Câu chuyện về 3 lần ‘hồi sinh’ của những chiến binh đất nung cụ thể là gì? Và có cách giải thích nào cho bí ẩn này?
Lời đồn về chiến binh đất nung “hồi sinh” và hóa thân thành ông lão chỉ đường cho đội khảo cổ được lan truyền rộng rãi. (Ảnh: Baidu)
Từ khi được phát hiện vào năm 1974, bất cứ điều gì liên quan đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều gây lên sự quan tâm đặc biệt. Trong đó, đã từng có 3 câu chuyện liên quan đến lời đồn “Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng hồi sinh” làm dấy lên sự bàn tán xôn xao trong cộng đồng xã hội Trung Quốc.
CHIẾN BINH “HỒI SINH” CHỈ ĐƯỜNG CHO ĐỘI KHẢO CỔ
Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào năm 1974. Sau khi nhận được tin phát hiện dấu vết của đội quân đất nung từ người dân ở thôn Hạ Hà (thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), đội ngũ khảo cổ lập tức đi đến hiện trường.
Nhưng sau 1 tháng tìm kiếm liên tục dựa theo dấu vết người dân chỉ dẫn, đội khảo cổ vẫn chưa khai quật được đội quân đất nung. Lúc này, bỗng nhiên có 1 ông lão mặc trên mình bộ đồ rất kì lạ xuất hiện tại nơi các chuyên gia khảo cổ đang làm việc.
Ông lão cất tiếng hỏi: “Các người đang tìm kiếm gì sao?”. Đội khảo cổ trả lời là không có, ông lão cũng rời đi. Đến ngày thứ 2, ông lại xuất hiện và hỏi lại vấn đề cũ và vẫn nhận lại lời câu trả lời tương tự. Cho đến ngày thứ 3, ông lão tiếp tục xuất hiện và lần này chủ động dẫn đội khảo cổ đi đến 1 nơi. Đến nơi, ông nói rằng phía dưới mặt đất nơi họ đang đứng có đội quân đất nung.
Đội khảo cổ đã nghe theo và khai quật khu đất đó lên, kết quả thật sự đã tìm thấy được 1 lượng lớn những chiến binh đất nung. Đội khảo cổ vui mừng khôn xiết, nhưng khi đang định cảm ơn ông lão kì lạ nọ thì ông đã biến mất không dấu tích.
Câu chuyện này đã dấy lên rất nhiều lời đồn thổi, cho rằng ông lão kì lạ đó chính là hiện thân của 1 trong hàng nghìn chiến binh đất nung. Chiến binh này đã “hồi sinh” và chỉ dẫn cho đội khảo cổ tìm kiếm.
Khi lời đồn đang được đồn thổi với tốc độ chóng mặt, những nhân viên khảo cổ trong đội ngũ tìm kiếm đã đứng ra đính chính tin đồn. Họ giải thích, lời đồn đó không có thật, không hề có sự xuất hiện của ông lão nào trong quá trình họ tìm kiếm dấu vết của đội quân đất nung.
MÙI XÁC CHẾT TRONG KHU VỰC ĐỘI QUÂN ĐẤT NUNG
Câu chuyện thứ 2 về lời đồn “Đội quân đất nung hồi sinh” xảy ra vào năm 1997. Khi ấy, các chuyên gia đang khảo sát, nghiên cứu tại khu vực những chiến binh đất nung thì đột nhiên ngửi thấy 1 mùi hôi thối nồng nặc.
Các chuyên gia khảo cổ kinh ngạc khi phát hiện có thi thể trong khu vực đội quân đất nung. (Ảnh: Baidu)
Họ đi theo hướng phát ra mùi hôi thối đó và vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra có vài thi thể nằm trong chính khu vực đội quân đất nung này. Kì lạ hơn nữa, những thi thể đều ăn mặc không giống với người bình thường. 1 trong số những thi thể còn nắm chặt đầu của 1 bức tượng trong tay.
Sau khi các chuyên gia khảo cổ báo cáo lên trên, câu chuyện kì lạ này lập tức được điều tra. Kết quả giám định pháp y cho thấy những thi thể này đã chết được 1 tuần. Nhưng chưa thể tìm ra nguyên nhân chết, bởi trên người những thi thể không hề có vết thương. Điều duy nhất đã được điều tra ra đó là thân phận của những xác chết: là những kẻ trộm mộ.
Lời đồn về việc các chiến binh hồi sinh và giết chết những tên trộm mộ được bàn tán mạnh mẽ. (Ảnh: QQ)
Sau khi kết quả giám định được công bố ra, những lời đồn thổi lại lập tức lan đi rất rộng rãi. Rất nhiều người cho rằng, những tên trộm mộ này đã bị đội quân đất nung giết chết khi bước vào lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Bởi nhiệm vụ của đội quân này chính là bảo vệ cho Tần Thủy Hoàng trước sự xâm nhập của những kẻ có ý đồ xấu.
Vậy nhưng, chính quyền địa phương đã đứng ra giải thích rằng giả thiết này chỉ là lời đồn không có căn cứ. Sự thật về cái chết của những tên trộm mộ đó vẫn đang là 1 màn bí ẩn chưa có lời giải.
BÍ ẨN ÁNH MẮT CHUYỂN ĐỘNG CỦA CHIẾN BINH ĐẤT NUNG
Câu chuyện thứ 3 xảy ra vào năm 2006. Xuất phát từ 1 lưu học sinh người Đức học tập tại Hàng Châu, Trung Quốc tên Pablo. Pablo từ lâu đã rất có hứng thú với đội quân đất nung của hoàng đế Tần Thủy Hoàng.
Để thỏa mãn hứng thú của bản thân, Pablo đã đến 1 triển lãm có trưng bày 1 số chiến binh đất nung ở Tây An để chiêm ngưỡng. Nhưng, khoảng cách từ vị trí trưng bày những chiến binh đến nơi du khách đứng khá xa. Điều này đã không thể thỏa mãn được sự hiếu kì của Pablo.
Do đó, lưu học sinh này đã nghĩ ra 1 cách để có thể tha hồ quan sát. Đó là cải trang thành chiến binh đất nung và trà trộn vào hàng ngũ của đội quân.
Triển lãm về những chiến binh đất nung. (Ảnh: QQ)
Thế nhưng hành động của lưu học sinh người Đức này đã không thể duy trì trong bao lâu. Có du khách tham quan triển lãm đã bắt gặp ánh mắt chuyển động liên tục của 1 trong những chiến binh đất nung. Du khách đã hoảng sợ báo cáo chuyện này cho nhân viên bảo an. Rất nhanh sau đó, Pablo đã bị phát hiện và bắt đi.
Đó là 3 câu chuyện được đồn thổi rất nhiều liên quan đến bí ẩn “Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng hồi sinh”. Sự tò mò của con người đối với những sự vật, hiện tượng chưa được giải đáp luôn không có giới hạn.
Đặc biệt là những hiện tượng bí ẩn chưa được làm sáng tỏ liên quan đến đại công trình lăng mộ Tần Thủy Hoàng lại càng khơi gợi sự hiếu kì của mọi người. Khi khoa học chưa thể có lời giải, họ chỉ đành tạm thời giải tỏa sự hiếu kì của bản thân bằng cách tin vào những lời đồn mà thôi!
Nguồn: KH
- Tiên tri trăm năm trước của Tesla được chứng nghiệm: Trái đất là một nơi thí nghiệm
- 100 khối cự thạch 1000 năm tuổi bí ẩn ở Indonesia
- Quan tài kỳ lạ: Nặng 3 tấn, mộ tặc 9 lần đột nhập đều phải về tay không