Nghiên cứu mới về các tòa thành cổ Maya cảnh báo các nhà khảo cổ có thể gặp nguy hiểm vì một bóng ma từng làm hại người dân cổ đại trỗi dậy lần nữa khi bị đào bới.
Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Environmental Science, chôn sâu trong đất và trầm tích ở các tòa thành cổ Maya là một lượng thủy ngân đủ lớn để làm hại các nhà khảo cổ trong thời hiện đại.
Trước đó, nhóm tác giả dẫn đầu bởi phó giáo sư Duncan Cook từ Đại học Australian Catholic (Úc) đã phân tích trầm tích lấy từ nhiều thành cổ Maya ở Mexico, Guatemala, Honduras ngày nay và phát hiện ngoại trừ địa điểm thời kỳ cổ điển Chan b’i, tất cả các tòa thành cổ Maya khác đều bị ô nhiễm thủy ngân nặng nề.
Ảnh đồ họa mô tả một kim tự tháp trong thành cổ Maya – Ảnh: SCITECH DAILY
Điều này là do thói quen dùng các vật liệu liên quan đến thủy ngân trong các nghi lễ và hoạt động khác, bao gồm bột chu sa màu đỏ đẹp mắt và đặc trưng – biểu tượng quyền lực của đế chế.
Các hoạt động gây ô nhiễm thủy ngân phổ biến nhất vào giai đoạn từ năm 250 đến 1100 sau Công Nguyên, đó là lý do tòa thành cổ xưa hơn không bị ảnh hưởng.
Ở địa điểm nổi tiếng cả về khảo cổ lẫn du lịch là thành cổ Tikal, nồng độ thủy ngân lên tới 17,16 ppm, tức gấp 17,16 lần ngưỡng gây độc hại.
Ngộ độc thủy ngân từng làm hại người Maya cổ đại, khiến họ gặp tổn thương hệ thần kinh trung ương, thận, gan, điếc, tê liệt, béo phì bệnh lý, tâm thần… mà một số bức phù điêu quái dị về người Maya cổ có thể đã phản ánh.
Với lượng đo được ngày nay, các nhà khảo cổ vẫn rất dễ bị ảnh hưởng bởi “bóng ma” từ ngàn xưa này khi đào bới trong khu vực; cho thấy ô nhiễm kim loại nghiêm trọng là điều rất cần được tính đến trong các cuộc khai quật.
Nguồn: SH
- 6 dấu tích của “con người hiện đại” thời viễn cổ có thể đảo lộn quan niệm về lịch sử ngày nay
- Phế tích Baalbek cổ xưa, những bí ẩn không có lời giải
- Hình ảnh ngày ấy – bây giờ của 10 địa điểm nổi tiếng mang tính biểu tượng trên thế giới cho thấy sức mạnh của thời gian