Bí ẩn các pháo đài thủy tinh hóa ở Châu Âu: Một hiện tượng địa chất chưa có lời giải

Hiện tượng các pháo đài ở Châu Âu đột nhiên hóa thủy tinh vào thời cổ đại cho đến nay vẫn là thách thức chưa có lời giải đối với các nhà khoa học.

Ảnh: ĐKN

Châu Âu – Cựu Thế Giới – được biết đến với những trang lịch sử trầm hùng, giai đoạn Trung cổ đặc sắc, những pháo đài tuyệt đẹp và nền quân chủ dài lâu.

Từ năm 700 đến 300 trước Công nguyên, một lượng lớn pháo đài đã được xây dựng ở Scotland, rất nhiều trong số chúng nằm trên đỉnh đồi, với những bức tường làm bằng đá xếp chồng lên nhau mà không cần đến vữa.

Điều này thoạt nghe có vẻ không có gì dị thường, bởi có rất nhiều cấu trúc tương tự như vậy trên khắp thế giới chứ không chỉ ở riêng châu Âu.

Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn từ bình thường sang phi thường khi các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng cho thấy nhiều viên đá tạo nên bức tường của những pháo đài cổ này được hàn lại với nhau (giống như bị nấu chảy rồi dính lại với nhau).

Và một số bộ phận của pháo đài này đã được biến đổi thành một loại thủy tinh, trên đó hiện rõ dấu tích còn sót lại của bong bóng khí và những giọt đá nóng chảy, bằng chứng cho thấy những viên đá này từng tiếp xúc với một mức nhiệt độ rất lớn, dẫn đến quá trình thủy tinh hóa.

Một pháo đài có dãy tường được thủy tinh hóa một phần. Ảnh: megalithic.co.uk

Một phần của bức tường thủy tinh hóa tại Sainte-Suzanne, Mayenne, Pháp. Ảnh: Youtube

Không một học giả nào có thể giải thích được điều này.

Do đó, trong suốt ba thế kỷ qua, các nhà khảo cổ học đã cố gắng trả lời các câu hỏi xung quanh các pháo đài bí ẩn của Scotland.

Một trong những nhà địa chất đầu tiên người Anh đã phát hiện và mô tả các cấu trúc bí ẩn này là ông John Williams, tác giả của cuốn Lịch sử tự nhiên của Vương quốc Khoáng sản (Natural History of the Mineral Kingdom).

Chính ông là người đầu tiên mô tả bí ẩn này vào năm 1777 sau khi quan sát một vài di tích kỳ lạ. Tiếp sau đó hơn một trăm di tích tương tự đã được tìm thấy trên khắp châu Âu, chủ yếu ở Scotland.

Vậy, ai đã xây dựng chúng? Làm thế nào để có thể biến đá thành thủy tinh? Loại công nghệ nào đã được sử dụng? Và phải chăng chúng ta mới chỉ nhìn thấy một phần bức tranh, chứ chưa phải toàn cảnh.

Một pháo đài với toàn bộ bức tường hóa thủy tinh tại Scotland, Vương Quốc Anh. Ảnh:coolinterestingstuff.com
Quá nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Những cấu trúc này được đặt tên là pháo đài thủy tinh hóa. Chúng đã làm các nhà địa chất kinh ngạc trong nhiều thế kỷ vì chưa có một lời giải thích khoa học nào cho việc các tảng đá dính lại với nhau và hợp nhất.

Một vài chuyên gia cho biết, nhiệt độ để quá trình thủy tinh hóa đá có thể xảy ra là tương đương với việc phát nổ một quả bom nguyên tử.

Nhưng điều thú vị là không chỉ có một hoặc hai pháo đài bị thủy tinh hóa, mà là hàng trăm pháo đài trải rộng khắp châu Âu, trong đó ở Scotland có 70 pháo đài như vậy.

Khi các pháo đài thủy tinh hóa lần đầu tiên được phát hiện ở Scotland, người ta cho rằng chúng là sản phẩm đặc trưng và “độc quyền” của Scotland, nổi tiếng nhất có thể kể đến các pháo đài như Dun Mac Sniachan, Benderloch, Craig Phadraig, Ord Hill, Dun Deardail, Knock Farril, Dun Creich, Finavon, Barryhill, Laws , Dun Gall, Anwoth, Tap hoặc O’Nort.

Một phần bức tường thủy tinh hóa tại Sainte-Suzanne, Mayenne, Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy nhiên, các cấu trúc tương tự cũng đã được tìm thấy ở Bohemia (Cộng hòa Séc), Silesia (Ba Lan), Thuringia (Đức), ở các tỉnh ven sông Rhine, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bồ Đào Nha, Pháp và Thụy Điển, và một vài nơi khác.

Điều kỳ lạ là không phải tất cả các pháo đài đều được thủy tinh hóa, và quá trình thủy tinh hóa trên các bức tường cũng không đồng đều. Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng trong một số trường hợp những viên đá chỉ bị nung chảy một phần rồi hàn lại với nhau; trong khi ở một số trường hợp khác, chúng được bao phủ bởi một lớp men thủy tinh, và đôi lúc, mặc dù khá hiếm gặp, toàn bộ chiều dài bức tường trở thành một khối thủy tinh đặc rắn.

Không ai biết làm thế nào những bức tường đá này lại có thể biến thành thủy tinh như vậy.

Một số học giả tin rằng việc này là có chủ đích, để nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của pháo đài, nhưng trong thực tế, những bức tường này lại khởi tác dụng ngược lại, khi làm suy yếu khả năng phòng thủ pháo đài, vì vậy không nhiều khả năng người cổ đại đã chủ đích làm như thế.

Quang cảnh pháo đài thủy tinh hóa ở Tap o’North, Scotland. Hình ảnh: Pinterest

Có người cho đây là hậu quả của chiến tranh. Tuy nhiên các chuyên gia cũng không đồng tình, vì để đạt được kết quả thủy tinh hóa, các đám cháy phải kéo dài trong nhiều ngày ở nhiệt độ từ 1050 đến 1235 độ C, việc này rất ít khả năng xảy ra, tuy rằng không phải hoàn toàn là không thể.

Một số lý thuyết chỉ ra kết quả thủy tinh hóa có thể là sản phẩm của việc quân địch phóng lửa cố tình phá hủy pháo đài sau khi chiếm cứ thành công, hoặc cũng có thể đây là một nghi lễ của người dân trong thành.

Các pháo đài thủy tinh hóa trên khắp Châu Âu cũng có những mốc niên đại rất khác biệt, không phải trong cùng một giai đoạn lịch sử.

Các pháo đài lâu đời nhất được cho là đã được xây dựng vào thời đại đồ sắt, nhưng cũng có nhiều pháo đài có đặc điểm tương tự được xây từ thời La Mã, trong khi cái gần đây nhất được xây vào thời Trung cổ.

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy các bức tường này được tạo ra bởi các hiện tượng plasma khổng lồ như bão mặt trời.

Quang cảnh pháo đài thủy tinh hóa ở Tap o’North, Scotland. Hình ảnh: Pinterest

Điều này xảy ra khi khí ion hóa trong khí quyển tạo nên các vụ nổ điện khổng lồ, có thể làm tan chảy và thủy tinh hóa các loại đá.

Vào những năm 1930, hai nhà khảo cổ Vere Gordon Childe và Wallace Thassycroft đã tiến hành thí nghiệm, trong đó bắn một đốm lửa khổng lồ hướng đến một bức tường đá, một thí nghiệm được lặp lại vào năm 1980 bởi nhà khảo cổ học Ian Ralston.


Trong cả hai trường hợp, các thí nghiệm đã khiến một vài viên đá bị thủy tinh hóa một phần, nhưng họ không giải thích được làm thế nào những viên đá như vậy có thể được tạo thành trên một diện rộng như trường hợp của các pháo đài thủy tinh hóa.

Trong trường hợp không có một lý thuyết rõ ràng hoặc bằng chứng thuyết phục, các pháo đài thủy tinh hóa ở châu Âu vẫn tiếp tục là một trong những hiện tượng địa chất và khảo cổ kỳ lạ nhất trên thế giới, cần đến hàng thế kỷ để làm sáng tỏ.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *