Gia Dục Quan nằm ở điểm cuối, phía Tây của Vạn Lý Trường Thành, là di sản văn hóa thế giới được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan thế giới”. Di tích này nằm tại vị trí hẹp nhất của sơn cốc cách thành phố Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc 5km về phía Tây…
Ảnh chụp Gia Dục Quan (Nguồn: Wikipedia).
Đèo Gia Dục Quan nổi tiếng hùng vĩ, là điểm giao thông quan trọng trên con đường tơ lụa thời cổ đại. Đây cũng là thông lộ mà người thời đó phải đi qua nếu muốn ra bên ngoài.
Tuy nhiên, bạn biết không? Nơi đây có một viên gạch gọi là “gạch định thành” với niên đại 600 tuổi, và không ai dám di chuyển nó!
Hằng năm, Gia Dục Quan thu hút một lượng lớn khách du lịch tới tham quan. Đến nơi này, chỉ cần quan sát kỹ một chút, du khách sẽ thấy sau mái hiên đài quan sát có một viên gạch đá xám lẻ loi được đặt ở đó, đây chính là viên “gạch định thành” được nói đến ở trên.
Tại sao lại phải đặt viên gạch ở phía sau mái hiên đài quan sát? Hơn nữa dù cho lịch sử biến hóa, triều đại đổi thay, nhưng không ai dám lấy viên gạch đá xám đó chuyển đi nơi khác.
Vấn đề này khiến người xem cảm thấy rất tò mò tự hỏi, vậy viên gạch đã giấu giếm bí mật gì?
Kỳ thực, đằng sau viên gạch này ẩn chứa một câu chuyện kinh tâm động phách. Tương truyền rằng, vào năm Chính Đức thời Minh, có một viên quan “Binh bị đạo” (một chức quan thời đó) tên là Lý Đoan Trừng phụ trách việc xây dựng Gia Dục Quan.
Lúc đó nơi này là một vùng đất cằn cỗi, rộng lớn và hoang vu nên việc xây dựng một đài quan sát ở đây là vô cùng khó khăn, cộng với việc thiếu kiến thức tài liệu kiến trúc nên độ khó càng lớn hơn. Lý Đoan Trừng, người chịu trách nhiệm xây dựng đài quan sát đã chiêu mộ hàng trăm thợ thủ công lành nghề từ khắp đất nước để lấy ý kiến về việc này.
Một kiến trúc sư rất thông minh tên là Dịch Khai Chiêm đã gợi ý rằng, muốn tiết kiệm tài nguyên thì cần phải có toàn bộ bản vẽ đài quan sát, căn cứ theo bản vẽ mà dựng mô hình, rồi lại từ mô hình lấy tỷ lệ phóng to, như vậy sẽ tính ra số nguyên vật liệu cần dùng.
Dịch Khai Chiêm bắt đầu tính toán, cuối cùng số gạch cần dùng để xây thành là 99.999 viên. Khi ấy có người phụ trách giám sát thi công công trình tên là Hách Không, là một người xảo trá điêu ngoa. Ông ta tiếp nhận ý tưởng ngay lập tức, tuy nhiên Hách Không cũng nói rằng, sau khi xây dựng xong, nếu thiếu một viên hay thừa một viên gạch thì sẽ không tha, đến lúc đó nhất định sẽ báo cáo lên cấp trên chém đầu Dịch Khai Chiêm, hơn nữa còn phạt tất cả thợ thủ công phải đi lao dịch 3 năm.
Đến ngày khánh thành, những người thợ thủ công vui mừng khôn xiết bởi vì sau một thời gian dài lao động vất vả, cuối cùng công trình hùng vĩ cũng đã xây dựng xong. Tuy nhiên, có một người thợ thủ công bất ngờ xuất hiện, cầm viên gạch trên tay tới đưa cho Dịch Khai Chiêm. Tất cả mọi người nhìn thấy đều sợ toát mồ hôi lạnh.
Một bức tường đá ở Gia Dục Quan (Ảnh: Shutterstock)
Thật trùng hợp, ngay lúc đó Hách Không cũng vừa bước tới, ông ta gằn giọng hét lên với Dịch Khai Chiêm: “Sao ngươi không tính toán chính xác? Còn thừa viên gạch này, ngày mai ta sẽ mang đầu ngươi đi hỏi tội”.
Dịch Khai Chiêm tỏ ra không hề sợ hãi nói: “Viên gạch này là để Thần đặt, là gạch định thành, nếu di chuyển thì công trình sẽ đổ sụp”. Giám sát công trình nghe được những lời này thì không dám tra cứu nữa. Vì vậy viên gạch vẫn còn nằm nguyên tại chỗ và mang tên “gạch định thành”, hiện vẫn còn đặt bên đài quan sát Gia Dục Quan.
Kỳ thực, viên gạch định thành này còn có một sự tích khác được lưu truyền lại, tuy nhiên câu chuyện trên vẫn được nhiều người biết đến hơn. Nhưng cho dù là câu chuyện kể nào thì đó cũng là lời ngợi ca và khẳng định trí tuệ của những người thợ thủ công Trung Quốc thời cổ đại. Truyền thuyết về viên gạch định thành này cũng tự nhiên làm tăng thêm tính huyền bí cho công trình hùng vĩ tráng lệ Gia Dục Quan.
Nguồn: DKN
- 10 bản thảo dự đoán ngày tận thế được tìm thấy trong bản thảo của Leonardo da Vinci
- Nghiên cứu làm sáng tỏ thành phần bí ẩn giúp các công trình La Mã cổ đại có thể đứng vững hàng nghìn năm
- Phát hiện địa điểm diễn ra sự kiện “Tiệc cưới ở Cana” – Nơi Chúa Giêsu biến nước thành rượu