Nền văn minh phương Đông cổ đại huyền bí có lịch sử lâu đời, cội nguồn sâu xa, và chứa đựng những nội hàm văn hóa phong phú vẫn là điều bí ẩn với con người hiện đại, trong đó “10 đại bí thuật” vẫn là những điều huyền bí nhất.
Nền văn minh phương Đông cổ đại huyền bí có lịch sử lâu đời, cội nguồn sâu xa, và chứa đựng những nội hàm văn hóa phong phú. (Ảnh: Tổng hợp)
1. Thuật Khám Dư
Thuật “Khám Dư” chính là thuật “Phong thủy”, là một kỹ thuật xem tướng địa hình. Vậy tại sao lại gọi là Khám Dư?
Trong tác phẩm Hoài Nam Tử có viết: “Khám là Đạo của Trời, Dư là Đạo của Đất”. Khám tức là Trời, Dư tức là Đất, Khám Dư học tức là Thiên Địa học. Thế nên Phong thủy chính là sức mạnh của thiên nhiên, là năng lượng của vũ trụ.
Phong chính là trường năng lượng tinh thần vô hình. Thủy chính là sự biến hóa và lưu động của vật chất mà mắt thường nhìn thấy được. Phong thủy là một loại khoa học nghiên cứu về môi trường và quy luật vũ trụ, đạt đến cảnh giới “Thiên – nhân hợp nhất” là mục đích cuối cùng của Phong thủy.
Thuật Khám Dư dựa trên cơ sở của Hà Đồ và Lạc Thư, kết hợp với sinh khắc chế hóa của Bát Quái Cửu Tinh và Âm Dương Ngũ Hành, đem sự vận hành của Thiên Đạo và sự lưu chuyển của Địa khí và con người ở trong đó kết hợp lại một cách hoàn chỉnh, hình thành nên một thể hệ lý luận đặc biệt, từ đó suy đoán hoặc cải biến cát hung họa phúc, thọ yểu cùng thông của con người.
La bàn để xem phong thủy. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 2.0)
2. Thuật Chiêm Tinh
Kinh dịch có viết: “Quan sát thiên văn để xét sự biến đổi của thời”. Thiên văn cổ đại liên quan chủ yếu đến tinh tượng. Muộn nhất là vào thời nhà Hán, coi Thiên văn học là một môn khoa học để nghiên cứu.
Trong Thiên văn học cổ đại có một số khái niệm quan trọng, Hoàng đạo là quỹ tích vận động quan sát mặt trời, Bạch đạo là quỹ tích vận động quan sát mặt trăng. Người cổ đại mở rộng 8 độ sang 2 bên Hoàng đạo, tổng cộng rộng 16 độ, gọi là dải Hoàng đạo. Người xưa đem các sao ở gần Hoàng đạo và Thiên xích đạo chia làm 28 khu vực sao, gọi là Nhị thập bát tú, và lấy nó là tọa độ để quan sát sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh.
Bởi vì ngoài trái đất ra thì 5 hành tinh Kim (Thái Bạch), Mộc (Tuế tinh), Thủy (Thìn tinh), Hỏa (Huỳnh hoặc), Thổ (Trấn tinh) gần với mặt trời nhất, nên hợp cùng mặt trời và mặt trăng gọi chung là Thất chính, cũng gọi là Thất diệu.
Người xưa coi sao Bắc Cực là trung tâm của trời, và gọi là Trung cung. 7 sao gần với sao Bắc Cực nhất là: Thiên Khu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Ngọc Hoành, Khai Dương, Dao Quang hợp thành sao Bắc Đẩu. Chương Thiên Cung thư trong Sử Ký có viết, Bắc đẩu là “tượng của đế xa” (tinh tượng của xe đế vương)
Đồng hồ chiêm tinh ở Venice. (Ảnh: Wikipedia)
3. Thuật Kỳ Môn Độn Giáp
Thuật Kỳ Môn Độn Giáp là đại bí thuật đệ nhất trong 3 đại bí thuật Kỳ Môn, Lục Nhâm và Thái Ất, tương truyền do Cửu Thiên Huyền Nữ sáng tạo ra, và có văn tự ghi chép và sử dụng sớm nhất là Hoàng Đế. Trong trận chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu, khi tác chiến, Xi Vưu thường xuyên triệu hoán sương mù, khiến quân đội của Hoàng Đế thường xuyên không tìm thấy hướng bắc. Hoàng Đế đã chế tạo ra Chỉ nam xa (xe chỉ hướng nam) để dẫn đường cho quân đội. Nhưng Chỉ nam xa chỉ là một công cụ, khó địch nổi quân đội của Xi Vưu, một đội quân dũng mãnh thiện chiến không ai sánh nổi. Thế là Hoàng Đế đã áp dụng Kỳ môn độn giáp vào quân sự, cuối cùng đã chiến thắng Xi Vưu.
