Trên thế giới có nhiều dân tộc lưu truyền những truyền thuyết về người khổng lồ. Người khổng lồ còn là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong nhiều câu chuyện thần thoại. Vậy rốt cuộc họ có tồn tại không?
Ảnh: shutterstock
Trong thần thoại Hy Lạp, có người khổng lồ một mắt to khỏe sống trên đảo Sicilia. Các câu chuyện về người khổng lồ trong truyện cổ Grimm cũng nhiều, ví dụ như: “Chàng khổng lồ trẻ tuổi”, “Jack và cây đậu thần”, “Gã khổng lồ và người thợ may” v..v.. Tất cả đã mở ra một cánh cổng thần kỳ cho trẻ em. Trong “Những cuộc phiêu lưu của Gulliver” có miêu tả về vương quốc người khổng lồ vô cùng sống động. Trong thần thoại Trung Hoa cũng có những ghi chép về người khổng lồ như Bàn Cổ, Khoa Phụ v..v… Người khổng lồ thật sự chỉ là truyền thuyết chăng? Chỉ là một loại người đặc biệt do con người cổ đại tưởng tượng ra thôi sao?
Cùng với sự phát triển của ngành khảo cổ học, ngày càng có nhiều bằng chứng được khai quật, chứng minh rằng người khổng lồ thực sự đã từng tồn tại chứ không phải chỉ có ở trong truyền thuyết hay thần thoại thôi. Trong số các văn kiện cổ đại của Trung Quốc, chúng ta cũng có thể tìm được những ghi chép có liên quan.
Chính sử ghi chép về người khổng lồ
Vào năm thứ 26 thời Tần Thủy Hoàng (năm 220 TCN), lịch sử ghi chép có 20 người khổng lồ xuất hiện ở gần Lâm Thao (nay thuộc huyện Dân, tỉnh Cam Túc). Họ có chiều cao 5 trượng (khoảng 16,7m), chân dài sáu thước (khoảng 2m), mặc trang phục của dân tộc thiểu số, tổng cộng 20 người. Cùng năm đó, Tần Thủy Hoàng vừa mới thống nhất sáu nước, cho rằng đây là điềm lành, vì vậy đã đun chảy binh khí trong thiên hạ, dựa theo hình dáng của người khổng lồ đúc thành 20 pho tượng đồng. Chuyện này được ghi chép trong phần “Ngũ hành chí” của Hán Thư.
Trong “Vương Mãng truyện” của Hán Thư cũng có ghi chép về một người khổng lồ. Năm Vương Mãng thứ 6 (năm 14) thiên hạ đại loạn, trộm cướp hoành hành khắp nơi, Hung Nô xâm chiếm biên cương. Vì vậy mà Hàn Bác đã tiến cử kỵ sĩ Cự Vô Bá với Vương Mãng. Người này sống tại Bồng Lai – Sơn Đông, thân hình cao lớn tới hơn một trượng (3,4m), vòng eo một mét. Cự Vô Bá tình nguyện gia nhập mong muốn góp sức cho đất nước, đánh bại Hung Nô. Vì thân hình của Cự Vô Bá quá to khỏe, những chiếc xe bình thường không chở nổi y, phải dùng một chiếc xe cực lớn được kéo bởi bốn con ngựa mới có thể chở nổi y. Khi ngủ y phải dùng trống làm gối, ăn cơm phải dùng đũa sắt để ăn.
Chuyện này cũng được chứng minh trong “Hậu Hán Thư” quyển 1. Cự Vô Bá không chỉ có thân hình cao lớn, mà còn rất giỏi điều khiển các mãnh thú như hổ, báo, tê giác và voi tham gia vào chiến trận. Vương Mãng tuyển chọn các tướng sĩ dũng mãnh và các kỳ nhân dị sĩ trong thiên hạ để giúp mình đánh trận, Cự Vô Bá chính là một trong số đó.
“Hán Thư” và “Hậu Hán Thư” đều rất khắt khe trong việc nghiên cứu học vấn, khảo cứu lịch sử nên được các học giả từ xưa đến nay đánh giá rất cao. Hai bộ Chính Sử này chứng thực cho nhau, vào thời nhà Hán thực sự đã từng có người khổng lồ tồn tại.
Hai bộ Chính Sử này chứng thực cho nhau, vào thời nhà Hán thực sự đã từng có người khổng lồ tồn tại (Nguồn: Wikipedia)
Đại học sĩ ghi chép các câu chuyện dân gian
Theo như “Di Kiên Bính Chí” quyển 6 ghi chép, tại Bản Kiều Trấn – Mật Châu (nay thuộc khu vực phía đông nam của tỉnh Sơn Đông) có một người muốn ra biển để đi Quảng Châu. Trên biển gặp phải gió lớn, lại có sương mù nên rất khó phân biệt được hướng đi, đành phải để thuyền trôi tự do theo gió. Mười mấy ngày trôi qua, nước uống trên thuyền đã cạn rồi, trong lúc mọi người sắp chết khát thì trông thấy có một hòn đảo ở phía xa, thế là họ liền vội vàng lái thuyền đến đó. Sau khi lên bờ, họ đi lấy rất nhiều nước suối ngọt lịm. Lại nhìn thấy trên đảo có một rừng táo đỏ, ra trái xum xuê, vì thế họ lại hái rất nhiều táo đỏ để làm thức ăn. Trên đảo có rất nhiều sản vật phong phú, mọi người đều lưu luyến nơi này, nên đã đi vào trong một hang động để nghỉ ngơi.
Một lát sau, có bốn người khổng lồ bước đến phía họ. Mỗi người khổng lồ đều có chiều cao hơn hai trượng (khoảng 6,7m), tóc xõa rũ rượi, gần như là trần truồng không mặc gì. Những người khổng lồ nhìn thấy những người đi biển này cũng vô cùng kinh ngạc. Họ thì thầm với nhau điều gì đó, sau đó ba người khổng lồ liền bỏ đi, họ đi với tốc độ rất nhanh giống như ngựa phi vậy. Sau đó gã khổng lồ còn lại bịt cửa hang xong cũng bỏ đi ngay.
Cũng may cửa hang không bị bịt chặt, sau khi mọi người ra khỏi hang, liền chạy một mạch về chỗ thuyền. Họ vừa mới tháo dây buộc thuyền ra thì nhìn thấy có một gã khổng lồ đã đuổi đến nơi. Gã khổng lồ một tay tóm lấy thuyền của họ, những người trên thuyền dùng hết toàn bộ sức lực để vùng vẫy, nhưng thuyền của họ vẫn không thể rời khỏi bờ. Trong lúc cấp bách, có người lấy móc câu ra móc vào cánh tay của gã khổng lồ và dùng cây rìu sắc bén chém đứt một cánh tay của gã khổng gã, mọi người mới có thể đi khỏi.
Sau khi mọi người lái thuyền quay trở về quê nhà, liền đem cánh tay của người khổng lồ ra cho dân chúng xem, cánh tay dài hơn năm thước ( khoảng 1,67m). Theo như những gì tác giả của “Di Kiên Chí” là đại học sĩ Hồng Mại nói, khi Cao Tư Đạo sống ở Bản Kiều cũng từng nhìn thấy cánh tay này. Thẩm Nhã nói cho ông biết chuyện này, Hồng Mại đem chuyện này ghi chép lại.
Ngón tay người khổng lồ trong tình trạng xác ướp còn nguyên da thịt móng… (Ảnh: Disclose.tv)
Trong “Di Kiên Ất Chí” quyển 8 còn ghi chép về một “trường nhân quốc”, theo cách nói hiện đại tức là vương quốc người khổng lồ. Kể rằng tại Minh Châu có người đi ngồi thuyền ra biển, có một hôm đột nhiên sương mù khắp nơi, gió lớn nổi lên, thuyền viên không cách nào phân biệt được phương hướng. Đợi khi thời tiết tốt hơn, mọi người mới phát hiện là mình đã ở trên một hòn đảo. Thế là hai thuyền viên cầm đao lên bờ, chuẩn bị đi chặt một ít củi khô. Nhìn ngó xung quanh, họ thấy cách khoảng một trăm bước chân có một hàng rào tre. Sau khi đi vào trong, nhìn thấy vườn rau trồng thành từng luống, họ biết rằng có cư dân sinh sống ở cách đây không xa.
Khi thuyền viên đang định ngồi xuống để hái một ít rau thì nghe thấy một tràng tiếng vỗ tay. Ngước đầu lên nhìn, thì ra là một người khổng lồ, thân cao ba bốn trượng, nhưng mà người này đi như bay. Hai thuyền viên vô cùng hoảng sợ, vội vàng chạy về thuyền. Có một người đi chậm hơn đã bị gã khổng lồ bắt được, rồi đem buộc anh ta vào trên một cành cây cao. Một lúc sau, người đó nhìn thấy gã khổng lồ đội một cái chảo đi tới, biết là gã muốn nấu mình lên ăn, trong lúc kinh hãi thì đột nhiên nhớ ra ở thắt lưng có buộc một cây đao. Thế là anh ta chịu đựng đau đớn, chặt đứt sợi dây leo đang quấn quanh người, chạy ngay về thuyền, chặt đứt dây buộc rồi thuyền nhanh chóng lái thuyền đi. Sau đó tuy là thuyền đã đi ra khỏi bờ rất xa rồi, nhưng gã khổng lồ vẫn đuổi ra ngoài biển, gã khổng lồ bước đi trên biển như là bước đi trên mặt đất, nước biển chỉ cao đến ngực của gã mà thôi.
Bách khoa toàn thư ghi chép về hài cốt của người khổng lồ
Ngày nay ở các nơi trên thế giới đều phát hiện không ít hài cốt của người khổng lồ. Người ta phát hiện ra rất nhiều bộ hài cốt khổng lồ bị hóa thạch tại Thổ Nhĩ Kỳ, phát hiện một hộp sọ người khổng lồ hoàn chỉnh tại phía tây thành phố Mexico. Các nhà khoa học cũng phát hiện hài cốt của người khổng lồ cổ đại có chiều cao 3,1m trên đảo PP của Thái Lan. Trong các văn kiện cổ của Trung Quốc cũng có thể tìm thấy các ghi chép liên quan đến hài cốt của người khổng lồ.
Theo “Mộng Khê Bút Đàm” quyển 21 miêu tả, trên đỉnh núi Thiên Sơn tại Diên Châu, có một ngôi chùa tên Phụng Quốc Tự. Trong khuôn viên của ngôi chùa có một ngôi mộ, tương truyền đó là mộ của vua Thi Bì. Theo như sách Phật giáo “Đại Trí Luận” ghi chép, vua Thi Bì từng cắt thịt trên cơ thể mình cho chim ưng đói ăn. Vào thời nhà Tống, dưới chân núi Thiên Sơn có sông Trạc Cân, có huyện Phu Thí. Tìm kiếm ý nghĩa chi tiết của từ “Phu Thí” (phu thí nghĩa là bố thí da thịt), cũng phù hợp với truyền thuyết về vua Thi Bì.
Trong những năm Khánh Lịch thời nhà Tống, đám người của Thi Xướng Ngôn phá hủy Phụng Quốc Tự để làm nhà kho. Mọi người đào bới mộ của vua Thi Bì, nhìn thấy quan tài đã hoàn toàn hư hoại, nhưng bộ hài cốt bên trong quan tài vẫn còn nguyên vẹn. Mọi người nhìn thấy xương ống chân của ông dài hơn hai thước (66cm), hộp sọ to bằng cái đấu. Đồng thời, bên trong còn chôn rất nhiều đồ dùng bằng ngọc quý giá. Lúc đó, đông thượng các môn sứ Phục Nguyên Tượng đảm nhận chức binh mã đô giám, đích thân giám sát chuyện này, sau này ông đem chuyện kể lại chi tiết với Thẩm Quát.
Những sách cổ ghi chép về người khổng lồ có rất nhiều, hoặc là chính sử, hoặc là bách khoa toàn thư, hoặc là ghi chép những gì mắt thấy tai nghe trong dân gian. Những người ghi chép về người khổng lồ như Ban Cố, Phạm Diệp, Thẩm Quát… đều là những nhà sử học, nhà khoa học có phong cách cẩn trọng, còn Hồng Mại thì là đại học sĩ. Từ xưa đến nay, có rất nhiều văn kiện có ghi chép về người khổng lồ, chứng tỏ người khổng lồ không chỉ tồn tại trong thần thoại truyền thuyết, mà thực sự đã từng tồn tại trên Trái Đất này. Giữa đất trời bao la, các chủng loại sinh mạng nhiều vô số, không có gì không có, thật khiến người ta nể sợ.
Nguồn: NTDVN – Theo Epochtimes
- Quái vật Flatwoods – “sinh vật ngoài hành tinh” từng chạm mặt con người
- Bí ẩn xuyên thời đại về “thành phố vô hình” đáng sợ ở Philippines
- “Cung điện” 1.500 tuổi nào từng bị bỏ quên dưới nước?