Du hành thời gian: 3 trường hợp bí ẩn chưa có lời giải

Với mỗi người chúng ta, du hành xuyên thời gian thật sự là một chuyện không tưởng. Cỗ máy thời gian, lỗ đen, v.v…, những khái niệm này dường như chỉ có trên những tác phẩm khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên trong lịch sử đã ghi nhận không ít trường hợp khiến chúng ta phải thật sự nhìn nhận lại quan điểm này.

Dưới đây là 3 trường hợp như thế. 

Thống chế Không quân Hoàng gia Anh Victor Goddard du hành đến tương lai


(Ảnh: Message to Eagle)

Thống chế Không quân Hoàng gia Anh Victor Goddard đã có một trải nghiệm kỳ lạ vào năm 1935. Khi bay qua một sân bay bỏ hoang gần Edinburgh, Scotland, ông thấy nhà chứa máy bay đã bị cỏ dại mọc um tùm xung quanh và có một đàn bò đang gặm cỏ ở đó. Cùng lúc đó, có một cơn bão ập đến, với sức gió mạnh mẽ đã kéo ông trở lại phía sân bay. Cơn bão nhanh chóng tan biến và khi ông bay qua sân bay đó lại lần nữa, thì khu vực đó trông rất mới với những máy bay được sơn màu vàng (đây là điều khác thường), một kiểu máy bay cánh đơn thuộc phi đội Không quân Hoàng gia, đồng thời những nhân viên sân bay ở đó toàn bộ đều mặc trang phục màu xanh lam (đây cũng là một điều bất thường, vì các nhân viên thường mặc trang phục màu nâu).




Tất cả những điều này vẫn là một bí ẩn cho tới bốn năm sau đó, khi Lực lượng Không quân bắt đầu sơn máy bay màu vàng, nhập về các kiểu máy bay ông Goddard từng nhìn thấy, và các thợ cơ khí bắt đầu chuyển sang mặc trang phục màu xanh lam.

Phải chăng ông Goddard đã bằng cách nào đó bay đến tương lai 4 năm, rồi nhanh chóng quay trở lại thời đại của mình?

(Ảnh: Message to Eagle)




Một con đường dẫn đến quá khứ?

Một trường hợp du hành vượt thời gian đáng kinh ngạc khác đã được miêu tả trong bài viết “Time Traveler” của tác giả Ken Meaux trên tạp chí Strange Magazine tập 2, số ra mùa xuân năm 1988. Bài viết miêu tả một người đàn ông tự gọi bản thân là L.C. (chữ cái đầu của tên thật) đã trải nghiệm một trong những sự kiện đáng kinh ngạc nhất trong cuộc đời mình, một sự kiện ông không bao giờ có thể quên.
Tác giả Meaux viết: “L.C. và một đối tác làm ăn, Charlie (tên giả) vừa mới dùng xong bữa trưa tại thị trấn nhỏ Abbeville ở phía Tây Nam bang Louisiana, Mỹ. Vừa đi vừa thảo luận công việc, họ lái xe về phía bắc dọc theo quốc lộ 167 hướng về phía thành phố Lafayette cách đó 15 dặm (24 km).

Đó là ngày 20/10/1969, và thời gian lúc đó là vào khoảng 1:30 trưa. Hôm đó là một ngày tuyệt đẹp vào mùa thu, bầu trời trong xanh và nhiệt độ khoảng 15 độ C.




Con đường ít xe cộ, khá thông thoáng cho tới khi họ nhìn thấy ở phía trước cái có vẻ như là một chiếc ô tô “rùa bò” cũ kỹ đang di chuyển rất chậm chạp. Họ tiến gần đến cái “di vật cổ đại” này. Tuy chiếc xe có mẫu mã rất cũ của hàng chục năm trước, nhưng lại trông rất mới. Điều này đã khiến L.C. và Charlie kinh ngạc.

Vì chiếc xe di chuyển quá chậm, 2 ông đã quyết định vượt qua nó. Khi họ làm vậy, ông L.C. nhìn thấy chiếc xe kỳ lạ có biển số xe rất lớn màu vàng ghi năm “1940” rõ ràng.


