Hơn 3.200 năm trước, Địa Trung Hải và Cận Đông là nơi có nền văn minh thời đại đồ đồng phát triển rực rỡ và liên kết với nhau bởi hoạt động buôn bán kim loại có giá trị và hàng hóa thành phẩm sinh lợi. Các vương quốc và đế chế vĩ đại thời đó – bao gồm người Ai Cập, người Babylon, người Minoan, người Mycenaean, người Hittite và hơn thế nữa – đã sở hữu bí quyết công nghệ để xây dựng các cung điện hoành tráng và thuê người ghi chép để lưu giữ hồ sơ tài chính và chiến tích quân sự của họ…
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ, nền văn hóa thịnh vượng đó đã trải qua một sự sụp đổ nhanh chóng và gần như hoàn toàn. Sau năm 1177 trước Công nguyên (TCN), những người sống sót sau sự sụp đổ của thời đại đồ đồng này đã chìm vào “Thời kỳ Đen tối” kéo dài hàng thế kỷ với việc biến mất của một số ngôn ngữ viết và sự gục ngã của các vương quốc hùng mạnh một thời.
Cổng Sư tử, lối vào pháo đài Hattusa, thủ đô của đế chế Hittite, một đế chế thời đại đồ đồng đã bị sụp đổ. (Ảnh: Wikipedia)
Nhưng loại sự kiện thảm khốc nào có thể gây ra sự sụp đổ đột ngột và sâu rộng như vậy?
Theo Eric Cline, tác giả của cuốn sách: 1177 TCN: Năm mà nền văn minh sụp đổ, có khả năng là sự diệt vong đồng thời của rất nhiều nền văn minh cổ đại không phải do một sự kiện hay thảm họa đơn lẻ gây ra, mà là do một “cơn bão kinh hoàng” gồm nhiều yếu tố – đại hạn hán, nạn đói trầm trọng, những kẻ cướp bóc,…. – đã khiến các vương quốc có những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này sụp đổ như như những quân domino.
Mối quan hệ phụ thuộc giữa các đế chế thời cổ đại
Không khác gì ngày nay, một nền kinh tế “toàn cầu hóa” thực sự đã từng tồn tại vào thời kỳ đồ đồng muộn, trong đó nhiều nền văn minh cổ đại phụ thuộc vào nhau về nguyên liệu thô – đặc biệt là đồng và thiếc – và cũng buôn bán các mặt hàng làm từ gốm, ngà voi và vàng.
Eric Cline, giáo sư kinh điển và nhân chủng học, đồng thời là Giám đốc Viện Khảo cổ Capitol tại Đại học George Washington, cho biết: “Chúng ta đang nói về một khu vực mà ngày nay sẽ trải dài từ Ý ở phía Tây đến Afghanistan ở phía Đông, và từ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc đến Ai Cập ở phía Nam. Toàn bộ khu vực đó hoàn toàn được kết nối với nhau”.
Có một cách để nắm được mức độ kết nối giữa các quốc gia vào thời này là thông qua các phát hiện khảo cổ học như xác tàu đắm Uluburun nằm ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Con tàu có niên đại từ cuối thời đại đồ đồng (khoảng năm 1320 TCN). Bên trong nó bao gồm một loạt các mặt hàng xa xỉ: đồ trang sức bằng ngà voi chạm khắc, đồ trang sức bằng vàng và mã não, và các nguyên liệu thô đắt tiền từ các cảng xa xôi như ngà voi và vỏ trứng đà điểu.
Hình ảnh xác tàu đắm Uluburun. (Ảnh: Flickr/Markus Studer)
Trên tàu còn chứa các kiện hàng đồng và thỏi thiếc theo tỷ lệ điển hình là 10 trên 1, công thức chế tạo đồng thời đó. Cline cho biết đồng được khai thác ở Síp, thiếc ở Afghanistan, trong khi các kim loại quý như bạc và vàng đến từ Hy Lạp và Ai Cập. Ngay cả gỗ dùng để đóng thân tàu cũng được nhập khẩu từ Lebanon.
Cline nói: “Con tàu đó là mô hình thu nhỏ của thương mại quốc tế diễn ra vào thời kỳ đồ đồng muộn, cả về nguyên liệu và thành phẩm”.
Sự xâm lược của ‘Hải Nhân’
Lời giải thích truyền thống cho sự sụp đổ đột ngột của các nền văn minh hùng mạnh và phụ thuộc lẫn nhau này là sự xuất hiện của những kẻ xâm lược được gọi chung là “Hải nhân”, một thuật ngữ được nhà Ai Cập học thế kỷ 19 Emmanuel de Rougé đặt ra đầu tiên để chỉ một liên minh hải tặc xuất hiện vào thời đó.
Nhà vua tại Ugarit, một thành phố cảng lớn ở Canaan, đã viết về những kẻ thù vô danh đã đốt phá các thành phố và “đã làm những điều xấu xa” trong đất nước của ông. Tại Ai Cập, quân đội của các pharaoh đã chống lại hai cuộc tấn công riêng biệt từ những kẻ bên ngoài bí ẩn này, một lần vào năm 1207 TCN và một lần nữa vào năm 1177 TCN. Một bức phù điêu tuyệt đẹp trên tường của đền thờ Ramses III tại Medinet Habu mô tả trận chiến lớn thứ hai trên biển, trong đó Ai Cập cuối cùng chiến thắng trước bầy Hải nhân.
Trong khi người Ai Cập có thể chống lại các Hải nhân, các nền văn minh khác không may mắn như vậy. Toàn bộ Địa Trung Hải và Cận Đông rải rác các di tích khảo cổ học của các thành phố bị thiêu rụi trong khoảng thời gian này, như Hattusa, thủ đô cổ của Đế chế Hittite, và Meggido ở Canaan. Một số người tin rằng sự hủy diệt thần thoại của thành Troy cũng có thể bắt nguồn từ cuộc xâm lược của các Hải nhân.
Nguồn gốc thực sự của các Hải nhân là một trong những bí ẩn lớn chưa được giải đáp của lịch sử. Một giả thuyết hàng đầu cho rằng họ xuất hiện từ phía tây Địa Trung Hải – Biển Aegean hoặc đến tận bán đảo Iberia của Tây Ban Nha hiện đại – và bị đẩy về phía Đông bởi hạn hán và các thảm họa khí hậu khác. Các con tàu của Hải nhân xâm nhập các thành trì Địa Trung Hải, và các bằng chứng cho thấy họ vừa là kẻ cướp bóc vừa là người tị nạn.
Cline cho biết: “Các Hải nhân là những tên ngáo ộp lớn nhất trong sự sụp đổ của thời đại đồ đồng. Tôi nghĩ họ là một phần của nó, nhưng không phải là lý do duy nhất. Tôi tin rằng họ là một triệu chứng của sự sụp đổ như là một nguyên nhân”.
‘Đại hạn hán’ và ‘động đất hàng loạt’
Vào năm 2014 sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu từ Israel và Đức đã phân tích các mẫu lấy từ Biển Galilee và xác định rằng giai đoạn từ năm 1250 đến năm 1100 TCN là thời kỳ khô hạn nhất trong toàn bộ thời đại đồ đồng, thời mà một số học giả gọi là “đại hạn hán”.
Cline nói: “Đây là một sự kiện hạn hán lớn. Có vẻ như nó tồn tại ít nhất 150 năm và lên đến 300 năm ở một số nơi”.
Người Ai Cập và Babylon được tránh khỏi đợt hạn hán tồi tệ nhất vì họ ở gần các con sông hùng vĩ như sông Nile, sông Tigris và Euphrates. Nhưng các nền văn minh khác không may mắn như vậy. Ở đâu có hạn hán, ở đó có nạn đói. Và Cline tin rằng có sự trùng hợp khi những năm đói kém tồi tệ nhất lại xảy ra với sự xâm lược của các Hải nhân, những kẻ tị nạn khí hậu tuyệt vọng đang săn lùng tài nguyên.
Đại hạn hán không phải là thảm họa thiên nhiên duy nhất làm mất ổn định các nền văn minh thời kỳ đồ đồng muộn. Một nghiên cứu mà Cline tiến hành với nhà địa vật lý Amos Nur tiết lộ rằng trong khoảng thời gian 50 năm từ 1225 đến 1175 TCN, khu vực Địa Trung Hải đã phải hứng chịu một loạt trận động đất lớn với tốc độ chóng mặt.
Cline nói: “Nếu bạn xem xét tất cả những sự kiện này một cách riêng lẻ: hạn hán, đói kém, quân xâm lược, động đất, có thể là dịch bệnh – bất kỳ một trong số chúng có lẽ không đủ để phá hủy toàn bộ nền văn minh, chưa nói đến tám nền văn minh trở lên. Nhưng nếu bạn nhận được ba hoặc bốn trong số những thảm họa này xảy ra liên tiếp nhanh chóng, đó là khi bạn gặp ‘siêu bão kinh hoàng’ và không có thời gian để phục hồi”.
Mất mát không thể phục hồi
Trớ trêu thay, sự liên kết với nhau đã củng cố các vương quốc thời kỳ đồ đồng này có thể đã đẩy nhanh sự sụp đổ của họ. Một khi các tuyến đường thương mại thiếc và đồng bị gián đoạn và các thành phố bắt đầu sụp đổ, Cline nói rằng nó có hiệu ứng domino dẫn đến “sự sụp đổ hệ thống” trên diện rộng.
Trong số đó là tòa nhà lưu niệm quy mô lớn và toàn bộ hệ thống chữ viết được gọi là Linear B, một dạng ký tự cổ xưa của tiếng Hy Lạp được sử dụng bởi các nhà ghi chép Mycenaean trong các giao dịch kinh tế.
Cline nói: “Vì chỉ 1% hàng đầu có thể đọc hoặc viết, họ đã mất khả năng đó sau khi sụp đổ. Phải mất nhiều thế kỷ chữ viết mới quay trở lại Hy Lạp, chỉ sau khi người Phoenicia mang theo bảng chữ cái của họ”.
Không phải tất cả các nền văn minh đều bị ảnh hưởng như nhau. Nền văn minh Mycenaean và Minoan bị sụp đổ hoàn toàn. Tương tự với người Hittite, những dân tộc chỉ đơn giản là không còn tồn tại như một nền văn minh. Người Assyria và người Ai Cập phần lớn không bị ảnh hưởng, trong khi những dân tộc khác thể hiện khả năng phục hồi và biến đổi.
Một ví dụ là sự nổi lên của sắt như một kim loại mới. Một khi nguồn cung đồng và thiếc thiếu hụt và nhu cầu về đồng giảm ở Hy Lạp, sẽ có cơ hội cho một thứ gì đó thay thế.
Cline nói: “Người Síp đã biến từ chỗ là bậc thầy về đồng để trở thành bậc thầy của công nghệ sắt mới này. Hóa ra, sắt là một lưỡi cắt tốt hơn nhiều cho máy cày, và nó tạo ra những thanh kiếm có khả năng giết chết kẻ thù của bạn tốt hơn nhiều”.
Nguồn: NTDVN
- Bí ẩn: 4 nền văn minh tiền sử phát triển hơn hiện đại nhưng đều biến mất bởi một nguyên nhân
- Dự đoán “Ngày tận thế” của người Maya không phải hủy diệt, mà ẩn chứa một huyền cơ khác
- Nghiên cứu của Nasa chỉ ra có 30 nền văn minh tiên tiến từng tồn tại và bị hủy diệt trước chúng ta