Rất nhiều người “chết hụt” trên thế giới đã xuất hiện một loại trạng thái gọi là trải nghiệm cận tử. Nó rốt cục là gì? Những người trong cuộc đã nhìn thấy, nghe thấy những gì khi tiệm cận cái chết? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
(Ảnh: IBTimes India)
“Tôi đang đi xe đạp. Đột nhiên có một chiếc ô tô đâm vào tôi từ bên sườn. Tôi bị bắn ra xa 3 mét, và chấn thương sọ não bên phải. Tôi có cảm giác rằng mình sắp chết, nhưng không có gì khủng khiếp cả, chỉ có một loại một cảm giác rất nhẹ nhàng bình an ….”
“Đột nhiên tôi thấy như mình lơ lửng lên xuống trong không trung. Khi nhìn xuống, thì thấy cơ thể tôi đang quặn lại trên mặt đất. Nhưng tôi không cảm thấy đau chút nào …”
(Ảnh: moddb.com)
“Khi tôi nhìn xuống những người đang vây quanh thân thể tôi, tôi có thể nghe rõ tiếng họ trò chuyện. Ngay lúc đó, tôi vẫn đang tiếp tục chìm đắm trong cảm giác ấm áp, bình yên và tĩnh lặng”.
“Tôi thấy người nhân viên cứu thương đặt tôi lên một mảnh vải và sau đó đặt tôi lên cáng … Đột nhiên, một cảm giác tối tăm, lãnh đạm bao trùm lấy tôi, kéo tôi bật xuống và quay trở lại cơ thể mình…”
“Tôi nhớ rằng lúc ấy tôi có cảm giác thật khó chịu. Tôi thấy mình bị đẩy trở lại vào cơ thể đau đớn ấy. Tôi đã rất sốc; Tôi không thể mô tả tất cả các trải nghiệm của mình một cách chính xác, và tất nhiên điều đó làm tôi cảm thấy khá thất vọng. Bất kể tôi có nói với ai, họ sẽ nghĩ chắc rằng tôi đang có vấn đề, hoặc đầu tôi bị thương nên tôi mới bị hoang tưởng”.
(Ảnh: Parhlo)
Bạn có thể nghĩ câu chuyện này quá đặc thù chăng? Và chẳng có liên quan gì đến việc chăm sóc bệnh nhân cả? Không phải như vậy.
Câu chuyện này là trải nghiệm cận tử được miêu tả bởi một người bạn của tôi tên Jill. Trải nghiệm cận tử tiệm cận cái chết này có một số đặc điểm phổ biến. Trên thực tế, quá trình hồi tưởng của Jill rất giống với những gì nhiều người đã nói trước đây. Có thể nói rằng những người này đã cất vài bước cùng “Thần chết” trước khi quay trở lại thế giới này. Trải nghiệm cận tử (tiếng Anh: near-death experience) là một trải nghiệm được kể lại bởi một người suýt chết hoặc đã bị chết lâm sàng nhưng sau đó được cứu sống trở lại.
Mặc dù giới học thuật đã tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu, nhưng chúng tôi vẫn không biết tại sao lại xảy ra cái gọi là trải nghiệm cận tử. Tuy nhiên trải nghiệm này xảy ra với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, tín ngưỡng và quốc tịch khác nhau. Khảo sát của Gallup cho thấy khoảng 8 triệu người dân Mỹ trưởng thành từng có một trải nghiệm cận tử. Một nghiên cứu khác cho thấy có tới 38% đến 50% bệnh nhân chết lâm sàng từng có một trải nghiệm cận tử.
Nhiều người hồi tưởng lại rằng trong quá trình trải nghiệm cận tử, họ đã nhìn thấy một loại ranh giới-có lẽ đó là một dòng sông hoặc một ngọn núi, và bản năng họ mách bảo rằng họ sẽ ở lại đó mãi mãi.
10 đặc điểm của trải nghiệm cận tử
Trải nghiệm cận tử có thể tác động lớn đến cuộc sống của bệnh nhân, nhưng họ thường không muốn chia sẻ nó ra. Đối với Jill, hơn 31 năm sau vụ tai nạn xe hơi cô ấy mới kể cho tôi nghe câu chuyện của chính mình. Mặc dù, ngay cả khi ai đó muốn chia sẻ trải nghiệm của họ, thì nhân viên y tế và các thành viên gia đình có thể cho rằng đó là ảo giác hay hệ quả của việc dùng ma túy.
Trải nghiệm cận tử của mỗi người đều rất mang tính cá nhân, nhưng hầu hết những trải nghiệm đó đều có các đặc điểm chung cơ bản sau:
1. Linh hồn thoát ra ngoài
(Ảnh: Blue Dot Magazine )
Đây là trạng thái phổ biến nhất. Như Jill nói, điều đầu tiên cô có thể nhận thấy sau khi rời khỏi cơ thể là không còn cảm giác đau đớn nào. Một bệnh nhân từng nói: “Tôi đã cảm thấy rất đau đớn sau vụ tai nạn. Sau khi linh hồn tôi thoát ra ngoài, mọi thứ trở nên thật nhẹ nhàng và không còn đau đớn nữa”.
Bệnh nhân cũng có thể nói điều gì đó về trải nghiệm này: “Lúc đó tôi đang nằm trên bàn mổ, và rồi bằng cách nào đó tôi đột nhiên bay lên phía trên cùng căn phòng và quan sát được các y tá và bác sĩ bên dưới”. Ông cũng có thể mô tả chi tiết những gì các nhân viên y tế đã nói và làm.
2. Băng qua đường hầm hoặc một không gian tối tăm
Nhiều người đã đi qua một đường hầm tối hoặc không gian tối tăm trong trải nghiệm cận tử. (Ảnh: fotolia)
Người bệnh có thể nói với bạn rằng anh ta không chỉ đi qua đường hầm hoặc một không gian u tối, mà còn nghe thấy những tiếng ồn hoặc âm thanh lớn. Anh ta có thể mô tả tiếng ồn như “tiếng rít” hay tiếng “ầm ầm”. Đó là điều mà anh ta chưa bao giờ nghe thấy trước đây. Một số bệnh nhân mô tả âm thanh này như kiểu “tiếng chuông chùa”, rất tĩnh lặng và thiêng liêng.
3. Nhìn thấy ánh sáng
(Ảnh: IBTimes India)
Thông thường, khi họ nghe thấy tiếng ồn hoặc âm nhạc, họ sẽ thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Một bệnh nhân viết: “Tôi dường như bị bao phủ trong bóng tối đen kịt, và sau đó ở rìa bóng tối, thấy phát ra một luồng ánh sáng vàng rực rỡ chói lòa. Tôi nhớ rằng lúc đó tôi không cảm thấy sợ hãi, mà tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái và bình yên như thể tôi nên ở đó trước đây rồi”.
Mặc dù các bệnh nhân khác nhau có thể có các mô tả khác nhau về luồng ánh sáng này, nhưng thông thường họ đều có một cảm giác bình an và tĩnh lặng. Một bệnh nhân thậm chí từng nói: “Tôi cảm thấy như đang ở trong vòng tay của mẹ”.
4. Gặp lại những người thân và bạn bè quá cố
Hầu hết những người có trải nghiệm cận tử sẽ có khả năng giao tiếp với người thân và bạn bè quá cố của họ. Nhiều người nói rằng họ đã có một “cuộc trò chuyện” ngoại cảm với những người thân quá cố. “Tôi không thấy môi anh ấy chuyển động”, họ kể, “nhưng chúng tôi vẫn có thể giao tiếp với nhau”. Phải chăng là hiện tượng thần giao cách cảm?
Đôi khi những cuộc trò chuyện của họ với người quá cố quả thật rất khó tin. Lấy trường hợp một đứa trẻ 7 tuổi bị bệnh nặng làm ví dụ. Cậu bé nói đã nhìn thấy “Chú Harry”. Cậu bé nói rằng người đàn ông này đã nói với cậu bé rằng ông ta hơn cậu 5 tuổi khi qua đời, và đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn. Cha mẹ cậu không hề hay biết gì về bi kịch này của người “Chú Harry” cho đến khi nói chuyện với một người lớn tuổi trong họ, và xác nhận được điều này.
Hãy cùng xem xét một ví dụ khó hiểu hơn, về một vụ tai nạn xe hơi xảy ra đối với cả gia đình. Khi tai nạn xảy ra, người cha chết ngay tại chỗ, đứa con trai út thì bị hôn mê và được đưa đến khoa nhi bệnh viện, còn mẹ và anh trai thì được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Khi tỉnh dậy, cậu bé đã nói với cô y tá:
“Cháu đã chết, và lên thiên đường. Cháu đã nhìn thấy cha, thấy anh. Họ nói rằng cháu không thể ở lại đó, mà phải quay trở lại”.
Cô y tá biết rằng cha cậu bé đã chết, nhưng anh trai thì vẫn đang ở trong ICU. Khi cô gọi cho ICU, cô mới hay tin rằng người anh trai đã chết 15 phút trước.
Khi tiến nhập vào trải nghiệm cận tử, rất nhiều người đã nhìn thấy những sinh mệnh cao cấp. (Ảnh: Fotolia)
5. Nhìn thấy những sinh mệnh cấp cao
Một số người, bao gồm cả một số người vô thần, sẽ nói với bạn rằng anh ấy/cô ấy đã nhìn thấy các vị thần trong tôn giáo. Khía cạnh này trong trải nghiệm cận tử có thể khác nhau tùy thuộc vào từng nền văn hóa khác nhau, mà bệnh nhân có thể mô tả sinh mệnh cấp cao mà họ thấy là Chúa, Jesus, Đức Phật hoặc các vị thần khác trong tôn giáo.
6. Tua lại cuộc đời
Bệnh nhân có thể nói rằng họ có thể thấy toàn bộ quá trình cuộc sống trước đây, thông qua một lăng kính đặt ngay trước mặt. Các sự kiện trong cuộc đời đột nhiên xuất hiện cùng lúc và đồng thời, không nhất định tuân theo thứ tự thời gian. Đôi lúc giống như xem lại một thước phim tua lại cuộc đời mình.
(Ảnh: Freegreatpicture.com)
7. Có cảm giác bình an và tĩnh tại kỳ diệu, và không hề có cảm giác đau đớn
Bệnh nhân có thể có một, hai hoặc đến ba cảm giác khác nhau tùy theo từng người.
8. Biết rằng phải quay trở lại để hoàn thành nhiệm vụ nào đó trên Trái Đất
Đôi khi, như trong trường hợp của cậu bé nhìn thấy người cha và người anh trai đã chết, người thân và bạn bè đã chết sẽ nói với người trải nghiệm trạng thái cận tử rằng anh ta/cô ta cần phải quay trở lại. Trong những trường hợp khác, các sinh mệnh cao cấp sẽ bảo cho người đó biết rằng định mệnh của người đó chưa đến đâu, rằng người đó cần phải quay về nhân gian để hoàn thành một số việc.
Người trải nghiệm cũng có thể tự nhận thức được điều này. Lấy ví dụ, nhiều người nhớ lại rằng họ đã nhìn thấy một biên giới, có lẽ là một dòng sông hoặc một ngọn núi nào đó, và theo bản năng họ nhận ra rằng họ sẽ không thể vượt qua bờ bên kia để mãi mãi ở lại nơi này.
(Ảnh: Flickr)
9. Quay trở lại cơ thể của mình
Như Jill đã mô tả, người trải nghiệm sẽ nhắc đến việc quay trở lại thế giới này: nhìn thấy cơ thể mình, rồi sau đó linh hồn tiến nhập lại vào cơ thể, dù biết rằng cảm giác khi đó sẽ khá đớn đau.
10. Có một loại cảm giác “thấu triệt mọi điều”
Những bệnh nhân này thường nói rằng họ đột nhiên có một loại cảm giác “thấu triệt mọi điều”, và “một sự hòa hợp với vũ trụ”, nhận ra sự thật, nhận thức được tình yêu thương và nhìn thấy chân tướng vũ trụ.
Các bà mẹ từng có trải nghiệm cận tử chia sẻ rằng cảm giác này giống như “gửi đi một đứa trẻ 6 tuổi và nhân được một người trưởng thành 36 tuổi”.
Khi trở về, những người bệnh này có thể không nhớ được những gì họ đã “biết” và cảm nhận được trong trải nghiệm của họ, nhưng có vẻ họ rất mong muốn có được một hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh và các thuộc tính tâm linh của nó.
(Ảnh: YouTube)
Trải nghiệm cận tử này có phải chỉ là một dạng “ảo giác toàn cầu”?
Thông qua nghiên cứu của mình, nhà điều trị tâm lý Elisabeth Kübler-Ross, nhà tâm lý học Raymond Moody, TS Karlis Otis, giáo sư tâm lý học Kenneth Ring cùng các học giả nổi tiếng như phó giáo sư ngành di truyền học và hóa sinh Michael Sehorn và Bác sĩ Fred Schoonmaker đã xác định được rằng trải nghiệm cận tử là một hiện tượng có thực, và về cơ bản là giống nhau ở bất kỳ quốc gia hay nền văn hóa nào. Nhưng khi nghiên cứu tiếp diễn, rất nhiều tranh luận cũng xuất hiện.
Các nhà khoa học đã đề xuất nhiều cách lý giải dựa trên nền tảng sinh lý và tinh thần khác nhau để “giải thích” trải nghiệm cận tử này, bao gồm tình trạng thiếu oxy trong bộ não, sự bài tiết endorphin rất lớn trong não bộ, các phản ứng thuốc, việc thỏa mãn các ham thích tâm lý, và các loại ảo giác.
Theo nhà tâm lý học Ronald Siegel, trải nghiệm cận tử là tương tự như trải nghiệm ảo giác gây ra do một số loại thuốc. Trạng thái gây mê, ốm sốt, mệt mỏi hoặc chấn thương cũng có thể gây ra một loại trạng thái hoạt động thần kinh quá mức như vậy.
Liệu còn có cách giải thích nào khác không? Cũng có người cho rằng, trải nghiệm “nhìn thấy luồng ánh sáng” là một dạng rối loạn thị giác gây ra bởi sự thay đổi trạng thái ý thức nhất thời, hoặc một dạng ảnh hưởng của hệ thống thần kinh trung ương mô phỏng ánh sáng trong vùng võng mạc.
(Ảnh: The Epoch Times)
Các học giả khác tin rằng trải nghiệm cận tử có thể là phản ứng tâm lý đối với cái chết – một cơ chế đối phó với các tình huống chấn thương.
Tuy nhiên, những lý thuyết này lại không thể giải thích được các đặc điểm rất sống động và cụ thể của hầu hết các trải nghiệm cận tử. Trên thực tế, Kenneth Ring, giáo sư tâm lý học tại Đại học Connecticut, từ lâu đã phát hiện ra rằng càng sử dụng nhiều thuốc, thì càng ít khả năng xảy ra trải nghiệm cận tử.
Quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu hiện tại không cho thấy một mối tương quan giữa xác suất xảy ra trải nghiệm cận tử và các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tầng lớp xã hội, giáo dục hoặc nghề nghiệp. Ngoài một số đặc điểm được định hình bởi văn hóa – ví như nhìn thấy các vị thần trong tôn giáo của bản thân mình, thì trải nghiệm cận tử lại có nhiều đặc điểm khá tương đồng một cách khó hiểu trên toàn thế giới. Do đó, nếu trải nghiệm cận tử là một ảo giác, thì đây chắc hẳn phải là một “ảo giác toàn cầu”.
Do đó, nếu trải nghiệm cận tử là một ảo giác, thì đây chắc hẳn phải là một “ảo giác toàn cầu”.
Nguồn: DKN
- Kiến thức hoặc ký ức siêu thường của trẻ em có thể đến từ kiếp trước
- Bí mật kinh hoàng trong mộ hoạn quan “quái thai” nhất Trung Quốc
- Có phải chết là kết thúc của sinh mệnh? Trên trời có máy ghi hình