Một biển số xe đăng ký năm 1940 ở Louisiana, Mỹ. (Ảnh: Message to Eagle)

Điều này quá dị thường, thậm chí bất hợp pháp!
Khi họ di chuyển chầm chậm về phía bên trái chiếc xe kỳ lạ, ông L.C. phát hiện ra người lái chiếc xe nọ là một phụ nữ trẻ đang mặc kiểu trang phục cổ của những năm 1940. Đây đang là năm 1969, nên việc bắt gặp một phụ nữ trẻ đội một cái mũ có chiếc lông dài sặc sỡ và một cái áo khoác lông thật không bình thường. Một đứa trẻ ngồi trên chiếc ghế bên cạnh người phụ nữ đó, có lẽ là một bé gái. Đứa bé choàng một chiếc áo khoác dày và một cái mũ. Điều này thật khó hiểu, vì nhiệt độ bên ngoài chỉ hơi lạnh và một chiếc áo len nhẹ là đủ ấm nhưng trang phục của người phụ nữ và đứa bé lại là trang phục cho mùa đông lạnh giá. Khi 2 người đàn ông tấp lại gần chiếc xe, họ nhận ra người phụ nữ đang sợ hãi và hoang mang. Họ có thể nhìn thấy người phụ nữ đang hốt hoảng nhìn tới nhìn lui như thể đang bị lạc hay cần được trợ giúp. Cô trông như sắp sửa phát khóc.




Ngồi phía bên ghế hành khách, ông L.C. gọi cô và hỏi xem cô có cần giúp đỡ hay không. Cô gật đầu biểu thị “có”, cùng lúc nhìn xuống xe của 2 ông (xe những năm 40 có ghế ngồi cao hơn một chút so với xe năm 1969) với vẻ mặt rất bối rối. Ông L.C. ra hiệu cho cô tạt xe vào lề đường. Cô gái tấp vào, và 2 ông cũng vượt lên để tấp vào lề đường ở ngay phía trước chiếc xe lạ.

Khi xe của 2 ông đã dừng hẳn lại bên lề đường, họ quay lại để nhìn chiếc xe lạ đằng sau họ. Nhưng thật sửng sốt, không còn thấy chiếc xe kỳ lạ của người phụ nữ đó đâu nữa. Hãy nhớ rằng, đây là trên một con đường cao tốc trống trải không có đường rẽ, và không có nơi nào để giấu một chiếc xe hơi. Chiếc xe kỳ lạ đó đã thực sự biến mất không một dấu vết.

Ông L.C. và Charlie quay lại nhìn con đường cao tốc không bóng người. Họ ngồi trong chiếc xe, thất kinh và thẫn thờ; họ biết rằng dù có tìm kiếm cũng vô ích. Cùng lúc đó, người lái chiếc xe ô tô ở ngay phía sau chiếc xe cổ kỳ lạ cũng đã tấp vào lề đường. Người đó chạy tới chỗ 2 ông L.C. và Charlie và nằng nặc yêu cầu họ giải thích điều gì đã xảy ra với chiếc xe cổ kỳ lạ đó.




Hóa ra, khi ông ta đang lái xe về phía Bắc trên quốc lộ 167 thì bất chợt nhìn thấy, ở phía xa, một chiếc xe mới đang vượt lên trước một chiếc xe rất cổ một cách chậm chạp, chậm đến nỗi chúng trông gần như đang dừng hẳn lại. Ông ta nhìn thấy chiếc xe mới tạt vào lề đường và chiếc xe cũ bắt đầu làm điều tương tự. Trong giây lát, nó che khuất chiếc xe mới rồi đột ngột biến mất tăm. 

3 người đàn ông bàn luận sôi nổi về chuyện kỳ dị vừa mới xảy ra ngay trước mắt họ. Sau đó họ đi bộ quanh khu vực trong vòng một tiếng đồng hồ. Người đàn ông thứ ba cứ một mực đòi báo cáo vụ việc này cho cảnh sát. Ông ta cho rằng đây là một tình huống “mất tích” và họ chính là các nhân chứng. Ông L.C. và Charlie từ chối làm vậy vì họ không biết người phụ nữ và đứa trẻ cùng chiếc xe đã đi đâu.

(Ảnh: Message to Eagle)




Họ đã bị mất tích, nhưng không ai tìm được họ. Người đàn ông thứ ba rốt cục hiểu rằng nếu không có sự hợp tác của ông L.C. và Charlie, ông không thể một mình báo cáo vụ việc này cho cảnh sát vì sẽ không ai tin lời ông nói. Ông ta đã trao đổi địa chỉ và số điện thoại với ông L.C. và Charlie. Trong nhiều năm ông ta vẫn giữ liên lạc với họ, và gọi họ chỉ để nói về vụ việc lúc ấy cũng như để xác nhận lại lần nữa điều ông đã nhìn thấy là thật.

Họ đã nhìn thấy một cuộc không kích trong tương lai

(Ảnh: Message to Eagle)

Tiếp đến là trường hợp du hành thời gian kỳ lạ thứ ba. Trường hợp này đã được đề cập đến trong cuốn sách “The Little Giant Book of Eerie Thrills and Unspeakable Chills” của các tác giả Ron Edwards, C. B. Colby, và John Macklin.




Theo các tác giả, năm 1932, phóng viên báo J.Bernard Hutton và nhiếp ảnh gia Joachim Brandt đã được phân công viết một bài về xưởng đóng tàu ở Hamburg, Đức. Họ đã lái xe đến khu phức hợp rộng lớn, phỏng vấn một số đốc công và công nhân, và hoàn thành một bài viết vào cuối buổi chiều.

Khi họ rời đi, hai người đã nghe thấy tiếng động cơ máy bay, rồi hướng lên trên và nhìn thấy bầu trời tràn ngập các máy bay chiến đấu. Sau đó họ đã nghe thấy tiếng vũ khí phòng không khai hỏa trong thành phố khi các quả bom bắt đầu phát nổ xung quanh.

Vài giây sau, khu vực này biến thành một chảo lửa dữ dội khi các thùng xăng bị bắn trúng. Các nhà kho nhanh chóng sụp đổ dưới trận bom dày đặc và các cây cần cẩu đã bị vặn thành những đống sắt vụn.





Đống đổ nát của thành phố Hamburg sau vụ không kích vào tháng 7/1943. (Ảnh: Message to Eagle)

Ông Hutton và Brandt nhận ra rằng đây không chỉ là một cuộc tập trận.

Họ vội chạy đến chỗ chiếc xe khi các tay súng phòng không bắt đầu bắn hạ thành công đội máy bay thả bom phía trên đầu. Khi chạy đến phía cổng, ông Hutton đã hỏi một bảo vệ liệu họ có thể làm gì để giúp không nhưng đã được bảo rời khỏi khu vực ngay lập tức.  

Khi lái xe đến thành phố Hamburg, ông Hutton và Brandt tỏ ra khá bối rối. Trước đó, bầu trời đã chuyển đen khi vụ tấn công nổ ra, nhưng hiện giờ nó lại trong xanh và thành phố trông rất yên bình. Các con phố tấp nập và các tòa nhà không hề bị hư hại. Dường như không ai có biểu hiện gì kỳ lạ khi đang tiến hành công việc thường ngày của họ.




Ông Hutton và Brandt dừng xe và quay đầu lại nhìn về phía bến tàu. Giờ đây họ lại nhận được một cú sốc khác khi không thể nhìn thấy các cột khói đen ngút trời, các hố bom gập ghềnh, lồi lõm cũng như các tòa nhà bị hư hại. Điều gì đang xảy ra vậy?

Trở lại văn phòng tòa soạn, họ rửa các bức ảnh chụp và lại có một sự ngạc nhiên khác.

Lúc trận không kích xảy ra, ông Brandt vẫn liên tục chụp ảnh, nhưng các bức ảnh chụp của ông không cho thấy điều gì bất thường. Xưởng đóng tàu trông giống như lúc họ mới đến vào sáng hôm đó. Không có bằng chứng cho thấy một trận mưa bom của máy bay địch đã tàn phá khu vực này, như họ chứng kiến lúc trước.


Các biên tập viên đã xem xét các bức ảnh chụp và tự hỏi tại sao hai người này lại khăng khăng cho rằng họ đã dính vào một vụ không kích. Ông bác bỏ câu chuyện của họ, vì cho rằng trên đường trở về văn phòng có lẽ họ đã ghé vào quán rượu làm vài ly.




Ngay trước khi Thế chiến II bắt đầu, ông Bernard Hutton đã chuyển đến sống ở London, Anh. Năm 1943, ông nhìn thấy một bài viết trên báo miêu tả một trận không kích thành công của phi đội Không quân Hoàng gia Anh tại xưởng đóng tàu Hamburg. Ông cảm thấy lạnh xương sống khi xem xét các bức ảnh chụp. Cảnh tượng cuộc tàn phá trông giống hệt như trong chuyến ghé thăm của ông với ông Brandt vào mùa xuân năm 1932.

Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất – ông Hutton và Brandt đã chứng kiến sự kiện này 11 năm trước khi nó xảy ra.
Nguồn: DKN – Theo messagetoeagle

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *