“Khải thị cuối cùng” của nhà tu hành bí mật trên núi Himalayas, lĩnh ngộ được sẽ ‘siêu vượt sinh tử’

Himalayas là dãy núi cao nhất thế giới, trải dài 2.400 km, tuyết phủ quanh năm, vô cùng lạnh giá. Tên gọi Himalayas có nguồn gốc từ tiếng Phạn. “Hima” nghĩa là ‘tuyết’; ‘laya’ nghĩa là ‘nơi ở’. Vì vậy, “Himalayas” có nghĩa là ‘nơi ở của tuyết’. Trong dãy núi này, ngọn núi cao nhất là Everest, hay còn gọi là đỉnh Thánh Mẫu, với độ cao lên tới 8.848 m, là đỉnh núi cao nhất thế giới. Với nhiều người đam mê leo núi, mục tiêu cả đời của họ chính là chinh phục đỉnh núi này. Cũng vì nó mà rất nhiều người đã mất đi sinh mạng. Nó dường như thách thức giới hạn sức lực và tinh thần của con người.

‘Khải thị cuối cùng’ của nhà tu hành bí mật trên núi Himalayas, lĩnh ngộ được sẽ ‘siêu vượt sinh tử’. (Ảnh: Tổng hợp)

Thế nhưng, nếu có người nói với bạn, trong môi trường đó, ở nơi băng giá và đầy tuyết này, quanh khu vực núi ở độ cao khoảng 4.000, 5.000  đến 6.000m, thực sự có rất nhiều đại sư đang sống trong đó. Những đại sư này không phải là những bậc thầy toán học, vật lý học, cũng không phải là những người được gọi là đại sư hay pháp sư trong giới tôn giáo. Họ đặc biệt hơn, tất cả họ đều sống trong hang động, thậm chí có nhiều người quanh năm không cần mặc quần áo và họ có vô số siêu năng lực.

Ông Swami Rama là một trong số những đại sư đó. Ông đã tu hành trên dãy Himalayas hơn 40 năm, trong thời gian đó ông đã học và sống với nhiều hành giả yoga từng ẩn cư ở đó suốt nhiều năm. Ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Living with the Himalayan Masters” (Sống cùng các đại sư Himalayas). Cuốn sách của ông đã ghi lại những kinh nghiệm quý báu mà các vị Thánh của Himalayas đã trao cho ông. Trong thời gian đó, ông đã được thể nghiệm những điều mà con người thông thường qua vài kiếp cũng không thể trải nghiệm được. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về câu chuyện trải nghiệm kỳ diệu của Rama ở dãy Himalayas.

Swami Rama
Năm 1925, một gia đình Bà la môn ở Bắc Ấn Độ đón chào một cậu bé ra đời, cậu được đặt tên là Swami Rama.

Chân dung Swami Rama. (Ảnh: Wikipedia)

Bà la môn là một hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ. Tại Ấn độ, đẳng cấp được phân chia thành các nhóm: Bà La Môn là đẳng cấp cao nhất, là những giáo sĩ, tu sĩ, học giả, triết gia. Tiếp theo là Sát đế lợi (Kshastriya) – hàng vua chúa quý tộc. Vệ-xá (Vaisya) là người bình dân, thương gia, nông dân. Thủ đà la (Sudra) là giai cấp nô lệ thấp. Đây cũng là khái niệm về 4 giai cấp. Trong khái niệm chế độ giai cấp này, nếu như đứa trẻ được sinh ra, có cha là giai cấp nô lệ Thủ đà la, mặc dù đứa trẻ có IQ cao tới mấy nhưng vẫn chỉ là nô lệ, không có cách nào thay đổi được. Điều này xem ra rất không công bằng, nhưng người dân nơi đây rất tin vào luân hồi. Họ tin rằng đời này của một người như thế nào là có liên quan tới đời trước của người đó. Vì vậy, mặc dù sau khi Ấn Độ độc lập đã xoá bỏ chế độ đẳng cấp, hiến pháp cũng quy định rõ ràng rằng không được phép phân biệt giai cấp, nhưng chế độ đẳng cấp vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội Ấn Độ ngày nay. Do đó, chế độ đó vẫn tồn tại. 

Rama thuộc về Bà la môn, vốn là đẳng cấp cao nhất. Có thể nói là kiếp trước của ông rất có thể là người có lai lịch lớn nên kiếp này mới có phúc phận được sinh ra trong gia đình thuộc đẳng cấp cao nhất. Điều này cũng mang tới cho cuộc đời ông rất nhiều những trải nghiệm phi thường. Từ nhỏ, Rama đã được nhiều thượng sư trên núi dạy dỗ. Khi các bạn cùng trang lứa tới trường học, ông lại thích chạy nhảy khắp nơi dãy Himalayas, đi khắp nơi tìm kiếm ẩn sĩ đại sư để học hỏi. Suốt cuộc đời mình, ông đã viếng thăm hơn 120 vị đại sư, Thánh giả hoặc ẩn sĩ. Từ năm 1939 đến 1944, cũng là khi ông ở độ tuổi từ 14-19, Rama bắt đầu dạy “áo nghĩa thư” (Upanishad là ‘kinh điển với ý nghĩa thâm sâu huyền bí’) và kinh điển Phật  giáo ở rất nhiều trường và tu đạo viện. 19 tuổi, ông đã có thể dạy học – điều này cho thấy trải nghiệm cuộc sống của ông đặc biệt như thế nào.

Trong tôn giáo, nhất là Phật giáo Tạng truyền Tây Tạng, rất chú trọng tới luân hồi chuyển sinh. Ví dụ như vị  Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chúng ta thường thấy trên tin tức truyền thông hiện nay, đã trải qua luân hồi chuyển sinh 14 kiếp. Vài năm trước, trong một lần phỏng vấn, Đạt Lai Lạt Ma đã kể về những gian khổ của bản thân. Ông nói rằng mình không mong muốn lại chuyển sinh. Những người như họ có thể đều có những ký ức về luân hồi, và Rama có thể cũng như thế. Bộ phận ký ức của họ được mở ra và sở hữu kiến thức sâu rộng. 

Mặc dù Rama siêu việt như vậy, nhưng ông cũng từng mắc phải sai lầm lớn. Thời thiếu niên, ông luôn nghiên cứu kỳ thuật và ông quen một vị thầy yoga có thể biến ra bất cứ thứ gì mong muốn. Người này có thể biến ra những món ăn nổi tiếng trong những nhà hàng sang trọng nhất thế giới. Rama từng thử đưa ra một yêu cầu khó với thầy yoga này, và nói rằng ông muốn có chiếc bánh hamburg của Đức. Nhưng điều này cũng không làm khó được vị thầy yoga kia, cả chiếc đồng hồ danh tiếng của Thuỵ Sĩ, ông ta cũng biến ra được. Điều này khiến Rama thầm nghĩ: “Có lẽ đi theo vị sư phụ này sẽ tốt bởi muốn gì có nấy, ông ấy sẽ chăm lo tốt cho mình, còn bản thân mình có thể an tâm tĩnh tọa tu hành”. Thế là Rama đi theo người này học những kỳ thuật đó. 

Dần dần, ông cũng hiểu được nguyên lý bên trong đó. Kỳ thực những đồ vật biến ra đó không phải được tạo ra từ trong không khí mà thực ra chỉ là mánh lới, lấy từ nơi khác tới mà thôi. Nói cách khác, đó chính là ăn trộm. Khi đó, Rama vẫn chưa trưởng thành về cả tâm thái và nhiều phương diện, kết quả vì thế mà phạm sai lầm lớn.

Một lần, Rama giới thiệu người bán hàng với vị yoga chuyên ăn trộm đồ kia để ông này biến ra cái máy may. Kết quả cửa hàng của người bán hàng này thiếu mất đi một cái máy may. Sau đó, người chủ bị mất đồ phát hiện ra chiếc máy may đang ở trong tay của người bán hàng và người bán hàng bị kiện. 

Lúc đó, Rama mới hiểu ra rằng những thứ đó không phải là điều mà người tu hành chính Đạo mong muốn theo đuổi. Đây chỉ là những tảng đá ngáng đường trên con đường tu hành. Quả thực có người có thần thông, nhưng Rama phát hiện ra rằng những người này đều có lòng tham không đáy và kiêu ngạo. Việc cố ý tu luyện thần thông và việc ngộ được chân lý đại Đạo là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trong lịch sử, Phật Đà, Chúa Jesus và các bậc hiền triết khác đã từng thi triển rất nhiều thần tích. Nhưng họ đều không xuất phát từ sự ích kỷ vì lợi ích bản thân, cũng không phải muốn tạo ra những hiệu ứng mang tính giật gân.

Năm 1946, Rama khi đó 21 tuổi, đã đi tới Tây Tạng để học Tạng mật, nghiên cứu kinh điển và thiền định, hy vọng có thể từ đó chính ngộ được chân lý của vũ trụ và ý nghĩa của sinh mệnh. Năm 27 tuổi, Rama đảm nhiệm vị trí Shankacharya –  một vị trí rất cao trong tôn giáo. Nhưng hai năm sau, ông chợt giác ngộ, ông không ham muốn tìm kiếm sự thoải mái và hư vinh nên đã kiên quyết từ bỏ mọi thứ để quy ẩn nơi núi Himalayas. Ông quyết định quay trở về bên thượng sư của mình để tiếp tục nhận sự chỉ dạy.

Ông quyết định quay trở về bên thượng sư của mình để tiếp tục nhận sự chỉ dạy. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Thượng sư của Rama
Trước khi Rama ra đời, có một người bí ẩn từng xuất hiện trước cha mẹ ông, khi đó cha ông đã hơn 60 tuổi, còn mẹ cũng gần 50 tuổi. Người bí ẩn này nói với cha mẹ ông rằng: “Nếu sau này hai người có con trai, hãy để đứa trẻ bái tôi làm sư phụ”. 

Cha của Rama đáp lời: “Nếu như chúng tôi lớn tuổi thế này mà có thể sinh được con trai, thì việc đó đương nhiên sẽ không thành vấn đề”.

Quả nhiên, 8 tháng sau, họ đã hạ sinh một bé trai và đặt tên là Swami Rama. Ngày Rama chào đời, người đàn ông bí ẩn đó lại xuất hiện và muốn mang Rama đi, nhưng lúc đó mẹ Rama không đồng ý. Vài năm sau, cha mẹ Rama qua đời, Rama đi theo người bí ẩn đó lên núi Himalayas, và từ đó bước trên con đường tu luyện. Người đàn ông bí ẩn đó chính là thượng sư của Rama.

Thượng sư cho phép Rama tự mình đi trải nghiệm, lựa chọn và tự ra quyết định. Vì vậy, Rama đã từng có lối sống xa hoa như hoàng cung và quý tộc, đồng thời cũng bước lên vị trí được tôn sùng, thậm chí đã từng hoàn tục, thành gia lập nghiệp, sau đó lại xuất gia. Sư phụ của Rama vẫn luôn ở bên cạnh dõi theo từng bước của Rama đi vào trần thế, đợi tới khi Rama tự nhận ra mới kéo quay trở lại.

Trong cuốn sách của mình, Rama đề cập về mối liên hệ siêu việt tất cả giữa ông và Thượng sư của mình. Ông nói rằng chỉ dạy của Thượng sư không chỉ là biểu hiện của con người có hình dáng đang dạy dỗ mình, thượng sư còn có phía vô hình. Cũng chính là nói rằng sư phụ có thể trực tiếp kết nối với bản nguyên bên trong của đệ tử. Sự kết nối này không chỉ giới hạn vào lúc Rama tĩnh tọa nhập định mà là mỗi thời mỗi khắc trong cuộc sống đều kết nối với bản nguyên của Rama, luôn luôn chỉ bảo mỗi bước đi của ông. Mỗi khi Rama nghĩ gì, làm gì, làm cái gì đúng, làm cái gì sai, Thượng sư đều biết. Trên bề mặt, Thượng sư cũng giống như hoàn toàn sống trong nhận thức nội tại, không có khái niệm thời gian, không có nóng lạnh, cũng không quan tâm tới cơ thể bản thân. 

Vào những ngày tuyết rơi băng giá lạnh buốt, ông vẫn có thể không mặc gì mà đi lại ngoài trời, hoàn toàn không bị giới hạn bởi tất cả các lực lượng trong thế giới vật chất. Nhưng không chỉ có vậy.

Tu hành tâm linh
Một lần, Thượng sư muốn Rama nhanh chóng tới trạm xe lửa nhưng không cho mang theo tiền và nói: “Ở ga sẽ tự nhiên có vé xe để có thể lên đường, không phải lo lắng”. Kết quả Rama tới trạm xe, đột nhiên có người nói con mình không đi nữa nên đưa vé xe cho Rama, vậy là Rama lên xe lửa.

Nhiệm vụ Thượng sư giao cho Rama là tới giúp một bệnh nhân trị xuất huyết não, hay còn gọi là đột quỵ huyết khối não. Nhưng trị như thế nào thì Rama cũng không biết. Thượng sư chỉ nói với Rama rằng chỉ cần có sự yêu thương, và sờ vào mặt bệnh nhân là được. Khi đó, mũi của bệnh nhân vẫn đang chảy máu không dừng, Rama chỉ sờ nhẹ, một lát sau quả thực máu đã ngừng chảy. Lúc bấy giờ, bác sĩ của bệnh nhân cũng có mặt tại đó và chứng kiến kỳ tích này. Sự việc này vô cùng thần kỳ, đến ngay cả Rama cũng vô cùng kinh ngạc.

Khi tu hành trên núi, thông thường Rama mỗi ngày chỉ ăn một bữa: một lát bánh mì, chút rau và một cốc sữa. Một hôm có một lão hòa thượng tới xin ăn. Thượng sư muốn Rama mang đồ ăn tới đưa cho lão hoà thượng. Khi đó Rama không muốn đi bởi vì bản thân cũng đói mà thức ăn lại nhiều như thế. Sau khi tranh luận một lúc, Rama miễn cưỡng mang đồ ăn cho hòa thượng. Khi đó ông mới ý thức được rằng vị hoà thượng đó vốn đã 4 ngày không ăn, kỳ thực ông ấy còn đói hơn cả Rama. Sau khi ăn xong, vị hoà thượng nói với Rama: “Thần sẽ bảo hộ cậu. Từ giờ trở đi, trừ phi đồ ăn bày trước mặt cậu, bằng không thì cậu sẽ không cảm thấy đói. Đây là lời chúc phúc của tôi dành cho cậu”.

Khi tu hành trên núi, thông thường Rama mỗi ngày chỉ ăn một bữa: một lát bánh mì, chút rau và một cốc sữa. (Ảnh: Pixabay)

Thật bất ngờ, từ ngày hôm đó trở đi, Rama biết học cách cho đi, đồng thời không chịu sự cám dỗ và ràng buộc của đồ ăn nữa. Rama ngộ được rằng giữa tự tư và vô tư, giữa yêu và hận chỉ là một sợi dây ngăn cách nhỏ, chỉ cần vượt qua nó chúng ta sẽ có thể cảm thụ được hạnh phúc của việc xả thân vì người khác mà không cầu mong bất kỳ báo đáp nào. Và đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất, cũng là bước đi không thể thiếu được trên con đường chính ngộ. Còn người ích kỷ, tự tư không cách nào tưởng tượng được cảnh giới giác ngộ đó bởi vì họ đang ở trong sự trói buộc của tự ngã nhỏ hẹp. Vị tha là một trong những đặc điểm chung của tất cả những người vĩ đại trên thế giới. Không có sự phục vụ vô tư thì làm gì cũng không thể đạt được thành tựu. Nếu làm gì cũng xuất phát từ hành vi ích kỷ, cho dù có tinh thông muôn vàn kinh sách cũng chỉ uổng công vô ích.

Siêu vượt sinh tử
Khi Rama 20 tuổi, Thượng sư muốn rời khỏi thân thể để tiến nhập niết bàn nhưng Rama không để Thượng sư rời đi và lý luận rằng trong kinh cổ đã ghi chép rõ: Thượng sư để lại đệ tử dốt nát là có tội, phải hạ địa ngục. Thượng sư nghe vậy nên đã không rời đi. Bảy năm trôi qua, Rama nghĩ lại những lời mình từng nói với Thượng sư và cảm thấy không nên như thế, cũng không thể luôn ỷ lại vào sư phụ. Vì thế Rama tới gặp sư phụ, chưa đợi tới lúc Rama mở lời, thượng sư đã nói: “Giờ con đã sẵn sàng rồi, vậy ta có thể tự do lên đường trở về”. 

Trước khi Thượng sư rời đi, Rama thỉnh cầu khi Rama cần tới Thượng sư, nhất định hãy giúp đỡ. Thượng sư đồng ý và sau đó tọa hoá, rời đi. 

Ngày hôm sau, Rama và các đệ tử khác quyết định khiêng di thể của thượng sư đi, chuẩn bị mai táng trên đỉnh núi, cuối cùng họ vẫn không thể buông bỏ suy nghĩ, càng đi càng đau lòng, không cầm được nước mắt. Mọi người còn ước thượng sư sống lại. Không ngờ Thượng sư sống lại và giảng cho các đệ tử: “Các ngươi vẫn muốn ta sống trong thân thể này, điều này cho thấy các ngươi không cách nào vượt ra khỏi sự trói buộc của hình tướng. Nhưng việc chấp trước vào nhục thể của ta là một chướng ngại”. 

Vì vậy, những ngày sau đó, Thượng sư tiếp tục giảng dạy cho các đệ tử thể ngộ về quan hệ giữa nhục thể và linh hồn.

Cuối cùng, Rama thành tựu trong tu luyện. Khi sắp rời núi Himalayas, Thượng sư đã dạy Rama một bài học cuối. Ông nói: “Mỗi người sống trong cùng một thế giới, có mục đích giống nhau, nhưng văn hoá hoàn toàn khác nhau, phương Đông và phương Tây, vẫn đang cố gắng theo đuổi cách sống đúng đắn. Những lời dạy của các thượng sư trên núi là vĩnh hằng, không có liên quan tới quan niệm cơ bản của phương Đông, phương Tây. Con người đang nỗ lực để tiến tới một nền văn minh cao hơn, các phương pháp cực đoan không giúp được gì. Sức mạnh nội tại, lạc quan và sự phục vụ vô tư mới là nguyên tắc cơ bản của sinh mệnh. Vấn đề không nằm ở phương Đông hay phương Tây. Một người, đầu tiên cần phải là ‘con người’, một con người chân chính, là một thành viên của vũ trụ. Sự trói buộc về khu vực sẽ không thể chia tách nhân loại được. Dù là các thầy yoga lặng lẽ tu hành nơi núi Himalayas, ẩn sĩ hay thượng sư cũng vậy, những người tu hành đó ở các danh sơn đại xuyên khắp thế giới đều có rất nhiều. Mặc dù thân họ ở nơi con người thế gian, nhưng tâm đã cách xa nơi trần tục. Nhưng rất nhiều người tu hành trên núi vốn tu đã tốt, sau này bước vào quần thể xã hội nhân loại, trong dòng chảy của danh lợi lại bị cuốn đi và tự huỷ hoại chính mình”.

Những năm cuối đời của mình, Rama đã phát triển sự nghiệp triết học yoga của mình ở Mỹ, nhưng cuối cùng ông vướng vào một vụ kiện và huỷ hoại thanh danh.

Nếu như có thể ở trong xã hội phức tạp mà thật sự làm được ‘không gì lay chuyển’, với tinh thần siêu việt và phẩm đức cao thượng thì mới thực sự là bậc cao nhân. Vài nghìn năm qua, khi nhắc tới tu hành tu đạo, người ta bất giác sẽ nghĩ tới những ẩn sĩ tu luyện nơi núi sâu rừng già và các tăng nhân đạo sĩ nơi chùa miếu, xa rời thế tục, tuân theo giới luật, cưỡng chế để bản thân không tiếp xúc với bất kỳ lợi ích vật chất, từ đó khiến tâm họ dần dần siêu thoát. Nhưng cũng có câu nói đại ý rằng ẩn sĩ coi nhẹ hồng trần ẩn cư nơi núi rừng có thể vẫn chỉ là ‘ẩn’ ở trên hình thức, còn thực sự đạt được tâm cảnh quên đi lợi ích vật chất và tự ngã mà có thể gạt bỏ những quấy nhiễu huyên náo nơi thế tục, tự tại an vui, vì thế ẩn cư nơi thành thị mới là nơi thực sự thăng hoa tinh thần.
Nguồn: NTDVN – Theo Diqiukezhan


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *