Vào năm Càn Long thứ 36, đội thuyền vận chuyển muối tại huyện Nghi Chinh, tỉnh Giang Tô đã bị bốc cháy, 130 chiếc thuyền bị thiêu rụi, hơn 1.400 người bị chết cháy và chết đuối. Vài năm sau đó, có người từng chết đi sống lại đã kể lại tình huống của những thuyền viên này.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, các thuyền vận chuyển muối xuất phát từ Thái Châu ở phía Đông đến Hán Dương ở phía Tây. Bên bờ Nghi Chinh, những cánh buồm xếp hàng dài che khuất bầu trời, từ xa nhìn lại phảng phất giống như một thành trì. Thế nhưng cả người lẫn thuyền chỉ trong một đêm đã bị thiêu rụi thành tro bụi. Điều gì đã khiến những người này phải chịu thống khổ to lớn đến thế? Hơn 1400 người này chết rồi rốt cuộc đi đâu về đâu?
Bên bờ Nghi Chinh, những cánh buồm xếp hàng dài che khuất bầu trời, từ xa nhìn lại phảng phất giống như một thành trì. (Ảnh minh họa: Publicdomainpictures)
Câu chuyện bắt đầu từ năm Càn Long thứ 32. Năm đó, Trấn Giang xây dựng miếu thờ Thành Hoàng, có 3 người đứng ra phụ trách quyên góp tiền là Nghiêm mỗ, Cao mỗ và Lữ mỗ. Vào một buổi sáng mưa tầm tã, có một chiếc kiệu được khiêng đến, bên trong kiệu, một vị phu nhân lấy từ trong tay áo ra một nén bạc đưa cho Nghiêm mỗ và nói: “Đây là 50 lượng bạc để tu sửa miếu, xin nhờ tú tài lưu lại”.
Nghiêm mỗ xin danh tính và nơi ở của vị phu nhân, người này nói: “Một chút thiện nhỏ này không đáng để lưu danh, xin hãy ghi lại số lượng bạc được quyên góp là được rồi”. Bà nói xong liền rời đi.
Lúc này, Cao mỗ và Lữ mỗ đến, Nghiêm mỗ liền kể lại với họ về khoản tiền quyên góp của vị phu nhân lương thiện vừa rồi. Lữ mỗ cười đáp lại: “Hà tất phải ghi chép lại. Thừa lúc không có ai biết rõ, chúng ta 3 người chia nhau, cũng đâu có gì là nghiêm trọng”. Cao mỗ cũng đồng ý với chuyện này.
Nghiêm mỗ nghĩ rằng việc ăn chặn tiền quyên góp là không thể được, vội vàng ngăn cản, nhưng Cao mỗ và Lữ mỗ không nghe, đã lấy 50 lượng bạc chia nhau tại chỗ. Việc này Nghiêm mỗ cũng chưa từng kể lại với ai. 8 năm sau khi miếu Thành Hoàng được xây xong, Cao mỗ đột nhiên qua đời, một năm sau, Lữ mỗ cũng rời khỏi nhân thế.
Phía trước một ngôi miếu Thành Hoàng ở Trung Quốc. (Ảnh: Wikimedia)
Vào mùa xuân năm Càn Long thứ 43, Nghiêm mỗ bị ốm nặng, trong cơn hoảng loạn đột nhiên nhìn thấy hai sai dịch cầm lệnh bài tới và nói với Nghiêm mỗ: “Có một vị phu nhân đang kiện ông trước mặt Thành Hoàng. Chúng ta phụng mệnh đưa ông tới đó để đối chất”.
Sau khi băng qua một cây cầu, đến cổng trong của ngôi miếu, Nghiêm mỗ chợt thấy có một tù nhân đeo gông đang gọi lớn tên mình: “Nghiêm huynh có phải không?”. Nhìn kỹ thì đó là Cao mỗ.
Cao mỗ khóc lóc nói: “Tiểu đệ sau khi chết đến nay đã phải chịu khổ suốt 4 năm, tất cả đều là vì lúc ở dương gian từng làm nhiều điều xấu mà bị trừng phạt, thời hạn chịu khổ sắp hết và sắp được chuyển sinh. Thật không ngờ, sự việc trước đây từng chiếm đoạt tiền xây dựng miếu Thành Hoàng bị phanh phui, nên đã bị áp giải đến đây để xét xử”.
Nghiêm mỗ nói: “Chuyện này xảy ra đã hơn 10 năm rồi, sao bây giờ đột nhiên lại đem ra xét xử? Hay là do vị phu nhân kia tố cáo?”.
Cao mỗ nói: “Không phải vậy. Người phụ nữ đó đã chết vào tháng Hai năm nay. Phàm là những người mới qua đời, dù tốt hay xấu, đều được đưa đến miếu Thành Hoàng. Người phụ nữ đó lúc ở nhân gian là một người lương thiện, bà cùng với một số hồn ma tốt khác được đưa đến trước mặt Thành Hoàng.
Thành Hoàng hỏi đùa: ‘Ngươi cả đời làm việc thiện, nhưng nhiều năm trước, lúc bản phủ tu sửa nha môn, ngươi lại không nỡ quyên tiền, là vì sao?’. Người phụ nữ đáp: ‘Vào ngày 20/6 năm đó, tiểu nhân từng đưa 50 lượng bạc cho người phụ trách quyên góp, là một tú tài họ Nghiêm. Tiểu nhân cảm thấy làm một việc thiện nhỏ như vậy chẳng đáng gì, nên không muốn lưu danh, khó trách Thành Hoàng gia ngài không biết’. Thành Hoàng lập tức ra lệnh tra xét kỹ sự việc này.
Tiểu đệ không thể không nói ra chuyện này. Lúc trước, bởi vì Nghiêm huynh đã từng khuyên can, cho nên mới mời huynh tới đối chất”.
Nghiêm mỗ hỏi: “Vậy Lữ huynh hiện đang ở nơi nào?”. Cao mỗ thở dài nói: “Lữ huynh khi còn sống phạm trọng tội, đã bị nhốt chung thân, không phải chỉ vì tội chiếm đoạt tài vật”.
Chưa kịp dứt lời, đã có hai sai dịch tới truyền lời: “Lão gia thăng đường rồi!”. Nghiêm mỗ và Cao mỗ đi theo sai dịch đứng dưới bậc thềm, có 2 đồng tử mang theo cờ phướn rực rỡ dẫn một vị phu nhân lên điện, sau đó lại dẫn theo một phạm nhân mang gông tiến đến. Người này chính là Lữ mỗ.
Thành Hoàng nói với Nghiêm mỗ: “Bạc quyên góp của người phụ nữ này là giao cho ngươi phải không?”. Nghiêm mỗ nói rằng đúng như vậy, sau đó kể lại những gì đã xảy ra.
Thành Hoàng nói với phán quan: “Vụ án này liên quan đến việc tu sửa nha môn của ta, nên ta không thể tùy tiện làm chủ, cần đệ trình lên Đông Nhạc Đại đế định đoạt. Ngươi hãy nhanh chóng chuẩn bị án kiện rồi gửi đi”. Rồi Thành Hoàng gọi 2 đồng tử dẫn vị phu nhân kia đi.
Con người sống ở nhân gian hành ác, thì khi xuống âm gian phải chịu hình phạt. (Ảnh: Pinterest)
Hai sai dịch áp tải Nghiêm mỗ, Cao mỗ và Lữ mỗ ra khỏi miếu Thành Hoàng. Trên đường đi, họ nhìn thấy một số người đàn ông mặc quần áo của phụ nữ và một số phụ nữ mặc quần áo của đàn ông. Một số người mặc bao muối, một số mặc da cừu hoặc da chó, đi tới đi lui.
Nghiêm mỗ nghe thấy bên tai có người nói: “Năm Càn Long thứ 36, xảy ra trận hỏa hoạn thuyền muối ở Nghi Chinh. Phàm là những ai bị chết cháy hoặc chết đuối khi đó, hôm nay nghiệp đã hoàn trả xong, đều có thể chuyển sinh”.
Hai sai dịch nói: “Đông Nhạc Đại đế hiếm khi ngồi điện thăng đường, chúng ta hãy nhanh chóng đi gửi án kiện”. Sau khi gửi văn kiện đến đại điện của Đông Nhạc Đại đế, hai sai dịch vội vã rời đi, nói với ba người họ: “Án kiện đã được trình lên. Các vị có thể đến chờ phán quyết”.
Cả 3 người vội vã tiến về phía trước, chưa kịp đứng vững thì đã nghe phán quyết từ trong điện: “Phạm nhân Cao mỗ, tự ý biển thủ bạc tiền quyên góp, y theo tuyên án của Thành Hoàng, phải gông xiềng xử lý. Lữ mỗ khi còn sống, phụ trách việc kiện tụng, nhưng lại chuyên môn hại dân chúng vô tội, tội ác rất lớn, ngoài việc chấp hành bản án như ban đầu, lệnh cho Hỏa Thần thiêu xác của hắn. Nghiêm mỗ là người quân tử, dương thọ chưa hết, nhanh chóng đưa ông ấy hoàn dương”.
Nghiêm mỗ nghe xong, giật mình tỉnh lại, thấy bản thân đang ngủ trên giường, người nhà vây quanh đều mặc đồ tang. Vợ ông nói: “Tướng công đã chết ba ngày rồi, nhưng vì ngực vẫn còn ấm nên không dám chôn cất”.
Nghiêm mỗ liền đem những chuyện trong mộng kể lại, nhưng người nhà vẫn bán tín bán nghi. Một năm sau, vào một đêm tháng 8, nhà của Lữ mỗ bị hỏa hoạn và bài vị của ông bị thiêu rụi.
Có người nói: “Người chết như ngọn đèn đã tắt”. Tuy nhiên, từ những ghi chép này có thể nhìn ra, đội thuyền vận chuyển muối biển Nghi Chinh (Trấn Châu, Dương Tử) đã bị ngọn lửa thiêu rụi, những thuyền viên tuy thân thể đã bị lửa thiêu hoặc chết đuối, nhưng linh hồn (nguyên thần) của họ đã rời khỏi thể xác, và đi vào một không gian khác (âm phủ).
Bảy năm sau, tội nghiệp của họ đã được hoàn trả xong và được chuyển sinh đến nhân gian một lần nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp tục làm người sau khi đầu thai, có người được làm người, có người lại chuyển sinh thành động vật,… Điều này đều dựa vào nghiệp lực lớn nhỏ khác nhau của mỗi người mà quyết định.
Nguồn: TH
- UFO rơi ở Mỹ năm 1897: Xác người ngoài hành tinh cháy đen chôn vùi dưới mảnh vỡ kim loại
- “Tam giác quỷ” Hồ Bà Dương: Nuốt chửng 100 tàu và vô số mạng người không để lại dấu vết
- Bí ẩn rừng tre đen chết người ở Trung Quốc: Kim la bàn quay loạn xạ, người lạc vào là mất trí