Đại Hồng Thủy là một đại thảm họa từng tới với loài người. Nó được miêu tả là một trận lụt cực lớn và là sự trừng phạt của Thiên Chúa do sự suy đồi đạo đức, thoái hóa biến chất của loài người. Trong thần thoại của người Aztec cổ cũng có một câu chuyện về thảm họa này.
Trận Đại Hồng Thủy được cho là sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với loài người khi đạo đức suy đồi.
“Trước trận Đại Hồng thủy…, đất nước Anahuac là nơi cư ngụ của những người khổng lồ. Tất cả họ đều chết vì ngập nước, hoặc bị biến thành cá, chỉ có bảy người chạy trốn vào hang động là may mắn sống sót. Khi nước rút, một trong những người khổng lồ tên là Xelhua đã đến Cholula, nơi có thờ Thần Tlaloc để tị nạn cùng sáu người anh em của mình. Xelhua đã xây dựng một ngọn đồi nhân tạo mang hình dáng một kim tự tháp…”.
Đây là một đoạn miêu tả liên quan đến trận Đại Hồng Thủy theo thần thoại Aztec. Câu chuyện này đã thu hút sự tò mò của rất nhiều người có mối quan tâm đặc biệt với trận lũ lớn trong thời cổ đại . Vậy nó đã diễn ra như thế nào?
Trận Đại Hồng Thủy trong thần thoại của các quốc gia
Trong các nền văn hóa, các quốc trên khắp thế giới hầu hết đều có đề cập đến một trận Đại Hồng Thủy đã hủy diệt nhân loại và nền văn minh trước đây trên Trái Đất. Điều kỳ lạ là những câu chuyện này lại có rất nhiều điểm tương đồng, khiến nhiều học giả cảm thấy chúng có mối liên kết nào đó.
Điển hình là câu chuyện về con thuyền Noah và trận Đại Hồng Thủy được kể trong Kinh Thánh. Trận lũ lớn này do Thiên Chúa tạo ra để trừng phạt nhân loại, vì đạo đức của con người lúc bấy giờ đã trở nên suy bạ i. Toàn bộ Trái Đất khi ấy bị bao phủ bằng nước cao tới vài km. Nước dâng lên cao hơn cả những đỉnh núi cao nhất, vào ngày 17/2, mưa 40 ngày đêm và nước dâng lên liên tục trong 157 ngày.
Trước đó, vì muốn lưu lại con người và giống vật để phát triển một nhân loại mới sau thảm họa, Thần đã báo trước cho ông Noah, một người lương thiện còn sót lại, và chỉ cho ông cách đóng thuyền, vượt qua thảm họa.
Ngoài ra còn có những bản miêu tả về một trận lụt lớn được ghi lại trong các bài vị của người Sumer cổ đại, nhân vật Deucalion trong thần thoại Hy Lạp, truyền thuyết về người Maya ở Trung Mỹ, thần thoại Đại Vũ trị thủy của Trung Quốc, những câu chuyện về bộ lạc Lac Courte Oreilles Ojibwa của Bắc Mỹ, và những câu chuyện của người Muisca,…
Trận Đại Hồng Thủy nhấn chìm mọi thứ.
Trận Đại Hồng Thủy trong thần thoại Aztec cổ xảy ra như thế nào?
Trong thần thoại Aztec, có nhiều câu chuyện khác nhau miêu tả về trận Đại Hồng Thủy, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là câu chuyện về Nota, một phiên bản khác của Noah.
Theo truyền thuyết này, khi trận Đại Hồng Thủy xuất hiện, nước và bầu trời tiến lại gần nhau. Chỉ trong một ngày tất cả đều biến mất trong biển nước. Trước khi trận lũ xảy ra, Titlachahuan – Đấng Cứu thế đã cảnh báo với người đàn ông tên là Nota và vợ của ông Nena rằng: “Đừng làm rượu nữa, hãy chuẩn bị một cây bách lớn, rỗng ruột để ra đi vào tháng Tozoztli. Sẽ có một cơn lũ lớn dâng lên tới gần trời”. Vợ chồng ông Nota đã làm theo lời căn dặn của Thần Titlachahuan.
Do vậy vào cái ngày trận Đại Hồng Thủy đến, nhấn chìm mọi thứ, duy chỉ có một người đàn ông và một người phụ nữ sống sót nhờ sự che chở của cây bách lớn.
Cũng theo thần thoại người Aztec, các trận lụt khác ở Trung Bộ châu Mỹ đã phá hủy hết mọi thứ và không một ai sống sót. Trước khi trận Đại Hồng thủy xảy ra, đất nước Anahuac là nơi cư ngụ của những người khổng lồ. Họ đã bị nhấn chìm trong dòng nước. Rất nhiều người đã chết, duy chỉ có 7 người khổng lồ trú trong hang động là còn sống sót.
Theo đó, sau khi dòng nước rút đi, một người khổng lồ tên là Xelhua có biệt danh “Kiến Trúc Sư” đã đến Cholula, nơi thờ thần Tlaloc để tránh lũ với 6 người anh em. Tại đây, ông cho xây dựng một kim tự tháp cao đến tận những đám mây.
Nhìn thấy tham vọng muốn thách thức cả trời xanh của Xelhua, các vị thần đã quyết định ném những ngọn lửa xuống phá hủy kim tự tháp. Công trình phải dừng lại và sau đó trở thành đền thờ Thần Quetzalcoatl nằm trong khu tàn tích Teotihuacan ở Mexico ngày nay.
Người khổng lồ Xelhua sống sót trong trận Đại Hồng Thủy.
Nguồn: TH, Uniwriter, theo Ancient Code