“Những người sắp nhảy cầu thường có “mùi” không giống những người bình thường. Họ có vẻ mặt u sầu và nhìn “đắm đuối” dòng sông Hồng chảy siết…”
“Ngửi mùi” người sắp chết
Cầu Long Biên – cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành, là một trong những biểu tượng đã đi vào lòng biết bao nhiêu thế hệ.
Cây cầu này cũng là nơi các cặp tình nhân chọn là điểm “đóng dấu” tình yêu bằng những chiếc khóa sắt tình yêu không thể tách rời trên lan can cầu. Không hẹn mà gặp, cầu Long Biên là “nơi bắt đầu” cho những mối tình đẹp như thơ của nhiều bạn trẻ nhưng ít ai biết rằng, cây cầu sắt cổ kính hàng ngày vẫn rung rinh với hàng chục chuyến tàu hỏa đi lại liên tục cũng “rơi nước mắt” khi “chứng kiến” nhiều người dại dột gieo mình vào vùng nước xoáy của sông Hồng để chấm dứt cuộc sống…
Cầu Long Biên còn có một tên gọi khác: “”Nơi bắt đầu và nơi kết thúc” – Ảnh: Internet
Trong cái không khí se lạnh của buổi tối mùa thu, tôi lang thang trên cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành và được nghe những câu chuyện “lạnh xương sống” mà có lẽ ít người biết.
Vào mùa này, gió trên cầu Long Biên vào buổi tối rất lạnh. Nếu không có áo rét mỏng, người ngồi uống nước trên cầu có lẽ sẽ rét run cầm cập.
Đồng hồ trên tay tôi lúc đó đã điểm 11h đêm, khi các cặp tình nhân đã vãn bớt, tôi vẫn ngồi một mình ngắm dòng sông Hồng đen kịt phía dưới và nhìn về phía cầu Chương Dương với dòng người đang vội vã đi về nhà…Bỗng có tiếng phụ nữ lanh lảnh nói sau lưng tôi: “Cháu ơi, cháu có chuyện buồn à?”. Người hỏi tôi thì ra chính là người phụ nữ bán nước ngồi cách tôi vài mét.
Đương nhiên, tôi không hề có chuyện gì buồn mà chỉ muốn đi một mình để thư thái đầu óc. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, câu hỏi của người phụ nữ kia bỗng khiến tôi thấy tò mò và có một cảm giác rất lạ. Tôi trả lời: “Cháu đang mệt thôi”. Ngay lập tức, người phụ nữ bán nước đã trung tuổi với gương mặt khắc khổ nói tiếp: “Cháu ra đây nói chuyện với bác được không?”.
Quán nước ở giữa cầu Long Biên thường xuyên chứng kiến những vụ nhảy cầu tự tử thương tâm
Tôi di chuyển vị trí đến ngồi sát chỗ người chủ quán nước đang dần thu dọn đồ đạc để về nghỉ.
Sau một vài lời hỏi han, người con của người phụ nữ bán nước trên tay vẫn đang nướng những cái ngô cuối cùng cho khách bắt đầu cởi mở hơn với tôi. Không khí lành lạnh của đêm thu càng làm cho những câu chuyện của hai mẹ con người bán nước thêm phần “lạnh lẽo” với tôi.
Qua lời kể của hai mẹ con, tôi suýt “ngã ngửa” khi họ cho biết tưởng tôi có ý định “nhảy cầu” tự tử nên mới gọi tôi lại nói chuyện để “khuyên can” dần dần.
Thì ra, ngay tại vị trí của tôi ngồi ban đầu chính là nơi không biết bao nhiêu nam thanh, nữ tú đã tự kết liễu cuộc đời của mình dưới dòng sông Hồng tối đen như mực vào đêm hôm khuya khoắt.
“Chính tại chỗ cháu ngồi lúc nãy, có rất nhiều người đã quyết định chấm dứt cuộc sống của mình mãi mãi đấy… Nhìn biểu hiện của cháu, cô cứ tưởng cháu cũng…. ”, người phụ nữ bán nước thở dài não nề nhưng dường như có pha chút vui mừng vì tôi không có ý định đầy xa lạ kia.
Tiếp lời người mẹ, người con trai tầm ngoài hai mươi tuổi tên Quân nói tiếp:
“Ở đây có rất nhiều người đã quyên sinh dưới dòng nước sông Hồng dưới kia. Không hiểu sao, quán nhà mình lại là điểm được những người vắn số “thích thú” đến vậy”. Vừa kể, Quân vừa lẩm nhẩm tính: “Năm ngoái, có 13 vụ tự tử thì có 4 bạn nam và 9 bạn nữ. Còn năm nay từ đầu năm đến giờ, mình đã chứng kiến đến 11 vụ. Mới đầu giờ chiều nay thôi cũng có một vụ tự tử bất thành. Thời gian đầu mới lên cầu bán hàng, mình và mẹ nhiều lần mất ăn mất ngủ vì bị ám ảnh quá nặng. Nhưng sau này cũng quen dần và có thể phát hiện được những người có ý định tự tử để tìm cách khuyên can”.
Cầu Long Biên là nơi bắt đầu những mối tình đẹp…
Quân còn cho biết, ở trên cầu Long Biên bán hàng cũng đã lâu và từng là nhân chứng bất đắc dĩ chứng kiến những cái chết đau lòng của nhiều bạn trẻ nên lâu dần đã hình thành “khả năng đặc biệt” là “ngửi” thấy “mùi” người có ý định tự tử để ngăn chặn kịp thời.
Thực ra, khả năng “ngửi” thấy “mùi” người sắp chết của Quân và của người mẹ bán nước trên cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành dựa trên những biểu hiện lạ lùng của những người sắp nhảy cầu.
“Thông thường, những người muốn tự tử thường đi một mình, vẻ mặt u buồn, mắt cứ nhìn chằm chằm xuống dưới lòng sông Hồng không ngước lên hoặc thẫn thờ nhìn về phía xa xa… là những biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở một người có ý định lên cầu Long Biên để tự tử”, Quân cho biết.
Tuy nhiên, theo người phụ nữ bán nước, có nhiều trường hợp, những người muốn tự tử không có biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài hoặc có rất ít biểu hiện cụ thể nhưng bà và con trai vẫn có thể phát hiện ra được.
“Có không ít trường hợp, những người muốn nhảy cầu kết thúc cuộc sống của mình không để lộ ra bất kì biểu hiện nào. Thậm chí họ còn rất vui vẻ trước khi ra đi mãi mãi. Nhưng dù có thể nào thì chỉ một thoáng, vẫn có thể phát hiện ra được. Có lẽ do đã phải chứng kiến quá nhiều cái chết thương tâm nên tôi và con trai đã có “kinh nghiệm” và “cảm giác”. Có một số người khi không còn thiết tha với cuộc sống nữa thường tìm đến cầu Long Biên như một cách “ra đi” mát mẻ nhất và họ sẽ chỉ lựa chọn một điểm nào đó ở giữa cầu để đứng rất lâu. Đuổi cũng không đi. Thực ra phải chứng kiến những cái chết mà đa phần người chết đều còn trẻ quá, tôi thấy đau lòng lắm nên nếu phát hiện ra được người nào có ý định tự tử sẽ bằng mọi giá tìm cách khuyên can. Không hiểu sao, họ dại quá, cuộc sống còn bao nhiêu điều chưa làm được tại sao lại chọn cách đó chứ”, người phụ nữ bán nước thở dài đầy tiếc nuối về những số phận hẩm hiu.
Những cái chết thương tâm
Câu chuyện của tôi và mẹ con người phụ nữ bán nước trên cầu Long Biên vẫn tiếp tục dù cho trời đã khuya. Lúc này, trên cầu chỉ còn lác đác vài quán nước bán muộn vì vẫn còn những cặp đôi cố níu nhau những giây phút cuối ngày bên nhau.
Hướng ánh mắt về phía xa xa, phì phèo điếu thuốc cho đỡ lạnh Quân tiếp tục kể:
“Chỗ những cặp đôi đang ngồi ở góc kia mới cách đây vài hôm cũng là một vụ tự tử làm mình bị ám ảnh đến tận bây giờ vẫn chưa hết. Mình bị ám ảnh đến mức như vậy là vì đã phát hiện ra người tự tử là một bạn gái từ rất sớm nhưng cuối cùng không cứu được bạn ấy sau khi hết lời khuyên can và một phần do mất cảnh giác…”, nói đến đây, giọng của Quân bỗng trầm hẳn xuống pha chút gì đó rất buồn vì không thể cứu nổi một mạng người để sau đó họ ra đi mãi mãi ngay trước mắt của mình “Sau khi bạn ấy chết, thời gian đầu mỗi lần lên cầu mình còn mang theo hương để thắp cho linh hồn bạn ấy sớm siêu thoát”.
Tay vừa loay hoay thu dọn đồ đạc lỉnh kỉnh, mẹ của Quân tiếp lời: “Chẳng hiểu sao quán của tôi lại là địa điểm nhiều người đến để nhảy cầu như vậy nữa. Có lẽ do quán nằm ở giữa cầu. Có những vụ xảy ra bất ngờ khiến tôi bất ngờ, bàng hoàng đến thót cả tim. Có một trường hợp một cậu con trai nhà ở ngay Phúc Tân, cậu ta đi xe SH, ra dáng con nhà giàu, ăn mặc lịch sự và rất đẹp trai.
Trước đó, cậu ta từng qua chỗ tôi uống nước mấy lần liền, nhưng lúc nào ngồi uống nước cũng thấy vẻ mặt rất buồn. Thấy lạ, tôi lân la hỏi chuyện nhưng cậu ta bảo tôi đừng hỏi chuyện nữa. Thế rồi, vào tối hôm đó, cậu ta lại qua uống nước ở quán tôi. Lúc đó cũng có hai vị khách vào uống.
Tôi đang pha nước, pha được cốc thứ nhất thì cậu ta trả tiền, tôi bảo: “Cháu có chuyện gì thì nói ra, chia sẻ với mọi người cho đỡ buồn cháu ạ”. Cậu ta không nói gì, tay dúi tiền cho tôi. Đúng lúc đó, khách lại gọi, tôi vừa loay hoay pha nốt cốc nước cho khách chợt quay sang đã thấy cậu ta nhảy xuống cầu ùm một cái, tôi giật mình đến thót tim. Đến tận bây giờ, khoảnh khắc ám ảnh ấy vẫn làm tôi thấy sợ hãi vì mạng sống của một con người sao mong manh quá”.
Cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành đã trải qua nhiều thăng trầm và cũng là nơi nhiều nam thanh, nữ tú gieo mình tự vẫn
Người con trai tên Quân lúc này đã gói ghém xong đồ lên xe máy cố nán lại kể cho tôi thêm một câu chuyện đau lòng khác diễn ra tại chính vị trí tôi đang ngồi mà Quân đã chứng kiến nhưng không thể cứu được:
“Có một đôi nam nữ ở Hưng Yên, hai nhà sát vách nhau, học với nhau từ hồi cấp 3. Người con gái bán hàng thuê ở chợ Đồng Xuân cùng với mẹ và dì, còn người con trai thì làm ở quê. Hôm đó, người con gái hẹn anh con trai kia ra cầu Long Biên nói chuyện. Lúc đó vào tầm 4 giờ chiều. Mình đang dọn hàng, thấy người con trai cứ đứng khóc, đến khoảng 6 giờ tối thì bạn nữ kia đứng dậy với vẻ mặt lạnh lùng nói: “Thôi anh đi về đi, tôi đã bảo chia tay là sẽ chia tay”.
Rồi bạn nữ đó đi thẳng về phía trung tâm Hà Nội. Người con trai cứ đứng im lặng và sau đó chạy theo đưa bạn nữ này về một đoạn, rồi lại quay lại chỗ cậu đang ngồi bây giờ.
Thấy vậy mình liền túm lấy tay bạn trai đó vào mời uống nước để hỏi chuyện. Mình lấy cho cậu ta một cốc nước và đĩa hướng dương, bạn trai xin mình một điếu thuốc và ngồi kể chuyện. Sau khi kể xong thì cậu ta nói: “Anh ơi hôm nay là ngày em chết, em chết vì cô gái đó. Sau khi em chết rồi em sẽ phù hộ cho anh bán được hàng”.
Giật mình trước những câu nói ấy, tôi ngồi khuyên cậu ta mãi nhưng cậu ta vẫn cứ khăng khăng nói “hôm nay sẽ là ngày em chết”. Một lúc sau, cậu ta đứng dậy trả tiền, rồi lao đi rất nhanh. Đến cách chỗ mình một đoạn thì cậu ta trèo lên thành cầu nhảy xuống. Mình lao ra túm lấy tay cậu ta, nhưng vì tay ướt mồ hôi và cậu ta quyết nhảy xuống nên không cách nào giữ cậu ta lại được… Cảm giác nhìn một người chết ngay trước mắt mình mà không thể cứu khó tả lắm”.
Sự “ra đi”… đã được báo trước
Những cơn gió đêm thu lành lạnh vẫn tiếp tục thổi vào mặt, vào gáy tôi khiến những câu chuyện của mẹ con người bán nước trên cầu Long Biên thêm phần “liêu trai”.
“Lên đây để tự kết thúc cuộc sống của mình, có người có biểu hiện tự kỉ, có người thì lộ rõ nét ủ rũ và buồn chán, nhưng riêng cô bé mới nhảy cầu cách đây ít hôm không hề có một chút gì là sắp tự tử vì vậy chúng tôi không hề cảnh giác. Cô gái ấy đã ra đi khiến chúng tôi cảm thấy day dứt mãi đến tận bây giờ vì mình biết trước rồi mà không cứu được. Đến bây giờ, không hiểu sao mỗi khi nhắc đến cái chết của cô gái trẻ ấy, tôi tự dưng lại thấy đầu ong ong và đau hai bên thái dương”, người phụ nữ bán nước giữa cầu Long Biên ngước mắt nhìn về phía nơi cô gái trẻ đã nhảy cầu thở dài.
Tiếp lời người mẹ, cậu con trai tên Quân lúc này đã dọn xong hàng với gương mặt buồn thảm khi nhắc đến chuyện của cô gái mới tự tử trong ánh đèn vàng ệch của cầu Long Biên đã về khuya:
“Mình đã từng chứng kiến rất nhiều cái chết thương tâm trên cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành này nhưng không hiểu sao cái chết của cô gái tên Xuân đó vẫn cứ ám ảnh đến mãi tận bây giờ. Có lẽ do mình là người ở bên cạnh cô gái ấy suốt nửa ngày trời trước khi cô ấy quyết định nhảy cầu và trước khi sang “thế giới bên kia” còn tặng cho mình một cuốn nhật ký với những câu nói lạ lùng nên nó vẫn lưu mãi trong tâm trí đến bây giờ.
Quả thực, đêm hôm tận mắt chứng kiến cái chết của cô gái đó, về nhà mình không sao ngủ được. Về đến nhà, mình thậm chí còn không dám vào nhà ngủ ngay mà lấy vội 2 chai bia ngồi ở sân uống để có thể ngủ dễ hơn. Đến đêm hôm đó, nằm trên giường mình vẫn không tài nào ngủ được nhưng cũng không dám mở mắt ra vì… sợ. Hễ cứ mở mắt ra là hình ảnh cô gái tên Xuân đó lại hiện ra trước mắt…”.
Cô gái tên Xuân đó đã nhảy cầu ngay trước mắt Quân và người mẹ của anh.
Qua ánh mắt của cậu thanh niên tên Quân này, tôi cảm nhận được sự sợ hãi và bị ám ảnh thực sự từ cậu ta vì giọng kể nghẹn ngào pha chút sợ hãi.
“Vẻ mặt của cô gái tên Xuân ấy trước khi chết đến tận bây giờ vẫn ám ảnh mình mãi. Mình vẫn không thể lý giải nổi tại sao cô gái này lại có thể vui vẻ, hồn nhiên, vô tư đến như vậy. Thậm chí còn rất nhí nhảnh như trẻ con, đi chơi với mình cả buổi chiều sau khi mình phát hiện ra cô ấy đứng trên cầu một mình rất lâu”, Quân tiếp tục kể.
“Buổi chiều trước khi cô gái ấy “ra đi”, mình đã sớm phát hiện ra và có làm quen rồi hỏi chuyện. Tuy nhiên, khi mình tiến lại gần và làm quen được rồi thì cô gái xinh xắn tên Xuân ấy nở nụ cười rất tươi còn đùa: “Anh nhìn mặt em có giống người muốn tự tử không?”. Sau đó, cô gái này lại có những lời nói… gở kiểu như: “Không biết người ở dưới kia có uống được nước không anh nhỉ?” hay “Theo anh, cái được và cái mất, cái gì xa hơn?”.
Thêm một chi tiết nữa đó là Xuân còn mượn một cây bút bi để viết… nhật ký tặng mình vào chiều hôm ấy. Mình tò mò muốn xem nhưng Xuân dứt khoát không cho xem, còn chạy đi cười nhí nhảnh như trẻ con bảo: “Khi nào em về anh mới được mở đọc nhé”… Những câu nói rất khó hiểu đó dường như là một “ám hiệu”.
Khuôn mặt Quân càng căng thẳng hơn đến nỗi cậu ta phải nhấp vài ngụm nước trà chanh để lấy lại bình tĩnh: “Suốt từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm, Xuân không hề có biểu hiện gì lạ hay có ý định muốn nhảy cầu tự tử nên mình và mẹ chủ quan. Ngồi nói chuyện với mẹ mình chán chê, Xuân ra ngồi ở chiếc xe máy đang dựng gần đó và bảo mình đi lấy cho cô ấy xin cốc nước lọc.
Lúc đó, mình tưởng Xuân bị bệnh gì đó nên xin nước để uống thuốc. Mình có hỏi: “Em uống thuốc à?” Xuân trả lời: “Không em khát nước thôi”. Mình không mảy may nghi ngờ và đi lấy cho Xuân cốc nước, sau đó dắt xe cho khách đi cất, vừa dựng xong cái chân chống thì nghe một tiếng động và nghe thấy mọi người kêu lên rất to: “Có người vừa nhảy xuống sông rồi”.
Lúc đó, nói thực sự mình đã sốc nặng vì phát hiện ra người nhảy cầu chính là Xuân. Không thể ngờ, Xuân đã nhảy cầu ngay trước mặt rất nhiều người dù cho trước đó chưa đầy 1 phút, Xuân vẫn tươi cười nói chuyện với mình… Cảm giác thật sự rất khó tả dù cho cô ấy không có quan hệ gì với mình cả. Lúc đó, đồng hồ điểm đúng 10h10 phút…
Mình chạy lại thì không kịp nữa ! Mình bỗng giật mình mở quyển nhật kí của Xuân viết “tặng” ra để xem cô ấy viết gì. Mở cuốn nhật ký ra có một số điện thoại của một người con trai tên Tú và những dòng viết xin lỗi bố mẹ… Đặc biệt, Xuân còn viết một đoạn cho mình: “Em cảm ơn anh, em không nghĩ rằng trong phút cuối cuộc đời này em lại được làm bạn với anh”. Đọc xong những dòng chữ đó, mình không khỏi rùng mình vì cái chết của Xuân đã được báo trước từ lúc chiều mà không hề hay biết…”.
Trong ánh đèn vàng leo lét của cây cầu sắt cổ nhất Hà Thành, những con người dại dột đã tự gieo mình dưới dòng nước sông Hồng để kết thúc cuộc sống
“Ngay lập tức, mình đã gọi đến số điện thoại của người con trai tên Tú mà Xuân trăn trối. Tuy nhiên, sau khi mình gọi đến số điện thoại ấy với thái độ khá hốt hoảng: “Alo cho hỏi anh có phải tên là Tú ko?” Người ở đầu dây bên kia trả lời rất lạnh lùng và mất lịch sự: “Ờ, sao?”. Mình nói: “Có một bạn tên là Xuân, bạn ấy vừa nhảy cầu tự tử rồi. Em thấy trong túi đồ của bạn ấy có đựng quyển sổ ghi số điện thoại của anh. Nếu anh là người nhà thì lên ngay cầu Long Biên nhận đồ. Nhưng người bên kia trả lời rất dõng dạc: “Anh có bị làm sao không thế, nói linh tinh”.
Tối hôm đó, anh ta cũng không qua với lý do anh ta đang ở Yên Bái, lúc lại ở quê, rồi cứ khăng khăng nói mình là ăn nói linh tinh. Đến lúc công an gọi vào số máy đó nhưng anh ta không hề nhấc máy. Đến gần 3h sáng đêm hôm Xuân chết, có một số điện thoại lạ gọi cho mình, nhưng vì sợ quá nên không dám nghe và cố ngủ. Rất mệt mỏi sau một đêm khó ngủ, khi tỉnh dậy thì đã 7h sáng nhìn điện thoại vẫn có một tin nhắn đến.
Thì ra là của người tên Tú hỏi: “Anh ơi, cho em hỏi Xuân thế nào rồi, Xuân đâu rồi hả anh? Mình trả lời: “Muộn rồi, anh lên cầu thắp cho cô ấy nén hương. Anh ta nhắn lại: “Anh cứ nói linh tinh, Xuân đâu rồi anh cho em gặp Xuân”. Mình bực mình quá nhắn lại: “Mày có còn là con người không đấy? Nếu mày còn có tình người thì làm như tao bảo đi”, giọng của Quân trầm hẳn xuống nhưng vẫn đầy tức giận.
“Sáng hôm ấy, mình trộn ít muối gạo và rải nơi mà Xuân đã nhảy xuống. Mình còn mua một nắm xôi và một quả táo, một chai nước lọc và nắm hương lên thắp hương cho Xuân. Thắp hương cho Xuân mình nói: “Bạn ơi bạn có linh thiêng thì nếu người nhà đến tìm bạn về thì bạn phù hộ cho người nhà vớt được xác bạn lên”. Ngay sau chiều hôm đó thì có một đoàn xe người nhà Xuân đến nhận lại đồ đạc ở công an phường. Nghe nói, gã trai kia có đến thắp hương nhưng người nhà không cho vào.
Đến hôm sau thì mình nghe tin xác của Xuân được tìm thấy ở đoạn đầu Thái Bình. Thực sự mình không thể hiểu nổi tại sao cô gái ấy lại dại dột đến mức thế chứ? Cuộc sống còn rất nhiều thứ ta chưa làm được cơ mà !”, Quân nghẹn ngào nói với tôi.
Thương thay một kiếp con người
“Không hiểu vì lý do gì mà từ khi mở quán nước ở trên này, mình được chứng kiến rất nhiều vụ tự tử và rồi tự nhiên thành bản năng thế nào mà phát hiện ra rất nhiều trường hợp có ý định tự tử để ngăn lại thông qua những biểu hiện kì lạ của họ. Nhưng thông thường, những người tự tử họ đã chán ngán cuộc sống của mình nên dù ngăn bằng mấy họ vẫn tìm cách này hay cách khác để tự chấm dứt cuộc sống của mình”, Quân cho biết.
Đồng hồ lúc đó đã điểm 11h30 phút đêm nhưng câu chuyện của tôi và hai mẹ con người bán nước xem ra vẫn tiếp tục thêm một chút nữa. Không hiểu vì sao mà hai mẹ con người bán nước lại “hứng thú” kể cho tôi nghe những câu chuyện “sởn gai ốc” đến thế và họ cũng thi thoảng đưa ra những lời khuyên cho tôi. Có lẽ tại ban đầu họ nghi ngờ tôi có ý định tự tử nên cố nán lại để “cứu một mạng” người chăng (!?)
“Cách đây ít hôm, có một người đàn ông bế con ngay sát chỗ tôi bán hàng và còn quẳng cả bọc quần áo của đứa bé xuống sông. Có lẽ, người đàn ông này muốn cả hai bố con cùng trầm mình xuống dưới nước sông Hồng… May là người nhà ra kịp và có người ngăn lại nên vụ tự tử bất thành.
Theo một số người chứng kiến trực tiếp kể lại thì người đàn ông này hiện đang là một viên chức nhà nước và có cuộc sống khá ổn định nhưng đáng tiếc là có người vợ lăng loàn bồ bịch. Không thể chịu nổi người vợ như vậy và có lẽ do cảm thấy mình quá bất tài dẫn đến vợ đi bồ bịch nên người đàn ông dại dột ấy đã định kết thúc cuộc sống của mình cùng đứa con như một “bài học” để người vợ tỉnh ngộ ra…”, mẹ của Quân kể tiếp.
“Cuộc sống mỗi con người sinh ra có một hoàn cảnh. Mình bán hàng ở trên này đã gặp và nói chuyện với không ít trường hợp éo le. Nghe mà đau lòng, sinh ra lớn lên bao nhiêu năm mà họ có thể dễ dàng chấm dứt cuộc sống quá đơn giản.
Như trường hợp có một người đàn ông đến quán mình nói chuyện đến vài lần. Anh ta cũng đã kể cho mình nghe chuyện của gia đình anh ấy. Quả thực mình không thể hiểu nổi vì sao anh ta lại có thể nhảy cầu tự tử sau đó vài hôm ở bên kia cầu. Đó là một người đàn ông đẹp trai, phong độ, rất yêu vợ nhưng khi phát hiện ra vợ mình coi thường và đi lăng nhăng với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, thay vì tìm cách giải quyết, anh ta đã lấy cái chết của mình như một minh chứng và giải thoát.
Tuy nhiên, đa phần những trường hợp tự tử như người đàn ông kia không có nhiều trên cầu Long Biên. Thay vào đó là những bạn gái còn rất trẻ bị phụ tình rồi tìm cách quyên sinh dưới lòng nước sâu. Cây cầu Long Biên này mỗi ngày có rất nhiều các đôi đến chơi hoặc tỏ tình, chụp ảnh cưới để bắt đầu cho một tình yêu đẹp nhưng “nơi bắt đầu này cũng là nơi kết thúc” thật đau buồn. Mặc dù mình cũng có thể phát hiện ra và cứu được nhiều trường hợp nhưng làm sao xuể được khi những người đó không còn muốn sống… Quan trọng là bản thân họ đã”, giọng của Quân vừa nói vừa đầy tiếc nuối cho những kiếp con người sao quá dại dột.
Đồng hồ đã điểm 12h khuya, lúc này trên cầu Long Biên chỉ còn tôi, mẹ con Quân và một vài người bán nước nữa đang thu dọn chỗ bán hàng để về nhà. Gió càng lộng trên cầu Long Biên hơn bao giờ hết. Đêm thu trên cầu Long Biên đẹp nhưng sao thật u tịch.
Nguồn: Giaoduc