Trong nhiều thế kỷ, người dân địa phương Peru đã nói về một con sông ở Amazon mà nước luôn ở một nhiệt độ cao tới mức có thể làm bị thương thậm chí giết chết các sinh vật bơi ngang qua nó.
Theo truyền thuyết, những người chinh phục Tây Ban Nha đã dại dột mạo hiểm vào rừng nhiệt đới để tìm vàng và một vài người trở về đã kể những câu chuyện về nước độc, rắn ăn thịt người và một dòng sông luôn sôi sục từ bên dưới đáy của nó.
Đối với nhà địa chất người Peru – Andrés Ruzo, huyền thoại này đã mê hoặc ông từ nhỏ. Nhưng mãi đến khi hoàn thành luận án tiến sĩ về tiềm năng năng lượng địa nhiệt ở Peru, ông mới bắt đầu đặt câu hỏi liệu dòng sông có thực hay không.
Theo các chuyên gia mà ông nói chuyện, câu trả lời đều là “không”. Xét cho cùng, các dòng sông nóng vẫn tồn tại, nhưng chúng thường liên quan đến núi lửa.
Nhưng khi Ruzo về nhà vào dịp lễ và hỏi gia đình ông rằng rút cuộc huyền thoại này từ đâu đến. Mẹ ông đã nói rằng dòng sông này chắc chắn có tồn tại, chính bà và em của bà đã thực sự bơi trong dòng sông ấy.
Nghe có vẻ khá nực cười, nhưng vào năm 2011, Ruzo đã có cơ hội và đi sâu vào rừng nhiệt đới Amazon cùng với người dì của mình và nhìn thấy dòng sông nổi tiếng bằng chính mắt mình. Ông không thể tin nổi rằng lại có dòng sông nóng tới như vậy.
Ruzo bên dòng sông sôi sục ở Amazon (Ảnh: Sciencealeart)
Ruzo nói trong cuộc nói chuyện TED hồi năm 2014: “Khi tôi nhìn thấy dòng sông, tôi lập tức chộp lấy nhiệt kế của mình. Nhiệt độ trung bình trên sông là 86 độ C, không hoàn toàn sôi và rất nóng.” Ông khẳng định huyền thoại này là có thật.
Phần khó hiểu nhất là kích thước của nó. Suối nước nóng không phải là hiếm, và có tồn tại các hồ nước nóng với nhiệt độ như thế này ở những nơi khác trên thế giới, nhưng không đâu có diện tích lớn như dòng sông này – nó rộng tới 25 mét và sâu 6 mét, nước luôn sôi ở cả một đoạn sông dài 6,24 km.
Điều lạ lùng là dòng sông cách núi lửa gần nhất 700 km. Trên thực tế, đó là con sông duy nhất thuộc loại này ở bất cứ đâu trên thế giới mà chúng ta biết đến.
Ruzo đã dành nhiều năm gần đây để nghiên cứu về dòng sông, hệ sinh thái xung quanh và nước trong phòng thí nghiệm, với hy vọng tìm ra điều gì đang xảy ra.
Rõ ràng Ruzo không phải là người đầu tiên phát hiện ra dòng sông. Dòng sông này được người bản địa gọi là Shanay-timpishka, có nghĩa là “đun sôi với sức nóng của Mặt trời”. Ông tin rằng mình không phải là người duy nhất tự hỏi điều gì làm cho nó nóng tới vậy.
Nhưng nghiên cứu của ông – được hỗ trợ một phần bởi một khoản trợ cấp Nhà thám hiểm trẻ địa lý quốc gia – cuối cùng đã tiết lộ một số bí mật. Hóa ra, đó không phải là Mặt trời làm sôi nước.
Hãy tưởng tượng Trái đất giống như một cơ thể con người, với các đường đứt gãy và vết nứt chạy qua nó giống như các động mạch. Những ‘động mạch trái đất’ này chứa đầy nước nóng và khi chúng nổi lên bề mặt, chúng ta thấy các biểu hiện địa nhiệt – giống như dòng sông sôi.
Ruzo đưa ra giả thuyết rằng điều này xảy ra ở thượng nguồn – có lẽ ở tận Andes – và dọc theo hành trình của nó thấm xuống lòng đất, nơi nó bị đốt nóng bởi năng lượng địa nhiệt của Trái đất. Cuối cùng nó nổi lên ở Amazon, tại dòng sông ‘sôi’ này. Điều này có nghĩa là hệ thống này là một phần của hệ thống thủy nhiệt khổng lồ, điều mà chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.
Thậm chí thú vị hơn, Ruzo đã làm việc với các nhà sinh vật học Spencer Wells và Jonathan Eisen để giải mã bộ gen của các vi khuẩn sống trong và xung quanh sông, và phát hiện ra những loài hoàn toàn mới có thể sống sót qua cái nóng.
Cuốn sách mà Ruzo xuất bản nói về dòng sông kì lạ trong rừng Amazon (Ảnh: Amazon)
Tất nhiên, dòng sông này cũng có thể gây ra cái chết cho những loài không may mắn. Nước nóng đến mức Ruzo thường xuyên nhìn thấy động vật rơi xuống và dần không thể bơi được nữa, nước lấp đầy miệng và phổi của chúng, khiến chúng bị nấu chín từ trong ra ngoài.
Tuy nhiên, mọi người vẫn thực sự bơi trên sông, như mẹ ông đã tuyên bố, nhưng chỉ sau những cơn mưa lớn khi nó bị pha loãng với nước lạnh. Nước cũng được sử dụng để pha trà và nấu ăn.
Ruzo tiếp tục nghiên cứu về dòng sông và nguồn gốc của nó. Nhưng trọng tâm chính của anh bây giờ là làm thế nào để bảo vệ dòng sông và vùng đất xung quanh. Ông từ chối tiết lộ nhiều hơn trong số các kết quả có được cho đến khi chính phủ Peru đảm bảo họ sẽ áp dụng các biện pháp bảo tồn thích hợp.
Ruzo nói với Maddie Stone tại Gizmodo vào năm 2016: “Tôi nhận ra, dòng sông này là một kỳ quan thiên nhiên. Nó sẽ không tồn tại trừ khi chúng ta làm gì đó để bảo vệ nó.”
Nguồn: DKN
- Đại kim tự tháp Ai Cập, kỳ quan vĩ đại nhất mọi thời đại (P.2): Kết luận vội vàng ‘bài toán của Thần’ dẫn tới sai lầm nghìn năm
- Trung Quốc cất giấu điều gì bên trong “nhà chứa máy bay kỳ lạ”?
- Kỳ bí: Một học sinh đột nhiên ‘bốc hơi’ khỏi nhân gian, mọi tư liệu về cậu điều biến mất