Tương truyền bí thuật này đã được các đế vương các thời đại học tập, là “học vấn của đế vương”, trên có thể biết quy luật vận hành của mặt trăng, mặt trời và các vì sao, dưới có thể biết phân bố, hướng của núi non sông ngòi, giữa có thể biết được cát hung họa phúc của nhân gian. Do thuật Kỳ môn độn giáp rất khó hiểu, nên bí thuật thời thượng cổ này đã bị thất truyền.
4. Thuật Đại Lục Nhâm
Lục Nhâm còn gọi là Lục Nhâm Thần Khóa, gọi tắt là Lục Nhâm. Đây là một trong 3 thuật chiêm bói lớn thời cổ đại. Đại Lục Nhâm và Kỳ Môn Độn Giáp cùng với Thái Ất Thần Số được gọi chung là Tam Thức.
Thuật Lục Nhâm khởi nguồn rất sớm, trong các thư tịch cổ như Ngô Việt Xuân Thu và Việt Tuyệt Thư đời Hán đã có ghi chép, phần Kinh Tịch Chí trong Tùy Thư cũng ghi chép về “Lục Nhâm thức kinh tạp cổ” và “Lục Nhâm thức triệu”. Bài thơ Bần Cư trong sách Vương Kiến Thi thời Đường có viết: “Gần đây thân không khỏe, thường xem Lục Nhâm xưa”. Điều này cho thấy, thời nhà Đường đã rất thịnh hành thuật Lục Nhâm rồi.
Thuật Lục Nhâm tính toán rất khó, nó dung nạp học thuyết Âm dương ngũ hành, lý luận Kinh dịch, thuật Chiêm Tinh và tư tưởng quân sự, thiên biến vạn hóa, là tập hợp các tư tưởng văn hóa lớn cổ xưa, rất khó có thể nắm bắt được hoàn toàn.
Phép bói toán Đại Lục Nhâm: người đến chưa cần hỏi cũng đã có thể biết được mục đích của xem bói. (Ảnh: Miền công cộng)
5. Thuật Thái Ất Thần Số
Thuật Thái Ất Thần Số cũng là một trong 3 đại bí thuật. Thái Ất cũng gọi là Thái Ất Số. Thái Ất là một loại thuật số, đứng đầu trong Tam Thức. Tương truyền thuật Thái Ất ra đời vào thời Hoàng Đế chiến Xi Vưu. Sách Kỳ Môn Ngũ Tổng Quy có viết: “Xưa Hoàng Đế lệnh Phong Hậu chế tác Thái Ất, Lôi Công chế tác Cửu Cung Pháp, dùng số của Lạc Thư trên mình rùa thiêng”.
Những bí thuật này đến nay về cơ bản đã thất truyền, nhưng nó vẫn là tượng trưng cho trí tuệ phát triển cao độ của người xưa.
6. Thuật Lịch Pháp
Tương truyền thời Tam Hoàng Ngũ Đế đã có Lịch Pháp rồi. Chương Thông Quái Nghiệm sách dịch Vĩ có viết: “Âm dương luật lịch đều có khởi nguồn từ dịch”. Điều đó có nghĩa là Lịch Pháp cổ đại có hình thái tồn tại nguyên thủy là Quái (quẻ), được gọi là Quái Lịch. Đồ hình Tiên Thiên 64 quẻ của Phục Hy là lịch Thái Dương 10 tháng cổ xưa, đồ hình phương vị Hậu Thiên Bát Quái là lịch Đại Hỏa 8 tháng cổ xưa do Thần Nông sáng tạo ra.
Lịch pháp cổ đại đều có 2 bộ hệ thống, một là Tuế, một là Niên. Tuế dùng mặt trời quy về năm, còn Niên dùng chu kỳ sinh trưởng của hoa màu làm căn cứ.
Nhà Hạ dùng Tham Lịch. Tham lịch là lịch pháp thời nhà Hạ, lấy tham trung khởi đầu năm, Tham Lịch là lịch 10 tháng. Chương Thiên Quan Thư của Sử Ký có ghi chép rằng: “Tham là Bạch hổ”. Tham lịch còn được gọi là lịch hổ.
Lịch nhà Ân, khởi đầu của Tuế là ngày Đông Chí, cũng có người gọi nó là Ân Chính Kiến Tý, một Tuế là 365.25 ngày. Khởi đầu của Niên của lịch nhà Ân vốn là ngày Đại Thử, gọi là Ân Chính Kiến Mùi. Sau đó lấy ngày Đại Hàn làm ngày khởi đầu của Niên, gọi là Ân Chính Kiến Sửu. Ngày Tết gọi là Hỏa Thần nhật hoặc Hỏa Bả tiết. Hiện dân tộc Di ở Trung Quốc vẫn còn Hỏa Bả tiết. Dân tộc Di quả thực vẫn đang lưu truyền đồ hình Hỏa Lịch Hậu Thiên Bát Quái và đồ hình Hỏa Lịch Tiên Thiên Bát Quái. Một Niên là 360 ngày, dùng hệ thống 60 Giáp Tý để tính ngày.
