trong giao tiếp. Khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, giữa lúc quân Đồng Minh đánh bom Herzogenaurach, Adi đã trú ẩn trong một hầm trú bom và Rudi cùng gia đình cũng đến trú tại đó. Lúc ấy, Adi đã thốt lên: “Bọn khốn kiếp đó lại trở lại rồi”, ý muốn ám chỉ máy bay đánh bom của quân Đồng Minh. Rudi lại tưởng rằng câu chửi ấy là nhắm vào mình và gia đình, nên đã rất tức giận. Mối thù nghịch giữa 2 anh em đã bắt đầu từ đó.
Khi Rudi được gọi đi nhập ngũ năm 1943, anh ngờ rằng chính Adi và vợ Adi đã âm mưu để chiếm đoạt công ty. Rudi bị bắt lần đầu do tự ý bỏ đồn và sau đó còn bị quân Đồng Minh bắt vì do nghi ngờ làm việc cho Gestapo, một cơ quan mật vụ của Đức Quốc xã. Trong cả 2 lần này, Rudi đều cho rằng chính Adi là người đứng đằng sau vụ việc. Nỗi nghi ngờ của Rudi đã được xác nhận do báo cáo của một sĩ quan thẩm tra người Mỹ cung cấp. Trong khi Rudi khốn khổ tại nhà tù chiến tranh của Mỹ thì Adi một mình điều hành công ty.
Mâu thuẫn càng leo thang khi 2 anh em chia tách công ty vào năm 1948. Nhân viên được tự do chọn phe. Adi đặt tên công ty là Adidas, ghép các ký tự đầu trong tên và họ của mình. Rudi cũng làm như thế. Mới đầu anh đặt tên công ty là “Ruda” nhưng cuối cùng lại đổi thành tên Puma để nghe cho thể thao hơn.
Sau khi chia tách công ty, cả 2 anh em cũng đoạn tình đoạn nghĩa, từ đó chưa bao giờ nói chuyện lại với nhau. Họ đã xây dựng các nhà máy ở 2 bên bờ sông Aurach. Các nhà máy này cạnh tranh với nhau và mỗi lần bên nào đưa ra công nghệ cải tiến mới là bên kia “phản kích” lại. Công ty của 2 anh em có thể nói là bộ mặt của nền kinh tế ở Herzogenaurach. Bởi lẽ hầu như mọi cư dân ở thị trấn đều làm cho Adidas hoặc Puma.
Vì cả thị trấn bị lôi vào cuộc chiến gia tộc Dassler nên sự thù địch này cũng trở nên cực kỳ vô lý. Chẳng hạn, các doanh nghiệp, người buôn bán ở địa phương chỉ được “chơi” với hoặc người của Puma hoặc Adidas. Các cuộc hẹn hò hay cưới xin giữa người ở 2 công ty cũng bị nghiêm cấm.
Do người dân hay họ hàng đều là hoặc làm cho Adi hoặc cho Rudi nên họ buộc phải chọn phe. Herzogenaurach vì thế trở nên nổi tiếng là “thị trấn của những cái cổ cúi xuống”. Vì điều đầu tiên người dân ở thị trấn làm là nhìn xuống chân của người đối diện xem người đó đi nhãn hiệu giày của bên nào trước khi quyết định có tiếp chuyện hay không. “Thậm chí Rudi không chịu nổi việc một ai đó lại mang giày Adidas trong nhà của ông”, Frank Dassler, cháu trai của Rudi, cho biết. Frank hiện làm cho Adidas sau khi bị Puma sa thải vào năm 1987.
Mặc dù Rudi giành được đội ngũ nhân viên kinh doanh giỏi nhưng Adi lại nắm trong tay bí quyết công nghệ và quan hệ tốt với các vận động viên. Những người này có thể giúp Adidas giành được nhiều hợp đồng. Tuy nhiên, đau một nỗi là do quá lo cạnh tranh với nhau mà họ đã bỏ quên mất một đối thủ đáng gờm là Nike. Rốt cuộc, Nike đã dần thống lĩnh thị trường giày thể thao, bỏ xa Puma và Adidas.
Mãi đến tháng 9.2009, các nhân viên của 2 công ty mới kỷ niệm việc chấm dứt mối thù hằn kéo dài 60 năm bằng một trận bóng giao hữu. Lúc đó cả 2 anh em nhà Dassler đều đã mất (mất cách nhau trong vòng 4 năm vào thập niên 1970). Thậm chí khi chết, mối hận vẫn tiếp tục khi 2 người được chôn ở 2 đầu của nghĩa trang Herzogenaurach. Qua đời rồi nhưng họ vẫn muốn ở cách người kia càng xa càng tốt.
Nguồn: CafeF