Cá chép hóa rồng phải vượt Long Môn, người muốn thành công phải “lội ngược dòng”

Theo các tín ngưỡng dân gian, ngày 23 tháng Chạp hằng năm Táo Quân sẽ cưỡi cá chép về Trời. Vì vậy mà cá chép được xem một linh vật mang đến an khang, thịnh vượng, phúc thọ và tài phú trong quan niệm của người Á Đông xưa và nay. 

Cá chép nếu bơi qua Vũ Môn thì sẽ hóa thành Thần Long. (Ảnh qua Tansinh)

Trong văn hóa truyền thống còn có câu chuyện về cá chép hóa rồng, ngụ ý cho sự kiên định và lòng chân thành của con người, vượt qua khó khăn để đạt được thành công, ở một tầng cao hơn thì nó cũng ngụ ý cho quá trình thăng hoa của sinh mệnh.

Cá chép vượt Long Môn sẽ hóa thành rồng
Táo Quân lựa chọn cá chép làm vật cưỡi về Trời, điều này không phải là ngẫu nhiên, vì khi cá chép vượt qua Long Môn thì sẽ hóa thành rồng, có thể bay xuyên qua các tầng mây để đưa Táo Quân trở về Thiên Thượng.

Long Môn cao sừng sững, nước sông chảy đến đây thì đổ xuống như thác, vô cùng mãnh liệt. Người ta nói rằng cá chép nếu có thể bơi ngược dòng thác mà vượt qua Long Môn thì sẽ hóa thành rồng, nhưng điều này cực kỳ khó khăn. 

Có một truyền thuyết kể rằng, những con cá chép dưới sông đều mong muốn bơi ngược lên Long Môn để hóa thành rồng, nhưng cảm thấy khó quá, hơn nữa còn rất nguy hiểm, chỉ một chút sơ sẩy là mất mạng ngay. Một hôm có con cá chép nhỏ đến tìm Long Vương bày tỏ sự bất bình: “Cớ sao Ngài lại đặt Long Môn ở nơi cao và hiểm trở như vậy? Thật là làm khó cho thủy tộc chúng ta! Nếu Ngài thật lòng muốn chúng con được hóa rồng thì nên đặt Long Môn ở nơi thấp và an toàn hơn, để chúng con có thể dễ dàng vượt qua mới phải.”

Long Vương mỉm cười, rồi tạo ra một Long Môn mới thấp hơn. Lúc bấy giờ cá chép nhỏ có thể vượt qua rất dễ dàng, nó cực kỳ vui sướng và đắc ý vì nghĩ rằng mình có thể hóa rồng được rồi. Những con cá khác cũng nhanh chóng vượt qua Long Môn mới, và tận hưởng niềm hạnh phúc khi được “trở thành rồng”.

Nhưng không có gì đặc biệt xảy ra! Cá chép nhỏ cảm thấy bản thân vẫn như vậy, những con cá khác xung quanh nó cũng không thay đổi chút nào, mọi thứ vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu. Cá chép nhỏ lại mang nghi vấn này đến hỏi Long Vương.

Long Vương cười đáp: “Vì ngươi chưa hề hóa rồng! Muốn hóa rồng thì phải vượt qua Long Môn chân chính ở trên cao kia, còn cái ngươi vượt qua chỉ là Long Môn giả do ta tạo dựng thôi, vượt qua rồi thì cá chép vẫn hoàn cá chép, không cách gì thành rồng được!”

Cá chép nhỏ lúc này mới tỉnh ngộ và thấy hổ thẹn vì cách nghĩ sai lầm của mình.

Đàn cá chép chỉ vượt Long Môn giả thì không thể nào hóa thành rồng được. (Ảnh qua ĐKN)




Long Môn chân chính của Trời Đất vốn ở vị trí đó, thì chỉ khi vượt qua đó cá chép mới có thể hóa rồng. Cá chép hóa rồng là ngụ ý cho sự thăng hoa của sinh mệnh, kiên trì với chân tâm mà vượt khỏi muôn trùng hiểm trở mới đạt được vinh diệu và phúc phận hóa thành Thần Long. Chứ không phải cố ý tùy tiện gọi một vị trí nào đó là “Long Môn” rồi vượt qua thì sẽ hóa thành rồng. Cá chép nhỏ ban đầu đã không ngộ được đạo lý này.

Vượt qua Long Môn chân chính để đạt tới cảnh giới cao hơn tất nhiên là rất khó, nhưng chính vì nó khó, trong vạn con cá chép mới có một con làm được, nên mới đáng quý. Nếu dễ dàng ai cũng làm được thì chỉ là Long Môn giả mà thôi, có vượt qua thì cũng chẳng mang đến khác biệt gì.

Cuộc sống con người chúng ta cũng như vậy. Khi gặp khó khăn, chúng ta nên hướng vào bản thân mình để tìm những thiếu sót và khắc phục, hay là nên hướng ra bên ngoài mà cầu mong khó khăn kia “nhỏ lại”? Nếu mong “khó khăn” nhỏ lại thì cũng như con cá chép nhỏ kia, vì không qua được Long Môn thật nên tự đặt ra một Long Môn giả mà bơi qua, sau đó dương dương tự đắc rằng mình đã “vượt Long Môn” rồi, thật đáng thương thay!

Chính vì đây là một khó khăn hiếm ai qua nổi nên nó mới có thể chứng tỏ giá trị của một cá nhân, nếu một người có thể kiên trì tới cùng và gặt hái được thành công, thì điều này cũng sẽ thành tựu nên sự vĩ đại của người đó. Còn như dễ dàng quá ai cũng làm được, thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì, không có thất bại cũng không có thành công, không có gì đáng trân trọng cũng không có gì để luyến tiếc, như thế sẽ vô vị tẻ nhạt biết bao! Cũng không khiến người ta tìm được giá trị của chính mình. 


Quá trình vượt Long Môn chính là quá trình “lội ngược dòng nước”, không thuận theo xã hội trượt dốc đạo đức, mà quay ngược về với bản tính Chân thành, Thiện lương và Nhẫn nại của chính mình, chỉ như vậy mới có thể “hóa rồng” thật sự. 

Long Môn chân chính đòi hỏi phải có một trái tim chân thành và một ý chí kiên định mới có thể vượt qua. Còn nếu như dựa vào thủ đoạn trá ngụy thì chỉ có thể tạo ra một Long Môn giả, sau đó sống trong hư ảo mà nghĩ rằng mình đã thành Thần Long.

Nguồn: TH – Theo Secret China

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *