Được mệnh danh là “Hồ Xương Người”, Hồ Roopkund ở miền bắc Ấn Độ được một hướng dẫn viên người Anh tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1942.
Hồ roopkund vào tháng 8 năm 2014 (Ảnh: Wikipedia)
Hồ chứa đầy xác người, nằm ở độ cao hơn 5000 mét so với mực nước biển ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Không ai biết chính xác tại sao lại có hàng trăm bộ xương ở đó.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế gần đây đã lấy 38 bộ xương từ hồ băng để tiến hành phân tích DNA. Họ hy vọng sẽ làm sáng tỏ bí mật về các bộ xương. Tuy nhiên, kết quả thu được để lại cho các chuyên gia nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Những bộ xương người ở hồ Roopkund (Ảnh: Wikipedia)
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các bộ hài cốt dường như thuộc về các nhóm người khác nhau đến từ Địa Trung Hải. Họ đã tới đây nhiều lần trong khoảng thời gian 1.000 năm.
Các nhà nghiên cứu chia 38 bộ xương thành ba nhóm riêng biệt. Nhóm lớn nhất có DNA liên quan tới những người Ấn Độ ngày nay, bao gồm 23 bộ xương. Ngoài ra, họ dường như không có quan hệ di truyền.
Nhóm thứ hai đặc biệt nhất, bao gồm 14 mẫu có DNA tương tự như những người sống ở phía đông Địa Trung Hải, chủ yếu là từ Hy Lạp.
Cuối cùng, một cá thể còn lại có DNA điển hình của vùng Đông Nam Á.
Nhà sinh vật học tiến hóa Éadaoin Harney thuộc Đại học Harvard nói: “Chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên bởi tính chất di truyền của những bộ xương Roopkund”.
“Sự hiện diện của các mẫu xương đến từ phía đông Địa Trung Hải cho thấy hồ Roopkund không chỉ là một địa điểm được quan tâm tại địa phương, mà nó đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới”.
Phân tích các đồng vị trong các bộ xương cũng phù hợp với những kết quả phân tích DNA. Khi con người hoặc động vật ăn một loại ngũ cốc hoặc thực vật cụ thể, thì những chất có trong các thực phẩm này sẽ thể hiện trong đồng vị ở xương hoặc răng. Từ phân tích đồng vị, các nhà nghiên cứu có thể biết được họ đã ăn gì trước đây. Từ đó, họ khớp với các vị trí địa lý tương ứng với các thực phẩm đó.
Nhà nghiên cứu khảo cổ Ayushi Nayak, thuộc Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Jena, Đức, cho biết: “Những người thuộc nhóm Ấn Độ có chế độ ăn uống rất đa dạng. Do đó, họ phụ thuộc vào nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ C3 và C4. Phát hiện này phù hợp với bằng chứng di truyền thu được sau khi phân tích DNA”.
“Ngược lại, những cá thể có tổ tiên đến từ Địa Trung Hải dường như có một chế độ ăn kiêng với rất ít hạt kê”.
Kết quả phân tích phóng xạ cacbon cho thấy nhóm đến từ Nam Á đã chết tại hồ Roopkund vào khoảng năm 800 sau Công nguyên. Hai nhóm còn lại tới đây muộn hơn khoảng giữa thế kỷ 17 và 20. Họ bao gồm các du khách từ phía đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á.
Chuyên gia Niraj Rai, thuộc Viện nghiên cứu Cổ sinh học Birbal Sahni ở Lucknow, Ấn Độ cho biết: “Hồ Roopkund từ lâu đã là chủ đề bàn luận về việc những người này là ai, điều gì đã đưa họ đến hồ Roopkund và họ đã chết như thế nào”.
Rai nói: “Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này chỉ đại diện cho những phân tích đầu tiên trong số nhiều phân tích về địa điểm bí ẩn này”.
Nguồn: DV
- Thông điệp ẩn? Những bức tranh thế kỷ 15 này cho thấy bằng chứng về UFO?
- Tại sao khoa học không thể mở khóa bí mật về tâm trí con người
- Kho báu và viên minh châu 3.000 tỷ trong miệng Từ Hy