Đạt Ma thần thông quảng đại, vượt ngàn dặm tới Trung Quốc chỉ để tìm một người

Trong Phật giáo có câu nói rằng không phải đệ tử tìm sư phụ, mà là sư phụ tìm đệ tử. Tại đây chúng ta sẽ kể câu chuyện về một vị cao tăng đắc Đạo chỉ bằng một cọng lau mà vượt trăm sông ngàn núi để tìm truyền nhân y bát. Ông chính là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma.

Đạt Ma thần thông quảng đại, vượt ngàn dặm đến tận Trung Quốc chỉ để tìm một người (ảnh: một phần từ bức tranh “Nguyệt bách tư” của họa sĩ Nhật Bản Tsukioka Yoshinen vào thế kỷ 19)

Nam triều 480 chùa
Câu “Nam triều 280 chùa, bao  lầu gác chìm trong mưa bụi” miêu tả một cách sâu sắc cảnh tượng Phật giáo hưng thịnh thời Nam Bắc triều lúc bấy giờ. Cũng chính trong thời kỳ này, Đạt Ma, một vị cao tăng đến từ Nam Ấn Độ được sư phụ giao phó và đã đặt chân lên vùng đất Nam Hải.

Nam triều 480 chùa, bao nhiêu lầu gác chìm trong mưa bụi. (Ảnh: Tranh lụa thời nhà Thanh, do Bảo tàng Cố cung sưu tầm)

Nam Bắc triều thời đó, các địa phương khắp nơi phân tranh không ngớt, tuy Nam triều Lương Vũ Đế Tiêu Diễn thống trị một dải Trường Giang, nhưng lại có một bầu không khí khác biệt. Tiêu Diễn nổi tiếng kính tăng lễ Phật, ai ai cũng biết, nơi đây chỗ nào cũng thấy chùa miếu lớn nhỏ, sáng sớm chuông vang chiều đến trống điểm, bao trùm khắp mảnh đất này. Dường như đây là một vùng tịnh thổ cách biệt với thế gian loạn lạc bấy giờ.

Chuyến đi về phía Đông lần này của Bồ Đề Đạt Ma mang theo một sứ mệnh. Sư tôn của ông trước khi viên tịch, đặc biệt dặn dò Bồ Đề Đạt Ma: “67 năm sau khi ta viên tịch, sợ là Phật Pháp của Ấn Độ sẽ bị phá hoại. Lúc đó, con hãy đến Đông Thổ truyền Pháp, Đông Thổ có nhiều kẻ sĩ đại đức, với một khí thế rộng lớn, Phật pháp sẽ hưng thịnh ở đó. Hãy nhớ rằng, đừng đi đến miền Nam, nơi đó các bậc quân vương thích công lao sự nghiệp; mà hãy đi đến miền Bắc để truyền Pháp”. 

Chính là như vậy mà Đạt Ma mang theo sứ mệnh truyền Phật Pháp sang phương Đông, từ Quảng Châu đặt chân tới Đông Thổ. Đạt Ma nghĩ tới lui và quyết định gặp Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, để xem Lương Vũ Đế với danh xưng “Hoàng đế tăng nhân” này có thể trở thành truyền nhân y bát của ông không.

Còn Lương Vũ Đế khi nghe tin Bồ Đề Đạt Ma, truyền nhân thứ 28 của Phật Thích Ca Mâu Ni, đặc biệt từ Ấn Độ đến và có ý định bái kiến mình, trong lòng ông rất dương dương đắc ý và thầm mừng, tự nghĩ không cần phải nói, chắc hẳn do mình bao năm nay xây miếu tu Phật, danh tiếng vang xa. Ngay cả Tổ sư Đạt Ma cũng đích thân đến, nếu được vài lời khích lệ của Tổ sư Đạt Ma, vậy khỏi phải nói, sau này ta càng cần phải hoằng dương Phật Pháp. 




Vì vậy, cảnh tượng nước sạch rửa phố, đất vàng đệm đường, mọi thứ dường như chuẩn bị cho tiếp đón long trọng. Lương Vũ Đế kính cẩn lễ phép trước Đạt Ma và coi ông như thượng khách. Nhìn vị cao tăng trước mặt, Lương Vũ Đế rất vui mừng và chờ đợi Đạt Ma mở lời khen ngợi mình. Kết quả là, Bồ Đề Đạt Ma nhắm mắt lại, điềm tĩnh và không nói gì. Bầu không khí có phần lúng túng. Lúc này, một cơn gió nhẹ thổi qua, chiếc chuông gió treo trên mái hiên cũng chuyển động theo. Lương Vũ đế vẻ mặt tươi cười, không biết nói gì, cố tình phá vỡ tình cảnh lúng túng đó và nói “Gió thổi chuông động”. Bồ Đề Đạt Ma nói, đó không phải là chuông động, mà là tâm động. Một câu nói đã khiến Lương Vũ Đế nghẹn họng.

Xây miếu bái Phật không có công đức
Dần dần hai người bắt đầu đàm luận về Phật Pháp, rồi sau đó nói về “công đức.” Lương Vũ Đế lúc này đã lấy lại tinh thần, với nụ cười trên môi, ông hỏi Bồ Đề Đạt Ma: “Ha ha, trẫm cả đời này xây dựng chùa chiền rộng khắp, làm nhiều bố thí, sao chép vô số kinh văn, và hoằng dương Phật Pháp mạnh mẽ. Ngài xem, công đức của trẫm thế nào?”. 

Ông nghĩ Bồ Đề Đạt Ma sẽ phải tán thán, khen ngợi mình. Không ngờ, Đạt Ma còn không nhìn Lương Vũ Đế và nói: “Không có công đức”.

Lương Vũ Đế Tiêu Diễn. (Ảnh: Tranh thời Đường, Bộ sưu tập Bảo tàng Cung điện Quốc gia)

Lương Vũ Đế nghe vậy không biết nói gì, trong lòng thầm nghĩ, vị cao tăng Ấn Độ này thật không biết ăn nói! “Vậy theo lời Ngài nói, làm như thế nào mới được coi là có công đức?”. 

Lương Vũ Đế nghĩ trong lòng rằng chỉ cần ông nói ra, ta sẽ có cách làm được. Bồ Đề Đạt Ma mỉm cười đáp: “Việc Ngài làm chỉ là hữu vi, là hình thức và công đức nhỏ bé không đáng nhắc đến; giống như bóng người, vừa giống như hoa trong gương, trăng trong nước, nhìn dường như có mà thực tế là không có. Công đức đích thực là trí huệ Phật Pháp mỹ diệu viên dung, quên bản thân mình và đạt đến cảnh giới không tịch vô ngã. Công đức đó không phải dựa vào hành động hữu vi của thế tục mà có thể cầu”. 

Lương Vũ Đế nghe vậy lo lắng, ông nghĩ, là sao vậy? Chỉ dựa vào một lời nói của ông, hóa ra tất cả những việc tôi làm, xây chùa, tụng kinh bao năm qua đều là vô ích! Điều này là không thể. Sau đó Lương Vũ Đế hỏi tiếp: “Xin hỏi đại sư, chân lý cao nhất mà các bậc Thánh nhân cầu là gì?”.
Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Vốn cùng tính, kỳ thực không có Thánh không có hiền”.




Điều đó có nghĩa là tất cả chúng sinh đều bình đẳng, người người đều có Phật tính. Trong con mắt của Phật gia, người phàm và Thánh nhân đều bình đẳng, chẳng qua đều là dính mắc vào danh lợi tình của thế gian.

Lương Vũ Đế nghĩ, nếu như Thánh nhân và phàm nhân đều giống như Ngài nói, vậy tôi phải hỏi Ngài, Ngài là Thánh nhân hay phàm nhân?

“Vậy thì người đang nói chuyện với tôi và trước mặt tôi này là ai?!” 

Bồ Đề Đạt Ma trả lời dứt khoát: “Tôi cũng không biết người này”.

Lương Vũ Đế nghe vậy, trong lòng cảm thấy bực bội, tự hỏi không biết đây có phải là một vị cao tăng đến từ Ấn Độ không? Đây rõ ràng là chỉ chuyên đi bác bỏ người khác! Trên thực tế, những lời nói của Đạt Ma đều có nguồn gốc của nó. Năm đó, khi Đạt Ma là Thái tử của “Hương Chí Quốc” Nam Ấn Độ, trong lòng ông có một điều băn khoăn: “Khi tôi chưa sinh ta, ai là tôi, khi tôi sinh ra, tôi là ai?”. 

Để giải đáp nghi vấn trong lòng, Thái tử bèn xuất gia tu hành, Pháp hiệu là Đạt Ma. Theo lý, Đạt Ma lúc đó vẫn chưa đạt đến cảnh giới viên mãn, và thực sự không thể nhận ra trạng thái sinh mệnh cuối cùng của mình, nên ông buột miệng trả lời rằng không biết. Nhưng Lương Vũ Đế nào có ngộ tính như vậy. Cuối cùng, hai người càng nói chuyện càng không thể cùng nhau nói chuyện. Cuối cùng, Lương Vũ Đế thắng thắn buông một câu “nói chuyện không hợp”, đứng dậy phất áo bỏ đi.

Không ngờ cuộc gặp gỡ lịch sử lại kết thúc chẳng vui như thế này. Bồ Đề Đạt Ma lúc này trong lòng cũng hiểu được rằng vị Hoàng đế được thế nhân ca tụng nhất tâm tu Phật như Lương Vũ Đế, cũng chẳng qua chỉ theo đuổi hình thức, cũng không phải là một người chân tu, càng không thể là truyền nhân y  bát của mình được. Nhớ lời dặn của Sư phụ trước lúc lâm chung, Bồ Đề Đạt Ma rời đô thành của Lương Vũ Đế và tiếp tục đi lên phía Bắc …

Lương Vũ Đế đem câu chuyện về cuộc gặp gỡ của mình kể với vị quốc sư thân cận. Quốc sư lại là một vị cao tăng tu luyện có tố chất, khi nghe thấy bất thường, liền vội hỏi vị cao tăng này hiện ở đâu? Lương Vũ Đế nói không biết, và đoán có thể đã rời đi rồi. Quốc sư niệm lớn: “A Di Đà Phật. Đạt Ma Pháp sư chính là cao tăng đắc được Phật Pháp chân truyền, chuyến đi này nhất định là vì hoằng dương Phật Pháp mà tới”. 




Nghe quốc sư nói, Lương Vũ Đế cũng cảm thấy dường như mình quá lỗ mãng, bất kính với cao tăng. Phải làm sao đây? Ông liền vội hạ lệnh sai kỵ binh đuổi theo, dù thế nào cũng phải mời Tổ sư Đạt Ma trở về.

Vượt sông bằng một cọng lau
Khi ra khỏi cung điện, Bồ Đề Đạt Ma ngày đêm vội đi lên phương Bắc. Một hôm, khi đang đi bộ, có một con sông lớn xuất hiện trước mặt và chặn đường ông, chỉ thấy nước chảy xiết, sóng lớn cuộn trào, chợt nghe phía sau lưng vang lên tiếng đoàn người, ngựa. Bồ Đề Đạt Ma quay đầu nhìn lại xem, quả nhiên là kỵ binh do Lương Vũ Đế phái đến đuổi theo. Lúc này, Bồ Đề Đạt Ma quyết định rời đi, thuận tay bẻ một cây sậy bên sông, huơ tay một cái, ném xuống sông, tung người nhảy lên cây sậy, đạp gió rẽ sóng, vội hướng về phía bên kia sông mà đi. Mấy chục kỵ binh đuổi sau ngây người ra đứng nhìn.

Truyền y bát Thiếu Lâm Tự 
Thiếu Lâm Tự được đặt theo tên của Thiếu Thất Sơn thuộc Ngũ Nhạc Tung Sơn, dãy núi sừng sững tầng tầng lớp lớp, rậm rạp. Khi Bồ Đề Đạt Ma đến đây, ông cảm thấy tâm tình rất khoan khoái, cửa Phật thanh tịnh, bên trong ắt cũng vậy. Thế là ông bước vào trong Thiếu Lâm Tự. Vừa nghe tin cao tăng Bồ Đề Đạt Ma người Ấn Độ đích thân đến chùa Thiếu Lâm, chùa đã chuẩn bị sẵn sàng, phương trượng trụ trì vội vàng dẫn các sư đến xếp thành hàng nghênh đón. Nhà bếp chuẩn bị một bữa ăn chay tươm tất và dọn dẹp thiền phòng. Lão phương trượng liên tục 3 lần thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma giảng Pháp cho các nhà sư, chỉ thấy Bồ Đề Đạt Ma ngồi trên giảng đàn cả canh giờ và không nói một lời, đột nhiên đứng dậy rời chỗ bỏ đi, bỏ lại sau lưng các tăng nhân đang nhìn nhau ngơ ngác. Ai cũng không hiểu đây là trường phái kinh nào.

Bồ Đề Đạt Ma dùng phương pháp này để điểm hóa cho mọi người rằng căn bản của tu luyện nằm ở việc an tĩnh, hướng vào nội tâm mà tu luyện bản thân, chứ không phải ở hình thức bề ngoài sôi nổi, chỉ là không ai trong các tăng nhân có thể lĩnh hội được. Đây chính là không có duyên phận. Bồ Đề Đạt Ma cảm thấy truyền nhân của mình đang ở trong Thiếu Lâm Tự này, có lẽ người này chưa tới, hoặc là trình độ tu luyện của mình chưa đủ để chọn truyền nhân. Vì vậy, Bồ Đề Đạt Ma đả tọa nhập định trong một sơn động sau Thiếu Lâm Tự. Tin tức này lan ra, và mọi người đều biết rằng một hòa thượng ở nước ngoài đã đến chùa Thiếu Lâm và ông vẫn đang tọa thiền bất động ở đây.

Lần ngồi này là 9 năm, thời gian trôi qua, trên người ông bám lớp bụi dày, cỏ mọc khắp thân, cả bóng người in trên đá. Một hôm, một tăng nhân vì sự ngưỡng mộ đã đến nơi này, không nói một lời, quỳ sụp trước hang động của Bồ Đề Đạt Ma rất lâu không đứng dậy. Hôm đó trời đổ bão tuyết, tuyết rơi càng lúc càng nặng, sáng hôm sau liền nhìn thấy hòa thượng ở bên ngoài sơn động, nửa người bị tuyết vùi lấp, chỉ có thân trên vẫn đứng thẳng trong tuyết, kính cẩn lễ phép. Lúc này, Bồ Đề Đạt Ma nói: “Ngươi đã quỳ trong gió tuyết lâu như vậy, ngươi có gì muốn hỏi ta?”.




Vị tăng nhân vội nói: “Đệ tử có nguyện vọng, xin Sư tôn thu nhận con làm đệ tử. Quảng truyền Phật pháp, phổ độ chúng sinh.”

Bồ Đề Đạt Ma nói: “Phật Pháp là Đại Pháp diệu Đạo vô thượng, làm sao có thể dễ dàng thu đồ đệ nhận truyền nhân? Trừ khi tuyết rơi từ trên trời chuyển sang màu đỏ”. 

Vị tăng nhân suy nghĩ rồi đưa con dao từ trong ngực lên, chặt đứt cánh tay trái của mình, những tia máu tươi phun ra, lập tức nhuộm đỏ cả lớp tuyết, đồng thời tay phải cung kính đặt cánh tay vừa chặt đứt trước mặt Bồ Đề Đạt Ma để thể hiện thành ý và quyết tâm tu luyện của mình. Cuối cùng, Bồ Đề Đạt Ma cảm động trước sự thành kính và dũng cảm của vị tăng nhân này, hứa thu nhận làm đệ tử và đặt cho pháp hiệu là Huệ Khả. Đây là vị nhị tổ của Thiền Tông, và hai người họ cũng đã kết duyên sư đồ ân từ đó.

Huệ Khả cung kính đặt cánh tay chặt đứt trước mặt Bồ Đề Đạt Ma để thể hiện lòng thành và quyết tâm tu tập. (Ảnh: Họa sĩ Nhật Bản thế kỷ 15 Tuyết Châu “Huệ Khả chặt tay”)

Có người đã tổng kết điển cố này trong một câu đối: “một cọng lau vượt sông đi đâu, 9 năm trời diện bích đợi người”.


Một chiếc giày đi về phía Tây
Theo ghi chép lịch sử, sau khi Bồ Đề Đạt Ma truyền y bát cho Huệ Khả ở Thiếu Lâm tự, ông đã đến Định Lâm tự dưới núi Hùng Nhĩ để giảng Pháp trong 5 năm và viên tịch vào tháng 12 năm thứ hai của Lương Vũ Đế Đại Đồng (năm 536) ở tuổi 150. Lương Vũ Đế Tiêu Diễn đã đích thân viết bia văn với dòng chữ “Nam triều Bồ đề Đạt Ma Đại sư tụng tịnh tự” để tưởng nhớ Đạt Ma đại sư.

Chuyện kể rằng mấy năm sau có người gặp Bồ Đề Đạt Ma ở Tây Vực, tay cầm gậy Thiền, treo một chiếc giày đi trở về phương Tây. Hoàng đế nghe đến đây thì cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hạ lệnh cho người đến đào mộ Bồ Đề Đạt Ma, trong quan tài chỉ tìm thấy một chiếc giày. Lúc này, người ta càng tin rằng Bồ Đề Đạt Ma đã tìm được truyền nhân của mình ở Trung Quốc và hoàn thành sứ mệnh, công thành viên mãn.

Nguồn: NTDVN – Theo Cổ Phong – SOH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *