Một số hình ảnh bị nghi là bằng chứng du hành thời gian vì người trong ảnh sử dụng điện thoại di động trước khi sản phẩm này ra đời.
Bức tranh do họa sĩ Umberto Romano vẽ năm 1937. Ảnh: Sun.
Du hành thời gian từ lâu đã là đề tài được công chúng quan tâm và chủ đề này nóng lên trong tháng này do được miêu tả trong phim điện ảnh Mỹ. Có một số giả thuyết cho rằng con người có thể di chuyển giữa các mốc thời gian khác nhau, như trở về quá khứ, nhưng điều đó chưa được chứng minh.
Nhiều nghi ngờ về du hành thời gian xoay quanh việc các bức ảnh, tranh và video cho thấy có người sử dụng điện thoại di động từ rất lâu trước khi nó được chế tạo vào năm 1973.
Tiêu biểu trong số đó là bức tranh “Ông Pynchon và cuộc định cư ở Springfield” do họa sĩ Umberto Romano vẽ năm 1937, cho thấy một thổ dân đang cầm trên tay đồ vật nhỏ hình chữ nhật giống những chiếc smartphone hiện đại. Ông này dường như đang vuốt màn hình bằng ngón cái.
Nhà sử học Daniel Crown cho rằng chiếc “smartphone” này thực ra là một tấm gương. Bức tranh tả lại cảnh thổ dân da đỏ kinh ngạc trước những thứ thương gia bán lông thú người Anh William Pynchon mang đến châu Mỹ, trong đó rất có thể có một tấm gương nhỏ.
Người phụ nữ cầm vật thể giống điện thoại di động trong DVD của Charlie Chaplin. Ảnh: Fox.
Tháng 10/2010, nhà làm phim Bắc Ailen George Clarke tải một video có tên “Người du hành thời gian của Chaplin” lên YouTube. Video này được trích từ DVD phim Rạp xiếc của “vua hề” Charlie Chaplin, trong đó có cảnh quay từ buổi ra mắt phim tại một rạp ở Los Angeles năm 1928.
Một người phụ nữ đi qua ống kính, cầm một vật thể ở bên tai. Clarke cho rằng bà này đang nói chuyện với một thiết bị mỏng, màu đen có vẻ như là điện thoại di động. Clarke kết luận rằng người phụ nữ có thể là người du hành thời gian.
Người đàn ông cầm vật thể giống điện thoại di động trong bức ảnh năm 1943. Ảnh: news.com.au.
Một bức ảnh được chụp vào năm 1943 cho thấy cảnh những người đi nghỉ mát trên bãi biển Towan ở Newquay, Anh được tải lên Twitter vào tháng 11/2018 bởi nghệ sĩ Stuart Humphryes. Người dùng mạng chú ý đến một người đang cúi đầu nhìn vào một thứ trông giống điện thoại di động.
Dòng tweet của Humphryes được các hãng tin bao gồm Fox News ở Mỹ và nhiều báo ở Anh như Sun và Daily Mirror chú ý. Tuy nhiên, Humphryes bác bỏ giả thuyết du hành thời gian, nói rằng người đàn ông trong ảnh có lẽ chỉ đang cuốn điếu thuốc.
Bức ảnh chụp tại Gold Bridge, British Columbia, Canada năm 1941 cho thấy một người đàn ông ăn mặc theo phong cách hiện đại và đeo kính râm. Ảnh: Virtual Museum.
Bức ảnh được chụp vào lễ mở lại cầu South Fork ở Gold Bridge, British Columbia, Canada năm 1941 cho thấy một người mặc quần áo theo kiểu hiện đại và đeo kính râm, cầm một chiếc máy ảnh nhỏ. Phong cách của anh ta khác hẳn những người xung quanh khiến nhiều người cho rằng chàng trai này đã đi ngược về quá khứ. Bức ảnh trở thành hiện tượng mạng vào năm 2011, khi được giới thiệu trong hội thảo Bảo tàng và trang web ở Pennsylvania.
Tuy nhiên, một số người chỉ ra rằng chiếc áo của anh ta giống đồng phục của đội tuyển hockey Montreal Maroons từng chơi vào thập niên 1940 nhưng hiện đã dừng hoạt động. Chiếc kính mà anh ta đeo có vẻ là loại kính mát kiểu cũ với phần bảo vệ hai bên mắt, đã xuất hiện từ những năm 1920. Ngoài ra, vào thập niên 1940, Kodak đã sản xuất loại máy ảnh nhỏ giống như thứ người đàn ông cầm trên tay.
Ngoài các bức ảnh, cũng có nhiều lời kể về việc du hành thời gian.
Năm 1921, Paul Amadeus Dienach, giáo viên người Thụy Sĩ gốc Áo, hôn mê trong một năm khi đang giảng dạy ngôn ngữ ở Hy Lạp. Khi tỉnh dậy, ông viết nhật ký và giữ bí mật về nó cho đến khi ông yêu cầu một học sinh của mình, Georgios Papachatzis, dịch nó từ tiếng Đức sang Hy Lạp trước khi ông qua đời.
Trong nhật ký, ông mô tả ông đã nhập vào một người đàn ông có tên Andrew Northman vào năm 3906. Những người ở năm 3906 kể cho ông nghe các sự kiện trong khoảng thế kỷ 21 đến thế kỷ 39. Tuy nhiên, họ không nói với ông những sự kiện thế kỷ 20 vì tin rằng sẽ rất nguy hiểm nếu cho ông biết trước tương lai của mình. Họ cho rằng làm vậy có thể gây xáo trộn cuộc sống của Dienach và thay đổi lịch sử.
Máy bay Anh tấn công Hamburg năm 1943. Ảnh: Imperial War Museums.
Trong cuốn sách về các sự kiện kỳ bí của Ron Edwards, C. B. Colby, John Macklin, các tác giả kể rằng phóng viên J.Bernard Hutton và Joachim Brandt được cử đi làm phóng sự về xưởng đóng tàu Hamburg ở Đức năm 1932.
Sau khi hoàn thành công việc và chuẩn bị rời đi, họ nghe thấy tiếng động cơ máy bay và đột nhiên thấy bầu trời đầy máy bay chiến đấu. Bom nổ, các tòa nhà sụp đổ và khu vực biến thành vùng chiến. Hutton và Brandt lên xe chạy trốn.
Khi dừng xe và quay đầu nhìn lại, họ sững sờ khi thấy mọi thứ vẫn bình thường, không thấy cảnh tượng hỗn loạn lúc trước. Họ đã chụp một số ảnh khi “cuộc chiến” diễn ra nhưng khi rửa ảnh, các bức ảnh cũng không cho thấy có điều gì bất thường. Tổng biên tập nghĩ rằng hai người này đã say xỉn và hoang tưởng.
Bernard Hutton sau đó chuyển đến London trước khi Thế chiến II bắt đầu. Năm 1943, ông ngạc nhiên khi đọc tin về một cuộc đột kích của không quân Anh vào xưởng đóng tàu Hamburg, giống như cảnh tượng ông đã chứng kiến 11 năm trước.
Bài báo viết về Andrew Carlssin năm 2003. Ảnh: thechive.
Andrew Carlssin, 44 tuổi, bị bắt vào tháng 3/2003 vì nghi ngờ gian lận, nhận được thông tin bất hợp pháp sau khi kiếm lời từ 126 giao dịch chứng khoán rủi ro cao thành công. Carlssin bắt đầu với khoản đầu tư chỉ 800 USD nhưng sau đó thu về 350 triệu USD.
Sau khi bị bắt, Carlssin nói rằng anh ta đến từ năm 2256 và đề nghị nói với các nhà điều tra những thông tin như nơi ở của Osama bin Laden và cách chữa bệnh AIDS để đổi lấy hình phạt nhẹ hơn và được phép quay lại máy du hành thời gian. Tuy nhiên, anh ta từ chối nói với các nhà điều tra về địa điểm hay nguyên lý hoạt động của chiếc máy đó.
Một người không rõ danh tính sau đó bỏ ra một triệu USD để bảo lãnh cho Carlssin. Ông này lẽ ra phải hầu tòa vào ngày 3/4/2003 nhưng đã biến mất không một dấu vết.
Câu chuyện này ban đầu được tin là thật do nó được trang Yahoo! News cùng một số báo và tạp chí khác đăng. Tuy nhiên, sau khi truyền thông chỉ ra câu chuyện ban đầu được đăng trên báo châm biếm Weekly World News, nó bị nghi ngờ về độ xác thực.
Nguồn: VNE – Theo ABC/ India Times
- Di tích cổ ở Myanmar khiến các khoa học choáng váng vì ”không chịu ảnh hưởng của trọng lực”
- Rốt cuộc ánh sáng lạ xuất hiện 1 giây trước trận động đất ở Thanh Hải là gì?
- Bí ẩn 1.600 tấn vàng chìm dưới đáy hồ nhưng không một ai dám trục vớt