IQ (Intelligence quotient) là chỉ số thường dùng để chỉ mức độ thông minh của một người. Trong khi IQ của người bình thường dao động từ 85 -115, thì những thiên tài như Albert Einstein, Issac Newton, Stephen Hawking… từ 160 – 190.
Chỉ số IQ của William James Sidis (giữa) so với Albert Einstein (trái) Isaac Newton (phải).
Tuy nhiên, có một người với chỉ số thông minh ước tính từ 250 – 300, được xem là cao nhất thế giới, nhưng đáng buồn là cuộc đời của ông đầy bất hạnh.
8 tuổi đã thành thạo 8 ngôn ngữ
William James Sidisra đời năm 1898 ở thành phố New Yorktrong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái. Cha của ông, Boris, là một nhà tâm lý học mẫu mực, có 4 bằng tốt nghiệptừ những trường đại học (ĐH) danh giá.
Mẹ của ông là bác sĩ y khoa. Do cha mẹ là những trí thức có tài năng nên William được kỳ vọng sẽ xuất sắc trong học tập, có một tương lai xán lạn. Tuy nhiên, ông đã chứng tỏ trí thông minh của mình còn vượt xa sự mong đợi của cha mẹ.
Khi chỉ mới 18 tháng tuổi, ông đã có thể đọc được một số chữ trên tờ The New York Times. Ông được dạy học ở nhà, chưa từng đến trường mẫu giáo hay tiểu học. Lên 8 tuổi, William tự học và thành thạo tiếng Anh, Latin, Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Hebrew, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài những tiếng trên, ông còn phát minh ngôn ngữ riêng, gọi là “Vendergood”. Cũng ở tuổi này, ôngtheo học một chương trình giảng dạy của bậc trung học phổ thông.
Người trẻ nhất được nhận vào Harvard
Khi còn nhỏ, William James Sidis được coi là thần đồng.
Nhận rõ về trí thông minh của con mình, cha của William tìm cách ghi danh cho ông thi vào Trường ĐH Harvard danh giá. Nhưng hồ sơ của ông bị từ chối vì lúc ấy ông chỉ mới 9 tuổi, bị coi là chưa lớn về mặt cảm xúc.
Hai năm sau (1909), trường mới chấp nhận ông và William trở thành người trẻ nhất (11 tuổi) được ĐH Harvard nhận vào học.
Năm 1910, kiến thức về toán học đã đạt đến đỉnh cao, ông tham gia giảng dạy ở Câu lạc bộ Toán học Harvard về không gian bốn chiều.
Sau bài giảng của ông, GS. Daniel Comstock của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) nói với các phóng viên: William Sidis một ngày nào đó sẽ trở thành nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ.
Cũng trong năm 1910, James trải qua đợt kiểm tra trí thông minh và IQ của ông đạt vào khoảng 250 – 300, một con số ngoài mức tưởng tượng và cao nhất thế giới lúc bấy giờ.
Với tài năng nở rộ của chàng trai này, truyền thông và rất nhiều nhà khoa học đều tiên đoán William sẽ trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất lịch sử. William xuất hiện trên nhiều tờ báo hàng đầu của Mỹ, với những biệt danh như “thần đồng”, “siêu việt”.
Ông hoàn thành chương trình đại học, nhận bằng cử nhân loại giỏi ở tuổi 16, sau đó, tiếp tục học cao học Nghệ thuật và Khoa học ở Harvard.
Thích sống ẩn dật
Danh tiếng có thể gây mệt mỏi, đặc biệt nếu bạn có được khi còn quá trẻ. William cũng không ngoại lệ. Một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, William nói với các phóng viên, ông ao ước được sống cuộc sống “trọn vẹn”, mà theo ông là một sự tách biệt, khép kín, tránh xa những kỳ vọng về thần đồng.
Ông cũng cho biết sẽ không kết hôn, bởi vì phụ nữ không có sức quyến rũ đối với ông.
Ngoài sự nổi tiếng không mong muốn, ý muốn ẩn dật của ông cũng phản ánh áp lực mà ông đối mặt kể từ khi mới ra đời. Trong suốt thời kỳ ấy, người Mỹ tin vào việc biến những đứa trẻ thành thần đồng với sự giáo dục đúng đắn.
Là một nhà tâm lý học tài năng, bố của William quyết tâm làm cho con trai mình rực sáng như một ngôi sao trên bầu trời khoa học.
Để đạt được điều này, ông áp dụng những phương pháp tâm lý của chính ông để nuôi dạy và hun đúc con trai mình. Mặc dù, William rất yêu thích việc học ngay khi còn nhỏ, nhưng quan điểm của ông đã thay đổi khi lớn lên và ông bị cha khiển trách vì điều đó.
Mâu thuẫn giữa hai người ngày càng lớn, khi ông Boris qua đời vào năm 1923, William không về dự lễ tang cha mình.
Bị gia đình quản thúc
William là một người có khuynh hướng chủ nghĩa xã hội và phản đối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông bị bắt vào năm 1919 vì tham gia một cuộc biểu tình chuyển thành bạo động ở Boston và bị kết án 18 tháng tù.
Tuy nhiên, không lâu sau, cha mẹ của ông đã tìm cách đưa con mình ra khỏi nhà giam và quản thúc trong nhà an dưỡng của họ. Việc này khiến William cảm thấy bị ức chế.
Hai năm sau đó, ông tìm cách thoát khỏi gia đình, bắt đầu cuộc sống tách biệt hoàn toàn với người thân. Ông nhận những công việc bình thường như sửa máy móc, kế toán, để không thu hút sự chú ý của mọi người.
Ông đổi tên, đi hết thành phố này tới thị trấn khác làm việc trong thời gian ngắn rồi lại rời đi vì sợ bố mẹ tìm thấy, công chúng phát hiện và giới truyền thông bình phẩm.
Kết cục buồn
Năm 1924, các phóng viên phát hiện ông làm công việc với mức lương 23 USD/tuần ở một công ty nhỏ. Chuyện này một lần nữa được đưa lên trang đầu của các báo, kèm theo sự nhạo báng về trí thông minh của William và nói ông không còn khả năng làm được những gì như đã từng làm hồi nhỏ.
Họ cho rằng, chẳng ai ngờ một người có trí tuệ siêu việt, từng được xem như thần đồng lại có thể sống cuộc đời tầm thường đến vậy.
Tuy nhiên, điều này không đúng sự thật, vì trong suốt cuộc đời của mình, William đã viết nhiều quyển sách có giá trị, sử dụng nhiều bút danh khác nhau. Trong đó, một cuốn sách mà ông viết vào năm 1925 – The Animate and the Inanimate – đã được bán ở London (Anh) cho một nhà sưu tập ẩn danh với giá 5.000 bảng Anh.
Cuộc đời của ông kết thúc với cái chết trong cô độc như một người tầm thường, do xuất huyết não vào năm 1944 ở tuổi 46. Khi đó ông đang ở một căn nhà thuê và trong ví của “thần đồng” chỉ còn vài đồng xu lẻ với bức ảnh của nhà hoạt động xã hội Martha Foley (người phụ nữ mà ông gặp trong khi bị giam ở Boston).
Theo Brightside