Trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Dấu vân tay của Thượng đế”, Graham Hancock nói rằng một số nền văn minh trên Trái đất đã cho thấy dấu hiệu của trí tuệ kì lạ trong các hệ thống kiến trúc, khoa học và chữ viết. Nền văn minh của nhân loại phát triển cao hơn rất nhiều so với nhận thức ban đầu của chúng ta.
Ảnh tái hiện một tòa kim tự tháp của Sumer (Nguồn: Internet)
Dưới đây là một số khía cạnh kỳ lạ đã bị lãng quên từ lâu về nhân loại, đồng thời nhắc nhở rằng tổ tiên chúng ta để lại nhiều cổ vật, các công trình và kiến trúc đáng kinh ngạc mà chúng ta có trách nhiệm phải giải mã. Nếu lịch sử của nhân loại còn đang được khám phá, thì hãy để các di tích này trở thành những điểm mốc quan trọng giúp chúng ta nhìn nhận lại dòng lịch sử.
Các di tích được tổ tiên chúng ta lưu lại sẽ phải tương hợp với trình độ phát triển của họ tại thời điểm đó; từ đó đưa ra nhu cầu phải chỉnh sửa lại các mốc niên đại trong lịch sử nhân loại. Những điểm bất thường này đã đặt ra nghi vấn về lịch sử đã được ghi nhận, và cho chúng ta biết bao nhiêu phần trong đó cần được tiếp tục khám phá.
Giai đoạn tiền sử nhân loại đánh dấu một quãng thời gian trước khi con người biết ghi chép, trong hàng ngàn năm, người Cro-Magnons đã rong ruổi trên khắp địa cầu, có thể đã hình thành các nhóm nhỏ sinh sống trong một xã hội nguyên thủy.
Nhưng bối cảnh lịch sử đã thay đổi một lần nữa, vào khoảng 15,000 năm trước. Khi chúng ta so sánh tính chất thô sơ, nguyên thủy của người Cro-Magnon với các thành tựu của nhân loại trong vòng 15.000 năm qua, khoảng cách giữa chúng quả thật quá lớn.
Chúng ta vẫn luôn cho rằng sự tiến bộ của nhân loại và các thành quả về khoa học kỹ thuật đạt được là tuân theo đường thẳng hướng lên trên; rằng mỗi nền văn minh mới sẽ tiến bộ hơn và thông minh hơn nền văn minh cũ, cũng giống như sự tiến hóa giữa các loài.
Từ người Neanderthal đến người Cro-Magnon, chúng ta thấy xuất hiện một số nền văn minh chưa rõ nguồn gốc, mới được khám phá gần đây, nhưng lại có tiến bộ vượt bậc trong khoa học. Một vài nền văn minh cổ đại trên khắp thế giới cho thấy một trình độ hiểu biết cao về thiên văn học và toán học.
Khi đế quốc Babylon xuất hiện 2500 năm trước, một trong những nhà thiên văn học hàng đầu của họ, Kidinnu, đã có thể lập bản đồ quỹ đạo chuyển động hàng năm của mặt trời và mặt trăng. Tấm bản đồ này không có đối thủ cho tới năm 1857, khi nhà thiên văn học Peter Andreas Hansen lập biểu đồ vòng cung của các thiên thể này với biên độ sai sót trong phạm vi chỉ 9 giây góc.
Một cuốn niên giám Babylon, đề cập đến vị trí của các hành tinh trong tương lai (Ảnh: Bảo tàng Anh)
Vào triều đại nhà Thương ở Trung Quốc, trải dài từ giai đoạn 1700-1100 trước Công nguyên, một loại dương lịch đã xuất hiện. Được gọi là Ssu-Ten, loại lịch này bao gồm các tháng, có mức độ chính xác tới 29.53055106 ngày, nghĩa là năm nhuận đã được bao hàm trong đó. Một văn bản thậm chí còn cổ hơn nữa của Trung Quốc, được biết đến là Hoàng Đế Bình Túc Vương, đã ghi nhận Trái đất là một thực thể trôi nổi trong không gian.
Tương tự, hai học giả Hy Lạp Parmenides và Empedocles, vốn được trích dẫn một cách riêng biệt, đã cho rằng “mặt trăng soi sáng bầu trời đêm nhờ ánh sáng thu mượn”. Trong 10.000 năm trước hoặc tương đương, con người hiện đại đã biết về khả năng tồn tại trí tuệ ngoài hành tinh [i].
Cái gì đã thúc đẩy xã hội loài người sơ khai bước qua ranh giới và thu thập các kiến thức đáng kinh ngạc ở giai đoạn sớm như vậy? Những ví dụ đã nêu không phải chỉ là một trường hợp riêng biệt, tức là không phải chỉ một khu vực trên Trái đất phát triển được một trình độ khoa học cao đến thế.
Mức độ “tiến bộ đi trước” như vậy là một hiện tượng rất phổ biến, qua đó dần dần thay đổi bối cảnh lịch sử nhân loại.
Hai mảnh xương tiên tri từ triều đại nhà Thương, Trung Quốc (giai đoạn 1800 -. 1200 TCN). Những dòng chữ khắc trên mảnh xương tiên tri thời nhà Thương cho thấy ít nhất cho đến vào thế kỷ 14 TCN, nhà Thương đã thiết lập được năm mặt trời với 365¼ ngày và tháng âm lịch với 29½ ngày. (Ảnh: CalendarsThroughTheAges)
Nền văn minh Sumer
Sumer – nền văn minh tiên tiến đầu tiên của thế giới – được ghi nhận là cái nôi khởi thủy của nhân loại hiện đại. Nền văn minh này xuất hiện khoảng 3800 năm trước Công nguyên, tọa lạc tại khu vực phía nam Iraq ngày nay, văn minh Sumer đã bùng nổ với những thành tựu văn hóa đáng kinh ngạc. Sumer cũng được gọi là Shinar, và khu vực này nằm giữa hai con sông Tigris và Eughrates. Vì thế khu vực này cũng được gọi là Lưỡng Hà. Hai dòng sông này đóng vai trò quan trọng giúp nền văn minh Sumer phát triển rực rỡ, tạo điều kiện cho giao thương và buôn bán.
Thành phố Sumer. (Ảnh: thecultureconcept.com)
Lưỡng Hà nằm trong khu vực Trăng lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent), nơi có vị trí địa lý, khí hậu và nguồn nước phù hợp để phát triển nông nghiệp.
Trước khi nền văn minh Sumer xuất hiện có tồn tại một nền văn minh trước đó tên là Ubaid. Nền văn minh Ubaid có nguồn gốc chưa rõ ràng, rất có thể bao gồm các bộ tộc nằm rải rác xung quanh hai con sông lớn.
Văn minh Sumer phân nhánh thành một số lĩnh vực với trình độ phát triển đáng kinh ngạc. Chiêm tinh học, thực vật học, động vật học, toán học và luật học đã tạo nên những thành tựu vĩ đại của Sumer. Y học và dược học đã được ứng dụng rộng rãi. Những ngôi nhà đầu tiên bằng gạch đã được tìm thấy trong vùng.
Sumer thậm chí còn có một hệ thống truyện thần thoại, cùng với một nền lịch sử đầy đủ trong văn hóa của riêng mình [ii]. Vào một thời kỳ khi săn bắn hái lượm là hình thức sinh sống phổ biến tại nhiều khu vực, thì người Sumer đã có thể xây dựng các bộ luật cao cấp và tính toán thiên văn học ở trình độ trung bình. Một trong những văn bản viết tay đầu tiên trên thế giới cũng cũng được tìm thấy tại khu vực này.
Bản tái hiện thành phố Sumer của thành Ur. (Ảnh: Kings Academy)
Nền văn minh Sumer sử dụng chữ hình nêm để ghi chép lại kiến thức của mình, bao gồm các hình tam giác hẹp xếp theo các mô thức khác nhau. Bảng chữ cái của người Sumer bao gồm các chữ tượng hình – các biểu tượng nhằm diễn đạt ý tưởng và khái niệm tương tự như các loại ngôn ngữ phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản…). Cách này khác với việc sử dụng ngữ âm kết hợp với nhau để tạo thành các từ, như trong tiếng Anh.
Văn bản được khắc lên các tấm đất sét ướt rồi và sau đó sẽ được đem đi nung và bảo quản. Phương pháp này có lẽ đã ra đời trước cuộc cách mạng in ấn Gutenberg khoảng 2500 năm. Hơn 500.000 những tấm đất sét như vậy đã được phát hiện, cho thấy hơi thở của tri thức mà nền văn minh này sở hữu và thời gian họ dự định sẽ bảo quản nó.
Một trong hàng ngàn tấm bảng có chữ hình nêm được phát hiện tại Iraq. (Ảnh: Wikipedia)
Nền văn minh Sumer cũng phát triển các công trình kiến trúc độc đáo gọi là ziggurats (hay còn gọi là bệ núi). Đây là những cấu trúc hình kim tự tháp, cao hàng chục mét.
Nền văn minh này trải dài qua 3 triều đại riêng biệt, triều đại cuối cùng bắt đầu vào khoảng 2100 năm trước Công nguyên. Nền văn minh này cũng đã tạo ra hai trong số các thành phố đầu tiên trên thế giới, Uruk và Eridu. Trong những thành phố này, đây là lần đầu tiên trong lịch sử các thợ thủ công, nhà văn, bác sĩ, nhà toán học và luật sư có thể trao đổi buôn bán các sản phẩm của họ. Các thành phố nhỏ của Sumer cuối cùng cũng hợp nhất với nhau, trở thành một phần của nền văn minh Babylon trải rộng trên toàn bộ khu vực Lưỡng Hà.
Hình ảnh tái hiện Ziggarut (bệ núi) 3D của thành Ur. (Ảnh: Wikipedia)
Ngoài nông nghiệp, y tế và thương mại, người Babylon cũng có một sự hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực thiên văn. Kiến thức của họ về các ngôi sao và thiên thể đã được sưu tầm vào các tấm đất sét, trên đó mô tả sự chuyển động của các chòm sao và chuyển động của Mặt trời trong mối liên hệ với Mặt trăng.
Những hiện tượng quan trọng như điểm xuân phân, điểm thu phân, nhật thực và nguyệt thực cũng đã được ghi chép. Một nhóm các nhà khoa học Babylon biên soạn các kiến thức của họ về sự chuyển động của các ngôi sao, các chuyển động của chúng và các chòm sao thành một công trình gọi là MUL.APIN, có nghĩa là “chòm sao Đại Hùng”, đó là tên được đặt cho chòm sao đầu tiên trong tài liệu. Tài liệu này có niên đại từ năm 1370 TCN.
Một tài liệu ấn tượng không kém có tên là Enuma Anu Enlil, bao gồm một số bảng chiêm tinh, không chỉ đề cập đến nhật thực, nguyệt thực và các hiện tượng thiên văn, mà còn được sử dụng như một hệ thống tiên tri.
Mặc dù phương pháp của họ có thể chứa một số yếu tố siêu thường, nhưng các phương pháp tính toán này đã đi vượt quá xa tính chất nguyên thủy của nhân loại.
Lĩnh vực thiên văn học và toán học của Babylon đã sử dụng hệ thống tính toán rất đặc thù dựa trên các bội số của 60 và nó được gọi là hệ thống sáu mươi. Các nhà khoa học Babylon có thể tính toán các phép đo chính xác đến 1/60 của 1 độ, còn được gọi là một phút góc [iii].
Nền văn minh Babylon đã đưa ra hai tiền lệ rất đặc thù trong lịch sử nhân loại. Thứ nhất, nó thiết lập các tiêu chuẩn của một nền văn minh hiện đại. Thứ hai, việc theo đuổi lĩnh vực thiên văn học đã đưa ví dụ đầu tiên cho thấy con người đã chủ động quan sát và thu thập thông tin về các hiện tượng nằm ngoài tầm với trực tiếp của bản thân. Về cơ bản, đây là một bước tiến trưởng thành của nhân loại.
Nhưng một câu hỏi lớn hơn xuất hiện. Những điều kiện tiên quyết của một nền văn minh là gì? Liệu chúng chỉ đơn giản xuất hiện một cách ngẫu nhiên, giống như cách vụ nổ Cambrian đã sản sinh ra những dạng thức mới của sự sống? Đến khi nào chúng ta mới nhìn nhận những thông tin mới này và cập nhật lại cách nhìn nhận về lịch sử của nhân loại?
Nguồn: DKN