Bí ẩn Hang động lưu trữ thiết bị hiện đại của nền văn minh tiền sử

Một vị Lạt Ma Tây Tạng đã khám phá ra một hang động kỳ lạ. Đây là nơi cất giữ kho tri thức đồ sộ của nền văn minh tiền sử với những cỗ máy tinh xảo, siêu việt – vốn tồn tại cách đây hàng triệu năm – trong một chuyến thám hiểm trên dãy núi Himalaya.

Cuốn sách: “Hang Động của các Lạt ma” của vị Lạt ma Lobsang Rampa – đã vén tấm màn bí ẩn về nền văn minh tiền sử với những cỗ máy siêu việt, khiến chúng ta phải kinh ngạc. (Ảnh minh họa: Pxhere)

Liệu chúng ta có phải là nền văn minh đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trái đất?

Phật giáo Tây Tạng là một bí ẩn lớn đối với nhân loại. Những năm gần đây, sự hé lộ về đời sống tâm linh huyền bí của những Lạt ma đã thu hút sự chú ý của lượng lớn công chúng. Và cuốn sách: “Hang Động của các Lạt ma” (The Cave of the Ancients), của vị Lạt ma Lobsang Rampa – đã vén tấm màn bí ẩn về nền văn minh tiền sử, khiến chúng ta phải kinh ngạc.

Lobsang Rampa được biết đến là một Lạt ma cao cấp, ông được tấn phong khi chỉ mới hơn 10 tuổi, và giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Ngoài cuốn “Hang Động của các Lạt ma”, ông cũng là tác giả cuốn tự truyện nổi tiếng thế giới là “Con mắt thứ ba” (The Third Eye).

Trong hành trình khám phá hang động mà cổ nhân để lại, ông cùng Sư phụ và các đồng môn của mình đã tìm thấy di chỉ của hàng loạt thiết bị máy móc tối tân, có công nghệ vượt xa thời đại mà chúng ta đang sống hàng triệu năm.

Hành trình tìm thấy ‘Hang động của nền văn minh tiền sử’
Kể về hành trình tìm thấy hang động kỳ bí này, Lạt ma Lobsang cho biết Sư phụ của ông đã kể về sự hình thành của khe nứt vào hang, rằng sau một tiếng nổ dữ dội trên đỉnh Himalaya, đất đá đổ xuống và khe nứt hiện ra.

Cuốn sách Hang động của các Lạt Ma, tác giả Lobsang Rampa, kể câu chuyện về các thiết bị hiện đại của nền văn minh tiền sử. (Ảnh: Tiki)




Khe nứt như một cánh cổng hẹp, chỉ rộng 80 cm và cao khoảng 1,5 mét, nhưng mở ra một thế giới văn minh khác rất kỳ lạ. Bên trong hang động tràn ngập ánh sáng bạc và chưa ai từng nhìn thấy thứ ánh sáng kỳ lạ đó.

Sư phụ kể rằng: “Hang động trông tựa như một sảnh đường mênh mông, dài bất tận, như thể toàn bộ quả núi bị khoét rỗng. Ánh sáng tỏa ra từ những quả cầu hình như được treo trong những vùng tối của nóc hang động. Chất đống ở đó là những cỗ máy lạ lùng, thứ máy móc mà nhóm ta không thể tưởng tượng nổi. Ta kinh ngạc nhận thấy có một số máy móc được bọc bằng một thứ thuỷ tinh trong veo”.

Sau đó, Lạt Ma Lobsang cùng Sư phụ của mình và 5 đồng môn trong Tu viện lên đường trở lại hang động cổ xưa một lần nữa. Hang động này ở một nơi cực kỳ xa xôi và khó tiếp cận. Lobsang mô tả rằng:

“Một cách chậm chạp, chúng tôi theo con đường mòn xuất phát từ Chakpori, ngang qua công viên Kashya Linga, qua sông Kyi Chua, tiến thẳng về hướng Tây Nam (của Tây Tạng), trên vai mỗi người là cái ba lô con, trong đó có lương thực, một áo cà sa, một sợi thừng và vài vật dụng bằng kim loại”. 

Cứ thế, 7 vị Lạt ma leo lên ngọn núi đá cao chót vót, vượt qua thác nước, càng lên cao không khí càng bị pha loãng khiến họ khó thở và ngột ngạt.

Sau mấy ngày gian truân để đến được Hang Động của Người Xưa, Lobsang Rampa kể về việc tiến vào hang đá:

“Hang Động có vẻ rộng lớn gấp đôi không gian bên trong của Đại Thánh Đường ở Lhasa… hang động này tràn ngập thứ ánh sáng, sáng hơn đêm trăng rằm không mây. Không hẳn thế; có thể nói là sáng hơn nhiều. Tôi ngước nhìn những quả cầu, nơi toé ra thứ ánh sáng đó. Các Lạt ma ép sát bên tôi, và cũng như tôi, họ hướng mắt trước tiên vào nguồn ánh sáng”.

Và rồi, các Lạt Ma tiếp tục khám phá những điều kỳ diệu hơn nữa, đó là gì?

Thang máy kỳ lạ
Có một lưu ý nhỏ rằng phát hiện của các Lạt Ma là vào đầu thế kỷ 20, khi mà máy móc vẫn còn là điều xa lạ với hầu hết các nước phương Đông. Do đó, việc tiếp cận những máy móc hiện đại này là một trải nghiệm không thể tưởng tượng nổi đối với Lạt Ma Lobsang Rampa.




Ảnh chụp Lạt Ma Lobsang Rampa vào thập niên 1970. tác giả của câu chuyện về Hang động chứa thiết bị của nền văn minh tiền sử. (Ảnh chụp màn hình youtube)

Vị Lạt Ma nói: “Bị thúc đẩy bởi cùng một xung lực, chúng tôi tiến bước trên sàn bằng đá để đến xem cỗ máy đặt gần chúng tôi nhất. Chúng tôi đứng quanh nó, không dám chạm tay vào nhưng rất muốn biết công dụng của nó. 

Một số máy móc khác thu hút sự chú ý của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng chẳng hiểu đó là máy gì. Tôi tiến đến một cái bục vuông vức, khoảng một mét, đặt trên sàn và được bao quanh bởi một lan can. Lơ đãng, tôi bước lên cái bục, thầm nghĩ chẳng hiểu nó có công dụng gì. Và tôi suýt chết giấc vì khiếp đảm: cái bục chuyển động và di chuyển lên cao.




Quá kinh hoàng, tôi bám lấy lan can…. Lúc này, tôi đã cách mặt đất khoảng chục mét và cái bục vẫn tiếp tục lên cao. Có một tiếng ‘click’ và cái bục dừng lại. Ánh sáng tỏa ra, cách mặt tôi vài centimet. Tôi rụt rè đưa tay ra: quả cầu lạnh như đá.

Lạt ma Lobsang hoảng hốt và không biết phải làm cách nào để trèo xuống mặt đất, nhưng bất ngờ cái bục lại chuyển động hạ xuống – như thể, ai đó đang đọc được suy nghĩ của ông.

Ông kể lại: “Khi tôi bắt đầu tuyệt vọng thì cái bục lại một lần nữa chuyển động và bắt đầu hạ xuống. Không chờ nó chạm đất, tôi vội vàng nhảy xuống!… Tôi nhận thấy rằng cái bục mà ban nãy đã đưa tôi lên quả cầu phát sáng, có thể được điều khiển tuỳ ý, và nó là một loại ‘thang’ di động. 

Theo ông, hầu hết những máy móc ở đây đều trong tình trạng có thể sử dụng, như những máy móc mà ông đã trông thấy trong các viện bảo tàng khoa học ở nhiều nơi trên thế giới.

‘Máy chiếu’ nền văn minh tiền sử
Ngày nay, công nghệ trình chiếu toàn ảnh (hologram) vẫn còn là thứ gì đó xa lạ với hầu hết mọi người, nhưng dường như Lobsang Rampa đã được xem những hình ảnh được ghi từ hàng triệu năm trước. Điều đặc biệt hơn, hệ thống máy chiếu này còn có khả năng thần giao cách cảm với con người ngày nay.




Lạt Ma nói: “Đột nhiên thấy ánh sáng tập trung lại và hình thành một quả cầu chói lọi, ở chính giữa sảnh đường… Những hình ảnh hiện ra, ban đầu mơ hồ và lộn xộn, rồi trở nên rõ ràng, trông như thật, và có ba chiều. Đáng ngạc nhiên là những hình ảnh đó là một thước phim ghi lại một nền văn minh cổ xưa. 

Đó là thế giới của ngày xửa ngày xưa, vào thời kỳ mà trái đất còn non trẻ. Những dãy núi sừng sững ở những nơi mà ngày nay là những đại dương. Khí hậu ngày xưa nóng hơn và những sinh vật lạ lùng đi lại trên đồng”. 




Cái thế giới đó đang trên đà phát triển khoa học. Có những cỗ máy lạ thường bay cao đến nhiều kilomet trong không gian. Những đền thờ đồ sộ… Người và thú nói chuyện với nhau bằng thần giao cách cảm.

Lạt Ma kể tiếp rằng sau đó, mâu thuẫn bắt đầu xảy ra. Có sự tranh chấp về chính trị. Thế giới bị chia thành hai phe, phe này thèm muốn lãnh thổ của phe kia. Sự ngờ vực và sợ hãi đè nặng lên loài người. Các thầy tư tế của cả hai phe tuyên bố rằng chỉ có họ là những người được các vị thần yêu quý.

Lạt ma Lobsang kể: “Chúng tôi được chứng kiến những cuộc chiến khủng khiếp mà hầu hết các nạn nhân đều là dân thường. Các binh lính, được che chắn bởi binh giáp của họ, nói chung được an toàn. Những người già, đàn bà và trẻ con, những người không trực tiếp chiến đấu, là những người phải khốn khổ. 

Chúng tôi thấy những nhà khoa học đang làm việc trong các phòng thí nghiệm, tìm cách chế tạo những vũ khí có tính sát thương hơn, những quả bom ngày càng lớn hơn, với sức công phá mạnh hơn. 

Buồng du hành thời gian – Thông điệp dành cho nhân loại hiện nay
Các Lạt Ma còn nhìn thấy một điều lạ thường nữa, đó là một nhóm người đang đề ra những kế hoạch mà họ gọi là ‘Buồng du hành thời gian’ – nơi họ có thể lưu lại cho thế hệ mai sau những mẫu máy móc, hồ sơ đầy đủ về văn hoá và những thiếu sót của họ. Có vô số máy móc, máy đào… đang đào bới. Vô số người đang lắp đặt những máy móc, thiết bị. Họ lắp đặt những quả cầu với ánh sáng lạnh, những chất phóng xạ tạo ra ánh sáng trong hàng triệu năm.

Lạt Ma nói tiếp: “Chúng tôi nhận thấy rằng, chúng tôi có thể hiểu ngôn ngữ của họ… bởi nó đã được truyền bằng thần giao cách cảm… Nhóm người đang hoàn chỉnh ‘Buồng du hành thời gian’. Họ quyết định đã đến lúc phải đóng kín lại những buồng đó… Chúng tôi nghe bài diễn văn từ biệt, nói với chúng tôi – ‘Người dân của tương lai’ rằng, có lẽ nhân loại sẽ đi đến chỗ tự huỷ diệt. 

Rồi tiếng nói đó tiếp tục: ‘‘Nếu các người chưa đạt mức tiến hoá để có thể vận hành những máy móc của chúng tôi, thì hãy niêm kín các hang này để giữ nó nguyên vẹn cho những ai đến muộn hơn sau này!”.

Lạt ma Lobsang còn cho biết thêm sảnh trong hang động chứa đầy máy móc, và nhiều mô hình thành phố, cầu, tất cả đều được tạc bằng đá hoặc bằng một thứ kim loại không thể xác định. Một số mô hình được bao bọc bởi một chất trong suốt, nhưng không phải thuỷ tinh, mà là chất liệu không rõ xuất xứ, khiến họ không thể chạm tay vào các mô hình.

Sự hủy diệt của văn minh tiền sử
Chưa dừng lại ở đó, 7 vị Lạt ma tiến hành nhập định để xem, điều gì đã xảy ra sau khi Buồng du hành thời gian – mà các Lạt Ma gọi là “Hang động của người xưa” – đã đóng lại, và họ thấy một đám rước gồm những người có lẽ là chức sắc của thời đó đang ra khỏi Hang Động. Các vết nứt và những kẽ sâu đã được bịt kín. Trong nhiều tháng trời, sự thinh lặng ngự trị trên chốn này.

Rồi bầu trời nhuốm đỏ. Toàn bộ thế giới sửng sốt bởi một sự rung chuyển. Tuy chỉ là những khán giả, nhưng các Lạt Ma cảm thấy vô cùng choáng váng. Sự tăm tối đổ xuống trên trần gian. Những đám mây đen, bị xuyên thủng bởi những ngọn lửa đỏ rực, lăn xuống trên khắp thế giới. Các thành phố thình lình bốc cháy và tan biến.

Lạt Ma mô tả: “Những đại dương hung hãn tràn vào đất liền. Một cơn sóng thần cao hơn cả toà nhà cao nhất quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó và ồ ạt tiến chiếm các lục địa… Trái Đất run rẩy và gầm lên; những vực thẳm rộng lớn há ra và khép lại như hàm há hốc của một người khổng lồ. Những dãy núi chuyển động nhấp nhô như những cành liễu trong cơn bão. Rồi chúng chìm xuống biển. 

…Hàng triệu người phải mất mạng. Số ít sống sót gào thét trong khi chạy về những dãy núi vừa trồi lên. Số khác, trên những con tàu đã thoát khỏi tai hoạ, và đến được những cao nguyên. Tại đó, họ tìm nơi ẩn trú. 

Lạt Ma kể rằng Trái Đất sau đó đã quay ngược với chuyển động quay bình thường của nó. Trong nhiều thế kỷ, Trái Đất lại một lần nữa đổi khác; biển biến thành đất liền và đất liền biến thành biển.

Hang Động Người Xưa bị vùi lấp trong lớp bùn, theo thời gian, các tảng đá lộ ra và bị nung bởi mặt trời, bị làm lạnh bởi một cơn mưa đá, bề mặt đá cứng nứt ra với một tiếng nổ như sấm, và nhờ thế, để lại cho chúng ta một lối vào…


Sư phụ của Lobsang từng nói với ông rằng: “Con người thích nghĩ rằng, họ là thứ duy nhất quan trọng của vũ trụ. Thật ra, còn có nhiều hình thái khác của sự sống. Và những hình thái đó cũng có ở những hành tinh khác, và chúng hoàn toàn không giống loài người”.

Cũng như theo chủ nhân của những thiết bị hiện đại của nền văn minh tiền sử này, nhân loại ngày nay cũng có thể sẽ đi đến tự hủy diệt vì sự tham lam, ích kỷ của mình. Đây phải chăng là bài học mà tiền nhân muốn nhắn nhủ cho các nền văn minh tiếp nối sau họ?
Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *