“3 hồn 7 vía” dân gian truyền miệng rốt cuộc gồm những loại nào, vì sao người ta phải gọi hồn?

Dân gian xưa thường quan niệm con người có 3 hồn 7 phách (bảy vía). Cổ nhân thường nói nếu con người mất đi hồn phách thì người ta chỉ là một cái xác không hồn. Vậy 3 hồn 7 vía rốt cuộc là gì?

Ba hồn là gì?

Người xưa quan niệm, con người gồm có phần thể xác và linh hồn. Người ta sở dĩ nói năng, đi lại, sinh hoạt được là nhờ linh hồn trú ngụ ở thể xác (nếu không thể xác đó có thể chỉ là một tảng thịt không hồn phách). Khi chết đi, linh hồn rời bỏ thân xác thịt. Thể xác nát vữa, còn linh hồn thì bất tử. Nguyễn Du trong Truyện Kiều viết:

“Kiều rằng: Những đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh”

Thể phách chính là thân xác thịt, tinh anh chính là linh hồn. Thực ra, quan niệm “3 hồn 7 vía” có nguồn gốc từ Đạo giáo. Họ cho rằng con người sống được là nhờ “tam hồn thất phách” này điều chỉnh mọi hoạt động và tư duy.

Vụ Thành Tử trong “Thái Vi Linh Thư” viết : “Người ta có ba hồn lần lượt là Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh“. Ba hồn này chính là 3 bộ phận tổ hợp thành thần khí của con người. Người ta mất đi một hồn hoặc hai hồn thì vẫn còn có thể sống sót. Nhưng nếu đã mất đi ba hồn thì sẽ trở thành một cái xác không hồn, sống đời thực vật.




Người ta có ba hồn lần lượt là Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh là 3 bộ phận tổ hợp thành thần khí của con người. Ảnh minh họa theatlantic.com
Làm sao phân biệt một người đã chết hay chưa?

Trước đây, căn cứ để đánh giá một người còn sống hay đã chết là kiểm tra xem tim còn đập hay không hoặc còn thở hay không. Tuy nhiên sau đó có rất nhiều trường hợp lạ kỳ xảy ra, tim không đập, cũng không còn hơi thở nhưng sau đó vẫn có thể sống lại mạnh khỏe. Vậy nên, sau này người ta cho rằng chỉ khi não bộ con người bị chết thì người ấy mới được xem là đã tử vong.

Thế nhưng có rất nhiều bệnh nhân đã bị chết não, trở thành người thực vật lại được các bác sĩ Trung y cứu sống. Bởi vậy con người hiện đại quả thực không biết làm cách nào để phán đoán một người còn sống hay đã chết. Có khi dù thân xác vẫn sống, vẫn có thể cử động, vẫn có thể ăn uống nhưng thực sự người ta đã chết rồi.

Thai Quang là một trong ba hồn quan trọng nhất của con người. Nếu một sinh mệnh không còn Thai Quang thì người đó quả thật đã chết. Có câu chuyện kể rằng, một thầy thuốc Trung y khám bệnh cho vị giám đốc nọ. Sau khi bắt mạch và thăm khám liền nói: “Ông hãy về nhà chuẩn bị hậu sự đi thôi“. Vị giám đốc nọ nghe thấy hầm hầm tức giận nói: “Ông bị điên à. Nếu y thuật của ông cao siêu đến vậy hãy nói thử xem tôi chết vào ngày nào?“. Sau khi thầy thuốc phán ngày tháng cụ thể, vị giám đốc liền nói: “Tới ngày đó tôi sẽ làm mấy bàn tiệc tại tiệm cơm Vương Phủ Tỉnh mời ông ăn“.

Hai cô con dâu của vị thầy thuốc cũng tốt nghiệp trường Trung y thấy cha nói vậy thì ngại ngần vội vàng giải thích: “Cha tôi già rồi nên phán đoán lẩm cẩm, ông đừng để ý lời ông ấy làm gì”. Cho tới khi vị giám đốc nọ đứng dậy trả tiền đi về, thầy thuốc Trung y vẫn khẳng định: “Tôi không lấy tiền của người sắp chết”. Và quả nhiên, vị giám đốc thực sự đã không sống qua khỏi ngày mà thầy thuốc đoán trước. Các thầy thuốc Trung y cổ đại thường có kiến thức uyên thâm về cả nhân tướng học. Họ chỉ cần xem phần “Thần”, chính là Thai Quang, của người ta có còn hay không là biết được sinh tử.




Liệu có phải để đánh giá một người còn sống hay đã chết là người ta kiểm tra xem tim còn đập hay không. Ảnh puhuaclinic.com
Hồn thứ hai gọi là Sảng linh. Trên thế giới có rất nhiều người sở hữu khả năng tính nhẩm siêu hạng. Lại có những những người có thể nói chính xác thứ của một ngày bất kỳ mà bạn yêu cầu. Điều này không dùng logic tính ra được, đó là một bản năng thiên phú. Sảng linh quyết định trí lực, trí tuệ cũng như phản ứng nhanh chậm của con người. Sảng linh chính là một bộ phận của hồn người. Vì thế Khổng Tử nói: “Sinh ra đã biết là đệ nhất, học rồi mới biết chỉ là đệ nhị”. Nhiều người bị thiểu năng trí tuệ, chính là Sảng linh đã bị mất.




Hồn thứ ba gọi là U tinh. Nó quyết định tính cách của một người, cũng quyết định việc trong tương lai họ sẽ yêu thương ai. Người ta thường nói “bị ai đó lấy mất hồn”, “tinh thần chán nản”, “hồn xiêu phách tán”… Hồn mà họ ám chỉ ở đây chính là U tinh. Rất nhiều người sau khi thất tình đau khổ tột cùng, nhìn ai cũng không thấy thuận mắt, không muốn gắn bó nữa. Đó là bởi vì U tinh tiêu mất rồi, chính là đã hao tổn, kiệt quệ tinh thần.

Vậy khi người ta đi ngủ, những hồn này sẽ ở vào trạng thái nào? Thai quang vốn dĩ chiếu sáng toàn thân nhưng lúc này ánh sáng bắt đầu giảm tối đi, người ta sẽ tiến vào giấc ngủ. Nhưng “phách” của họ vẫn hoạt động. Người xưa nói, gan tàng hồn, phổi tàng phách. Khi người ta chết, phách sẽ rời khỏi thân thể. Vậy phách từ đâu rời khỏi thân thể? Trung y cho rằng thân thể có một cánh cửa, gọi là phách môn, nó là cửa mà phách sẽ rời khỏi thân thể người. Phách môn cũng chính là hậu môn. Bởi thế thời xưa khi cấp cứu người sắp chết thì việc đầu tiên là phải bịt hậu môn lại.

Thất phách là gì?

Đạo giáo quan niệm, thất phách (7 vía) của người ta bao gồm: Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế và Xú Phế. Người Việt thì có cho rằng: Nam có 7 vía, nữ có 9 vía. Điều này có thể xuất phát từ quan niệm thân thể người nam có “thất khiếu” (7 lỗ) còn người nữ thì có “cửu khiếu” (9 lỗ). Thất phách này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết cơ thể con người. Mỗi phách lại đảm đương một nhiệm vụ khác nhau như: hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, nhịp tim…

Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế và Xú Phế là 7 phách của con người. Ảnh thegioivohinh.com
Sách “Xuân vũ dật thưởng” chép rằng, khi mới sinh ra, người ta sống được 7 ngày gọi là Lạp (còn gọi là Cữ), lúc ấy mới có 1 vía. Sau 49 ngày thì đứa trẻ mới có đủ 7 vía thành người. Tiếp đó, sau 100 ngày thì đứa trẻ tròn 1 tuổi (nghĩa là cộng cả 9 tháng thai nhi trong bụng mẹ). Bé trai đủ 7 ngày, gái 9 ngày gọi là đầy Cữ.

Còn trong “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn cũng viết: “Tục nước ta sinh con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng Thuần Dưỡng Bà. Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày thì làm lễ cáo gia tiên, yến tiệc linh đình”.




Sau khi người ta chết, cứ 7 ngày là 1 kỳ tang, mất đi 1 vía. Sau bảy lần cúng kỳ tang thì cúng tuần Chung thất, tức là hết vía (49 ngày). Sau 100 ngày là cúng Tốt khốc (thôi khóc). Theo quan niệm dân gian, sau 100 ngày, hồn vía người ta đã hoàn toàn thoát ly khỏi thân xác thịt, đã chết thực sự. Khi ấy, người nhà chỉ còn niệm tưởng thương nhớ người đã mất trong lòng mà không khóc nữa. Lễ cúng ngoài mâm cơm chay mặn thông thường, còn cần đèn nhang, bông trái, trà nước. Ngày giỗ đầu gọi là lễ Tiểu tường, giỗ thứ hai là lễ Đại tường. Từ đó về sau, người ta chỉ còn cúng người đã mất vào dịp giỗ và Tết.

Trong quan niệm của nhà Phật, vong hồn người chết phải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày rồi mới được siêu thoát.

Tục gọi hồn

Khi hồn vía người ta xuất ra khỏi thân xác thịt thì coi như họ đã chết. Một khi đã xuất ra thì không thể quay trở lại. Nhưng cũng có những trường hợp hết sức đặc biệt. Vì một lý do nào đó, hồn vía người ta vẫn có thể nhập trở về thân thể. Bởi vậy, người Việt thường có tục lệ gọi hồn.

Dân gian quan niệm, khi ốm nặng hoặc bất tỉnh, trải qua một chấn động khủng khiếp nào đó thì người ta sẽ “mất vía”, hồn phách đột ngột tách ly khỏi thân thể. Đó là tình huống mà người ta vẫn gọi là “hồn xiêu phách tán”. Thân thể người ta sẽ cứng đờ, hai mắt thất thần, đồng tử không động đậy, mồm miệng há hốc hoặc ngậm cứng, đồng thời hơi thở rất yếu, tai ù điếc không nghe thấy âm thanh.

Để hoàn lại sự sống cho họ, buộc phải có nghi thức gọi hồn. Người nhà thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã ba đường, vừa đi về vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong họ có thể trở lại. Câu gọi hồn quen thuộc là: “Bớ ba hồn bảy vía ông… ở đâu thì về với con cháu“. Ở một số trường hợp, cách gọi hồn này tỏ ra khá linh nghiệm. Người đang bất tỉnh nhân sự, mất ý thức có thể dần dần hồi lại, tất nhiên phải kèm theo một số biện pháp chăm sóc y tế đặc biệt khác.

Vụ Thành Tử viết trong Thái Vi Linh Thư về thuật hoàn phách như sau: “Vào nửa đêm các ngày mồng một và rằm của mỗi tháng, 7 phách lêu lổng bên ngoài thân ta, chơi bời với bọn quỷ mị. Cách kiểm soát, chế ngự và gọi phách về (hoàn hách) là vào những đêm đó phải nằm ngửa, duỗi chân, hai bàn tay che bít hai lỗ tai và để các ngón tay tiếp xúc với gáy, bế hơi thở 7 lần, gõ răng vào nhau 7 lần, tập trung tư tưởng vào đầu mũi. Luồng khí trắng lớn bằng hạt đậu nhỏ, rồi lớn dần dần che kín thân thể trên dưới 9 lần. Khí này bỗng nhiên biến thành 2 con rồng xanh ở 2 mắt và hai cọp trắng ở 2 lỗ mũi, tất cả đều hướng ra ngoài, lại biến thành con chim đỏ ở trên tim hướng ra ngoài cửa miệng người ta“.


Sự sống sau cái chết là điều đã được khoa học hiện đại thừa nhận từ lâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thuyết vô Thần, người ta vẫn còn gặp trở ngại trong việc chứng thực sự thực đó. Phật gia quan niệm rằng, sau khi chết, người ta đích thực chỉ mất đi phần xác thịt tức là “thể phách”, còn linh hồn, phần “tinh anh” thì mãi trường tồn, lại đi qua kiếp luân hồi để tái tạo sự sống ở kiếp sau.

Đi sang kiếp sau, linh hồn ấy vẫn mang đầy đủ nợ nghiệp và phúc báo ở kiếp trước. Bởi vậy, nếu muốn có được phúc báo thì phải biết gây thiện, tránh ác, tu sửa tâm tính, sống thanh bạch, trung thực ở ngay trong đời này.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *