Các nhà nghiên cứu đã khám nghiệm phần xương còn sót lại trong các ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ 17 tại phía tây bắc Ba Lan, và phỏng đoán rằng những “ngôi mộ của ma cà rồng” trên thực tế là của các bệnh nhân mắc chứng tả, từ đó giải thích nguyên nhân những người dân làng phải sử dụng thêm các biện pháp đề phòng trong việc xử lý thi thể các nạn nhân.
Trái: Tranh thạch bản “Ma cà rồng” của R. de Moraine, 1864. (Wikimedia Commons) Phải: Phần thi thể còn sót lại của một phụ nữ 30-39 tuổi với một cái liềm sắt đặt ngang cổ. (Lesley A. Gregoricka et al., CC; chỉnh sửa bởi Đại Kỷ Nguyên) Nền: Ảnh một bia mộ. (La Corivo/iStock/Thinkstock)
Lesley Gregoricka thuộc trường Đại học South Alabama và các đồng nghiêp đã cho xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí PLOS One, trong đó miêu tả chi tiết các ngôi mộ trấn tà (bao gồm các nghi thức và vật phẩm được chế tạo để xua đuổi ma quỷ), và cách họ liên hệ với câu chuyện ma cà rồng ở Đông Âu.
Những “ngôi mộ ma cà rồng” như vậy xuất hiện chủ yếu vào thời kỳ hậu Trung cổ và trên khắp châu Âu, ví như ở Cộng hòa Xéc, Slovakia, Ý, Ireland, và Hy Lạp. Những thi thể được khai quật thường có những vật phẩm kỳ lạ được chôn cùng hay đặt bên trên thi thể. Một số bị cọc sắt xuyên qua thân người, trong khi số khác có gạch hoặc đá trong miệng. Một số được đặt hòn đá lên trên cổ. Những biểu tượng và cổ vật giải hạn này được sử dụng để trấn tà, vốn là một phong tục đã phổ biến trên khắp thế giới trong suốt chiều dài lịch sử.
Sợi dây liên kết hầu hết những hình thức mai táng loại này, bao gồm những ngôi mộ tìm thấy tại Drawsko ở tây bắc Ba Lan, là ở điểm những thi thể dường như đã trải qua dịch bệnh hay bệnh tật.
Theo kênh Discovery News, trong giai đoạn giữa 2008 và 2012, 285 bộ xương người đã được khai quật ở Drawsko. Phần thi thể còn sót lại có niên đại từ thế kỷ 17 và 18 của những người cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Trong số 285 ngôi mộ ma cà rồng, có một người nam trưởng thành, ba người nữ trưởng thành, và hai người trẻ – một người nam, người còn lại còn chưa xác định được giới tính.
Gregoricka, trong nghiên cứu của tạp chí khoa học bình duyệt PLOS one, đã miêu tả các vụ mai táng như sau, “Trong số sáu người này, năm người đã được mai táng với một cây lưỡi liềm đặt ngang cổ họng hay ngang bụng, để nếu họ cố gắng chui ra khỏi ngôi mộ, lưỡi liềm sẽ cắt rời đầu hoặc mổ bụng người đó.” Những thủ tục này là biện pháp xử lý thi thể có chủ ý, vì họ lo sợ những thi thể này có nguy cơ hóa thành ma cà rồng rồi trở lại ngôi làng để giết hại những người đang sống hay nguyền rủa những người khỏe mạnh.
Phần thi thể còn sót lại của một phụ nữ 30-39 tuổi với một cái liềm sắt đặt ngang cổ. (Lesley A. Gregoricka et al., CC)
Ma cà rồng đang tấn công môt tín đồ Công giáo. Tranh chạm khắc của Đức từ thế kỷ 15. (Wikimedia Commons)
Trong những cuộc khai quật trước đó, người ta nghi ngờ rằng thi thể của cái gọi là ma cà rồng có thể thuộc về những người nhập cư, và vì là người ngoài nên họ đã bị cho là tác nhân gây ra dịch bệnh đã cướp đi tính mạng của nhiều người mà chưa thể lý giải được vào thời điểm đó.
Để kiểm nghiệm xem nếu những cuộc mai táng dạng trấn tà đã được áp dụng chủ yếu cho những người nhập cư, nhóm nghiên cứu đã “phân tích những chiếc răng hàm vĩnh cửu của 60 cá nhân, bao gồm 6 thi thể ‘đặc biệt’ hay kỳ dị (có khả năng biến thành ma cà rồng), sử dụng tỷ lệ đồng vị phóng xạ stronti từ men răng khảo cổ. Sau đó họ so sánh kết quả với đồng vị stronti của các loài động vật địa phương”. Mạng lưới Tin tức Khảo cổ viết. Trái ngược với các phỏng đoán ban đầu, kết quả thí nghiệm cho thấy tất cả ma cà rồng đều là người dân địa phương, và một số người nhập cư đều đã được mai táng bằng phong tục phổ biến giống như những dân làng khác.
Lý giải cho nguyên nhân những người dân làng lựa chọn một số người cho nghi thức mai táng đặc biệt này, nhóm nghiên cứu ngờ rằng đây rất có thể là dịch tả, vốn rất phổ biến và chưa được nhận thức đúng đắn vào thời điểm đó, đã thúc đẩy những người dân làng tiến hành các biện pháp để đảm bảo những người chết sẽ không đội mồ sống lại. Bệnh tả là một loại nhiễm khuẩn chết người lan truyền qua nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, nhưng do hiểu biết còn hạn chế vào thời điểm đó, loại bệnh này có thể đã được nhìn nhận là một dạng hiện tượng siêu nhiên mà chỉ có thể được ngăn chặn bằng các nghi thức và các thủ tục mai táng đặc biệt.
Trong một bản tóm tắt nghiên cứu, Gregoricka và các đồng sự cho rằng, “Những đợt dịch tả tàn phá hầu hết khu vực Đông Âu trong thế kỷ 17 có thể cung cấp cho chúng ta một lời giải thích khác cho nguyên nhân của những tập tục mai táng chấn tà này, vì người đầu tiên tử vong từ một đợt bùng phát dịch truyền nhiễm sẽ được coi là có nhiều khả năng biến đổi thành ma cà rồng hơn.” Tuy nhiên, cho đến hiện nay giả thuyết này vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Một phụ nữ 45-49 tuổi, với một hòn đá đặt trên cổ họng. (Lesley A. Gregoricka et al., CC)
Một bộ xương 800 tuổi bị đâm xuyên qua ngực bằng một thanh sắt được phát hiện ở Bulgaria. (Wikimedia Commons)
Nhà nhân chủng học sinh vật Kristina Killgrove thừa nhận dịch tả có khả năng là lời giải đáp cho những ngôi mộ Ba Lan thời hậu Trung cổ, Kênh Discovery News cho hay. Tuy nhiên, cô lưu ý, “Thật không may khi bệnh tả không để lại dấu tích nào trên xương, nên không có khả năng xác nhận việc họ có mắc căn bệnh này hay không chỉ bằng cách quan sát phần xương còn sót lại.”
Nhóm nghiên cứu từ trường Đại học South Alabama sẽ tiếp tục các nghiên cứu về những bộ xương này để xem nếu có thể tìm được lời giải đáp chân thực cho các ngôi mộ ma cà rồng hay không.
Nguồn: DKN