Bí ẩn “vượt thời gian” nổi tiếng thế giới: Vụ án người đàn ông bị xe taxi tông trên Quảng trường Thời đại

Câu chuyện về sự mất tích vô lý và sự tái xuất hiện không thể giải thích được 74 năm sau của người đàn ông tên Rudolph Fentz đã được lưu truyền dưới nhiều hình thức kể từ những năm 1970 như một trong nhiều câu chuyện chứng minh cho chuyện “du hành vượt thời gian” là thật.
Năm 1876, một người đàn ông 31 tuổi tên là Rudolph Fentz đã đi dạo đêm ở New York đông đúc, tấp nập. Thế nhưng Rudolph đã không bao giờ trở về khiến gia đình ông lo lắng có chuyện chẳng lành. Những câu hỏi như: “Rudolph đã chết hay còn sống? Nếu ông sống thì đang lang bạt nơi nào?” không có câu trả lời. Những gì xảy ra với Rudolph vẫn là một bí ẩn thực sự cho đến năm 1950, một chuyện kỳ lạ xảy ra khiến các nhà điều tra, cảnh sát và các ngay cả các nhà khoa học cũng lắc đầu. 

Hình ảnh người đàn ông được cho là Rudolph Fentz.

Sự việc xảy ra vào một buổi tối giữa tháng 6/1950. Một sĩ quan cảnh sát thành phố New York (Mỹ), chuyên điều tra các vụ án liên quan đến những người mất tích, đã kiểm tra thi thể của một người đàn ông khoảng 30 tuổi được đưa vào nhà xác. Người đàn ông này đã xuất hiện ở giữa Quảng trường Thời đại vào khoảng 23 giờ 15 phút tối hôm đó. Những người xung quanh để ý thấy người đàn ông mặc bộ trang phục lạ lẫm, được cho là từ thời Victoria (cuối thế kỷ 19), khuôn mặt người này có vẻ bối rối. Ông ta cứ nhìn chằm chằm vào những chiếc xe ô tô đang tấp nập qua lại như thể chưa bao giờ được nhìn thấy chúng.

Sau đó, người đàn ông này bị một chiếc taxi đâm tử vong tại chỗ trong lúc ông cố gắng băng qua một con đường bất chấp tín hiệu từ đèn giao thông.

Nhiều người vẫn tin vào câu chuyện về người đàn ông “du hành vượt thời gian”.




Khi kiểm tra các túi trên bộ đồ của người đàn ông, cảnh sát phát hiện nhiều vật lạ không rõ nguồn gốc. Trong đó có những đồng tiền từ thời trước (tổng cộng khoảng 70 đô la), từ lâu đã không còn lưu hành trên thị trường; một tấm danh thiếp mang tên Rudolph Fentz có địa chỉ tại đại lộ số 5 (Fifth Avenue); một lá thư từ Philadelphia gửi tới địa chỉ này có đề ngày tháng từ 6/1876; một tấm thẻ đồng mang tên một quán rượu không còn tồn tại ở New York, bởi không ai biết về cái tên này, ngay cả những người lớn tuổi trong thành phố.

Các cuộc điều tra của cảnh sát trong thời gian sau đó khiến người ta càng ngạc nhiên hơn. Địa chỉ Đại lộ số 5 được viết trên bức thư tìm thấy trong túi của người đàn ông chết là một doanh nghiệp chứ không phải là nơi cư trú. Danh bạ điện thoại của thành phố New York khi đó không có tên Rudolph Fentz. Dấu vân tay của người chết không khớp với dữ liệu trong kho lưu trữ của nhà chức trách; và không có báo cáo hoặc thông báo người mất tích ở thời điểm đó phù hợp với các chi tiết của cơ thể người đàn ông.

Hơn nữa, quần áo của người chết dường như đã lỗi thời khoảng 75 năm, trang phục của ông ta có nhãn mác và tên của một thợ may mà không ai từng nghe nói đến, và chiếc mũ của anh ta có một nhãn mác là tên cửa hàng đã ngừng kinh doanh nhiều năm trước đó.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành, sau đó người ta tìm được cô con dâu của Rudolph Fentz sống tại Florida. Qua thư, bà đã cung cấp thông tin rằng cha của chồng mình, ông Rudolph Fentz, đã biến mất bí ẩn vào khoảng những năm 1870, sau khi ông ra ngoài đi dạo khoảng 22h tối và không bao giờ quay trở về. 

Cảnh sát tìm kiếm hồ sơ của những người mất tích năm 1876 và kinh ngạc khi phát hiện một người có quần áo và địa chỉ tương ứng với những người đàn ông bị tai nạn ở Quảng trường Thời đại năm 1950.




Câu chuyện về sự mất tích vô lý và sự tái xuất hiện không thể giải thích được 74 năm sau của người đàn ông tên Rudolph Fentz đã được lưu truyền dưới nhiều hình thức kể từ những năm 1970 như một trong nhiều câu chuyện chứng minh cho chuyện “du hành vượt thời gian” là thật.

Trong nhiều thập kỷ qua, câu chuyện này đã được lưu truyền và được chấp nhận như một câu chuyện có thật và một bí ẩn chưa được giải thích.

Tuy nhiên, sự thật phía sau câu chuyện này lại khiến nhiều người sửng sốt. Hóa ra, tất cả chỉ là “một cú lừa ngoạn mục”. Năm 2005, nhà khoa học tên Chris Aubeck đã quyết định điều tra rõ ngọn nguồn câu chuyện. Và sau đó, ông tìm thấy một vụ việc được phát hành trong số ra tháng 5 và tháng 6 năm 1972 của Tạp chí Nghiên cứu Borderland, chuyên điều tra các hiện tượng huyền bí và UFO (Vật thể bay không xác định).


Một đoạn truyện ngắn có tựa đề “I’m Scared” (Tạm dịch: Tôi sợ).

Đó là một câu chuyện hư cấu có tựa đề “I’m Scared” (Tạm dịch: Tôi sợ) được viết bởi nhà văn khoa học viễn tưởng Jack Finney. Truyện ngắn “Tôi sợ”, ban đầu được xuất bản bởi tạp chí Collier của Mỹ vào tháng 9 năm 1951, là một câu chuyện của một người ẩn danh. Người này kể chi tiết về cuộc gặp gỡ của anh ta với những người có am hiểu về “du hành vượt thời gian” ở New York và một trong những người được phỏng vấn là Đại úy Hubert V. Rihm. Chính vị Đại uý này đã kể với anh ta về trường hợp của Rudolph Fentz.

Từ đây, ông Aubeck có thể kết luận nếu là một câu chuyện xuất phát từ một tác phẩm văn học thì không ai có thể đảm bảo nó là chuyện có thật.

Nguồn: Ictvietnam,Snopes, NVI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *