Một người chỉ có thể sống sót trong khoảng vài tuần nếu không ăn. Nhưng một người đàn ông Scotland đã phá vỡ quy luật này khi không ăn gì suốt 382 ngày nhưng vẫn khoẻ mạnh.
Angus Barbieri trước và sau khi giảm cân. (Ảnh qua Internet)
Giữ kỷ lục Guinness thế giới vì nhịn ăn lâu nhất
Năm 1965, Angus Barbieri, một người đàn ông 27 tuổi với cơ thể đồ sộ, đã đến bệnh viện Maryfield tại Dundee (Scotland) để tìm kiếm sự giúp đỡ. Angus khi ấy được chẩn đoán ‘béo phì quá mức’, anh nặng tới 456 pound (tương đương 207 kg). Angus nói với các nhân viên y tế ở đó rằng, anh sẵn sàng từ bỏ việc ăn uống bình thường trong một thời gian để giảm cân, và các bác sĩ đã đồng ý theo dõi tiến trình cùng anh.
Kể từ đó, Angus liền tuân thủ nghiêm ngặt chế độ nhịn ăn, thậm chí, mỗi khi thấy cân nặng giảm xuống, anh còn rất hào hứng. Cũng vì vậy nên dù đã được cảnh báo không được nhịn ăn quá 40 ngày bởi những biến chứng, anh vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục thực hiện chế độ giảm cân khắc nghiệt của mình.
Angus Barbieri khi ấy được chẩn đoán ‘béo phì quá mức’ khi nặng tới 207 kg.
Các bác sĩ tuyên bố rằng, mức glucose trong Angus thấp kỷ lục, nhưng hạ đường huyết không ngăn anh khỏi những công việc hàng ngày, anh vẫn làm tốt mà không gặp trở ngại gì cả. Điều duy nhất anh phải thay đổi là nghỉ việc ở cửa hàng thực phẩm của gia đình.
Trong hơn một năm, anh chỉ uống bổ sung vitamin và ăn một số loại men, đặc biệt là vitamin C. Vào ngày thứ 92, anh bắt đầu uống thêm kali và vào ngày thứ 345, anh bắt đầu ăn muối. Ngoài ra, Angus cũng uống nhiều loại thức uống không chứa calo như trà, cà phê và nước khoáng. Vào những ngày cuối cùng của chế độ ăn kiêng, anh đã ăn thêm một ít đường và sữa.
Angus Barbieri thưởng thức bữa sáng đầu tiên sau khi nhịn ăn 382 ngày. (Ảnh qua Internet)
Cũng vì vấn đề ăn uống khác thường nên việc “đi nặng” của Angus cũng khá kỳ lạ: cứ 37-38 ngày anh mới đi tiêu một lần.
Không chỉ nhịn ăn, Angus còn giảm vận động. Anh chỉ ra khỏi nhà vài lần để khám sức khỏe định kỳ. Cũng vì kiểm tra thường xuyên nên các bác sĩ mới có cơ sở khẳng định Angus đã nhịn ăn thực sự.
Và sau 382 ngày trôi qua, vào tháng 7/1966, Angus mới chính thức dừng quá trình nhịn ăn của mình.Lúc này anh chỉ còn 82kg, giảm 125kg so với cân nặng ban đầu. Anh cũng được tổ chức quản lý Sách Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là người có thời gian nhịn ăn lâu nhất trên thế giới vào năm 1971.
Bữa ăn đầu tiên sau hơn một năm không ăn gì dành cho Angus là một quả trứng luộc, một miếng bánh mì, chút bơ và một tách cà phê. Theo Angus, vào thời điểm đó, anh đã gần như hoàn toàn quên mùi vị của thức ăn, và bữa sáng đó thực sự là ngon tuyệt vời.
Sau cả năm trời nhịn ăn, Angus giảm cân đáng kinh ngạc. (Ảnh qua Internet)
Mặc dù anh giảm cân rất nhanh, nhưng trong 5 năm tiếp theo, anh cũng chỉ tăng thêm 16kg. Sau khi chuyển đến Warwick, Vương quốc Anh, Angus đã có thêm 2 cậu con trai và sống thêm 24 năm nữa.
Tại sao một người vẫn có thể sống khỏe mạnh sau khi nhịn ăn suốt 382 ngày?
Câu hỏi trên đã tiếp nhận vô vàn những lời giải đáp khác nhau, một trong số đó là của tiến sĩ khoa học người Úc – ông Karl Kruszelnicki – đăng tải trên trang web khoa học của đài phát thanh Úc năm 2012.
“Sau khoảng từ 2-3 ngày nhịn ăn, nguồn năng lượng nuôi sống bạn sẽ chủ yếu đến từ mỡ. Các phân tử chất béo trong mỡ sẽ phân hủy thành hai chất riêng biệt: glycerol (có thể chuyển hóa thành glucose) và các axit béo tự do (có thể chuyển hóa thành các chất có tên là ketone). Cơ thể và não bộ của bạn hoàn toàn có thể hoạt động bằng glucose và ketone cho đến khi lượng chất béo dự trữ cạn kiệt.” – tiến sĩ Karl cho biết.
Nói theo cách khác, một người trưởng thành có thể nhịn ăn dài ngày nếu dự trữ một lượng chất béo đủ để nuôi sống cơ thể. Đó là lý do tại sao vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhịn ăn là một phương pháp rất được ưa chuộng bởi nhiều bác sĩ điều trị béo phì. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh lại rằng cách làm này sẽ đem lại những biến chứng, hậu quả khó lường, đôi khi đòi hỏi người nhịn ăn phải trả giá bằng cả mạng sống.
Angus vẫn sống khỏe mạnh sau quá trình nhịn ăn dài ngày, nhưng trường hợp của anh rất hy hữu.
Khác với Angus, tài liệu năm 1973 cũng ghi lại nhiều trường hợp nhịn ăn dài ngày. Cụ thể, các sinh viên tốt nghiệp khoa Y, Đại học Dundee đã tiến hành nghiên cứu 5 trường hợp béo phì được điều trị bằng cách nhịn ăn. Tất cả đều dẫn đến cái chết cho bệnh nhân. Chỉ có duy nhất một bệnh nhân có thể sống đến ngày thứ 210 mà không có thức ăn.
Tuy nhiên sau khi ăn trở lại, cô đã tử vong, và đây là hậu quả phổ biến khi lượng thức ăn đột ngột phá vỡ sự cân bằng chất lỏng và điện giải trong cơ thể). Những bệnh nhân còn lại chết vì những vấn đề sức khỏe khác nhau vào tuần thứ 3 đến thứ 8. Nhiều bệnh nhân được báo cáo là thiếu chất kali, dù họ đã được uống thuốc bổ sung.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, hạn chế dinh dưỡng hoặc từ bỏ hoàn toàn thức ăn có thể giúp chống lại ung thư và béo phì. Ở động vật, việc không ăn gì giúp làm chậm quá trình lão hóa. Nhưng những lợi ích của việc từ bỏ thực phẩm hoàn toàn vẫn chưa được củng cố hoàn toàn, và chắc chắn là mặt hại sẽ nhiều hơn mặt lợi.
Trường hợp nhịn ăn của Angus trên mặt báo. (Ảnh qua Internet)
Vì thế, trường hợp của Angus phần nhiều vẫn chỉ mang tính tham khảo, và bằng mọi cách không nên được áp dụng vào đời sống thực, đơn giản bởi vì cơ thể người vốn không được thiết kế để chịu đựng quá trình nhịn ăn, siết cân quá cực đoan như vậy.
Nguồn: TH
- 7 khu vực cấm địa “bí ẩn” ở Trung Quốc: Nhiều người một đi không trở lại
- Bí ẩn dịch bệnh đổ mồ hôi càn quét châu Âu
- 3.648 mộ cổ được khai quật ở Thiểm Tây, trong đó có anh họ của Võ Tắc Thiên