Một trong những điều làm nên đời sống văn hóa làng quê trước kia là các câu chuyện ma. Đó không phải là chuyện mê tín dị đoan. Đó là một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của những người dân quê. Và tôi là một đứa trẻ đã lớn lên trong những câu chuyện ma đó.
Ngày còn bé, vào những buổi tối, những đứa trẻ thường quây quần bên bà hoặc mẹ chúng và đòi nghe chuyện ma. Những câu chuyện không làm chúng tôi trở thành những đứa trẻ hư hỏng ngày nay như cãi lại cha mẹ, bỏ học, ăn trộm vặt, hút ma túy, đánh đập bạn cùng lớp, giấu một đống phao trong người vào thi, ngồi quán net suốt ngày chơi game, vào nhà nghỉ với bạn học khi vẫn ở tuổi vị thành niên… Ngược lại, chúng luôn mang đến cho những đứa trẻ non nớt như tôi ngày ấy một điều gì đó thật lạ lùng và gợi mở ra bao điều về cuộc sống. Trong những ngày nghỉ bây giờ, tôi thường trở về quê. Và mỗi lần về quê, tôi thường dậy sớm sang bên kia sông đi chợ. Mỗi lần đi qua sông, tôi lại nhớ về câu chuyện ma sông mà bà tôi kể cho tôi nghe. Khúc sông Đáy chảy qua làng tôi ngày ấy năm nào cũng có người chết đuối. Mà những người chết đuối đều là đàn ông. Bà tôi kể rằng: Vào những đêm trăng thanh vắng, người ta thường thấy một con ma sông bơi lội trên khúc sông chảy qua làng tôi. Con ma ấy là một cô gái da trắng ngần và tóc dài óng ả. Nhiều người trong làng nói rằng tóc con ma trôi bồng bềnh trong dòng nước sông từ bến làng tôi đến bến đò làng Vinh cách đó chừng 3 km. Cứ mỗi năm, con ma sông này dìm chết một người đàn ông tắm vào ban đêm.
Khi tôi là một thanh niên, những tối mùa hè oi bức, tôi thường cùng mấy người bạn ra sông tắm. Lúc đó, nước sông đã bớt đi hơi nóng của nắng trời suốt một ngày. Tôi lặn xuống sâu dưới đáy sông để cảm nhận được sự mát lạnh của sông đêm. Mỗi lần đi tắm sông đêm như thế này, mẹ tôi thường dặn dò tôi cẩn thận. Mẹ tôi vẫn bị câu chuyện về con ma sông và những cái chết của đàn ông làng hằng năm trên khúc sông đó ám ảnh. Hồi nhỏ, tôi đã nghe bà tôi kể đi kể lại hàng chục lần về con ma sông ấy. Có một lần tôi hỏi bà tôi con ma sông ấy ở đâu ra. Bà kể rằng: Những năm tháng rất lâu trước đó, một cô gái ở làng bên kia bờ của con sông thường ra sông tắm vào ban đêm. Một đêm, những gã đàn ông sống trên một chiếc thuyền chài đã cưỡng dâm cô trên dòng sông ấy rồi dìm chết cô. Cô gái bị chết oan đó biến thành một con ma sông. Đêm đêm, cô vẫn bơi chập chờn trên mặt sông và tìm cách dìm chết những người đàn ông ở khúc sông đó. Bà tôi bảo cô trả thù những gã đàn ông độc ác. Có một sự thật là những người đàn ông chết đuối trên sông hằng năm đều có một lai lịch không hay cho lắm.
Bà tôi bảo chỉ những ai sống không nhân nghĩa thì mới bị ma sông dìm chết. Nhiều người đàn ông biết chuyện ma sông dìm chết người những vẫn bị con ma ấy mê dụ. Bà tôi bảo con ma sông ấy đẹp mê hồn và đàn ông ai nhìn vào mặt con ma ấy thì ngay sau đó không biết gì nữa. Thế là con ma sông cứ thì thào, thì thào rủ người đàn ông bơi ra xa bờ. Đến giữa sông, con ma lặn xuống nắm chặt hai cổ chân người đàn ông và kéo xuống đáy sông. Nhưng làng tôi có một người đàn ông đêm nào cũng ra sông tắm và đi thả lưới mà chẳng bao giờ bị con ma sông ấy rủ rê. Con ma sông cứ bơi quanh người đàn ông ấy và tìm mọi cách để dìm anh xuống đáy. Nhưng nó chẳng bao giờ làm được gì. Có lúc nó tức giận hét vang lên và đập cho con nước tung lên như một trận mưa rào. Tôi hỏi bà vì sao con ma không làm gì được anh ấy thì bà tôi bảo rằng, vì anh ấy không bao giờ nhìn vào mặt con ma sông đẹp đến lạnh người ấy.
Câu chuyện về con ma sông cứ âm âm, u u trong tôi. Lớn lên, tôi đi học bên kia sông. Đó là trường cấp 3 Mỹ Đức B ở xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Trường của tôi ở ngay cạnh nhà ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên là Tổng giám đốc Đông dược Bảo Long, người mà báo chí đang nói đến rất nhiều. Những lúc ngồi trên đó, nhìn mặt sông, tôi lại nhớ đến câu chuyện về con ma sông bà tôi kể. Tôi tự hỏi không biết con ma sông có gương mặt đẹp đến nhường nào mà ai nhìn vào mặt thì không còn biết gì nữa. Rồi một ngày, tôi từ nơi trọ học đạp xe về nhà. Hôm đó là thứ bảy. Một cơn giông đến kéo theo mưa to khiến tôi không làm sao có thể gọi đò được. Tôi phải theo một người bạn học về nhà anh ấy nghỉ. Anh tên là Thành, ở làng Lai Tảo, Mỹ Đức, đối diện với làng Chùa của tôi qua con sông. Anh Thành đưa tôi ra sân kho của hợp tác xã. Bố anh đang ở đó để nhận khoai chia cho các hộ gia đình. Thành bảo bố đưa tôi về, còn anh gánh khoai về sau. Lúc bố anh Thành đưa tôi về, tôi mới nhận ra ông bị mù. Tôi sáng mắt nhưng không biết đường. Bố anh Thành mù nhưng ông đã đi trên con đường ấy gần nửa cuộc đời rồi.
Thế là, trên con đường đang mưa gió, một người mù dẫn lối cho một người sáng mắt. Về đến nhà, ông nấu cơm cho chúng tôi ăn rồi dọn dẹp chỗ ngủ cho tôi. Nhưng đến khoảng 9g đêm thì hết giông. Bầu trời trong vô cùng và trăng sáng như ban ngày. Lúc đó, tôi thấy sốt ruột và đòi về. Tôi biết mẹ đang mong và lo lắng vô cùng vì không thấy tôi về, bởi hôm đó là thứ bảy. Thứ bảy nào tôi cũng từ nơi trọ học về nhà trừ khi bị đau ốm. Ngày ấy không có điện thoại nên chẳng có cách gì liên lạc được với mẹ tôi. Thấy tôi đòi về, bố anh Thành không cho. Nhưng trăng càng sáng, tôi càng nhớ nhà và nhớ mẹ. Cuối cùng với sự kiên quyết và bồn chồn của tôi, bố anh Thành cho tôi về. Tôi đã đứng ở bến đò trong đêm trăng sau cơn giông và gọi đò. Nhưng gọi mãi mà chẳng thấy đò đâu. Người chèo đò chắc chắn nghe thấy tiếng gọi nhưng chẳng ai thức dậy xuống bến chèo đò trong đêm khuya khoắt như vậy. Gọi mãi không được, tôi quyết định bơi qua sông.
Tôi buộc quần áo và sách vở lên ghi đông xe đạp và bơi qua. Vì có nước nên tôi dễ dàng nâng chiếc xe đạp để khỏi ướt quần áo và sách. Nước sông mát lạnh chảy qua người tôi. Dòng sông như rộng vô bờ trong đêm trăng tĩnh lặng. Khi tôi đang bơi lặng lẽ qua sông thì bỗng có một làn gió lạnh thổi qua người. Tôi bỗng thấy chiếc xe đạp nhẹ tênh như một đám bèo lục bình nổi trên mặt sông. Tôi có cảm giác ai đó nâng tôi lên. Và tôi bàng hoàng nhận ra trước mặt tôi có ai đó đang bơi nhẹ nhàng như lướt trên mặt sông. Khi tôi vẫn còn bàng hoàng thì người bơi trước tôi từ từ quay lại. Tôi rùng mình buốt lạnh. Một gương mặt thiếu nữ hiện ra. Ma sông! Tôi khẽ kêu lên. Lúc đó tôi không kịp phản ứng gì cả. Tôi nhìn như mất hồn gương mặt con ma thiếu nữ ấy. Một thoáng sau, tôi nghĩ có lẽ do mình bị ám ảnh về câu chuyện ma sông bà kể suốt những năm tháng ấu thơ nên rơi vào trạng thái hoang tưởng. Tôi ngụp xuống sông, hy vọng nước lạnh làm tôi tỉnh lại. Nhưng con ma sông vẫn ở trước mắt tôi và tôi vẫn không sao rời khỏi gương mặt kì lạ nhưng quyến rũ đến kinh hoàng của con ma ấy.
Khi lên đến bờ, tôi vứt chiếc xe đạp ở sát mép nước, chạy thật nhanh lên bãi sông và quay lại. Con ma đang đứng sát mép sông nhìn tôi. Đến lúc đó, đầu óc tôi có vẻ tỉnh táo hơn. Câu chuyện về con ma sông mà bà tôi kể vụt qua đầu tôi nhưng vô cùng đầy đủ. Tự nhiên tôi bước mấy bước về phía con ma sông và thì thầm: “Đừng hại tôi, để tôi về với mẹ tôi”. Hình như tôi thấy con ma sông xúc động. Rồi con ma sông từ từ chìm xuống sông và biến mất. Gần bốn mươi năm đã trôi qua. Tôi bây giờ đã thành một ông già. Mọi sợ hãi, mọi hoang tưởng ở khía cạnh mê tín về những câu chuyện ma đã không còn. Nhưng một ý nghĩa khác từ những câu chuyện ma lại càng sáng tỏ hơn trong tôi. Và chuyện về con ma sông không còn là câu chuyện hoang đường nữa. Đó là một câu chuyện có thật, không phải một sự thật xấu xa hay có hại mà là một sự thật chúng ta cần suy ngẫm một cách nghiêm túc. Tôi đã gặp con ma đó. Tôi không tin tôi bị ảo giác. Nhưng vì sao con ma đó không dìm chết tôi? Có thể lúc đó tôi còn trẻ và trong sáng, có thể con ma đó vốn là một cô gái sống trong xóm nhỏ ven sông, cô rất yêu mẹ cô.
Khi cô bị dìm chết trong dòng sông, mẹ cô đã đau đớn tột cùng. Suốt nhiều tháng sau đó, đêm đêm mẹ cô ra bờ sông ngồi và khóc thương cô. Chính vì thế mà khi tôi nói với con ma sông ấy rằng tôi phải về với mẹ tôi thì con ma sông ấy đã xúc động. Một con ma có xúc động không? Tất nhiên là có vì ma chẳng qua là linh hồn của người đã khuất, nhưng vì lí do gì đó chưa rời khỏi thế gian để siêu thoát mà thôi. Sau này, người làng tôi không ai còn nhìn thấy con ma sông ấy hiện lên giữa những đêm trăng khuya khoắt nữa. Và cũng không còn những người đàn ông hằng năm bị chết đuối trên khúc sông Đáy chảy qua làng tôi nữa. Những người đàn ông ở mấy xóm cư dân sống bên bờ khúc sông đó đã lập một cái đàn tế. Mục đích lập đàn tế chỉ là để họ thay mặt những kẻ tội lỗi nói lời xin lỗi với linh hồn cô gái bị cưỡng dâm và dìm chết ngày xưa mà thôi. Có lẽ, khi nhận được lời xin lỗi thành thực, linh hồn cô gái đã siêu thoát. Câu chuyện lời xin lỗi của những người đàn ông ấy là một thông điệp cho những người sống. Nhưng buồn thay, chúng ta có quá ít những lời xin lỗi chân thành.
Nguồn: Phapluatvacuocsong