Chiếc kèn của vị vua Ai Cập cổ đại (pharaoh) nổi tiếng chỉ được sử dụng 3 lần trong hơn 3.000 năm qua. Song, mỗi lần nó cất tiếng, thảm họa đã xảy đến ngay sau đó.
Cặp kèn của Vua Tut gồm một chiếc bằng bạc và một chiếc bằng đồng. Ảnh: Wikipedia
Hầu hết mọi người đều từng nghe cảnh báo về việc không nên quấy phá kho báu của các pharaoh. Trong khi nhiều truyền thuyết, đồn đoán xung quanh lăng mộ của những vị vua trị vì Ai Cập cổ xưa thường bị bác bỏ và coi như sự trùng hợp ngẫu nhiên, một trường hợp đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng vì sự bí hiểm cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Đó là những chuyện lạ xảy ra quanh một cặp kèn được chôn cùng Pharaoh Tutankhamun (hay còn gọi là Vua Tut), vị pharaoh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
Sử sách có ghi, Tutankhamun lên ngôi vào năm 1332 trước Công nguyên khi mới 9 tuổi và đột ngột qua đời một cách khó hiểu lúc tròn 18 tuổi.
Cặp kèn gồm một chiếc bằng bạc và một chiếc bằng đồng nằm trong số các báu vật cổ khai quật được tại lăng mộ của Vua Tut. Chúng vừa được chuyển đến Anh để tham gia cuộc triển lãm Các kho báu của pharaoh Tutankhamun tại phòng trưng bày Saatchi ở London. Tuy nhiên, các du khách được cảnh báo không nên thử thổi những chiếc kèn này.
Hala Hassan, người phụ trách bộ sưu tập Tutankhamun tại Bảo tàng Ai Cập cho biết, chiếc kèn đồng sở hữu “sức mạnh ma thuật” và “bất cứ khi nào ai đó thổi nó, chiến tranh sẽ xảy ra”.
Thực tế, cặp kèn rất hiếm khi được dùng kể từ khi nhà khảo cổ Howard Carter tiến hành khai quật hầm mộ Vua Tut vào năm 1922.
Im hơi lặng tiếng suốt hơn 3.000 năm, cặp kèn rốt cuộc đã được dùng để trình diễn trong một buổi hòa nhạc phát thanh trực tiếp tới 150 triệu thính giả trên khắp thế giới của đài BBC vào năm 1939.
Một sự cố bất ngờ xảy ra khiến cả thủ đô Cairo của Ai Cập bị mất điện và buổi hòa nhạc phải diễn ra trong ánh nến.
Trong buổi tập chuẩn bị cho hòa nhạc năm 1939, chiếc kèn bạc của Vua Tut bị nứt vỡ khiến một nghệ sĩ thổi kèn bị thương. Ảnh: Wikipedia
Theo Rex Keating, phát thanh viên BBC vào thời điểm đó, trong quá trình diễn tập chuẩn bị cho buổi hòa nhạc, chiếc kèn bạc của Vua Tut bị nứt. Alfred Lucas, một thành viên trong nhóm khảo cổ học của ông Carter buồn rầu tới mức ông phải nhập viện điều trị.
Cuối năm đó, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử thế giới bùng nổ.
Về sau, cặp kèn cổ chỉ được mang ra thổi 2 lần nữa, một lần trước chiến tranh Ảrập – Israel năm 1967 và ngay trước cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.
Ahram, tờ báo hàng đầu Ai Cập đưa tin: “Một tuần trước cuộc cách mạng, trong quá trình chụp ảnh và lấy tư liệu, một trong các nhân viên của bảo tàng đã thổi kèn của Vua Tut. Một tuần sau, cách mạng nổ ra. Cùng một biến cố đã xảy ra trước cuộc chiến tranh năm 1967 và trước cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, khi một sinh viên đã thử thổi kèn trong lúc làm nghiên cứu toàn diện về bộ sưu tập Tutankhamun”.
Chiếc kèn bằng đồng từng bị đánh cắp khỏi bảo tàng Cairo, Ai Cập trong một cuộc bạo loạn năm 2011. Tuy nhiên, nó được bí mật trả lại bảo tàng vài tháng sau đó.
Hiện, các chuyên gia tin tốt nhất là những chiếc kèn của Vua Tut không nên cất tiếng một lần nữa.
“Ai cũng tò mò muốn nghe tiếng của những nhạc cụ này, nhưng việc đó quá nguy hiểm”, nhà Ai Cập học Margaret Maitland nhấn mạnh.
Nguồn:XL
- Phát hiện ra hầm mộ Ai Cập ẩn chứa bí mật về “ngành công nghiệp chết chóc”
- Giao Long thực chất là con gì và những ghi chép lịch sử?
- Phát hiện tượng khổng lồ như đầu nhà sư nằm ngửa mặt lên trời, các nhà khoa học đau đầu tìm lời giải về sức mạnh phi thường của tổ tiên