Chén Thánh và những thánh vật nổi tiếng trong Công giáo sở hữu quyền năng siêu thường

Hàng loạt những câu chuyện kì lạ, những sự kiện và hiện tượng huyền bí liên quan đến các Thánh tích trong Công giáo cho đến nay vẫn không hề mất đi tính thời sự.

Ảnh: YouTube/Beyond Science

Phép lạ thường được coi như bằng chứng xác thực những lời dạy trong Công giáo. Theo tín ngưỡng Công giáo, mục đích của Chúa khi thực hành các phép lạ là để thuyết phục những người hoài nghi về sự tồn tại chân thực của Thần. Trên thực tế, đối với Giáo hội Công giáo, một phép lạ chỉ được ghi nhận là một phép lạ khi nó góp phần củng cố đức tin và xác minh tính chân thực của các lời dạy Công giáo.

Lịch sử Công giáo đã ghi nhận rất nhiều hiện tượng thần kỳ, một số trong đó không phải được thực hiện bởi Chúa Giê-su hay các Thánh đồ, mà bởi một số thánh tích. Thánh tích (hay Thánh vật) là một phần thân thể (ví dụ như xương), bộ áo của các thánh nhân, hoặc thứ gì đó mà họ sở hữu, được giữ lại sau khi họ qua đời và được tôn kính trong tôn giáo. Rất nhiều thánh tích từ những thời kỳ cổ xưa trong Kinh Thánh đã được lưu giữ và bảo quản ở những nơi bí mật, sau này được tình cờ phát hiện bởi các tín hữu.
Bỏ sang một bên các nghi vấn xoay quanh những thánh tích này, dưới đây là 5 di vật Công giáo được cho là sở hữu các năng lực siêu thường.

1. Tấm huy chương của Đức mẹ

Tấm huy chương của Đức mẹ Mary. Ảnh: Novena.com

Thánh vật đầu tiên trong danh sách là Chiếc huy chương Thần kỳ. Sơ Catherine Labouré, một nữ tu người Pháp từ thế kỷ 19 ở Paris, đã nhìn thấy hình tượng Đức Mẹ hiển linh trong nhà thờ. Bà đã truyền đạt lại thông điệp của Đức Mẹ, rằng hãy làm ra những chiếc huy chương mang dấu ấn của Người, và những người đeo chiếc huy chương này quanh cổ sẽ nhận được phước lành to lớn.

Đức Mẹ hiển linh, truyền đạt thông điệp cho Sơ Catherine Labouré về việc làm chiếc huy chương in dấu ấn của Người. Ảnh: jeanmheimann.com




Sau 2 năm quan sát và ghi nhận hành vi, thông điệp của Sơ Catherine rốt cục đã được chấp thuận, công việc đúc huy chương được trao cho thợ rèn Adrien Vachette.

Những chiếc huy chương đầu tiên được chế tạo vào năm 1832 và được phân phát ngay tại Paris. Theo như câu chuyện được kể lại, phước lành mà Đức mẹ Mary đã hứa bắt đầu xuất hiện gần như ngay tức khắc đối với những ai đeo tấm huy chương, và không lâu sau, người dân Pháp bắt đầu xôn xao để có cho mình một “Tấm huy chương Thần kỳ”. Kể từ đó, việc đeo huy chương in hình Đức Mẹ đã lan truyền sang các nơi khác trên thế giới, và cho đến nay, nhiều tín đồ sùng đạo vẫn tiếp tục đeo Tấm huy chương Thần kỳ này, họ tuyên bố đã nhận được phước lành đặc biệt từ Chúa.

Tấm huy chương Thần kỳ. Ảnh: Children’s Rosary

Sơ Catherine mất năm 1876, thọ 70 tuổi. Sau nhiều năm, thân thể bà vẫn như mới, không hề có dấu hiệu bị phân hủy (gọi là nhục thân bất hoại), do đó vào năm 1947 (71 năm sau khi mất) bà đã được phong thánh bởi Giáo hoàng Pius XII. Thân thể bà hiện được đặt trong lồng kính trong Nhà nguyện Đức Mẹ tại số 140 Rue du Bac, Paris, bên dưới một trong những nơi Đức mẹ từng hiển linh trước mặt bà.




Trái: Thánh Catherine Labouré, Phải: Nhục thân bất hoại của Thánh Catherine Labouré. Ảnh: ĐKN

2. Tấm áo choàng thần kỳ in hình Đức mẹ Guadalupe

Ảnh: Crossroads Initiative

Tấm áo choàng thần kỳ in hình Đức Mẹ Guadalupe (một tước hiệu của Đức Mẹ Mary – ấn chứng cho sự hiển linh của Đức mẹ ở Guadalupe, Mexico) là chủ đề đã thu hút nhiều nghiên cứu từ năm 1751 và rất nhiều đánh giá khoa học trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cho tới nay, di vật này vẫn làm giới khoa học đau đầu.

Giáo hội Công giáo kỷ niệm Lễ hội Đức mẹ Guadalupe vào ngày 12/12 hàng năm, dịp này đánh dấu ngày Đức Mẹ Mary hiện lên trước mặt người nông dân tên Juan Diego ở Mexico vào năm 1531. Theo ghi chép xác thực sớm nhất về sự việc này, Đức Mẹ đã xuất hiện vài lần trước mặt Juan Diego, yêu cầu ông đi nói với Giám mục xây dựng một nhà thờ tại nơi đó để thờ phụng. Tổng giám mục nghe tin, đã yêu cầu ông quay trở lại đồi Tepeyac để nói với người phụ nữ lạ là hãy cho một dấu hiệu để chứng minh. Đức mẹ đã chấp thuận, bà đã hóa phép để khiến hình ảnh của mình được in một cách kỳ diệu lên chiếc áo choàng tilma của Juan Diego, và ông đã mở nó ra trước sự ngỡ ngàng của Đức Tổng giám mục. Hình tượng Đức Mẹ trên tấm áo choàng tilma về sau được biết đến dưới cái tên “Đức Mẹ Guadalupe”.

Đức Mẹ xuất hiện trước mặt người nông dân Juan Diego. Ảnh: Catholic Tradition




Khi Juan Diego mở tấm áo choàng ra, một hình tượng Đức Mẹ kỳ diệu xuất hiện. Ảnh: Youtube

Cho đến nay, tấm áo choàng in hình Đức Mẹ vẫn là một di vật bí ẩn và kinh ngạc. Theo một số chuyên gia, di vật này có các đặc tính mà không ai có thể bắt chước được. Nhiều bản sao hình tượng Đức Mẹ đã được chế tác để xác thực tuyên bố này, người ta nhận thấy trong khi các bản sao bị hư hỏng xuống cấp trong một thời gian ngắn, nhưng tấm áo choàng nguyên gốc vẫn trường tồn theo thời gian và duy trì được chất lượng bảo quản hoàn hảo mãi cho đến tận bây giờ. Thậm chí khi các phần phụ thêm được bổ sung vào bức tranh bị hư hại (các lá vàng được gắn lên các tia hào quang phát ra từ người Đức Mẹ bị bong tróc, các lớp sơn màu bạc gắn lên hình ảnh mặt trăng bị biến màu), thì phần tranh nguyên gốc trên tấm tilma hoàn toàn không bị nứt nẻ hay bong tróc, cho thấy chất lượng tuyệt vời không thể lý giải của hình tượng Đức Mẹ trên tấm tilma.

Nhiều bản sao đã được chế tác, nhưng không thể bắt chước được các đặc tính kỳ diêu của tấm tilma nguyên bản. Ảnh: YouTube

Tấm tilma in hình tượng Đức Mẹ Mary cũng được cho là bất khả hủy, sau khi “sống sót” qua hai sự kiện mà theo logic thì đã có thể hoàn toàn hủy hoại thánh vật này. Lấy ví dụ, vào năm 1921, một phần tử cực đoan chống giáo hội đã giấu một quả bom trong nhà thờ đặt tấm áo choàng ở Guadalupe. Khi bom phát nổ, gần như tất cả mọi thứ bị vỡ tan, chỉ ngoại trừ tấm tilma in hình Đức Mẹ. Tại khu vực gần nơi đặt tấm áo choàng, một cây thánh giá bằng đồng đã bị biến dạng, cong ngược lại bởi sức mạnh từ vụ nổ.

Ảnh: wikipedia.org




Tấm tilma nguyên gốc in hình Đức Mẹ, được treo trang trọng trên bàn thờ cao tại nhà thờ Guadalupe. Ảnh: Wikipedia

3. Bửu huyết của Thánh Januarius

Ảnh: Aleteia

Thánh vật thứ 3 trong danh sách là Bình đựng máu của Thánh Januarius. Khoảng đầu thế kỷ 4, Thánh Januarius là giám mục tại thành Beneventum ở Italy, ngài đã tử vì đạo trong cuộc bức hại đẫm máu các tín đồ của Hoàng đế Diocletian.

Một bình đựng máu khô của ngài đã được bảo quản và lưu giữ cho đến ngày nay tại nhà thờ thành phố Napoli, và Ngài là vị thánh bảo hộ thành phố này. Cứ vào 3 thời điểm xác định hàng năm, máu đựng trong bình sẽ hóa lỏng, đây được coi là một phép lạ. Có hàng nghìn người từ khắp nơi tụ tập đến để chứng kiến phép lạ này.

Trái: Thánh Januarius, Phải: Bình đựng máu của ông. Ảnh: Ancient Pages

Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng.
Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.




Trận động đất đã xảy ra vào năm 1980 tại Napoli, khiến 2500 người thiệt mạng. Thời điểm đó máu đựng trong bình không hóa lỏng. Ảnh: TrekEarth

Sự việc gần đây nhất đáng lưu ý là vào ngày 16 tháng 12 năm 2016, khi bửu huyết của Thánh Januarius đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một ngọn núi lửa ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.

Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Ảnh: Getty

4. Cây giáo định mệnh

Trong sự tích Công giáo, Cây giáo Thánh, cũng được gọi là Cây giáo Định mệnh (hay Cây thương Định mệnh), là cây giáo mà một binh sĩ La Mã tên Longinus đã dùng để đâm vào sườn bên phải của Chúa Giê-su khi Ngài bị treo trên cây thập tự.

Binh sĩ La Mã Longinus dùng cây giáo đâm vào sườn Chúa Giê-su. Ảnh: hubpages.com

Các hiệp sĩ Công giáo đã phát hiện được cây giáo này tại thành cổ Hy Lạp Antioch (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) trong Cuộc thập tự chinh thứ nhất vào năm 1098. Truyện kể rằng, khi các hiệp sĩ bị quân Saracen bao vây trong thành, họ đã tìm thấy báu vật này trong Nhà thờ Thánh Peter. Được tiếp thêm một nguồn sức mạnh vô hình kỳ lạ, họ đã đánh đuổi quân địch thành công ra khỏi thành. Theo truyền thuyết, bất cứ ai có được cây giáo này và giải mã được bí ẩn bên trong sẽ sở hữu một nguồn sức mạnh siêu nhiên, cho phép người đó chinh phục thế giới.




Quân địch đông ngùn ngụt bao vây thành Antioch, và các hiệp sĩ Công giáo phải cố thủ bên trong. Ảnh: Wikimedia

Các hiệp sĩ Công giáo may mắn phát hiện được Cây giáo Thánh, và đã đẩy lùi được quân địch. Ảnh: Wikimedia

Hiện có một vài thánh vật ở một số nhà thờ Châu Âu được cho là Cây giáo chân thật. Tuy nhiên, cây giáo được trưng bày tại Bảo tàng Báu vật Hapsburg (Hapsburg Treasure House Museum) ở Viên (Áo) được cho là đáng tin cậy nhất.

Di vật cụ thể này được biết đến với cái tên Cây giáo Constantine, và nó đã trở thành biểu tượng cho quyền lực đế vương của các Hoàng đế La Mã Thần Thánh lúc đăng quang. Cây giáo này được cho là từng nằm trong tay nhiều nhà lãnh đạo quân sự tài ba, như 3 hoàng đế La Mã Theodosius, Charlemagne và Frederick Barbarossa.

Từ trái sang phải: 3 hoàng đế La Mã tài ba Charlemagne, Theodosius và Frederick Barbarossa. Ảnh: ĐKN

Từng có một giả thuyết cho rằng Hitler cũng từng nắm trong tay cây giáo này trong những chiến dịch quân sự thành công nhất của ông ta.

Ảnh: Youtube




5. Chén Thánh

Chén Thánh có thể là một khái niệm không quá xa lạ với nhiều người ngoại đạo, nhất là khi nó được lấy làm chủ đề trong nhiều bộ phim truyền hình ăn khách, bom tấn, như Indiana Jones và Cuộc Thập Tự Chinh Cuối Cùng.

Truyền thuyết về Chén Thánh được phổ biến qua sách vở bắt đầu từ thế kỷ 12, đặc biệt trong các câu chuyện liên quan đến các Hiệp sĩ Camelot phục vụ dưới trướng vị vua huyền thoại Arthur của Anh Quốc.

Chén Thánh và các Kị sĩ Bàn tròn. Ảnh: Atlas Obscura

Hầu hết mọi người cho rằng Chén Thánh chỉ có một. Tuy nhiên, theo một số học giả, thống kê từ các truyền thuyết ở Châu Âu về chiếc cốc đặc biệt này trong giai đoạn thế kỷ 12-15 cho thấy có tổng cộng hơn 10 chiếc Chén Thánh.

Theo sử sách Công giáo, Chén Thánh chính là chiếc cốc được Chúa Giê-su dùng trong Bữa tối Cuối cùng trước khi Ngài bị quân La Mã hành hình. Chiếc cốc này cũng được cho là chiếc cốc mà Thánh Joseph xứ Arimathea đã dùng để hứng máu và mồ hôi của Chúa Giê-su sau khi Ngài được hạ xuống từ cây Thập tự.

Chén Thánh là chiếc cốc mà Chúa Giê-su đã dùng trong Bức tối Cuối cùng. Ảnh: leiturasdahistoria.com.br

Truyện kể rằng, Joseph đã bị giam vài năm sau khi bày tỏ niềm tin kiên định vào Chúa Giê-su. Sau khi được thả, ông đã đến Anh Quốc, mang theo mình Chén Thánh, và khi ông mất, chiếc chén được truyền lại cho hậu nhân. Theo truyền thuyết, chiếc chén có các năng lực thần kỳ, nếu một người tốt uống nước đựng trong chén hoặc thậm chí chỉ cần chạm vào nó, họ sẽ được chữa khỏi bệnh, được khai sáng tâm linh, thậm chí trở nên bất tử.

Ảnh: wikia.com

Có rất nhiều di vật có liên hệ với Chúa Giê-su và tín ngưỡng Công giáo được ghi nhận trong lịch sử. Tính xác thực của rất nhiều di vật này cũng như sức mạnh huyền diệu và siêu thường của chúng vẫn đang được tranh cãi rất sâu sắc cho đến nay. Tuy nhiên, lòng tin kiên chắc của các tín hữu vào những di vật và phép lạ không nên bị xem thường. Rốt cục, các phép lạ, như bình máu hóa lỏng của Thánh Januarius, hay hiện tượng nhục thân bất hoại của các Thánh, vẫn đang tồn tại và hiện hữu một cách rất chân thực.


Dù vậy, một điều quan trọng cần phải nhớ là, niềm tin, tín ngưỡng hay lòng tôn kính của các tín đồ về cơ bản không phải dành cho các đồ vật vô tri vô giác, mà là dành cho các nhân vật mà chúng có liên hệ. Và lòng tôn kính đối với nhân vật tôn giáo đó cũng gián tiếp chính là lòng tôn kính đối với Thiên Chúa. Do đó, các phép lạ và khả năng chữa trị gắn liền với các di vật này không phải nằm ở sức mạnh độc lập của chúng, mà là ở sự linh thiêng của nhân vật mà chúng đại biểu (Chúa Giê-su, Đức Mẹ Maria, v.v…).
Nguồn: ĐKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *