Núi Côn Luân – Thánh địa siêu nhiên hay cửa địa ngục vô hình? 

Có một nơi thường được nhắc đến trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, với vị thế là vùng núi thiêng. Núi Côn Luân được mệnh danh là “Vạn sơn chi tổ”, vương của vạn núi, và là xương sống của vùng đất Trung Hoa.

Trái: Một bức tranh về Tưởng Tử Văn tại núi Côn Luân, mô tả khung cảnh trong một truyền thuyết Trung Quốc. Giữa: Đỉnh trong dãy Côn Luân. Phải: Ngọn đèn từ thế kỷ thứ 1 – thứ 2 có hình núi Côn Luân như cột trời, một cõi của Tây Vương Mẫu. (Ảnh: Tổng hợp)

Nơi đó cũng được gọi là cửa địa ngục, là vùng cấm địa của thế giới rất ít người dám đặt chân đến, là một trong mười địa danh bí ẩn nhất hành tinh. 

Nằm ở phía Tây Trung Quốc, dãy núi Côn Luân được mệnh danh là “Trung Quốc đệ nhất Thần sơn”. Đối với người Trung Quốc, ngưỡng vọng Côn Luân chính là ngưỡng vọng ngọn nguồn bờ cõi, nơi khai sinh nền văn hóa 5.000 năm, nơi được bao trùm bởi vô số câu chuyện thần thoại về nguồn gốc con người và các triều đại văn minh.

Tương truyền, vị thần khai Trời mở Đất chính là Bàn Cổ, ông được cho là sinh ra từ một hòn đá thiêng tích tụ linh khí trên núi Côn Luân. Về sau vào thời kỳ Phục Hy, thiên địa phát sinh biến đổi lớn, đại hồng thủy hủy diệt thế giới, và chỉ có người ở vùng núi Côn Luân may mắn còn sống sót, tiếp tục sự nghiệp kiến tạo văn minh.

Vẻ đẹp của núi Côn Luân đi cùng sự bí ẩn và huyền bí. Có lẽ vì thế mà cổ nhân chọn nơi độc đáo và không dễ tiếp cận này để ẩn cư tu đạo.

Núi Côn Luân và câu chuyện tu Đạo của Khương Tử Nha
Cuốn cổ thư nổi tiếng Sơn Hải Kinh có nhắc đến núi Côn Luân, rằng trong quá trình Đại Vũ trị thủy, đã xây dựng đài Chúng Đế. Thần giữ đài là Lục Ngô – mặt người thân hổ. Trong Hải nội tây kinh lại gọi ông là “Sinh mệnh khai sáng”, thân to lớn như hổ, đứng trên núi Côn Luân, nhìn chăm chú về phương Đông.

Những cổ thư nổi tiếng của Trung Quốc như “Sơn Hải Kinh”, “Mục thiên tử truyền” từng ghi chép rằng trên đỉnh Côn Luân có một vị thần tên là Tây Vương Mẫu – sở hữu một cung điện nguy nga tráng lệ, trong vườn của Bà trồng những cây đào tiên lâu năm, cứ 3.000 năm mới ra hoa kết trái.

Theo Đạo giáo, chỉ có những người có pháp lực và thần thông mới có thể lên núi. Những câu chuyện về các tu sĩ, thần tiên, các loại kỳ hoa dị thảo, linh vật sinh sống trên núi Côn Luân đã đi vào huyền thoại.

Bệ đỡ đèn vào khoảng thế kỷ 1-2 với hình dạng của núi Côn Luân với vai trò là cột chống trời, đây là vương quốc của Tây Vương Mẫu. (Ảnh: Wikipedia)




Chuyện kể rằng hơn 3.000 năm trước, Tây Bá Hầu Cơ Xương thời nhà Thương đã dùng Chu Dịch để xem hung cát, một hôm bốc một quẻ rằng: “Cái thu được không phải rồng không phải ly, không phải hổ không phải gấu, mà là người phò tá cho Bá vương”.

Tức là nói hôm nay đi ra ngoài, sẽ không gặp rồng hay hổ, mà gặp được một người có thể phụ tá mình, thành tựu đại nghiệp Bá vương. Là ai đây? Chính là Khương Tử Nha tiếng tăm lừng lẫy.

Tên hiệu tu Đạo của Khương Tử Nha là Đạo trưởng Phi Hùng, vậy nguồn gốc của tên Phi Hùng từ đâu? Thời kỳ thượng cổ, có một con Thần thú tên là: Phi Hùng, một lòng muốn tu Đạo thành Tiên, muốn lên núi Côn Luân bái Nguyên Thuỷ Thiên Tôn làm sư. Nhưng động vật muốn tu Đạo thành Tiên là điều không được phép, cho nên Nguyên Thuỷ Thiên Tôn nói với Phi Hùng, nếu muốn tu Đạo thì phải đầu thai chuyển thế, phải có thân người mới tu được.

Vì để biểu thị quyết tâm tu Đạo của mình, Phi Hùng một mực quỳ dưới núi Côn Luân không dậy, cho đến khi nhục thân tử vong, sau đó chuyển sinh thành Khương Tử Nha.

