Thuật dẫn xác: Biến tử thi thành ‘cương thi’, để người chết xa quê tự đi về nhà

Lá rụng về cội là một nét tư tưởng văn hóa độc đáo của người phương Đông, cho dù chết ở nơi đất khách quê người, thì cũng phải nhờ người đưa thi hài về nơi chôn rau cắt rốn. Tuy nhiên, vùng núi Tương Tây ở Hồ Nam và các vùng lân cận của Quý Châu, Trung Quốc, hầu hết đều là núi cao, đường xá hiểm trở, giao thông đi lại không thuận tiện nên “thuật dẫn xác” rất phổ biến vào thời bấy giờ.

Phong tục dẫn xác lưu truyền rộng rãi ở Tương Tây bắt đầu từ thời nhà Thanh. (Ảnh qua 360kuai)

Nguồn gốc của “thuật dẫn xác”
Phong tục dẫn xác thực ra đã có từ lâu đời. Sớm nhất có lẽ bắt nguồn từ Xi Vưu, tổ tiên của người Miêu. Thời đó, Xi Vưu đã dẫn theo đại quân của mình chiến đấu với kẻ thù bên bờ sông Hoàng Hà, có rất nhiều thi thể binh lính bị bỏ lại trên chiến trường, Xi Vưu không nhẫn tâm nhìn cảnh đồng bào của mình phơi xác nơi hoang vu, muốn khiêng tất cả người chết đi theo, nhưng nhân lực còn lại không đủ, nên liền cầu cứu quân sư phò tá bên mình. 




Vị quân sư lẩm nhẩm niệm chú, để Xi Vưu cầm lá bùa dẫn đường, còn mình thì làm phép khiến những cái xác đứng dậy đi theo Xi Vưu, như vậy là tất cả đều có thể cùng nhau về nhà. Đây là truyền thuyết sớm nhất liên quan đến thuật dẫn xác.

Thuật dẫn xác chủ yếu phổ biến vào thời nhà Thanh
Phong tục dẫn xác lưu truyền rộng rãi ở Tương Tây bắt đầu từ thời nhà Thanh. Trong cuốn tiểu thuyết ‘Thanh bại loại sao’ do Từ Kha biên soạn vào cuối thời nhà Thanh, có ghi chép rõ ràng nhất về “thuật dẫn xác”. 

Trong đó viết: “Thuật thôi miên của người phương Tây có thể sai khiến người sống, nhưng không thể sai khiến người chết, thôi miên có thể có tác dụng trong nhiều giờ, nhưng không thể kéo dài vài tháng. Tuy nhiên, ở vùng Quý Châu, Hồ Nam có thuật chuyển xác, người ta có thể thi triển phép thuật trên xác chết, khiến xác chết nghe theo mệnh lệnh, có thể có hiệu lực vài tháng.”




Chuyện kể rằng có những thương nhân ở Quý Châu kiếm sống bằng nghề chặt củi và mua bán gỗ, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân khi đến mùa nước nổi, họ lại “đan bè gỗ”, ngồi lên những chiếc bè như vậy xuôi theo sông đến nhiều nơi như Thường Đức, Hồ Nam, sau đó tìm thương nhân thích hợp thương lượng giá cả, tháo chiếc bè ra và bán nó, rồi trở về nhà bằng đường bộ. 

Nhưng hoạ phúc của con người thường xảy đến nhanh chóng và bất ngờ khó đoán, một khi chết ở nơi đất khách, thì “đường xa, xác khó về.” Trong hoàn cảnh như vậy, người Trung Hoa xưa lại có quan niệm rằng lá rụng về cội, cáo chết ba năm quay đầu về núi, đều ám chỉ con người dù đi đâu xa vẫn nhớ về quê hương, không quên gốc tích của mình. Vì vậy những người bạn đồng hành đi cùng thường dùng thuật dẫn xác, để đưa họ về nhà. 

Thuật dẫn xác này phải do hai người thực hiện thì mới có hiệu quả. Một người làm người dẫn đường phía trước, xác đi giữa, người kia cầm bát nước trên tay đi sau. Nước trong bát phải phù phép. Trên đường đưa xác, người đi phía sau phải đảm bảo bát nước luôn bằng phẳng, “nước không đổ, thì xác không đổ”. 




Khuôn mặt của xác chết trắng bệch, tinh thần uể oải. (Ảnh qua Wukong)

Nhìn thoáng qua, thì không có sự khác biệt giữa xác chết và người bình thường, chỉ là xác chết không thể nói được, và tất nhiên là khuôn mặt trắng bệch, tinh thần uể oải. Ngoài ra nếu nhìn kỹ sẽ thấy dáng đi của xác chết hơi khác một chút so với người sống, “người dẫn xác đi thì xác cũng đi, người dẫn xác dừng xác cũng sẽ dừng lại, hoàn toàn tuân theo người dẫn xác.”

Đến chập tối, cần nghỉ lại ở quán trọ, chủ quán vừa nhìn bộ dạng của ba người này, liền biết bọn họ là khách dẫn xác, thì phải chuẩn bị một phòng riêng biệt. Thời điểm đó, những người đưa xác như vậy lúc nào cũng đầy trên đường nên chủ nhà trọ không những quá quen thuộc, mà còn dành hẳn một gian phòng riêng cho họ ở. Ở phòng trọ cũng phải chú ý quy tắc, hai người sống ngủ trên giường, còn xác chết đứng cạnh cửa, nên gọi là “ba người ở trong quán trọ, nhưng chỉ hai người ăn cơm.”




Đêm trước khi về đến nhà, “xác chết phải báo mộng cho người nhà, người nhà sẽ chuẩn bị quan tài và dọn dẹp”. Khi người dẫn xác mang xác chết về đến nhà, sẽ để xác chết đứng thẳng bên cạnh quan tài. Sau đó người dẫn xác đổ bát nước có bùa chú xuống đất, xác chết ngay lập tức cũng đổ xuống. 

Lúc này phải nhanh chóng tẩm liệm cho họ, nếu không xác chết sẽ biến dạng, xuất hiện tình trạng mục rữa, tình trạng phân hủy của xác chết sẽ tương đương với khoảng thời gian chết. Nếu ai chết được một tháng, thì xác chết sẽ thối rữa như đã chết được một tháng.

“Ngày đi đêm nghỉ”, không đi đêm
Trong “Thanh bại loại sao” cũng ghi lại một trường hợp đưa xác: Lúc bấy giờ, có một quan tổng đốc tên là Hoàng Trạch Sinh dẫn quân đến đóng ở ven sông. Một hôm, bên ngoài doanh trại bỗng ồn ào, xôn xao, Hoàng Trạch Sinh hỏi xảy ra chuyện gì? Thuộc hạ bẩm báo: “Có người dẫn xác chết đi qua, xác chết có thể tự đi”. Hoàng Trạch Sinh đi ra khỏi lán trại thì thấy một người cầm cờ vải đi đầu, một cái xác đứng thẳng, bước thấp bước cao chậm rãi theo sau.




Hoàng Trạch Sinh là một quan võ chuyên nghiệp, vốn rất dạn dĩ, ông bước tới ra lệnh cho người dẫn xác dừng lại, và hỏi chuyện gì đang xảy ra? 

Người dẫn xác trả lời rằng: Người này chết trên đường đi, nếu bỏ vào quan tài rồi chở về nhà thì phiền phức quá, “vì vậy đặc biệt yểm phép lên để cái xác tự đi về nhà mai táng”. 

Hoàng Trạch Sinh hỏi: Cụ thể là thi triển phép thuật gì?

Người dẫn xác nói: “Đây là bí mật nghề nghiệp của chúng tôi. Làm sao nó có thể dễ dàng tiết lộ cho người ngoài được?” 

Hoàng Trạch Sinh cũng không cố vặn hỏi nữa, chỉ hỏi như vậy mất bao nhiêu ngày thì đến nơi. 

Ông ta trả lời: “Sẽ mất bốn hoặc năm ngày”. 




Hoàng Trạch Sinh lại hỏi: “Làm thế nào để giải quyết vấn đề chỗ ở vào ban đêm?”

Ông ta đáp: “Đặt ở cạnh cửa là được”.

Lúc này nhiều người đã xúm xít đến xem. Chuyện này xảy ra ngay tại doanh trại nên hàng trăm người đều nhìn thấy. Một số người nghi ngờ cho rằng đó có thể không phải là thi thể. Hoàng Trạch Sinh lập tức yêu cầu kiểm tra, nhưng quả đúng là một xác chết. 


Những người dân địa phương sống gần đó thấy toán lính đang kinh ngạc vì chưa thấy cảnh tượng này bao giờ thì đều nói: “Chuyện này thường ấy mà, đâu có gì lạ.”

Với sự phát triển vượt bậc của xã hội hiện đại, thuật dẫn xác đã bị loại bỏ từ lâu. Tất nhiên điều này cũng được cho là do quan niệm về quê hương đất tổ của con người ngày càng nhạt nhòa, không giống như người xưa chú trọng “lá rụng về cội”. Cho nên xã hội ngày nay nếu muốn hiểu rõ về thuật dẫn xác của người xưa thì e rằng sẽ càng ngày càng khó khăn!

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *