Những ngôi làng “bị nguyền rủa” – Bí ẩn chưa có lời giải thích

Trên thế giới có rất nhiều những địa điểm mà nhắc đến người ta không khỏi kinh hoàng: Những người dân trong làng bị những chứng bệnh, hoặc thường xuyên gánh chịu thiên tai, hoặc trải qua một đại nạn kỳ lạ nào đó… Người ta gọi những địa điểm này là những ngôi làng bị nguyền rủa, và bí ẩn về những ngôi làng này vẫn mãi là câu hỏi lớn với các nhà khoa học…

Khu vực hồ Maracaibo ở Venezuela được ví như “bị nguyền rủa” khi phải hứng chịu 10 tiếng sét đánh mỗi ngày, 300 ngày có sét trong năm. (Ảnh chụp màn hình)

Ngôi làng bị ‘trời hành’, hứng chịu 10 tiếng sét đánh mỗi ngày
Sách kỷ lục Guiness thế giới đã trao danh hiệu cho ngôi làng gần hồ Maracaibo ở Venezuela là “Nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới”. Vùng đất này bị ví như “trời hành” khi phải hứng chịu 10 tiếng sét đánh mỗi ngày, 300 ngày có sét trong năm.

Tại đây, mỗi năm có hơn 260 ngày mưa bão. Bởi vậy không có gì lạ khi hàng ngàn tia sét phóng xuống mỗi đêm khiến bầu trời gần như lúc nào cũng rực sáng. Người dân địa phương khi đi thuyền trong đêm tối còn lợi dụng thứ ánh sáng này để xác định phương hướng.

Thời điểm hồ Maracaibo bị “trời phạt” nhiều nhất trong năm vào tháng 10. Đó là lúc hàng loạt các cơn bão mang theo mưa lớn cùng sấm chớp đổ xuống. Có những lúc nơi này chịu tới 28 cú sét trong một phút – đủ nguồn năng lượng thắp sáng cho 100 triệu bóng đèn.

Suốt nhiều thế hệ, người dân trong làng bị choáng ngợp bởi sự “cuồng nộ” của tự nhiên với những cơn bão sét hoành hành khoảng 10 tiếng mỗi đêm, gần 300 đêm trong năm.

Rất nhiều chuyên gia cố gắng tìm kiếm lời giải đáp cho hiện tượng đặc biệt này suốt hàng thế kỷ. Trong nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học tin rằng những mỏ uranium ở khu vực hồ là nguyên nhân hút sét, khiến nơi này chịu mật độ sét đánh dày đặc như vậy.

Sau đó, nhóm nghiên cứu cho rằng không khí phía trên hồ Maracaibo tăng độ dẫn điện do khí metan bốc lên từ các mỏ dầu bên dưới. Khi khí metan bị ion hóa gặp không khí lạnh hơn từ dãy núi tạo nên sự gặp gỡ giữa hai dòng điện, tạo ra điện tích cực lớn phóng dưới dạng tia sét.

Ngoài ra, địa hình và các kiểu gió độc đáo tại khu vực này cũng góp phần tạo nên hiện tượng này.




Hiện tượng tự nhiên này còn liên quan tới một câu chuyện thú vị trong lịch sử. Năm 1595, những chiếc tàu chiến do thủy thủ người Anh Francis Drake đang trên đường di chuyển để đánh úp thành phố Maracaibo (thuộc sở hữu của Tây Ban Nha lúc bấy giờ) về đêm. Khi đi qua khu vực này, những vệt sáng trên bầu trời đã khiến họ bị lộ diện, cuộc tấn công vì thế mà bị hủy bỏ. Câu chuyện này cũng đã được ghi lại trong bài thơ sử thi 16 La Dragontea.

Ngoài ra, còn có 2 ngôi làng bị “nguyền rủa” rất nổi tiếng khác mà khoa học vẫn khó có thể tìm được lời giải thích.

Ngôi làng ‘bị nguyền rủa’ do hàng nghìn người biến mất chỉ trong một đêm
Hai trăm năm trước, toàn bộ người dân của ngôi làng Kuldhara (Ấn Độ) đã biến mất chỉ qua một đêm và để lại nhiều nỗi lo sợ, nghi vấn cho đến tận ngày nay.




Chỉ dẫn đến tàn tích còn lại của ngôi làng Kuldhara, Ấn Độ được gọi là ngôi làng ‘bị nguyền rủa’. (Ảnh: Wikipedia)

Kuldhara ở Ấn Độ trước đây là một ngôi làng sầm uất với số lượng cư dân lên đến 1.500 người. Chỉ sau một đêm rất dài cách đây 200 năm trước, ngôi làng bỗng chốc trở nên hoang vu và không còn một bóng người. Điều lạ lùng nhất là không ai trông thấy họ đã di chuyển trong đêm định mệnh đó, cũng như tìm thấy nơi ở mới họ chuyển tới. Vì điều này, người dân quanh vùng tin rằng ngôi làng đã phải chịu một lời nguyền bởi ma thuật hắc ám và bất kỳ ai sống ở đây đều phải chết.




Rất nhiều câu chuyện đã được thêu dệt xung quanh sự biến mất bí ẩn này, càng khiến nơi đây trở nên rùng rợn trong con mắt người đời. Hàng trăm năm qua vẫn luôn vắng bóng người, ít ai dám tới đây và ngủ lại qua đêm.

Năm 2003, một tổ chức săn ma có tiếng của Ấn Độ – Paranormal Society of Delhi – đã cử nhóm gồm 30 người ở lại qua đêm ở ngôi làng bị bỏ hoang này. Họ mang theo những thiết bị săn ma tối tân và hiện đại tới ngôi làng.

Những người có mặt trong chuyến đi đã công bố nhiều điều đáng sợ như: họ phát hiện thấy có những bóng đen di chuyển bí ẩn, họ nghe thấy những giọng nói ám ảnh, dấu bàn tay trẻ con in trên xe ô tô. Một người cho biết còn cảm thấy có người đập vào vai mình từ phía sau. Khi anh ta quay lại thì hoàn toàn không có ai ở đó.




Đoàn người cũng cho biết họ cảm nhận rõ nét sự tăng, giảm nhiệt độ đột ngột tại một số thời điểm trong làng. Ngoài ra, nhóm cũng đã dùng một thiết bị săn ma tiên tiến để nói chuyện với một linh hồn. Linh hồn đó thậm chí còn tiết lộ tên với nhóm săn ma.

Ngày nay, làng Kuldhara được nhiều khách du lịch xếp vào danh sách những điểm đến thú vị và thót tim cho dịp Halloween.

“Gia đình người bò” bí ẩn
Tại một vùng núi hẻo lánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, có một “gia đình người bò” kỳ lạ. Gia đình này di chuyển bằng cả hai tay và hai chân trên mặt đất, chứ không phải đi thẳng lưng như người bình thường.

Ban đầu, khi mới khám phá ra ngôi làng hẻo lánh này, những du khách đầu tiên đặt chân đến nơi đây cho rằng họ làm vậy là để thu hút sự chú ý của người ngoài. Tuy nhiên sau thời gian dài quan sát, du khách mới nhận ra những người ở đây đều di chuyển như thế, kể cả trẻ con.

Do phải bò thường xuyên trên mặt đất nên cơ thể của những người này không giống như người bình thường. Xương lưng và eo của họ đã bị biến dạng, hông cũng rộng hơn.

Họ di chuyển bằng cả hai tay và hai chân trên mặt đất. Bàn tay của họ cũng to hơn bình thường và sần sùi, thô ráp do thường xuyên bò mà không đeo các thiết bị bảo hộ như găng tay. Mặc dù bò như vậy nhưng tốc độ di chuyển của họ không hề chậm hơn so với người bình thường.




Hình ảnh một số người đang ‘đi’ tại nơi họ sinh sống, có thể được gọi là nơi ‘bị nguyền rủa’. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài sự khác biệt về tư thế đi, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra tuổi thọ của “gia đình người bò” ngắn hơn người bình thường. Người có thể lực tốt sẽ có tuổi thọ ngắn hơn người đi lại bình thường khoảng 10 năm, người có thể lực kém thì tuổi thọ chỉ bằng một nửa tuổi thọ của người đi lại bình thường.

Ngoài ra, một số chuyên gia nhận thấy kiểu đi lại của “gia đình người bò” rất giống triệu chứng lâm sàng của bệnh “mất điều hòa tiểu não”. Căn bệnh này khiến con người không có khả năng duy trì sự cân bằng của cơ thể do bị rối loạn tiểu não trong thời gian dài, nhưng căn bệnh này lại không thể giải thích rõ những thay đổi ở hông của họ.

Một số người lại cho rằng, hiện tượng bò ở gia đình này là hệ quả của hôn nhân cận huyết. Do ngôi làng nằm ở vị trí hẻo lánh, người ngoài không ai muốn gả vào đây và người trong làng cũng không sẵn lòng gả cho người ngoài, nên người dân ở trong làng chỉ có thể kết hôn với nhau mà không biết việc này có hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Do đó, rất nhiều đứa trẻ sinh ra ở đây bị dị tật bẩm sinh, mất khả năng nhận thức và đi lại.


Tất nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng nhóm trẻ khỏe mạnh này lại chưa từng nhìn thấy cách đi lại của người bình thường do ngôi làng nằm ở vùng xa xôi, hẻo lánh, giao thông kém phát triển nên tách biệt với thế giới bên ngoài từ lâu. Chúng chỉ có thể học theo bố mẹ, bò dưới đất để di chuyển và lâu dần tạo thành thói quen.

Những ngôi làng được gọi là ‘bị nguyền rủa’ này hiện vẫn được bảo tồn và tiếp tục thu hút các nhà khoa học nghiên cứu để tìm hiểu.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *