Với sự mở rộng giao lưu văn hóa và thành công từ những bộ phim đình đám như Harry Potter, hình ảnh về những phù thủy quyền năng đầu đội mũ nhọn, cưỡi chổi ma thuật đã không còn xa lạ với chúng ta. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi vì sao phù thủy lại cưỡi chổi chứ không phải một thứ gì khác?
Những ai được xem là phù thủy?
Phù thủy là những người thực hành thuật phù thủy, được cho là có năng lực siêu nhiên như bói toán, gọi hồn, giải hạn, chữa bệnh, hoặc nguyền rủa. Phù thủy thường bị coi là gây hại cho một cá nhân hay một tập thể.
Những người bị xem là phù thủy phần lớn là phụ nữ – đặc biệt là những góa phụ – những người không ai bênh vực. Ngoài ra những người già, người nghèo và những phụ nữ bào chế thuốc cũng thường được xem là phù thủy.
Phù thủy thường là phụ nữ và có nhiều quyền năng đặc biệt (Ảnh: Pinterest)
Thời xưa, thuật phù thủy thường khiến người ta kinh sợ. Trong tài liệu cổ của một du khách Ả rập ghi lại mô tả về buổi hành lễ ở Trung Hoa có đoạn: “ Trước đám đông, phù thủy dùng quả cầu gỗ có buộc dây thừng và ném lên trời. Quả cầu bay cao và biến mất, còn lại sợi dây treo lơ lửng rồi phù thủy sai một cậu bé bám vào sợi dây để leo lên trời. Ít phút sau, cậu bé biến mất. Tộc trưởng nói gì đó với phù thủy, phù thủy lập tức dùng dao cắt dây, từng phần cơ thể của cậu bé rớt xuống đất. Quang cảnh ghê rợn làm cho những người nhìn thấy kinh hãi. Sau đó, tộc trưởng khấn vái, các bộ phận của cậu bé dính vào nhau và cậu ta sống lại bình thường.”
Kinh Mật tông Phật giáo cũng đề cập đến việc các pháp sư tạo ra những đám đông và làm họ biến mất trong chớp mắt từ hàng nghìn năm trước. Những người theo môn phái tu luyện này cũng thừa nhận sức mạnh của bùa chú, pháp thuật và cho rằng chúng góp phần tạo thành niềm tin tôn giáo.
Phép thuật của phù thủy được xem là nguyên nhân của nhiều tai họa (Ảnh: alternateending.com)
Thời Trung cổ, người ta tin rằng phù thủy chính là nguyên nhân đứng đằng sau các vấn đề như dịch hạch, bão tố, băng giá, nạn sâu bọ hay những cái chết không rõ nguyên nhân…. Chính bởi vậy phù thủy bị cộng đồng khinh ghét và luôn tìm cách bắt bớ sát hại.
Bất cứ ai biểu diễn ảo thuật hoặc có những hành vi kì quặc đều bị quy kết có liên hệ vời ma quỷ và sẽ bị thiêu sống để làm vật tế thần.
Vậy tại sao phù thủy lại cưỡi chổi?
Giả thuyết đầu tiên giải thích cho vấn đề này là thời xưa con người tôn kính mẹ thiên nhiên và tin vào sự tồn tại của các vị thần. Vì vậy, để mong có được một vụ mùa bội thu, tất cả người dân hàng năm đều tổ chức tụ họp nhảy múa, ăn mừng dưới ánh trăng tròn trong đêm, mà các phù thủy hiện đại ngày này gọi đó là lễ Esbat.
Và một trong số những vũ điệu dân gian của họ là dựng đứng cây chổi và nhảy lên cao, để tượng trưng cho cây trồng cũng sẽ vươn cao giống như vậy. Họ cũng ngồi lên chiếc chổi và chạy vòng vòng xung quanh, giống như đang cưỡi ngựa để tượng trưng cho đàn gia súc sẽ được mắn đẻ và khỏe mạnh.
Phù thủy thời đó được xem là những người quyền phép và do đó người ta tin rằng họ sẽ có thể phi thân trên chổi và biến những ước mơ của họ thành hiện thực.
Harry Potter trên cây chổi bay Nimbus 2000 và đũa phép ma thuật (Ảnh: Pinterest)
Một giả thuyết khác liên quan đến thói quen điều chế mê dược của các phù thủy xưa kia.
Từ “phù thuỷ” trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc. “Phù” có nghĩa là “bùa”, “thuỷ” có nghĩa là “nước”, “phù thuỷ” dịch sát nghĩa từng chữ là “nước bùa”. Nó xuất phát từ việc các phù thủy thường hay sử dụng thảo dược và khoáng vật để luyện ra những thứ nước có khả năng mê hoặc con người và giúp cho việc thi triển ma thuật của các phù thủy trở nên ảo mộng và đầy huyền bí.
Một trong những loại mê dược nổi tiếng nhất tạo ra ảo giác cây chổi bay. Và kể từ đó, truyền thuyết về cây chổi bắt đầu.
Một cảnh điều chế độc dược trong tập phim Harry Potter và Hoàng tử lai (Ảnh: Pinterest)
Các thành phần của mê dược gây ra “ảo giác cây chổi” bao gồm: Bột bóng tối (Atropa belladonna), cạm bẫy ma quỷ, (Datura stramonium), cây phỉ ốc tư đen (Hyoscyamus niger), và giống cây độc (Mandragora officinarum).
Hợp chất này khá độc. Tuy nhiên nếu bôi lượng nhỏ vào một số bộ phận nhất định trên cơ thể sẽ tạo ra ảo giác lâng lâng.
Trong một cuốn sách của Jordanes Bergamo, một nhà văn thời trung cổ chuyên nghiên cứu về phù thủy có viết: “Những phù thủy thừa nhận rằng vào những đêm trăng họ xức loại mê dược gây ảo giác cho phu đánh xe ở khu vực dưới cánh tay và một vài vị trí khác trên cơ thể”.
Phù thủy luôn gắn liền với hình ảnh người đàn bà cưỡi chổi phép bay trong đêm cùng tiếng cười lanh lảnh đầy ma quái (Ảnh: Cafebiz)
Những người trúng phải loại mê dược này kể lại rằng: Khi các chất này bắt đầu phát huy tác dụng, cơ thể có cảm giác không trọng lượng giống như đang bay là là trên mặt đất. Đặc biệt, họ còn có cảm giác như đang ngồi trên một cái chổi và có thể điều chỉnh hướng của cây chổi này bay qua bay lại.
Và kể từ đó trở đi người ta cứ nghĩ đến phù thủy thì liên tưởng đến hình ảnh những góa bụa xấu xí khoác trên mình bộ đồ đen, chiếc mũ chóp nhọn, cưỡi chổi phép bay trong đêm cùng tiếng cười lanh lảnh đầy ma quái.
Nguồn: ĐKN