Người Ai Cập là hậu duệ một nền văn minh rực rỡ và huy hoàng hơn, và thuật ướp xác là của nền văn minh này, nhưng mục đích sơ khai không phải chỉ để bảo quản xác chết, theo giả thuyết đưa ra trong Cuốn sách The Sphinx Scrolls.
Tiểu thuyết The Sphinx Scrolls (tạm dịch: Cuộn sách Tượng nhân sư) đưa ra giả thuyết liệu có tồn tại một công nghệ ướp xác có khả năng bảo quản thi thể đồng thời mang người chết trở lại dương gian hay không. Cuốn sách đưa ra giả thuyết cho rằng nghệ thuật ướp xác của người Ai Cập lấy nguồn cảm hứng từ một hệ thống cổ xưa hơn, nhưng tiên tiến hơn với khả năng làm được điều này. Nhưng ý tưởng này khả thi đến đâu?
Thuật ướp xác ở Ai Cập cổ đại, ngoài việc thành công trong việc bảo quản cơ thể người qua hàng nghìn năm, về cơ bản là mang ý nghĩa biểu tượng. Nếu khoan bàn đến niềm tin về sự tồn tại của cuộc sống sau khi chết trong văn hóa Ai Cập cổ đại, thì quá trình ướp xác trên bề mặt chỉ là một phiên bản tinh vi của kỹ thuật độn xác, nhằm ngăn chặn sự phân hủy của tế bào da. Nội tạng sẽ bị vứt bỏ, vì không có hỗn hợp muối hay gia vị nào có thể thẩm thấu đủ sâu vào bên trong thi thể để bảo quản chúng.
Xác ướp Kai-i-nefer, Ai cập, 525-332 trước công nguyên.
Nhưng liệu có khả năng thuật ướp xác Ai Cập là một phiên bản đơn giản hóa, không đầy đủ của một nghệ thuật bảo quản thi thể đã thất truyền. Giả thuyết này chỉ hợp lý nếu trước hết chúng ta mặc định rằng người Ai Cập cổ đại bắt nguồn từ một nền văn minh tiên tiến trước thời kỳ hồng thuỷ, một nền văn minh đã thất lạc theo dòng lịch sử. Giả thuyết này dựa trên vô số phát hiện, các dị vật và đồ tạo tác cho thấy thay vì đạt đến đỉnh cao của sự phát triển công nghệ của nhân loại, những thành tựu người Ai Cập đạt được chỉ là những gì còn sót lại của một nền văn minh thậm chí còn huy hoàng hơn.
Kiến thức và công nghệ cổ đại
Năm 1837, Đại tá Howard Vyse – một nhà Ai Cập học – đã khoan một lỗ trên Đại Kim tự tháp Giza và phát hiện thấy một phần tấm sắt chèn giữa các khối đá bên trong. Trong khi theo hiểu biết hiện tại kim tự tháp được xây dựng trước thời kỳ Đồ Sắt đến hai nghìn năm. Không chỉ vậy, kết quả phân tích thành phần tấm sắt vào năm 1989 cho thấy vết tích của vàng trên bề mặt, có nghĩa là nó đã được mạ vàng, và quy trình này đòi hỏi kiến thức về điện năng.
Các manh mối khác cũng cho thấy vốn hiểu biết về điện năng của người Ai Cập cổ đại. Ví như tại Đền thờ Hathor ở Dendera có những bức họa đá chạm nổi mô tả thứ như là bóng đèn điện.
Bức họa đá chạm nổi mô tả bóng đèn điện tại đền Hathor ở Dendera.
Một vài nhà nghiên cứu còn tiến xa hơn khi cho rằng sự vắng mặt của bồ hóng và vết cháy từ những ngọn đuốc trong một số ngôi mộ Ai Cập cho thấy nơi đây từng lắp đặt một hệ thống đèn điện chiếu sáng. Và có những lỗ khoan được tìm thấy trên các tảng đá granit của Đại kim tự tháp và nhiều nơi khác, bao gồm ở cả những mỏ khai thác đá. Liệu có khả năng những lỗ sâu, tròn trịa này được tạo ra bởi một công cụ chạy bằng điện? Nếu những bằng chứng gián tiếp này là chưa đủ, thì phải đưa ra một cách giải thích như thế nào cho những hình chạm khắc đá kỳ dị trong Đền Seti I ở Abydos mô tả con thuyền, máy bay trực thăng và máy bay phản lực?
Hình chạm khắc đá kỳ dị mô tả con thuyền, máy bay trực thăng và máy bay phản lực ở đền Seti I ở Abydos.
Nếu chỉ đơn thuần là một hiện vật khác thường, thì có thể cho đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc cách lý giải sai lầm. Tuy nhiên, đối mặt với rất nhiều ví dụ khác cũng đang thách thức vốn hiểu biết hiện tại về lịch sử, nên chăng chúng ta cân nhắc đến giả thuyết rất nhiều phát minh ngày nay đã từng tồn tại trong lịch sử xa xưa, với chứng tích là những gì được miêu tả trong các di chỉ Ai Cập cổ đại?
Nền văn minh thất lạc
Nếu Ai Cập cổ đại là sự tiếp nối của một nền văn minh cổ xưa hơn, thì không có bằng chứng nào tốt hơn là những di tích trực tiếp còn sót lại của nền văn minh này, lưu lại qua thời Ai Cập cổ đại và tồn tại cho đến ngày nay. Bức Tượng Nhân Sư Ai Cập kinh điển có thể là một ví dụ như vậy. Trên thực tế, tượng Nhân sư lớn ở Giza có thể “già hơn” hàng nghìn năm tuổi so với các kim tự tháp. Một số nhà địa chất nghiên cứu tượng Nhân sư tuyên bố nó đã tồn tại từ một thời kỳ cao nguyên Giza có khí hậu ẩm ướt – tức trước khi xây kim tự tháp vài nghìn năm . Nếu điều này là thật, nó sẽ ủng hộ giả thuyết về sự tồn tại của một nền văn mình thất lạc. Liệu có khả năng các Pha-ra-ông là hậu thế của một nền văn minh tiên tiến trước thời kỳ hồng thuỷ? Liệu có khả năng người Ai Cập cổ đại chỉ nhớ mang máng về một thời quá khứ huy hoàng, một thời kỳ khi tổ tiên họ có khả năng ‘sống mãi’?
Nếu giả thuyết nền công nghệ Ai Cập cổ đại là tàn dư của thứ gì đó cổ xưa và tiên tiến hơn là thật, thì liệu thuật ướp xác của họ có thể cũng là một phiên bản nhỏ giọt của một kỹ thuật tiền sử, trong đó vận dụng nhiều kiến thức hóa học phức tạp hơn? Họ chỉ tái lập được một phần quy trình mà giúp bảo quản các tế bào trong cơ thể, chứ không chỉ lớp da bên ngoài, thậm chí có thể đảo ngược và hồi sinh chúng? Nếu vậy, họ chỉ lưu giữ một phần kỹ thuật. Họ không biết toàn bộ công thức để ướp xác người chết với tiềm năng hồi sinh thực sự.
Bức bích họa miêu tả quá trình chuẩn bị uớp xác ở Ai Cập. Tranh trưng bày tại bảo tàng Rosicrucian.
Phương pháp trữ lạnh (bảo quản lạnh) tiên tiến
Ngành khoa học trữ lạnh (bảo quản lạnh) ngày nay nhằm mục đích bảo quản cơ thể không bị phân hủy, để một chứng bệnh trong giai đoạn cuối hay vô phương cứu chữa (như ung thư) có thể được chữa trị trong tương lai. Theo đó, bệnh nhân sẽ được hồi sinh trở lại. Kỹ thuật trữ lạnh sẽ giúp tế bào tránh bị tổn thương bởi đá trong quá trình đông lạnh bằng cách bổ sung hóa chất chống đông vào cơ thể. Loại chất này làm nước bên trong và xung quanh tế bào đóng rắn nhưng không hình thành tinh thể đá. Nhưng bản thân các chất chống đông này lại độc hại, và phương pháp này đặt hy vọng vào các nhà khoa học tương lai có thể đảo ngược tác dụng phụ này. Liệu người cổ đại có thể điều chế ra một chất chống đông ở cấp độ tế bào vừa không tạo tinh thể đá vừa không có tác dụng phụ có hại? Liệu họ có thể tìm ra cách chặn đứng dòng thời gian sinh học mà không cần phải hạ thân nhiệt cực thấp? Liệu có tồn tại một loại hợp chất hóa học được bơm vào cơ thể để thay thế máu vào thời điểm tử vong, có thể bảo quản thi thể vô thời hạn mà không cần đến năng lượng hay đá?
Xác ướp được bảo quản của Pha-ra-ông Seti I.
Tất nhiên, đây chỉ là suy đoán, không phải khoa học. Là giả thuyết, chứ chưa hẳn là lịch sử. Có người hỏi, nếu tồn tại một phương pháp đảo ngược quá trình ướp xác ở nhiệt độ môi trường trong quá khứ xa xôi, thì chắc hẳn cho đến bây giờ chúng ta đã tìm ra được một thi thể bảo quản như vậy rồi chứ? Không nhất định vậy. Chiến tranh và thiên tai có thể giải thích cho sự vắng mặt của chúng? Hay có lẽ chúng ta chỉ đơn giản tìm sai địa chỉ.
Trong một giây lát, hãy cởi mở tâm trí và tưởng tượng những ghi chú của triết gia nổi tiếng Plato về Atlantis được dựa trên một nền văn minh thất lạc có thật, với công nghệ tiên tiến, bao gồm đồ điện tử, máy bay, ngành hàng hải và nền y học phát triển. Người Atlantis được cho là đã nhìn ra bên ngoài bầu khí quyển để tìm kiếm các nguồn nhiệt độ siêu thấp cần có cho phương pháp trữ lạnh. Họ có thể đã sử dụng tên lửa để gửi các xác ướp ra ngoài rìa hệ mặt trời, và hậu duệ của họ, người Ai Cập cổ đại, đã cố gắng để mô phỏng một cách hình tượng điều này, khi cho rằng những người quá cố sẽ đi chuyến hành trình tới các vì sao.
Tác phẩm The Sphinx Scrolls đã kết nối các dấu chấm để tạo ra một dòng lịch sử mạch lạc, sinh động dựa trên những ý tưởng này. Nó khám phá những điều có thể là thật. Nhưng những khái niệm được đưa ra trong cuốn tiểu thuyết, bất kể thoạt nghe có vẻ phi lý thế nào, không phải là điều tuyệt đối bất khả thi. Có lẽ bí quyết cho việc ‘bất tử’ vẫn tồn tại, được lưu trữ trong ‘Sảnh đường Hồ sơ (hall of records)’ huyền thoại có liên hệ đến tượng Nhân sư? Điều viễn tưởng hôm nay có thể trở thành sự thực vào ngày mai.
Nguồn: DKN