Phát hiện mới tại kim tự tháp rộng hơn 10 sân bóng đá

Một nhóm khảo cổ cho biết đã phát hiện thứ có thể là chân dung một vị vua cổ đại được tạc vào đá ở chân một kim tự tháp tiền sử khổng lồ thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc. 

Giới khảo cổ Trung Quốc phát hiện chân dung vị vua khắc trên đá ở kim tự tháp cổ đại. (Ảnh: SCMP)

Theo SCMP, ngày 8/8, đại diện nhóm khảo cổ cho biết đã phát hiện ra ‘chân dung’ kể trên tại kim tự tháp Shimao, thuộc huyện Thần Mộc, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).

Kim tự tháp có cung điện rộng ngang 10 sân bóng
Kim tự tháp Shimao có niên đại khoảng 4.200 năm, có phần đáy trải rộng 24 hecta và cao hơn 70m, bằng một nửa so với kim tự tháp Giza ở Ai Cập được xây vào cùng niên đại (cao 138m).

Tuy nhiên, không giống những kim tự tháp khác trên thế giới, kim tự tháp Shimao có vẻ ngoài như một thành phố cổ. Trên đỉnh kim tự tháp là một cung điện rộng khoảng 80.000m2, tương đương 10 sân bóng đá.

Kiến trúc kim tự tháp Shimao rộng hơn 80.000 ha ở tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: SCMP)

Các nhà khảo cổ đã phát hiện những kiến trúc phức tạp ở cung điện này, bao gồm một khu vườn nuôi cá sấu.

Chân dung vị vua cổ đại và sự biến mất bí ẩn của nền văn minh hơn 4.000 năm
Các nhà khảo cổ cho biết, kim tự tháp Shimao nằm bên trong một thành phố lớn có tường thành bao xung quanh. Thành phố này rộng gấp khoảng 50 lần cung điện, có các khoảng sân, đường xá, quảng trường bằng đá.

Qua phân tích ADN cho thấy hầu hết cư dân trong thành phố chứa kim tự tháp là người Trung Quốc, tuy vậy giới chuyên gia vẫn chưa thể xác định danh tính tầng lớp cai trị. Nền văn minh cổ đại này dường như biến mất một cách đột ngột cách đây 3.800 năm, hiện không có tư liệu cổ nào ghi chép về nó.

Tuy vậy giáo sư Shao Jing, phó trưởng nhóm khảo cổ ở Shimao nói với hãng tin Tân Hoa Xã rằng họ đã phát hiện những bức điêu khắc lớn, trong đó có thể có chân dung một vị vua.




Chân dung được cho là của một vị vua ở kim tự tháp Shimao. (Ảnh: SCMP)

Chân dung là một bức điêu khắc trên đá cao khoảng 2 mét, có ba mặt, trong đó hai mặt đã được khai quật. Chân dung có thể hiện trang sức, biểu cảm trang nghiêm, mắt hơi lồi và miệng rộng có thể nhìn rõ răng. “Khuôn mặt ở mặt Tây dài khoảng 80cm và cao khoảng 50cm, có vương miện trên đầu. Đây là hình ảnh lớn nhất trong số các bức điêu khắc trên đá ở Shimao”, báo cáo của nhóm khảo cổ cho biết.

Tuy vậy, giáo sư Shao và nhóm khảo cổ tin rằng chân dung còn lại mà họ đã khai quật mới thể hiện vị vua của nền văn minh cổ. “Khuôn mặt ở mặt đông đã được khai quật dường như nằm ở trung tâm của nhóm… và đó có thể là hình ảnh vị vua của tổ tiên Shimao”, giáo sư Shao cho biết.

Những năm gần đây, hơn 70 bức điêu khắc đá đã được tìm thấy ở chân kim tự tháp, bao gồm mặt người, động vật và các loài thần thú.

Các cột đá tương tự như cột totem được tìm thấy xung quanh cung điện. Ảnh: SCMP

Các nhà khảo cổ cho rằng những bức điêu khắc gắn liền với tín ngưỡng của người dân ở Shimao, và người cổ đại nơi đây tin rằng việc khắc hình ảnh của những vị vua hay giới quý tộc sẽ giúp bảo vệ cung điện này.

Lễ hiến tế và sự giao thoa của các nền văn minh cổ
Chia sẻ trên tờ China Youth Daily, giáo sư Sun Zhouyong, nhóm trưởng nhóm khảo cổ ở Shimao nói rằng, kim tự tháp Shimao đã có trước khi nhà Hạ được thành lập (năm 2070 – 1600 trước công nguyên), và có thể có mối liên hệ với các nền văn minh đã biến mất trên thế giới như các nền văn minh cổ ở thành phố Mohenjo – Daro (Pakistan ngày nay) và Lưỡng Hà (phần lớn Iraq ngày nay)…

Trước đó, khu vực này được xác định nhầm là tàn tích từ thời nhà Đường hoặc thậm chí thời Minh, tuy vậy phương pháp xác định niên đại khoa học cho thấy các kiến trúc ở đây cổ xưa hơn nhiều. “Tàn tích này bao gồm các kiến trúc đá cổ xưa rất ít thấy ở Trung Quốc, tường thành vẫn còn… và cung điện hoàng gia trên cao”, giáo sư Sun nói.

Cũng theo giáo sư Sun, các cổ vật tìm được trong khu vực, chẳng hạn như ngọc, nhạc cụ cũng được tìm thấy ở 100 địa điểm khác trên thế giới, cho thấy dường như đã có sự trao đổi với các nền văn minh khác. “Có thể đã có mạng lưới liên lạc hiệu quả giữa các nền văn minh tiên tiến ở thế giới cổ đại hơn 4.000 năm trước”, giáo sư Sun nhận định.

Ngoài những phát hiện ấn tượng trên, trước đó các nhà khảo cổ cũng tìm thấy đầu người bị chặt ở nơi đây, hé lộ rằng lễ hiến tế người có thể là nghi lễ phổ biến thời gian đó. Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện có 6 hố chôn chứa đầu người ở lối vào của cổng phía đông thuộc thành lũy phía ngoài. 


Một số nạn nhân hiến tế có thể đến từ một địa điểm khảo cổ khác gọi là Zhukaigou, thuộc phía bắc của Shimao. Điều này có thể gợi ý rằng họ bị đưa tới đây như những tù binh trong quá trình mở rộng và chinh phục các khu vực lân cận của Shimao.

Theo các chuyên gia, kim tự tháp Shimao là một khám phá tuyệt vời, sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về xã hội bí ẩn của những cư dân từng sinh sống ở Shimao. Điều này có thể cung cấp những thông tin mới về sự phát triển của nền văn minh ở Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *