Theo lý giải mới đây của một chuyên gia, trải nghiệm cận tử là một trải nghiệm xác thực gây ra bởi sự giảm hoạt động trong não của người sắp chết.
Khi một số người gần với cái chết và sau đó “bất ngờ” hồi sinh, họ có thể báo cáo cảm giác về thế giới bên kia hoặc một dạng sống nào đó sau khi chết. Điều này có thể bao gồm cảm giác bị tách rời khỏi cơ thể của họ, nhìn thấy những người thân yêu đã qua đời, các nhân vật tôn giáo hoặc nhìn lại cuộc sống của họ.
Có đến 1/10 người trải qua trải nghiệm cận tử cho biết thường cảm thấy hưng phấn, một số người có cảm giác mới về tôn giáo và thế giới bên kia.
Tuy nhiên, Christof Koch, chủ tịch của Viện Khoa học Não bộ Allen hiện đã tiết lộ rằng trải nghiệm cận tử kỳ lạ không phải là dấu hiệu của thiên đường mà là do bộ não đang cạn kiệt năng lượng, tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp cho cái chết sắp xảy ra.
“Tôi chấp nhận thực tế của những trải nghiệm cảm nhận mãnh liệt này. Chúng chân thực như bất kỳ cảm giác chủ quan hay nhận thức nào khác. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà khoa học, tôi cho rằng tất cả những suy nghĩ, ký ức, giới luật và kinh nghiệm của chúng ta là hậu quả không thể chối cãi của nhân quả tự nhiên với bộ não thay vì bất kỳ lực lượng siêu nhiên nào. Trừ khi có bằng chứng phi thường, hấp dẫn hoặc khách quan ngược lại, tôi không thấy có lý do gì để từ bỏ giả định này.
Cái chết liên quan đến việc mất chức năng não không hồi phục. Khi não bị thiếu lưu lượng máu và oxy, bệnh nhân có thể sẽ rơi vào trạng thái chết lâm sàng và có điện não phẳng. Trong khi đó, tâm trí có chất nền là bất kỳ tế bào thần kinh nào vẫn có khả năng tạo ra hoạt động điện, thực hiện những gì nó luôn làm đó là kể một câu chuyện được định hình bởi kinh nghiệm, ký ức và văn hóa của con người”, Christof Koch cho biết.
Nghiên cứu trước đây của Đại học Western và Đại học Liège, Bỉ, cũng đã tìm thấy bằng chứng định lượng rằng hầu hết mọi người phản ứng tích cực với trải nghiệm cận tử. Nghiên cứu cho thấy sau một lần trải qua trải nghiệm cận tử, mọi người có xu hướng giảm sự sợ hãi về cái chết và ít quan tâm đến các chức năng vật chất. Họ cũng có xu hướng ít cạnh tranh hơn và ít quan tâm đến tình trạng cá nhân của họ.
Nguồn: Dantri