Khi nghe đến việc chết cũng là phạm pháp thì chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy khó tin, nhưng điều luật này thực sự đã được chính phủ Na Uy thông qua. Vậy có điều gì kỳ lạ đang diễn ra tại nơi đây? Bí ẩn đằng sau điều luật này là gì?
Vùng đất Longyearbyen tại Na Uy có một điều luật kỳ lạ: “cấm chết”! (Ảnh: Vintage News)
Luật “cấm chết” kỳ lạ tại thị trấn Longyearbyen
Tại đất nước Na Uy rất gần với Bắc Cực có một thị trấn nhỏ mang tên Longyearbyen, là nơi sinh sống của 2.000 người dân với đầy đủ các nhà hàng thịt nướng thơm ngon, cùng bầu trời lãng mạn lấp lánh ánh sao khi về đêm. Nhưng kỳ lạ là nó lại nổi tiếng trên khắp thế giới với bộ luật “cấm chết” và “cấm chôn cất” thi thể người sau khi chết.
Theo đó, nếu như việc để một người chết ở thị trấn và tiến hành chôn cất tại đây, hành động này sẽ được xem là phạm luật và có thể sẽ bị xử phạt theo luật định.
Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến những câu chuyện tương tự, điển hình như ở Hy Lạp cổ đại, Peisistratus con trai của Hippocrates đã lệnh cho mọi người khai quật tất cả các thi thể đang được chốn cất tại đảo Delos để làm sạch vùng đất này. Bởi đây là hòn đảo thiêng nên không thể bị ô uế bằng xác người phân hủy.
Hay câu chuyện về hòn đảo Itsukushima, vùng đất linh thiêng của người Nhật Bản, nhưng cũng là khu vực nghiêm cấm việc chôn cất người chết nhằm giữ cho đất thánh được sạch sẽ.
Liệu rằng Longyearbyen cũng vì nguyên nhân này mà nghiêm cấm mọi người được chết, hay còn lý do gì khác đằng sau điều luật kỳ lạ này?
Lời giải mã dành cho vùng đất “cấm chết” – Longyearbyen
Giới chức địa phương cho biết, lý do chính phủ không cho phép người dân tiến hành chôn cất và đóng cửa các nghĩa trang tại đây chính là vì nhiệt độ ở Longyearbyen quá lạnh. Nó đã khiến cho những thi thể chôn dưới lòng đất không thể nào phân hủy được. Điều này sẽ rất dễ dẫn đến sự phát tán của dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của con người.
Trong quá khứ, vào năm 1918 tại đây đã từng có rất nhiều người tử vong vì virus cúm, nhưng sau thời gian dài chôn cất dưới lòng đất mà mọi thứ trên cơ thể họ vẫn nguyên vẹn.
Và theo nhiều nghiên cứu, khi mặt đất bị đóng băng vĩnh viễn, nó không chỉ làm cho thi thể người chết không tan rã, mà còn khiến cho các mầm bệnh bên trong đó vẫn sống sót một cách thần kỳ. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tái phát dịch bệnh là rất cao.
Longyearbyen có khí hậu lạnh giá khiến các thi thể chôn dưới đất không thể phân hủy.
Do lo sợ dịch bệnh sẽ lan rộng khắp thị trấn Longyearbyen, chính quyền đã buộc phải ban hành bộ luật này. Điều đó có nghĩa là ngay cả những người sống trọn cuộc đời trên hòn đảo này cũng không được yên nghỉ ở đây.
Mặt khác, những người đang mắc bệnh ở giai đoạn cuối sẽ được đưa ra khỏi đảo và bay hàng trăm dặm về phía đất liền, thủ đô Oslo. Đây cũng chính là nơi họ sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Kỹ sư cao cấp Jan Christaian Meyer, đồng thời cũng là phụ tá giáo sư tại Đại Học Khoa Học và Công Nghệ Na uy ở Trondheim cho biết, “nếu bạn đang bị bệnh nặng và không thể qua khỏi, chính phủ và người dân tại đây sẽ nổ lực hết sức đưa bạn đến đất liền, thay vì để bạn chết tại đây”.
Như vậy, bí ẩn đằng sau điều luật “cấm chết” tại thị trấn Longyearbyen hoàn toàn xuất phát từ mong muốn mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa tốt đẹp này, đến nay bộ luật này vẫn còn tồn tại và không một người dân nào sinh sống tại thị trấn đưa ra lời than phiền về nó.
Điều này cũng tương tự như việc ban hành lệnh “cấm chết” ở một số nơi khác trên thế giới. Điển hình là tại một thị trấn sườn đồi nhỏ ở Calabria, Italy. Thị trưởng Davide Zicchinella đã ban hành lệnh “cấm ốm và chết” từ năm 2015, nhằm giúp mọi người nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Ở một thị trấn nhỏ tại Pháp bộ luật này cũng đã được ban hành, sau khi yêu cầu được hỗ trợ thêm các nghĩa trang của người dân không được thông qua. Tình trạng quá tải đã bắt buộc chính quyền phải đưa ra luật “cấm chết”.
Nguồn: Tinhhoa/Uniwriter