Khương Tử Nha lúc này 32 tuổi, thỏa lòng nguyện ước lên núi Côn Luân theo Nguyên Thủy Thiên Tôn tu Đạo.

Thoáng qua đã tu được 40 năm, một hôm Nguyên Thuỷ Thiên Tôn gọi Khương Tử Nha tới và bảo: “Vừa hay Thành Thang khí số đã tận, nhà Chu đang hưng, con thay mặt ta phong Thần xuống núi, trợ giúp minh chủ”.

Sau khi tiêu diệt nhà Thương, Khương Tử Nha phụng chỉ phong Thần hoàn tất, quay trở về núi Côn Luân bái kiến Nguyên Thuỷ Thiên Tôn.




Có nhiều điển tích thần kỳ liên quan đến núi Côn Luân, nhưng điều khiến Côn Luân trở nên vô cùng thần bí lại chính là truyền kì nổi tiếng về cửa địa ngục – khiến con người chỉ dám nhìn từ xa mà không dám bước vào.

Cửa địa ngục vô hình
Rất nhiều người muốn thám hiểm và tìm câu trả lời về sự bí hiểm ấy nhưng cuối cùng vẫn không lý giải được. Núi Côn Luân cao chót vót, núi tuyết sông băng với địa thế nguy hiểm, là thử thách chết người mà các nhà thám hiểm phải dè chừng.

Tương truyền rằng những người chăn cừu sinh sống ở đây thà để dê bò chết đói ở bãi sa mạc, cũng không dám bước vào nơi rợp bóng cỏ non nhưng âm u tịch mịch ngay gần đó. Vùng thung lũng này được gọi là Tử Vong Cốc (thung lũng chết). Khắp nơi trong thung lũng ngổn ngang la liệt da lông sói, xương cốt gấu, dao súng của thợ săn cùng những gò đất hoang, lọt thỏm giữa một bầu không khí đáng sợ.

Một đỉnh núi trong dãy núi Côn Luân. (Ảnh: Wikipedia)




Có một câu chuyện có thật do đội địa chất của cục địa khoáng vùng Tân Cương tận mắt chứng kiến:

Đó là vào năm 1983, một bầy ngựa của nông trường A Lạp Nhĩ thuộc tỉnh Thanh Hải, trong lúc mải mê ăn cỏ tươi đã bước vào Tử Vong Cốc. Người chăn ngựa vừa đến nhận công việc này, tự thấy có trách nhiệm, bèn mạo hiểm vào thung lũng để tìm ngựa. Kết quả như thế nào?

Vài ngày sau, bầy ngựa trở về nhưng người chăn ngựa thì mất tăm, sau này thi thể anh ta được tìm thấy trên một ngọn đồi nhỏ, hình dạng trông vô cùng thê thảm, quần áo rách nát, đôi chân để trần, mắt trợn tròn, miệng mở to, súng săn vẫn cầm trên tay, giống tư thế của người chết không nhắm mắt. Điều kì lạ là trên người anh không có vết thương hay dấu vết bị tấn công nào. Vậy ai đã gây ra điều này?

Sự việc trên khiến người ta hoang mang về sự kỳ bí của khu vực này. “Thung lũng Chết” còn được gọi là “Cửa Địa Ngục”, qua hai cái tên này có thể thấy nơi đây đáng sợ như thế nào.

Không lâu sau, một đội địa chất làm việc gần đó cũng gặp nạn trong chính thung lũng này.

Vào tháng 7 năm đó, thời tiết đang là mùa hè oi bức, nhưng nơi đó đột nhiên xuất hiện một cơn bão tuyết. Khi bão tuyết đi qua, đột nhiên xuất hiện tiếng sấm vang trời, người nấu bếp ngất xỉu ngay tại chỗ, may mắn là anh ta được cấp cứu kịp thời nên dần dần hồi tỉnh.

Anh ta nói rằng lúc đó chỉ nghe thấy sau lưng có tiếng sấm rồi toàn thân ngay lập tức bị tê liệt, không biết gì nữa. Ngày hôm sau, các thành viên trong đội địa chất phát hiện toàn bộ sườn đồi đều đã đổi màu, đất vàng giờ biến thành độc một màu đen.




Cảnh tượng trông như thể tất cả đều đã bị hủy diệt, động thực vật đều không còn, đâu đâu cũng là xác chết trâu bò và xương cốt của các loài động vật khác. Cảnh tượng trông thật vô cùng thảm khốc, thê lương.

Đội địa chất cảm thấy sự việc không ổn, nhanh chóng tiến hành điều tra. Kết quả phát hiện vùng đất này có từ trường dị thường, hơn nữa phạm vi phân bố cũng rất lớn, càng vào sâu trong thung lũng, từ trường càng mạnh. Các nhà địa chất học cho rằng dưới tác dụng của hiệu ứng điện từ, từ trường trong thung lũng và điện tích sản sinh trên những tầng mây hợp lại – sẽ tạo thành một khu vực chịu sấm rộng lớn, mà đối tượng bị sét đánh thường là những vật thể đang chuyển động.

Ngoài ra, các nhà địa chất còn phát hiện ra một con sông ngầm phía dưới đầm lầy, nếu ai đó bước chân lên đầm lầy này thì sẽ lập tức ngã vào dòng sông ngầm bên dưới và bị lực hút cực lớn của dòng sông kéo xuống vực sâu vạn trượng.

Thung lũng chết ở núi Côn Luân: phía trên có tia chớp, phía dưới có sông ngầm, thực sự có thể gọi là “cửa địa ngục”. Các nhà địa chất học chỉ khảo sát được một phần bí mật ở đây. “Cửa địa ngục” này có thể là nơi tích tụ năng lượng tự nhiên, bộc lộ sự nguy hiểm trong “hoàn cảnh dị thường”. Bất cứ động thực vật nào rơi vào “cửa địa ngục” đều không thể bảo toàn mạng sống.

“Cửa địa ngục” ở núi Côn Luân cũng được ghi chép lại trong cổ thư Sơn Hải Kinh. Về sau những sách cổ như Hoài Nam Tử, Mục Thiên Tử Truyền thời tiền Tần cũng ghi chép những câu chuyện thần thoại đề cập đến Cửa địa ngục trên núi Côn Luân, càng làm cho địa danh này nổi tiếng.




Sông Karakash ở miền tây dãy núi Côn Luân, nhìn từ đường quốc lộ Tây Tạng-Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia)

Tương truyền rằng Núi Côn Luân là nơi ở của các vị Thần, có phải vì thế mà không ai có thể xâm phạm nơi đây?

Nơi ở của các vị Thần
Núi Côn Luân là biểu tượng của trục vũ trụ Mundi được các truyền thuyết Trung Quốc cổ xưa nhắc đến. Tương truyền, ngọn núi linh thiêng này là nơi ở của các vị Thần, linh thảo và linh vật huyền thoại. Sự tồn tại của nó còn được dùng để định hình lịch sử Trung Quốc.

Trong “Sơn Hải Kinh” của Trung Quốc, núi Côn Luân cũng là một trong những vùng đất thần bí nhất. Truyền thuyết về Tây Vương Mẫu, Hoàng Đế đánh Xi Vưu, Đại Vũ trị thủy… đều liên quan mật thiết đến Côn Luân.

Sở dĩ núi Côn Luân được xem là thủy tổ của vạn núi, vì người xưa gọi dãy núi này là “long mạch” của dân tộc Trung Hoa. Người dân Trung Quốc xem Côn Luân là nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa và khởi nguồn của Hoàng Hà. Có 4 dòng sông bắt nguồn từ Côn Luân: Sông Hồng Hà, Hoàng Hà, Ngọc Hà và Dương Tử.

Núi Côn Luân cũng có 5 đại long mạch, đã sinh ra các nhánh long mạch mở rộng ra mọi nơi trên thế giới. Vạn vật đều sống nhờ vào 5 long mạch này, đồng thời thu nạp linh khí của trời, khiến vạn vật sinh sôi nảy nở vô tận.

Sách “Thập di ký” có ghi chép: một khu vực rộng lớn có các vị Thần Tiên sống trên núi Côn Luân được gọi là Côn Lăng. Độ cao của Côn Lăng là trên mặt trời và mặt trăng. Núi Côn Luân có chín tầng mỗi tầng cách nhau mười vạn dặm, ở xung quanh có khí mây ngũ sắc, từ trên xuống dưới trông như một tòa cung điện. Trên núi thường có gió nhẹ, các vị Thần Tiên trên núi thường cưỡi rồng, cưỡi Tiên hạc vui chơi trên núi.

Người phương Tây gọi Côn Luân là núi Tu Di, đối ứng với 7 sao Bắc Đẩu. Núi có chín tầng, ở tầng sáu có cây ngọc ngũ sắc, cành lá xum xuê che kín năm trăm dặm, ban đêm cây phát sáng như ngọn nến.


Ở tầng dưới cùng, có một chiếc cổng là Lưu Tinh Tiêu Khuyết, cao 40 trượng (khoảng 120 m). Ở phía Đông là các cung điện của Thần gió, Thần mây và Thần mưa.

Theo Đạo giáo ghi lại, con sông thứ 5 chảy quanh ngọn núi, tạo thành cồn cát và dòng chảy siết để ngăn con người trèo lên đỉnh của Côn Luân. Những hiện tượng tạo nên “cửa địa ngục” Côn Luân phải chăng cũng cùng mục đích đó?

Vừa là thánh địa siêu nhiên, lại ẩn chứa trong đó cửa địa ngục vô hình, hiện nay, núi Côn Luân vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với giới khoa học. Trên thế giới, những nơi địa thế siêu thường, kỳ bí như vậy lại không phải ít! Phần lớn chúng là tác phẩm của tự nhiên, thuộc về bí mật vĩnh viễn của nhân loại.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *