Hãy tưởng tượng một chiếc ly thủy tinh mà bạn có thể bẻ cong, nhưng sau đó nó lại trở về hình dạng ban đầu; hay bạn làm rơi chiếc ly xuống sàn nhưng nó không hề bị vỡ. Câu chuyện xưa kể rằng một thợ chế tác thời La Mã cổ đại đã tạo ra một loại thủy tinh uốn dẻo, gọi là “vitrium flexible”, khiến vị hoàng đế La Mã đưa ra một quyết định vô cùng tàn bạo.
Một món đồ thủy tinh thời La Mã (ảnh: Carole Raddato/ CC BY SA 2.0)
Kính (thủy tinh) uốn dẻo được xem là một loại kính không thể phá vỡ được phát minh vào thời kỳ La Mã cổ đại. Thủy tinh nhân tạo (khác với thủy tinh tự nhiên như đá thủy tinh núi lửa, còn gọi là đá vỏ chai) được công nhận rộng rãi là phát minh của người Phoenicia (sống ở vùng Lebanon và duyên hải Syria ngày nay). Trải qua hàng thiên niên kỷ, những người thợ chế tác kính đã mài giũa kỹ năng của bản thân mình, cải tiến các kỹ thuật chế tạo kính.
Trong Đế chế La Mã, thủy tinh đã trở thành một mặt hàng được sản xuất phổ biến, bên cạnh các loại đặc biệt sang trọng và đắt tiền. Có thể nói, một trong những loại thú vị nhất thời đó chính là thủy tinh uốn dẻo.
Câu chuyện về loại kính La Mã nổi danh
Kính uốn dẻo được cho là một phát minh huyền thoại đã bị thất lạc có từ thời trị vì của Hoàng đế La Mã Tiberius Caesar. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa tìm thấy được bằng chứng cụ thể về loại kính này, nhưng có hai nguồn tư liệu chính chứng minh cho sự tồn tại của nó.
Một là cuốn Lịch sử tự nhiên (Natural History) của nhà triết học Pliny The Elder (một tác giả người La Mã, mất năm 79 SCN), hai là cuốn Satyricon, thường được cho là tác phẩm của cận thần thời La Mã tên Petronius (mất năm 63 SCN). Cuốn sách của Pliny có tính chất bách khoa toàn thư, còn tác phẩm của Petronius lại mang tính châm biếm – cho thấy câu chuyện đáng kinh ngạc này đã được các nhà văn thuộc thể loại khác nhau nhìn nhận như thế nào.
Trong cuốn Lịch sử tự nhiên, Pliny cho biết thủy tinh uốn dẻo này được chế tạo bởi một người làm kính vào thời Hoàng đế Tiberius Caesar. Thay vì cố gắng giành được sự ưu ái của hoàng đế La Mã, người thợ thủ công đã đóng cửa xưởng chế tác của mình. Ông làm vậy vì lo ngại rằng loại chất liệu mới này sẽ làm suy giảm giá trị của kim loại quý như vàng, bạc và đồng. Một câu chuyện tương tự đã được ghi lại bởi Cassius Dio và Suetonius. Pliny bày tỏ sự ngờ vực của mình về tính chân thực của câu chuyện này, ông cho rằng nó đã được lan truyền rộng rãi trong một thời gian dài với tính xác thực không cao.
Thủy tinh thời La Mã (ảnh: Wiki)
Phiên bản câu chuyện của vị cận thần Petronius trong cuốn Satyricon thì trái lại có phần kịch tính hơn. Trong phiên bản mang tính châm biếm này, người đàn ông phát minh ra loại kính uốn dẻo đã được cho phép yết hoàng đế La Mã để trình bày thành quả của mình. Sau khi hoàng đế kiểm tra chiếc cốc làm bằng thủy tinh uốn dẻo, ông đã đưa nó lại cho người thợ chế tác và người này đã dùng hết sức ném nó xuống sàn nhà. Hoàng đế đã kinh ngạc trước những gì xảy ra, nhưng người thợ lại tỏ ra khá bình tĩnh và từ từ nhặt chiếc cốc lên khỏi mặt đất, rồi đưa cho hoàng đế xem để thấy rằng nó chỉ bị lõm một chỗ. Sau đó, người thợ chế tác lấy một chiếc búa nhỏ gõ lên mặt kính và không lâu sau, chiếc cốc đã trở lại hình dạng ban đầu.
Hoàng đế Tiberius Caesar. (ảnh: Sailko/ Wiki)
Người thợ La Mã tự tin rằng mình đã gây ấn tượng với hoàng đế, nên đứng đợi để được trao thưởng cho phát minh tuyệt vời này. Khi hoàng đế hỏi liệu có ai biết cách làm loại kính thủy tinh này không, người thợ đã trả lời “không”. Thay vì nhận phần thưởng mà mình kỳ vọng, người thợ này lại bị xử tử, do vậy anh ta đã mang theo bí mật làm kính uốn dẻo xuống mồ. Lý do giải thích cho việc này là vì phát minh La Mã nêu trên sẽ có thể khiến vàng bị mất giá, như Pliny đã đề cập đến trong câu chuyện của mình.
Liệu có thể chế tác ra kính uốn dẻo La Mã hay không?
Thủy tinh thời La Mã (Ashley Dace/ CC BY SA 2.0 )
Ngày nay, câu chuyện về kính uốn dẻo La Mã chủ yếu được nhìn nhận như thời của tác giả Pliny, tức là có rất nhiều điểm đáng nghi. Tuy nhiên, đã có một số suy đoán về cách thức mà loại kính này được chế tạo.
Ví dụ như, có thể người thợ chế tạo kính La Mã đã bằng cách nào đó đã tiếp cận được với axit boric hoặc borax, cả hai đều có thể được tìm thấy trong tự nhiên. Bằng cách thêm một phần trăm nhỏ boric oxit vào hỗn hợp thủy tinh, kết quả thu được cuối cùng sẽ là một thứ tương đối cứng, khó vỡ. Ngoài ra, borax đã được nhập khẩu từ phương Đông vào châu Âu một cách thường xuyên trong thời Trung Cổ, và nó được các thợ kim hoàn sử dụng như một chất trợ dung trong luyện kim.
Axit Boric cũng có thể được tìm thấy trong các lỗ thông hơi của vùng ven biển Maremma thuộc xứ Tuscan ở phía bắc Rome, mặc dù điều này được cho là chỉ được thực hiện trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, rất có thể người thợ chế tác thủy tinh đã vô tình tìm ra. Với các khám phá mới ngày nay về sự siêu việt của bê tông La Mã, đường siêu bền của người La Mã hay công nghệ nano thời La Mã, chúng ta có thể hy vọng sẽ tìm ra một nguyên mẫu thủy tinh uốn dẻo trong tương lai gần để nó không chỉ là một phát minh bị thất lạc của người xưa.
Nguồn:TT-Ancient-Origins.net