Chết không như đèn tắt, oan hồn hiện về kêu oan đòi nợ

Không ít người cho rằng: “Chết là hết”, và “người chết như ngọn đèn đã tắt”. Nhưng trong các thư tịch cổ, từ chính sử, huyền sử, cho đến các cố sự lưu truyền trong dân gian, đều có ghi chép về chuyện người chết kêu oan đòi mạng. 

Đến trước mặt các quan gia, nữ vu lại ngã lăn ra đất rồi đột ngột mở miệng kêu oan hệt như ngày hôm trước. (Ảnh John Thomson 1872)

Phật gia giảng lục đạo luân hồi, con người sau trăm tuổi lâm chung chỉ giống như cởi bỏ bộ y phục, nguyên thần thoát ra khỏi thân thể xác thịt và tiến nhập vào thời không khác. Thông thường nguyên thần sẽ được đưa đến Địa phủ, đợi chờ an bài cho kiếp sống kế tiếp. Nhưng những người tử vong bất thường lại không may mắn như vậy, họ phải đợi đến khi sinh mệnh theo an bài lúc ban đầu kết thúc thì mới có thể được an bài lần mới. Những linh hồn như vậy sẽ phải lang thang trong không gian khác, có người thành cô hồn dã quỷ, bơ vơ không nơi nương tựa, lại có người tìm đến kẻ đã sát hại mình để báo thù. 

Trong bộ sách “Tử Bất Ngữ” quyển 1, vị học giả thời nhà Thanh tên là Viên Mai đã ghi chép câu chuyện báo thù của một oan hồn như vậy. Câu chuyện ấy cũng đồng thời là trải nghiệm cá nhân của một vị quan Biên tu trong Hàn Lâm Viện tên là Hùng Địch Trai. 

Vào những năm Khang Hy (1662-1722), Hùng Địch Trai du ngoạn đến kinh thành. Một ngày, Hùng Địch Trai cùng với Tham chính Trần Nghị và Phó đô Ngự sử Kế Mỗ ngồi uống rượu tại chùa Báo Quốc. Lúc ấy cả ba người đều là những thanh niên có chí, địa vị tôn quý, hơn nữa đều thích chốn đông vui náo nhiệt. Họ cho rằng yến tiệc mà không có ca kỹ tiếp rượu thì không thể tận hưởng trọn cuộc vui, vậy nên họ liền phái người đi mời một nữ vu đến hát Ương ca (một loại hình vũ đạo dân gian) để tăng thêm tửu hứng. Sau khi hát xong khúc đầu tiên, nữ vu bỗng thấy bụng dưới trướng lên, trong người nôn nao khó chịu. Cô bèn rời khỏi bàn tiệc đến dưới bức tường bỏ hoang của ngôi chùa.

(Ảnh: Một phần trong tranh vẽ của Từ Dương, thời nhà Thanh)




Một lúc sau nữ vu quay lại, hai mắt cô trợn lên trừng trừng, đến trước mặt ba người thì quỳ xuống rồi kêu lớn: “Tôi là Vương Nhị, người Sơn Tây, vào ngày ấy tháng ấy năm ấy, chủ quán Triệu Tam vì mưu đồ cướp đoạn tiền tài mà đã giết tôi rồi chôn xác dưới chân tường chùa Báo Quốc. Cầu xin ba vị trưởng quan hãy minh oan cho tôi”. 

Ba người sững sờ một lúc rồi kinh hãi nhìn nhau, không ai dám nói lời nào. Cuối cùng, Hùng Địch Trai lên tiếng: “Đây là sự việc do quan Ty phường phụ trách, không phải là điều chúng tôi có thể quản được”. 

Nữ vu nói: “Vị quan Ty phường đang nhậm chức hiện nay là Du Công, tôi biết ngài ấy có giao tình với Hùng lão gia đây. Xin Hùng lão gia hãy chuyển lời của tôi, thỉnh cầu Du Công đào tử thi lên khám nghiệm, chỉ cần như vậy là tôi đã vô cùng mãn nguyện rồi”.

Hùng Địch Trai hỏi: “Đây là vụ án nghiêm trọng, nếu chỉ nói suông mà không có chứng cứ thì sao có thể được?”. 

Nữ vu đáp: “Theo lý thì tôi phải đích thân đến báo quan tường thuật lại nỗi oan của mình. Chỉ có điều thân thể tôi đã thối rữa, phải mượn miệng người sống để nói ra. Vậy xin các vị lão gia hãy thay tôi định liệu, tôi vô cùng biết ơn”. 

Nói xong nữ vu liền ngã lăn ra đất, đến khi tỉnh dậy cô ngơ ngác nhìn xung quanh, mơ hồ không biết đã xảy ra chuyện gì. Ba người cùng ngồi lại bàn bạc và thảo luận một hồi lâu, họ nói: Làm sao chúng ta có thể thay oan hồn khiếu nại đây? Dẫu có kêu oan cũng chẳng ai tin. Hay là ngày mai chúng ta hãy mời ngài Du Công đến đây uống rượu, tới lúc ấy lại gọi nữ vu ra đối chất, như thế chẳng phải sẽ làm rõ được chân tướng hay sao?

Hôm sau, ba người mời vị quan Ty phường đến chùa Báo Quốc để uống rượu. Sau khi báo cáo duyên cớ, họ lại gọi nữ vu đến. Nhưng lúc này nữ vu quá sợ hãi, cô một mực từ chối không dám đến, mãi tới khi quan Ty phường sai quân đi bắt thì nữ vu mới chịu bước ra. Đến trước mặt các quan gia, nữ vu lại ngã lăn ra đất rồi đột ngột mở miệng kêu oan hệt như ngày hôm trước. Quan Ty phường liền báo cáo vụ án lên Ngự sử Tuần thành, sau đó đến đào dưới bức tường bỏ hoang của tự viện. Quả nhiên dưới bức tường có một bộ xương trắng, trên cổ vẫn còn hằn rõ vết thương.

Quan Ty phường sai người dò hỏi cư dân trong vùng, họ kể lại: “Trước kia có một quán trọ nằm ngay sát vách tường của ngôi chùa này, chủ quán trọ là người phủ Tế Nam, Sơn Đông, tên là Triệu Tam. Năm ấy không rõ lý do gì mà Triệu Tam lại đóng cửa bỏ quán trọ rồi về quê nhà ở Sơn Đông”. 


Sau đó, quan Ty phường liền phát công văn đến phủ Tế Nam, điều tra ra quả nhiên có người tên là Triệu Tam. Đúng vào ngày công văn đến nơi, Triệu Tam bỗng hét lên một tiếng rồi tắt thở mà chết.

Người ta vẫn nói: “Oan có đầu, nợ có chủ”. Nợ đã mắc thì phải hoàn trả, thiện ác đều có báo ứng. Trong lịch sử, chẳng phải đã từng có những món nợ ngàn năm cuối cùng vẫn phải trả đó sao?

Nguồn: SH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *