Bí ẩn “lời nguyền Vua Tut” được giải mã

Khoa học đã tìm ra lời giải cho những cái chết bất thường của các nhà khảo cổ học sau khi khai quật lăng mộ của Vua Tutankhamen (hay còn gọi là Vua Tut).

Khoa học đã tìm ra lời giải cho “lời nguyền Vua Tut”. Ảnh IT

Ngày 4/11/1922, nhà khảo cổ học Howard Carter và nhóm của ông đã phát hiện ra lối vào một lăng mộ ở Thung lũng các vị vua tại Luxor, Ai Cập.

Ba tuần sau, vào ngày 26/11/1922, Carter đục một lỗ vào bức tường đá ở hành lang ngầm ở đó. Khi ông rọi đèn pin vào bên trong, người bạn và cũng là người bảo trợ của ông, ông George Herbert, Bá tước Carnarvon đời thứ 5, hỏi ông có thể nhìn thấy gì không.

“Có, những điều tuyệt vời”, Carter đáp.

Thế giới lập tức sục sôi về một vị pharaoh ít được biết đến của vương triều Ai Cập thứ 18. Vàng, trang sức và nhiều kho báu khác trong ngôi mộ được đưa ra ánh sáng sau hơn 3.000 nằm sâu dưới lòng đất.

Nhưng ngay sau đó, sự chú ý của công chúng đổ dồn vào khả năng có một lời nguyền giáng xuống những ai đã vào lăng mộ của Vua Tutankhamen.

Những cái chết đột ngột, sự đen đủi, bất hạnh và những sự kiện không thể lý giải khác đã làm nảy sinh suy đoán rằng một lời nguyền đang giáng xuống bất kỳ ai dám xâm phạm nơi an nghỉ cuối cùng của vị Pharaoh.

Ngay sau cái chết của nhà khảo cổ học đầu tiên vài tháng sau khi phát hiện ra ngôi mộ, tiêu đề “Lời nguyền của các Pharaoh” xuất hiện khắp các mặt báo.

Nhiều tờ báo còn tuyên bố các nhà tâm linh nổi tiếng đã nhìn ra nguyên nhân huyền bí cho cái chết này.

Tuy nhiên, liệu lời nguyền có thật sự tồn tại hay không? Những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra lời giải thích đơn giản hơn cho những cái chết: Nấm mốc được tìm thấy trên xác ướp và trong không khí tại các khu chôn cất ở Ai Cập, theo Washington Post.

Ít nhất 13 người có mặt tại buổi mở cửa lăng mộ vua Tutankhamun năm 1922 chết ngay sau đó, khiến tin đồn về lời nguyền của pharaoh lan khắp thế giới. Ảnh: National Geographic.

Lời nguyền xác ướp

Niềm tin vào “lời nguyền xác ướp” đã có từ một thế kỷ trước khi lăng mộ của Vua Tutankhamen được khám phá. Niềm tin này có thể đã bắt nguồn ở Anh vào những năm 1820.

Các nhà khảo cổ không tìm thấy lời nguyền nào được khắc bằng chữ tượng hình tại lăng mộ của Vua Tutankhamen.

Vua Tutankhamen, hay còn được gọi là Vua Tut, là vị vua Ai Cập qua đời ở tuổi 18 hoặc 19, vào khoảng năm 1323 trước Công nguyên. Vua Tut bị tật ở bàn chân và cong vẹo cột sống, có thể do vấn đề loạn luân trong hoàng tộc.

Bản thân nhà khảo cổ học Howard Carter đã bác bỏ những ý niệm về lời nguyền, gọi chúng là “vô lý”.

“Cảm xúc của các nhà Ai Cập học không phải là sợ hãi, mà là sự tôn trọng và kính sợ… hoàn toàn trái ngược với những mê tín ngu xuẩn”, ông nói, theo cuốn sách Howard Carter và sự khám phá lăng mộ của Tutankhamun.

Tuy nhiên, cái chết của bá tước Carnarvon vào ngày 5/4/1923 – chưa đầy 5 tháng sau khi ngôi mộ được mở – đã làm dấy lên những tin đồn về một lời nguyền hiểm ác. Sau đó, tiếp tục có nhiều nhà khảo cổ đổ bệnh và chết.

Báo chí sục sôi. Năm 1926, tờ New York Daily News đăng một bài báo với tiêu đề “Danh sách tử vong kéo dài và sự báo thù của Vua Tut”.

Người “đổ thêm dầu vào lửa” là Sir Arthur Conan Doyle, tác giả của những câu chuyện về Sherlock Holmes nổi tiếng. Khi biết tin về cái chết của bạn mình, Doyle, một người tin vào tâm linh, nói với một phóng viên: “Một nhân tố siêu nhiên có thể đã gây ra căn bệnh hiểm nghèo cho ông Carnarvon”.

Thực tế, ý niệm về những lời nguyền xoay quanh các xác ướp bí ẩn đã tồn tại rất lâu trước sự kiện lăng mộ của Vua Tutankhamun được khai quật. Ảnh: National Geographic.

Những cái chết bí ẩn

Sau khi bá tước bá tước Carnarvon qua đời, những người lần lượt theo sau bao gồm George Jay Gould, một nhà tài chính người Mỹ, người đã chống chọi với bệnh viêm phổi ngay sau khi viếng thăm lăng mộ vào năm 1923; Sir Archibald Douglas Reid, người đã chết ngay sau khi chụp X quang xác ướp ở London; và James Henry Breasted, một nhà khảo cổ học người Mỹ, mất năm 1935 vì nhiễm trùng sau chuyến đi cuối cùng của ông đến Ai Cập.

Bên cạnh đó, truyền thông còn dồn dập đưa tin về một loạt các sự kiện không may xảy ra với những người đến thăm lăng mộ.

Nhà khảo cổ học Anh Hugh Evelyn-White, người tham gia vào quá trình khai quật tại Luxor, chết do tự sát vào năm 1924.

Ông được cho là đã để lại một bức thư trong đó viết: “Tôi không chịu nổi một lời nguyền”.

Thư ký riêng của Carter, Richard Bethell, người đầu tiên bước vào lăng mộ theo sau cấp trên của mình, được tìm thấy chết ngạt tại câu lạc bộ của ông ở London năm 1929.

Carter qua đời vào năm 1939, tròn 17 năm sau khi phát hiện ra bệnh Hodgkin, một loại ung thư hệ bạch huyết. Tuy nhiên, các tờ báo trên khắp thế giới hầu như chỉ tập trung vào “Lời nguyền của các Pharaoh” khi in cáo phó của ông.

Lăng mộ của vua Tutankhamun nằm gần trung tâm Thung lũng các vị vua. Không như các kim tự tháp, những lăng mộ này thường được giấu kín để tránh kẻ trộm. Ảnh: National Geographic.

Khoa học lý giải

Ngày nay, khoa học đã có một cách giải thích hợp lý hơn cho cái chết của những nhà khảo cổ học.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm mốc có thể là một yếu tố góp phần gây ra ít nhất một số trường hợp tử vong.

Nấm mốc thông thường – đặc biệt là Aspergillus – có thể đã xuất hiện trên xác ướp của Vua Tut. Loại nấm này được biết đến là nguyên nhân gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Cái chết của bá tước Carnarvon, người ốm yếu gần hết cuộc đời và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dường như phù hợp với kết luận này.

Theo cáo phó của ông trên New York Times, ông qua đời vì bệnh viêm phổi do nhiễm độc máu từ vết muỗi đốt trên má bị nhiễm trùng sau khi ông dùng dao cạo râu. Ông có khả năng đã tiếp xúc với nấm Aspergillus, gây ra nhiễm trùng liên cầu khiến ông tử vong sau khi lỡ làm xước mặt bằng dao cạo.

Theo Washington Post, các bào tử của Aspergillus “phát triển đặc biệt tốt trên ngũ cốc”. Trong khi đó, có rất nhiều giỏ lễ vật là bánh mì và ngũ cốc thô trong lăng mộ của Tutankhamen. Bá tước Carnarvon rất có thể đã hít phải bụi ngũ cốc độc khi bước vào ngôi mộ bị đóng kín suốt 3.000 năm.


Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã tìm thấy 2 giống nấm – Aspergillus niger và Aspergillus flavus – trên xác ướp và trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại. Theo National Geographic, những chủng vi khuẩn này có thể gây ra nhiều phản ứng dị ứng khác nhau, từ tắc nghẽn ngực đến xuất huyết phổi.

Liệu có phải nấm mốc đã gây ra cái chết của bá tước Carnarvon hay không vẫn đang là sự suy đoán. Các nhà nghiên cứu đã tranh cãi về ý tưởng này trong nhiều năm. Nếu không có bằng chứng thuyết phục, nó sẽ mãi chỉ là một giả thuyết.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *