Những bí ẩn về vua Tutankhamun đã bị chôn vùi hàng ngàn năm vẫn đang tiếp tục được đưa ra ánh sáng.
1. Vua Tutankhamun là ai và tiểu sử
Trong giới khoa học nói chung và khảo cổ học nói chung, nhân vật vua Tutankhamun là một ẩn số điển hình chưa có lời giải. Vậy Tutankhamun là ai?
Pharaoh Tutankhamun (hay còn được gọi là vua Tut) được sinh vào khoảng năm 1341 TCN ở Ai Cập. Khi mới chào đời, ông được đặt cho cái tên Tutankhaten, có nghĩa là “hình ảnh sống của Aten.”
Sau khi lên nắm quyền, nhà vua đổi tên thành Tutankhamun, có nghĩa là “hình ảnh sống của Amun.”
Vua Tutankhamun (Ảnh: Internet)
Thử nghiệm di truyền đã xác minh rằng Vua Tut là cháu trai của Pharaoh vĩ đại Amenhotep III, và gần như chắc chắn là con trai của Akhenaten (còn được gọi là Amenhotep IV), một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử vương triều thứ 18 của Vương quốc Mới của Ai Cập (khoảng 1550-1295 trước Công nguyên). Mẹ của ông được cho là một trong những chị gái của Akhenaten.
Vào thời điểm ông sinh ra, Ai Cập cổ đại đang trải qua những biến động lớn về xã hội và chính trị. Cha của Tutankhaten đã cấm việc thờ cúng nhiều vị thần và chỉ ủng hộ việc thờ phụng duy nhất thần Aten. Vì lý do này, ông được gọi là “vua dị giáo.”
Không dừng lại ở đó, ông còn có ý định giảm bớt quyền lực của các thầy tu. Cha của Tutankhaten dành nhiều nỗ lực để chuyển nền kinh tế dựa vào tâm linh truyền thống sang một chế độ mới do các nhà quản lý chính quyền địa phương và chỉ huy quân sự điều hành.
Khi dân chúng buộc phải tôn vinh Aten, việc cải đạo tôn giáo đột ngột đã đẩy xã hội vào hỗn loạn. Thủ đô được đổi từ Thebes thành Armana và Akhenaten dồn hết tâm huyết vào quá trình chuyển đổi tôn giáo, bỏ bê các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Nhân vật minh họa vua Tutankhamun (Ảnh: The Location Guide)
Khi cuộc tranh giành quyền lực giữa cũ và mới gia tăng, Akhenaten trở nên chuyên quyền hơn và chế độ của ông ngày càng thối nát. Sau 17 năm trị vì, ông đã ra đi. Một số học giả cho rằng ông bị buộc phải thoái vị và chết ngay sau đó.
Tutankhamun khi đó 9 tuổi đã tiếp quản ngôi vị của cha. Cùng năm đó, ông kết hôn với Ankhesenamun, em gái cùng cha khác mẹ và là con gái của Akhenaten và Nữ hoàng Nefertiti. Theo ghi nhận, cặp vợ chồng trẻ không có đứa con nào còn sống. Được biết họ có hai cô con gái, cả hai đều không may mắn qua đời khi còn trong bụng mẹ.
2. Bốn cái nhất của vua Tutankhamun
2.1. Vị vua trẻ nhất
Vua Tutankhamun (hay Tutankhamen) trị vì Ai Cập với tư cách là pharaoh trong 10 năm cho đến khi ông qua đời ở tuổi 19, vào khoảng năm 1324 trước Công nguyên.
Các biểu tượng thu nhỏ của hoàng gia như: Cánh chim, cây gậy hoàng gia được tìm thấy trong lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun. Các chuyên gia nhận định có vẻ ông đã chơi với những thứ này khi còn nhỏ.
Đây là chuẩn bị cho sự cai trị trong tương lai. Một nhà khoa học có tên Hawass viết, “Một số [vật phẩm] này được khắc tên khai sinh của ông, chứng tỏ rằng ông đã được trao vương hiệu là Tutankhaten”.
2.2. Pharaoh quyền lực nhất
Bởi vì Tutankhaten mới 9 tuổi khi lên nắm quyền nên chưa đủ chín chắn để điều hành quốc gia. Những năm đầu tiên trong triều đại của ông được điều khiển bởi một trưởng lão được gọi là Ay, người mang danh hiệu Vizier.
Ay được hỗ trợ bởi Horemheb, chỉ huy quân sự hàng đầu của Ai Cập lúc bấy giờ. Cả hai người đều đảo ngược sắc lệnh thờ Aten của Akhenaten để ủng hộ tín ngưỡng đa thần truyền thống.
Vua Tutankhamun yêu cầu hoàng gia chuyển về Thebes. Ông tìm cách khôi phục lại trật tự cũ, hy vọng rằng các vị thần một lần nữa sẽ ưu ái đối với Ai Cập. Ông đã ra lệnh sửa chữa các thánh địa và tiếp tục xây dựng tại đền Karnak. Ông cũng giám sát việc hoàn thành những con sư tử bằng đá granite đỏ tại Soleb.
Trong khi chính sách đối ngoại bị bỏ quên dưới thời trị vì của người cha Akhenaten, Pharaoh Tutankhamun đã tìm cách khôi phục quan hệ với các nước láng giềng của Ai Cập.
Vua Tutanlhamun đã thay đổi xã hội Ai Cập trong thời gian trị vì của mình (Ảnh: King TutOne)
Các nhà khoa học đã chỉ ra một số bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao của Tutankhamun đã thành công. Trong thời trị vì của ông, các trận chiến giữa Ai Cập với người Nubia và châu Á đã diễn ra để giành quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại.
Tutankhamun được đào tạo trong quân đội, và có một số bằng chứng cho thấy ông là một người bắn cung giỏi. Câu chuyện về cuộc săn đà điểu mà vua Tutankhamun tham gia ở vùng Heliopolis với chiến lợi phẩm lông vũ (dùng để làm quạt tìm thấy trong lăng mộ) đã được lưu truyền đến ngày nay.
2.3. Cái chết bí ẩn nhất
Sau khi chết, vua Tutankhamun được ướp xác theo truyền thống tôn giáo của Ai Cập vì họ cho rằng thi thể hoàng gia nên được bảo quản để mang sang thế giới bên kia.
Những người thực thi đã mổ lấy nội tạng của Tutankhamun và quấn ông bằng băng tẩm nhựa thông. Thi hài của ông được đặt dưới một chiếc mặt nạ chân dung bằng vàng nguyên khối nặng 11kg phủ kín đầu và vai.
Cuối cùng, xác ướp của vua Tut được đặt trong các lớp quan tài bằng vàng, đá granite và gỗ mạ vàng.
Có nhiều giả thuyết về “thủ phạm” giết vua Tut. Ông có thân hình cao lớn nhưng thể chất yếu ớt với một căn bệnh tê liệt xương ở bàn chân trái. Ông là pharaoh duy nhất được mô tả là đã ngồi khi tham gia các hoạt động thể chất như bắn cung.
Di hài của vua Tut (Ảnh: Discover Magazine)
Có quan điểm cho rằng lý do là bởi vua Tutankhamun là đứa con của giao phối cận huyết trong gia đình hoàng gia Ai Cập. Các xét nghiệm ADN được công bố vào năm 2010 cho thấy cha mẹ của Tutankhamun là anh chị em.
Vì hài cốt của Tutankhamun để lộ một lỗ hổng ở phía sau hộp sọ, một số nhà sử học đã kết luận rằng vị vua trẻ tuổi đã bị ám sát. Nhưng các cuộc kiểm tra gần đây cho thấy lỗ hổng này được tạo ra trong quá trình ướp xác. Ảnh chụp CT năm 1995 cho thấy nhà vua bị gãy chân trái do nhiễm trùng, trong khi DNA từ xác ướp của ông cho thấy bằng chứng về nhiều bệnh sốt rét, tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm của ông.
2.4. Lời nguyền Tutankhamun
Câu chuyện về nhóm thám hiểm lần lượt qua đời sau khi ghé thăm lăng mộ vua Tutankhamun đã mở ra câu chuyện về “Lời nguyền của các Pharaoh”.
Một số nhà phân tích khẳng định rằng những chữ tượng hình trên tường lăng mộ “hứa hẹn” cái chết đau đớn cho những ai quấy rầy vua Tut.
Theo ghi nhận, đã có hơn 10 người trong đoàn thám hiểm thiệt mạng chưa rõ nguyên nhân chính xác. Phần lớn quan điểm cho rằng là do lời nguyền Tutankhamun.
Đầu năm 1923, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter và người bạn tài phiệt George Herbert, Lord Carnarvon, đã làm lễ mở cửa ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun ở Thung lũng các vị vua ở Ai Cập.
Hai tháng sau, Carnarvon chết vì nhiễm độc máu từ vết muỗi đốt trên má. Báo chí suy đoán rằng ông là nạn nhân của “lời nguyền của xác ướp” hoặc “lời nguyền của các Pharaoh”.
Tạp chí Y khoa Anh đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2002 về tỷ lệ sống sót của 44 người trong đoàn thám hiểm kim tự tháp Ai Cập của vua Tut. Lời nguyền được cho là không ảnh hưởng đến người Ai Cập bản địa.
Một số chuyên gia đưa ra lời giải thích khoa học nói rằng cái chết của Carnarvon có thể liên quan đến chất độc bên trong lăng mộ của Tut. Theo đó, một số xác ướp cổ đại đã được chứng minh là mang các loài nấm mốc tiềm ẩn nguy hiểm. Bên cạnh đó các bức tường lăng mộ có thể đã được bao phủ bởi vi khuẩn tấn công hệ hô hấp.
Những nhà thám hiểm tiếp xúc với xác ướp vua Tutakhamun đều đã qua đời (Ảnh: BBC)
Tuy nhiên các chuyên gia bác bỏ giả thuyết này. Họ cho rằng Carnarvon đã bị bệnh mãn tính trước khi ông đặt chân đến gần lăng mộ của Tut. Bên cạnh đó, anh ta không chết cho đến vài tháng sau lần tiếp xúc đầu tiên, và chất độc có thể đã giết chết anh ta sớm hơn nhiều.
Sau nhiều thập kỷ, những sự ra đi bất thường của nhóm 10 người trong đoàn thám hiểm vẫn còn là một ẩn số.
3. Những điều kỳ lạ được tìm thấy trong lăng mộ vua Tutankhamun
3.1. Mặt nạ vàng kỳ lạ
Di vật đặc biệt nhất được tìm thấy trong lăng mộ của vua Tut là cỗ quan tài bằng đá có chứa ba chiếc quan tài. Lớp trong cùng là cỗ quan tài bằng vàng ròng.
Mặt nạ của Vua Tut là một chiếc mặt nạ thần chết được làm bằng vàng tinh xảo. Di vật này mang hình dáng của Osiris, vị thần của thế giới bên kia của Ai Cập. Nó được làm từ hơn 11kg vàng và đá quý, và là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất của Ai Cập và nó nằm gần nhất với xác ướp của nhà vua. Nó mang tính biểu tượng và gắn liền với các hiệp hội. Đó là một vật được tôn cao với mục đích: Tượng trưng cho một ngày nào đó vua Tutankhamun sẽ trở lại từ cõi chết.
Một điểm đặc biệt trên chiếc mặt nạ là chi tiết xỏ lỗ tai. Có ý kiến cho rằng đây thực ra không phải mặt nạ của vua Tut. Ngay từ nhỏ ông có lỗ tai, vì vậy đây có thể là vật được chế tạo dành cho người khác. Do Tutankhamun qua đời đột ngột nên chiếc mặt nạ này vô tình trở thành đồ mai táng của ông.
3.2. Con dao kỳ lạ
Howard Carter đã phát hiện ra hai con dao găm được quấn cẩn thận bên trong băng quấn xác ướp của Tutankhamun. Một con dao găm có lưỡi bằng vàng, trong khi con kia có lưỡi bằng sắt.
Mỗi con dao găm có một vỏ bọc bằng vàng. Trong số hai loại, dao găm sắt cho đến nay có giá trị hơn cả bởi vì, trong suốt cuộc đời của Tutankhamun thì sắt là một kim loại quý và hiếm. Đúng như tên gọi, “sắt từ bầu trời” của Ai Cập phần lớn thu được từ các thiên thạch.
Con dao được mang theo xác ướp (Ảnh: LiveScience)
Một số đồ vật bằng sắt khác được tìm thấy trong lăng mộ của Tutankhamun bao gồm: 16 lưỡi kiếm nhỏ, một cái tựa đầu nhỏ và một chiếc bùa hộ mệnh. Thực tế là những mảnh kim loại này không được chế tác cẩn thận. Kết hợp với kích thước nhỏ của chúng, các chuyên gia khẳng định những món đồ này được tạo ra bởi những người thợ thủ công địa phương.
Tuy nhiên, lưỡi dao găm thứ hai này vô cùng đặc biệt. Đây là một sản phẩm được chế tác tỉ mỉ và tinh xảo. Có nhận định cho rằng đây là vật phẩm đến từ một vùng đất khác chứ không phải sản phẩm của người Ai Cập. Các tài liệu lịch sử của hoàng gia cũng ghi nhận rằng con dao là món quà của vị vua nước láng giềng trao tặng trước khi Tutankhamun ra đời.
Với sự hiếm hoi của các đồ tạo tác bằng sắt vào thời điểm này, có thể con dao găm của Amenhotep đã được đặc biệt để dành cho cháu trai Tutankhamun. Cuối cùng, con dao được chôn cùng với ông sau khi qua đời. Con dao được đặt ở vị trí nổi bật nên có người cho rằng nó thậm chí đã được sử dụng trong nghi lễ ướp xác của Tutankhamun.
3.3. Dung mạo được khôi phục
Chiếc mặt nạ chôn cất bằng vàng của Vua Tutankhamun cho thấy một chàng trai trẻ với những nét đặc trưng lý tưởng: Quai hàm chắc khỏe, đôi môi đầy đặn, xương gò má cao và lông mày vương giả. Theo báo cáo của Daily Mail, nhờ hình ảnh 3D, sự thật cuối cùng đã được bóc tách.
Thi hài vua Tutankhamun đã trải qua một cuộc “khám nghiệm tử thi ảo”, với chụp CT, phân tích gen và hơn 2.000 bản quét kỹ thuật số. Các nhà khoa học dành nhiều công sức tái hiện khuôn mặt của ông để đối chiếu với giả thuyết rằng ông đã bị thương trên mặt trong một vụ tai nạn xe ngựa chết người hoặc bị sát hại.
Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng vua Tut được sinh ra với những đặc điểm dị dạng mà về thể chất, ông hoàn toàn không thể tham gia đua xe ngựa. Các nhà khoa học tiết lộ rằng, Pharaoh Tutankhamun là người ốm yếu, phần hông bị vẹo và dị dạng.
Ông còn bị chứng động kinh, sốt rét, và phải chống gậy đi lại do gãy chân. Vua Tut không thể nào đứng trong một cỗ xe đang di chuyển nhanh. Câu trả lời cho những chi tiết dị dạng của Tutankhamun đến từ cuộc hôn nhân của cha mẹ ông.
Dung mạo vua Tutankhamun (Ảnh: Histatrophe)
4. Di tích lăng mộ chôn cất vua Tutankhamun
Vua Tut được chôn cất trong một lăng mộ ở Thung lũng các vị vua. Người ta tin rằng cái chết sớm của ông cần phải chôn cất vội vàng nên di hài của ông phải đặt trong một ngôi mộ quy mô nhỏ. Rất có thể đây là lăng mộ được xây cho một quý tộc thấp hơn.
70 ngày sau khi ông qua đời, thi thể của Tutankhamun được an nghỉ và lăng mộ được niêm phong. Không có tài liệu nào được biết đến về Tutankhamun sau khi ông qua đời, và do đó, ông hầu như không được biết đến trong nhiều thế kỷ.
Ngay cả vị trí của ngôi mộ của ông cũng bị mất, vì lối vào của nó đã bị che phủ bởi những mảnh vỡ từ một cấu trúc lăng mộ được xây dựng sau đó.
Ông hầu như không được thế giới hiện đại biết đến cho đến năm 1922, khi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter tìm ra ngôi mộ đã bị phong ấn trong hơn 3.200 năm.
Kho tàng trữ vật và kho báu khổng lồ của lăng mộ, nhằm đưa nhà vua sang thế giới bên kia, đã tiết lộ một số lượng đáng kinh ngạc về cuộc sống hoàng gia ở Ai Cập cổ đại, và nhanh chóng biến Vua Tut trở thành pharaoh nổi tiếng nhất thế giới.
Các đồ tạo tác từ lăng mộ của Vua Tut đã đi tham quan khắp thế giới trong một số chương trình bảo tàng bom tấn, bao gồm cả triển lãm “Kho báu của Tutankhamun” trên toàn thế giới năm 1972-1979.
Ngày nay xác ướp của Tutankhamun được trưng bày trong lăng mộ ở Thung lũng các vị vua trong buồng KV62, những chiếc quan tài nhiều lớp của ông được thay thế bằng một hộp kính đặc biệt. Dù đã qua hàng ngàn năm nhưng bí ẩn về vua Tutankhamun vẫn đang tiếp tục là câu hỏi cần được giải mã.
Nguồn: SH
- Những cái chết bí ẩn sau khi mở lăng mộ Pharaoh Tutakhamun
- Tiết lộ bí mật về kho báu kếch xù của Pharaoh Ai Cập nổi tiếng Tutankhamun
- Mở hộp gỗ 3340 năm tuổi trong lăng mộ vua Tutankhamun, giới khảo cổ kinh ngạc