Quan điểm về sự sống ngoài vũ trụ mới chính thức nổi tiếng từ thế kỷ 20. Vì thế, có thể nói Nicholas xứ Cusa là nhà tư tưởng đi trước thời đại. Ông còn trở thành nguồn cảm hứng cho một số nhà thiên văn học và tư tưởng vĩ đại trên thế giới.
Từ thế kỷ 15, hồng y Nicholas xứ Cusa đã lập luận rằng người ngoài hành tinh có tồn tại. (Ảnh qua Locklip)
Hồng y Nicholas xứ Cusa (1401-1464) có rất nhiều cái tên: Nicolaus Cusanus, Nicholas xứ Kues, Nicolaus Krebs. Ông là nhà triết học, nhà thiên văn học, nhà thần học, tu sĩ người Đức. Ông là người không ngại thể hiện những quan điểm bị cho là dị giáo vào thời Trung cổ. Ông không chỉ chống lại quan điểm của Aristotle cho rằng Trái đất là trung tâm vũ trụ, mà còn lập luận rằng người ngoài hành tinh có tồn tại.
Nicholas xứ Cusa là linh mục sống ở thế kỷ 15. Những dạng quan điểm đầy thách thức của ông không hợp lòng Vatican, nhưng rốt cuộc sau này ông đã trở thành hồng y.
Quan điểm về sự sống ngoài vũ trụ chính thức nổi tiếng lần đầu là Thuyết Đa Thế Giới ở thế kỷ 20. Vì thế, có thể nói Nicholas xứ Cusa là nhà tư tưởng đi trước thời đại.
Nicholas xứ Cusa có cái nhìn độc đáo về sinh mệnh ngoài Trái Đất. Trong sách Learned Ignorance (tạm dịch: Sự ngu dốt uyên bác) trang 1439-1440, ông viết về người ngoài hành tinh trên các tinh cầu khác:
“Sự sống, được phát hiện trên Trái Đất ở hình dạng con người, động vật và thực vật. Vậy hãy giả sử ở Mặt Trời và các vì sao khác cũng tồn tại sự sống, nhưng là ở một dạng cao cấp hơn. Thay vì nghĩ chỉ có Trái Đất mới tồn tại sự sống còn ở các vì sao và những nơi khác ở Ngân hà thì không, hoặc dù có cũng chỉ là những dạng thực thể hạ cấp so với Trái Đất, chúng ta hãy thử giả định ở mỗi hành tinh đều có sự sống, khác nhau về bản chất theo thứ bậc và đều bắt nguồn từ Thượng Đế – chính là trung tâm và bao trùm cả vũ trụ.
Những gì chúng ta biết về sự sống ở những hành tinh khác vẫn còn rất sơ sài nên chưa thể có tiêu chuẩn chính xác để đánh giá họ.
Có thể phỏng đoán như thế này, ở tinh cầu Mặt Trời có tồn tại sự sống và họ là những cư dân thông thái và sáng dạ, có bản chất thiên về tâm linh nhiều hơn so với những cư dân ở Mặt Trăng – có thể là khá hoang dại – trong khi đó, cư dân Trái Đất lại thô thiển và vật chất hơn”.
Chân dung hồng y Nicholas xứ Cusa. (Tranh qua Wikipedia)
Có vẻ như Nicholas xứ Cusa đã gặp khó khăn khi xác định bản chất của những sinh vật ngoài Trái đất này. Có thể khi viết cư dân Trái Đất là thực thể yếu hơn so với những hành tinh khác, ông đã cho rằng nhân loại kém cỏi hơn.
Nhiều lần khác, ông lại nói nhân loại là thượng cấp. Ông cho ví dụ rằng không có gì độc đáo và hoàn hảo hơn bản chất tâm linh của chúng ta. Nicholas xứ Cusa đã không nhất quán về mặt logic rằng liệu ông hay chúng ta mới là người không biết gì bản chất của người ngoài hành tinh.
Một lý do giải thích cho việc Nicholas xứ Cusa tin rằng có người ngoài hành tinh là vì ông phản đối quan điểm của Aristotle – cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Theo ông, Thượng Đế mới là trung tâm của vũ trụ chứ không phải Trái đất.
“Vũ trụ không có đường tròn, vì nếu nó có một tâm và một đường tròn, thì sẽ có một số thứ nằm bên trên đường tròn đó, và vì thế những giả định sẽ không hoàn toàn chính xác.
Do đó, không thể nào đóng khung vũ trụ vào một đường tròn hữu hình và tồn tại một tâm hữu hình. Đường tròn và trung tâm của vũ trụ chính là Thượng Đế, vì thế có thể nói vũ trụ nằm ngoài năng lực hiểu biết của chúng ta. Và mặc dù vũ trụ không phải là vô hạn, nhưng cũng không thể nói nó hữu hạn, bởi vì vũ trụ không được giới hạn trong một giới hạn nào cả”.
Lăng mộ của Nicholas xứ Cusa. Nhà thờ S. Pietro ở Vincoli, Rome. (Ảnh: Nick Thompson)
Vì Đức Chúa Trời nằm ngoài thế giới vật chất, nên ở bất cứ đâu cũng có thể tồn tại những thực thể thông minh. Trên các hành tinh khác cũng có thể tồn tại các loài động vật, thực vật và các dạng thực thể thông minh khác.
Các tác phẩm và quan điểm của Nicholas xứ Cusa đã không bị ruồng rẫy. Ông trở thành nguồn cảm hứng cho một số nhà thiên văn học và tư tưởng vĩ đại như Giordano Bruno thế kỷ 16 và Tomaso Campanella thế kỷ 17.
Cả René Descartes thế kỷ 17 và nhà thiên văn học người Pháp François Arago ở thế kỷ 19 cũng ca ngợi Nicholas là người sùng đạo, có lòng tin vào Đa Thế Giới. Nicholas xứ Cusa cũng được Christian Huygens, các giám mục John Wilkins và Francis Godwin, Otto von Guericke ở thế kỷ 17, Voltaire ở thế kỷ 18 đề cập đến. Họ thường nhắc đến ông khi nói về đẳng cấp khác biệt giữa người ngoài hành tinh và nhân loại.
Nicholas xứ Cusa ủng hộ quan điểm về sự sống ở những thế giới khác. Ngày nay, hầu như không còn ai tranh cãi về điều này, nhưng ở thời đại của ông, đó được xem là quan điểm dị giáo và mang tính thách thức.
Nguồn: Ancient Pages