Dù là vật thể lớn nhất trong Thái Dương Hệ nhưng Mặt trời chỉ có kích thước trung bình nếu so với phần còn lại của các ngôi sao trong thiên hà Milky Way.
Nằm cách Trái đất 149,6 triệu km, Mặt trời được tạo thành từ dòng plasma nóng chảy đan xen với các trường điện từ, với nhiệt độ bề mặt lên tới 5.505 độ C. Phần lớn sự sống trên Trái đất có thể tồn tại và phát triển qua hàng tỷ năm đều nhờ vào Mặt trời.
Mặt trời lớn chừng nào?
Mặt trời gần như là một hình cầu hoàn hảo. Đường kính xích đạo và đường kính cực của nó chỉ chênh lệch nhau 10 km. Bán kính trung bình của Mặt trời là 696.000 km và đường kính của nó vào khoảng 1,392 triệu km. Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), bạn hoàn toàn có thể xếp 109 Trái đất nằm vắt ngang qua bề mặt Mặt trời.
Theo nhà khoa học năng lượng Mặt trời C.Alex Young của NASA, nếu Mặt trời rỗng phải cần đến khoảng một triệu Trái đất để lấp đầy nó. Trong khi đó nếu Trái đất rỗng chỉ cần khoảng 50 Mặt trăng để lấp đầy.
Tổng khối lượng của Mặt trời đạt 1,989 x 1030 kg, gấp khoảng 333.000 lần khối lượng của Trái đất. Xét về kích cỡ, nếu Mặt trời tương đương một quả bóng rổ thì Trái đất lúc ấy sẽ chỉ bé bằng một đầu que diêm.
Kích thước của Trái đất và Mặt trăng khi được đặt cạnh Mặt trời. (Ảnh: Mehmet Ergün)
Mặc dù nằm ở trung tâm và là thiên thể lớn nhất bên trong Thái Dương Hệ, nhưng Mặt trời chỉ là một ngôi sao kích cỡ trung bình trong hàng trăm tỉ ngôi sao thuộc dải Ngân hà. Chẳng hạn như, Betelgeuse, một ngôi sao đỏ khổng lồ, kích thước lớn gấp 700 lần và cũng sáng chói hơn 14.000 lần so với Mặt trời.
“Chúng tôi đã tìm thấy những ngôi sao có đường kính lớn gấp 100 lần Mặt trời. Thực sự những ngôi sao đó rất lớn”, NASA cho biết trên trang web SpacePlace của cơ quan này. Tuy nhiên cũng có những ngôi sao có kích thước chỉ bằng 1/10 so với Mặt trời.
Cũng theo các chuyên gia NASA, kích thước của Mặt trời có thể lớn hơn nhiều so với những con số từng được công bố bởi con người chưa thể đo đạt một cách chính xác ngôi sao này.
Nhà nghiên cứu Ernie Wright của NASA nói với tờ Space rằng việc đo đạc Mặt trời không đơn giản như bạn nghĩ, nó không phải là đặt một cây thước lên những hình ảnh thu được vệ tinh và đưa ra những con số. Kể cả việc sử dụng sự dịch chuyển của của Sao Thủy và Sao Kim để đo đạc cũng chưa chắc mang lại một kết quả như mong muốn.
Mặt trời và Trái đất
Mặt trời được phân loại là sao dãy chính loại G, hay sao lùn G, hoặc không chính xác hơn là sao lùn vàng.
Trên thực tế, Mặt trời – giống như các ngôi sao loại G khác – có màu trắng, nhưng xuất hiện màu vàng trong bầu khí quyển của Trái đất.
Kích thước của các hành tinh trong Hệ Mặt trời.
Các ngôi sao thường lớn hơn khi chúng “già đi”. Theo NASA, khoảng 5 tỷ năm nữa, các nhà khoa học nghĩ rằng Mặt trời sẽ bắt đầu sử dụng hết lượng hydro ở lõi, khi đó nó sẽ dần biến thành một ngôi sao đỏ khổng lồ và mở rộng quỹ đạo ra xa hơn so với hiện tại.
Bằng việc chạy giả lập trên máy tính các nhà khoa học phát hiện thay vì mờ nhạt và biến mất dần như suy đoán trước đây, sau khi chết, Mặt trời sẽ biến thành tinh vân hành tinh tuyệt đẹp có thể nhìn thấy rõ trong hàng triệu năm ánh sáng.
Dù Trái đất có thể vẫn tồn tại sau cái chết của Mặt trời, sự sống trên hành tinh sẽ diệt vong từ trước đó rất lâu. Khi Mặt trời già đi, nó sẽ trở nên ngày càng sáng, và trong hai tỷ năm tới, Mặt trời có thể nóng tới mức đun sôi các đại dương trên Trái đất.
Nếu lúc đó địa cầu còn cư dân, họ sẽ phải tính đến chuyện di cư sang một hành tinh khác, ví dụ như sao Hỏa, vốn sẽ trở nên ấm áp hơn nhờ cú bùng nổ của Mặt trời.
Nguồn: VNR
- Kính thiên văn phát hiện tín hiệu bất ngờ, thực sự đã tìm thấy người ngoài hành tinh?
- Phát hiện mới ở lăng mộ Vua Tut
- Một nguồn bí ẩn phát ra gần 2.000 chớp sóng vô tuyến trong chưa đầy hai tháng, nghiên cứu tiết lộ