Sách Chu Chính Kiến Tý ghi chép, lịch pháp thời nhà Chu là dùng 12 Địa Chi tính tháng, tháng Tý là Chính Nguyệt (Tháng Giêng), do đó lịch nhà Chu có khả năng chính là Thái Dương lịch 12 tháng. Thái Dương lịch 12 tháng lấy ngày Đông Chí làm khởi đầu của Tuế, tháng Tý làm tháng Giêng, lấy ngày Vũ Thủy là khởi đầu của Niên, Tuế là 365.25 ngày, Niên là 360 ngày.
7. Thuật Trận Pháp
Tương truyền Cửu Thiên Huyền Nữ vì để giúp Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu nên đã truyền cho Hoàng Đế mật thuật Trận Pháp. Sau này Trận pháp luôn được ứng dụng trong tác chiến quân sự. Nổi tiếng nhất mà chúng ta biết đến là Bát Quái Trận của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, và Binh Pháp Tôn Tử thời Xuân Thu.
Thời cổ đại, việc dẫn quân tác chiến rất coi trọng bài binh bố trận, mà trận pháp tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng đến sức chiến đấu và tập trung sức mạnh của một cánh quân.
Việc dẫn quân tác chiến rất coi trọng bài binh bố trận, mà trận pháp tốt hay xấu xe ảnh hưởng đến sức chiến đấu và tập trung sức mạnh của của một cánh quân. (Ảnh: tổng hợp)
8. Thuật Giải Mộng
Người xưa rất coi trọng giấc mộng, từ thời nhà Thương, Trung Quốc đã có những “Chiêm mộng quan” chuyên giải nghĩa giấc mộng cho cung đình và quý tộc, đồng thời cho rằng, những thứ thấy trong mộng sẽ phản ánh ra hung cát họa phúc. Thư tịch cổ như Chu Lễ, Liệt Tử chia giấc mộng làm 6 loại, sách Chu Công Giải Mộng chính là từ thời đó lưu truyền lại.
Chiêm mộng quan cổ đại tiến hành phân tích tổng hợp tình cảnh trong giấc mộng và những sự tình xảy ra trong thực tế đời sống, phối hợp với các nguyên lý Âm dương, Ngũ hành, Bát quái, đưa ra phán đoán hung cát họa phúc. Sách Chu Công Giải Mộng lưu truyền hiện nay là đem đại bộ phận những cảnh trong mộng quy nạo thành hình thức từng trường hợp, ví dụ như, mộng thấy lửa cháy thì biểu thị vận gia đình sẽ hưng thịnh, mộng thấy tuyết rơi biểu thị trong gia đình sẽ có bất hạnh.
9. Thuật Phù Chú (Bùa chú)
Chú ngữ ban đầu khởi nguồn từ những lời nguyện của các thầy mo cổ đại tế Thần. Bùa chú thường được coi là thuộc về Đạo môn, là một loại của pháp thuật Đạo giáo, dùng giấy vàng, hoặc giấy màu sắc khác, đồng thời thông qua một phương pháp nhất định viết, vẽ một số chữ hoặc đồ hình. Bùa chú được cho là có hiệu quả trừ tà. Ngoài ra, khoa Chúc do, khoa thứ 13 của Trung y cổ đại cũng vẽ bùa chữa bệnh.
Cuốn sách thần chú thế kỷ 19, được viết bởi một bác sĩ người Wales. (Ảnh: Wikipedia)
10. Thuật Bốc Phệ
Thuật Bốc Phệ là chỉ Chiêm Bốc (xem bói) nói chung.
Bốc tức Quy Bốc, tức là đem mai rùa hoặc xương thú đã được gia công xử lý như khoan, đục đưa lên lửa đốt, sau đó có quan chuyên môn là Thái bốc quan sát những đường văn và hình dáng được tạo thành trên mai rùa hoặc xương thú sau khi đốt, từ đó suy đoán sự việc hung cát.
Phệ (cũng gọi là Thệ), là dùng cỏ thi hoặc vật có thể đếm khác làm công cụ, bày xếp tổ hợp theo phương thức đặc biệt, một loạt các dãy số tạo ra thành quẻ, căn cứ vào những chữ số này để xem bói hung cát.
Trong Bốc Phệ có một phương pháp xem bói đặc biệt gọi là Mai Hoa dịch Số, do nhà dịch số đời Tống là Thiệu Ung trước tác. Đây là một bộ sách lấy Số học trong dịch học làm nền tảng, kết hợp tượng học trong dịch học để xem bói, nó có thể sản sinh ra tất cả các dị tướng trong thiên nhiên cũng như xã hội nhân loại như âm thanh, phương vị, thời gian, động tĩnh, địa lý, thiên thời… Nó là một phương pháp dự đoán xu thế phát triển của một sự vật bất kỳ.
Nguồn:TH
- 5 địa điểm trên thế giới bị nghi ngờ là cánh cửa dẫn đến không gian khác
- Những sự thật nực cười nhất trong lịch sử thế giới
- Hiện tượng “nhìn thấy thiên đường” qua lời kể của người chết đi sống lại