Bí ẩn “người đẹp ngủ trong rừng” 2.200 tuổi: Thi thể không thối rữa, quan tài giấu kín ở hốc cây

Cỗ quan tài kỳ lạ của một “người đẹp ngủ trong rừng” 2.200 tuổi mặc hàng chục lớp áo khoác da cừu đã được tìm thấy trong hốc cây ở một khu rừng của Thụy Sĩ, theo QQ News.

Hình ảnh tái tạo lại cỗ quan tài chứa thi hài “người đẹp ngủ trong rừng” 2.200 tuổi được chôn trong hốc cây ở Thụy Sĩ. Ảnh QQ.

Theo đó, “người đẹp ngủ trong rừng” được cho là đã chết cách đây 2.200 năm. Quần áo và đồ trang sức được chôn theo cô phản ánh địa vị cao của cô trong bộ tộc. 

Việc phát hiện ra chiếc quan tài của “người đẹp ngủ trong rừng” bắt đầu từ năm 1903, khi người ta khai quật được một ngôi mộ cổ gần sông Limmat, Zurich, Thụy Sĩ. Bên trong mộ cổ là một bộ xương của một người đàn ông, cùng với vũ khí cổ như áo giáp, kiếm, thương và khiên.

Nhưng các nhà khảo cổ tin rằng, ngôi mộ cổ này thực chất là một ngôi mộ phụ – giống như những chiến binh đất nung canh mộ cho Tần Thủy Hoàng nhưng quy mô đương nhiên kém xa. 

Mãi một thời gian dài sau, người ta mới tìm thấy ngôi mộ chính ở gần mộ phụ trong một khu rừng rậm có những cây cổ thụ cao ngất ngưởng.

Điều đặc biệt là, thi hài của chủ nhân ngôi mộ được chôn trong hốc cây rỗng, cách ngôi mộ phụ chỉ 80 mét.

Sau khi mở quan tài trong hốc cây, các nhà khảo cổ đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện thi thể nữ chủ nhân bên trong quan tài vẫn còn nguyên vẹn như chỉ đang ngủ say sau hàng nghìn năm. Đó là một phụ nữ quyền quý, chừng 40 tuổi khi qua đời.

Cô mặc hàng chục chiếc áo khoác da cừu, vẻ mặt rất bình yên như đang ngủ trong quan tài. Chính vì vậy truyền thông đã đặt biệt danh cho nàng là “Người đẹp ngủ trong rừng”.

Trang sức được chôn cùng người phụ nữ. Ảnh QQ.

Các nhà khoa học nói rằng người phụ nữ trong quan tài là người Celtic. Người Celt thời kỳ đồ sắt nổi tiếng với phong tục chôn cất các thành viên trong bộ tộc của họ trong “quan tài cây”.

Người phụ nữ được cho là qua đời cách đây 2.200 năm trước, khi 40 tuổi. Phân tích xương cho thấy, cô là người ít phải lao động trong suốt cuộc đời mình, chứng tỏ địa vị cao quý của cô. 

Đồ trang sức được chôn cùng người phụ nữ bao gồm vòng tay bằng đồng, một chiếc thắt lưng bằng đồng rất tinh xảo và một chiếc vòng cổ tuyệt đẹp được xâu từ các hạt hổ phách và thủy tinh. Từ đó, người phụ nữ được cho là thuộc tầng lớp hoàng tộc hoặc quý tộc.

Các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra răng của cô và phát hiện ra rằng “người đẹp” thích ăn đường, tinh bột khi còn sống. Hơn 2.000 năm trước, phải thuộc giới quý tộc mới được thưởng thức những đồ ăn từ đường như vậy.

Tuy nhiên, vì sao thi thể của “người đẹp” vẫn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm thì vẫn là điều bí ẩn. Các nhà khảo cổ học cho rằng, có lẽ khu rừng rậm nơi cô được chôn cất có những chất giúp thi thể cô ít bị phân hủy hơn, hoặc bản thân chiếc quan tài trong hốc cây cũng có chức năng sát trùng, ngăn chặn sự phân hủy. 

Thời xa xưa, các nghi lễ hiến tế và tín ngưỡng của người Celt đầy bí ẩn. Giáo lý tôn giáo của họ tin vào sự bất tử của linh hồn, rằng linh hồn sẽ chuyển từ thể xác này sang thể xác khác sau khi chết. Vì vậy nếu đặt xác vào hốc cây, linh hồn người chết có thể nhận được sự phù hộ của “cây thiêng” để đầu thai chuyển kiếp.


Một số nhà sử học thậm chí nói rằng người Celt có lẽ là tộc người đầu tiên có quyền bình đẳng giới  trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, hình thức chôn cất trong cây thưởng chỉ dành riêng cho giới quý tôc.

Việc khai quật quan tài của “người đẹp” ngủ trong rừng đã giúp mang lại cho các nhà khảo cổ những hiểu biết mới bất ngờ về người Celt và thói quen sinh hoạt của họ ở châu Âu cổ đại, khiến nhiều bí ẩn xung quanh bộ tộc này không còn bí ẩn nữa.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *